Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chính phủ, xã hội dân sự và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng đất nước.
Dịch từ bài “The role of business in nation-building” đăng trên tờ The Economic Times (Ấn Độ) ngày 21/12/2009.
Chúng tôi chọn đăng bài này, cùng với một số bài khác của các tác giả Ấn Độ bàn về sự nghiệp kiến quốc của nước này, vì sự gần gũi của nó với bối cảnh Việt Nam. Ấn Độ, dù là một nước lớn và là một nước dân chủ, đang phải giải những bài toán của một nước đang phát triển, với tỷ lệ nghèo đói và trình độ học vấn ở mức đáng lo ngại. Ý kiến về vai trò của doanh nghiệp trong sự nghiệp kiến quốc dưới đây, tuy đặt trong bối cảnh Ấn Độ, lại rất đáng tham khảo cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.
***
Có ba cột trụ tách bạch chống đỡ cho quá trình xây dựng một quốc gia. Một là chính phủ, hay có thể gọi là sự lãnh đạo chính trị, hai là xã hội dân sự, và ba là giới doanh nghiệp. Ba cột trụ này phải hợp tác với nhau để thúc đẩy quá trình kiến quốc.
Ngày nay, cuộc tranh luận về việc liệu doanh nghiệp có vai trò gì trong quá trình xây dựng quốc gia hay không đã hoàn toàn được giải quyết. Doanh nghiệp được công nhận là một nhân tố đóng góp trọng yếu vào quá trình này. Tuy nhiên, phần lớn lịch sử không nhìn nhận như vậy. Trong những năm 1960 và 1970, thậm chí 1980, quan niệm chung là chỉ có sự can thiệp của chính phủ mới gây dựng nên các quốc gia.
Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru (1947-1964), thể hiện rõ quan điểm này khi nói rằng khối nhà nước là “ánh đèn dẫn đường” cho nền kinh tế. Nhưng công bằng mà nói, quan điểm của ông phù hợp với thời kỳ đó. Lúc đó, quy mô kinh tế tư nhân của Ấn Độ còn rất nhỏ, còn vai trò xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho một đất nước rộng lớn như Ấn Độ lại quá lớn.
Trở lại với hiện tại, hãy cùng nhìn vào một lĩnh vực quan trọng cốt yếu của cơ sở hạ tầng. Ngày nay, chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20km đường cao tốc một ngày, tức là 7.000-8.000 km một năm. Tương tự với ngành năng lượng, chúng ta cần nhanh chóng bổ sung năng lực phát điện để vượt qua tình trạng thiếu điện mà người dân đến nay vẫn phải chịu đựng.
Để thúc đẩy thương mại quốc tế, chúng ta đã thực hiện vài dự án xây cảng mới hoặc hiện đại hóa các bến cảng đang có. Với những dự án lớn này, chúng ta đang cân nhắc đầu tư tới 1,5 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm nữa. Trong giai đoạn này, Ấn Độ sẽ là một công trường lớn. Trung Quốc đã trải qua thời kỳ này, Ấn Độ cần phải nhanh chóng bắt kịp.
Vậy ai sẽ làm việc này? Rõ ràng là chỉ riêng chính phủ không thể kham nổi. Nếu làm được thì chúng ta đã làm rồi. Câu trả lời phải là: cả nhà nước – tư nhân sẽ cùng phối hợp để biến mục tiêu này thành hiện thực. Trong kế hoạch làm 20km đường cao tốc một ngày, một nửa sẽ do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Về vấn đề năng lượng, hơn một nửa năng lực phát điện mới của Ấn Độ sẽ do tư nhân đảm trách. Chúng ta đã chứng kiến một số sân bay mới đang được xây dựng nhờ mô hình công – tư hợp doanh ở Mumbai, Delhi, Bangalore và Hyderabad. Trong việc xây các đường ống dẫn dầu thì mô hình này còn được áp dụng nhiều hơn.
Tôi muốn đưa một ví dụ nhỏ trong ngành viễn thông mà tôi đang làm việc. Cho đến khoảng 20 năm trước, điện thoại còn là hàng hiếm do chính phủ kiểm soát chặt chẽ. 10 năm trước, nó vẫn được xem là xa xỉ phẩm. Năm năm trước, hầu như gia đình trung lưu mới nào cũng có.
Hôm nay, có lẽ không phải ai cũng có điện thoại, nhưng tới hơn 95% dân số Ấn Độ sống dưới vùng phủ sóng mạng điện thoại di động và hầu như ai cũng có thể hòa mạng. Để làm được vậy, chúng ta đã phải đầu tư hàng tỷ đô vào viễn thông.
Viễn thông sẽ trở thành một lĩnh vực tối quan trọng trong công tác kiến thiết hạ tầng quốc gia. Mặc dù nhiều người Ấn Độ có thể chưa từng dùng qua các dịch vụ nào khác ngoài gọi điện, nhắn tin trên điện thoại di động, tiềm năng của nó là vô tận. Các mạng băng thông rộng sẽ là chuyện bình thường. Chuyển tiền di động và thương mại di động sẽ mở ra những khả năng không có giới hạn.
Hãy xét một ví dụ đơn giản là những lao động di cư từ các bang như Bihar và Orissa sang Punjab và Haryana trong mùa thu hoạch. Bởi ở nơi xa xôi hẻo lánh, không có các chi nhánh ngân hàng chính thức, họ phải nhờ người khác mang tiền đựng trong phong bì về cho gia đình ở quê. Việc này có thể sớm thay đổi nhờ ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại di động.
Người ta có thể chuyển các khoản tiền nhỏ, từ 50 Rs tới 5.000 Rs (từ 16.000 đến 1,6 triệu đồng) một cách an toàn và đảm bảo trên thời gian thực, nhờ mạng di động ở cả trong và ngoài Ấn Độ với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với ra ngân hàng. Tác động tiềm tàng của nó sẽ là khổng lồ bởi Ấn Độ hiện có tới hơn 500 triệu khách hàng di động, trong số đó 200 triệu người không có tài khoản ngân hàng.
Việc này có thể gây chấn động, làm thay đổi cuộc chơi đối với ngành tài chính, một yếu tố quan trọng trong quá trình kiến quốc. Hiện tại, ngành tài chính và viễn thông đang chờ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) bật đèn xanh để triển khai dịch vụ này.
Tiếp theo, hãy xét đến nông nghiệp. Người Ấn lãng phí gần 35 triệu tấn nông sản mỗi năm. Với một nước mà 25-30% dân số còn sống dưới mức nghèo đói thì đây là một sự lãng phí khổng lồ. Câu hỏi đặt ra là, một mình chính phủ có thể chấm dứt sự lãng phí này không?
Câu trả lời đơn giản là không. Chúng ta cần đầu tư quy mô lớn vào các chuỗi bảo quản đông lạnh và công tác quản lý chuỗi cung ứng. Điều này chỉ có lĩnh vực tư nhân mới làm được. Chúng ta cũng cần phải đổ nhiều tiền vào đầu tư cho khâu xử lý sau thu hoạch và chế biến thực phẩm nữa.
Trong vấn đề này, chính phủ cần phải đóng vai trò xúc tác, cắt giảm các quy định và luật lệ rườm rà đang giới hạn hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ cũng có thể mở cửa ngành bán lẻ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, do việc đầu tư vào các chuỗi cung ứng có quan hệ tương quan trực tiếp với sự phát triển của ngành bán lẻ có tổ chức.
Vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân thực sự vượt ra ngoài hoạt động thuần kinh doanh, vốn được định nghĩa chỉ là kiếm lợi cho nhà đầu tư. Trước khi tôi đào sâu vào khái niệm từ thiện doanh nghiệp, tôi muốn nhắc đến một khái niệm gọi là “doanh nghiệp xã hội” do khôi nguyên Nobel Mohammed Yunus người Bangladesh đưa ra trong bài phát biểu gần đây trước Quốc hội Ấn Độ.
Khái niệm này đề cập đến một mô hình kinh tế tự tuần hoàn mà không cần phải mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Thay vì lợi nhuận, các cổ đông của những doanh nghiệp này có động cơ chủ yếu là mong muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho xã hội. Yunus nhấn mạnh rằng, một đồng cho từ thiện có thể giúp được ai đó một lần, nhưng một đồng đầu tư vào doanh nghiệp xã hội có thể giúp ích vô số lần.
Bây giờ hãy xem xét trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là điều đã trở thành chuẩn mực cho bất kỳ một doanh nghiệp lớn nào ngày nay. Nó là một khái niệm đa chiều. Việc vận hành của doanh nghiệp nay cần phải phù hợp và giúp bảo vệ môi trường một cách bền vững trong dài hạn. Ngoài ra, một khía cạnh khác là doanh nghiệp cần tuân thủ các chuẩn mực quản lý để duy trì niềm tin của nhà đầu tư cũng như của xã hội dân sự.
Từ thiện là một lĩnh vực khác cho giới doanh nghiệp tham gia vào sự nghiệp kiến quốc. Tại Ấn Độ, các tập đoàn gia đình lớn đã trải qua nhiều giai đoạn làm từ thiện khác nhau. Trong những năm đầu sau độc lập, các đại gia như nhà Tatas, nhà Birlas và nhà Dalmias nổi tiếng vì các khoản đóng góp hào phóng cho công tác xây dựng trường học, đại học và bệnh viện.
Động lực lớn để làm từ thiện ở Ấn Độ là tình trạng nghèo đói rộng khắp. Sau đó, tới những năm 1960, 1970 và thậm chí 1980, các doanh nghiệp chật vật vì thuế cao và nhiều quy định quan liêu. Khi đó, vận hành được công ty không thôi đã khó chứ đừng nói đến đóng góp cho xã hội. Nhờ tự do hóa, mọi chuyện sau đó đã thay đổi. Các doanh nghiệp hiện đều tự tin hơn, cả về hiện tại và tương lai, và lại sẵn sàng góp phần làm điều tốt đẹp cho xã hội.
Giáo dục chắc chắn là một trọng tâm lớn trong các sáng kiến từ thiện của rất nhiều doanh nghiệp. Quỹ Bharti của chúng tôi đang vận hành 236 trường tiểu học với hơn 30.000 học sinh. Rất nhiều doanh nghiệp cũng đang hỗ trợ các sáng kiến phát triển kỹ năng cho người lao động.
Cá nhân tôi tin rằng giáo dục là thành tố tối quan trọng trong sự kiến quốc của Ấn Độ. Hiện tại, 320 triệu người Ấn là trẻ em trong độ tuổi từ 6-16. Mười năm nữa, các em sẽ bước vào độ tuổi lao động. Thất bại trong việc tiếp cận một cách có hiệu quả đối với nhóm dân số lớn này sẽ gây hậu quả tai hại. Chúng ta đã chứng kiến các dấu hiệu hoảng loạn dưới bóng dáng của chủ nghĩa khủng bố Mao Trạch Đông rồi đó. (Các nhóm khủng bố có tư tưởng dựa trên các bài giảng của cố lãnh đạo Trung Quốc – ND)
Câu hỏi là: giới doanh nghiệp đã làm đủ chưa? Thật khó đưa ra câu trả lời rõ ràng. Người Ấn vốn có rào cản văn hóa rất lớn đối với việc tặng cho tài sản cá nhân. Trái với phương Tây, ràng buộc các thế hệ trong gia đình người Ấn rất mật thiết và cha mẹ thường để lại hết tài sản cho con cái.
Các bậc phụ huynh phương Tây thì thường dùng tài sản cá nhân để góp phần thúc đẩy các mục tiêu xã hội mà họ mong muốn hơn. Các ví dụ dễ thấy là hoạt động từ thiện của vợ chồng Bill Gates hay tỷ phú Warren Buffett. Họ đều lập ra các quỹ từ thiện trị giá hàng tỷ USD.
Cần rất nhiều thời gian để thay đổi được văn hóa. Do đó, có lẽ phải một thời gian nữa chúng ta mới được chứng kiến những thay đổi về phương diện này ở Ấn Độ. Nhưng quả thực cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đã và đang tồn tại một tinh thần từ thiện khá mạnh. Tôi trông đợi họ sớm gia tăng quy mô các hoạt động từ thiện trong thời gian tới.
Đối với tôi, lời nói của bậc Quốc phụ (Mahatma Gandhiji) vẫn mang tới niềm cảm hứng tự nhận thức sâu sắc nhất về việc cho đi: “Tôi rồi sẽ chỉ lướt qua thế giới này một lần thôi. Bởi thế, có điều gì tốt đẹp, có điều gì tử tế mà tôi có thể làm cho đồng loại, hãy để tôi làm ngay. Tôi hãy đừng trì hoãn, đừng lờ đi, bởi vì tôi sẽ không đi qua con đường này lần nữa”.