Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Đến giờ thì truyền thông quốc tế đã có đầy các bản tin về việc 17 bang của Mỹ cùng “tham gia” vào vụ bang Texas kiện bốn bang Pennsylvania, Georgia, Wisconsin và Michigan lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Chỉ nhìn thoáng qua các tiêu đề do giới báo chí Anh – Mỹ đặt, người đọc dễ có hình dung rằng đây là một vụ kiện ban đầu chỉ có bang Texas làm nguyên đơn (hay là bên đi “đánh trống kêu oan”) và bỗng nhiên có thêm 17 bang khác cùng hò nhau nhảy vào “chung lưng đấu cật” với bang Texas, tất cả cùng ủng hộ những cáo buộc về gian lận bầu cử trong đơn kiện của bang Texas.
Cách hình dung như thế là không đúng, có thể do hiểu một cách trực tiếp nhất các từ khóa quan trọng mà giới báo chí Anh – Mỹ dùng.
Ví dụ, trang tin Independent của Anh (vốn xưa nay đã có tiếng là hay giật tít quá lố) đưa tin như sau: “Texas joined by 17 red states in Supreme Court lawsuit to overturn Trump’s election defeat”.
Dịch ra tiếng Việt: 17 bang “đỏ” tham gia vào đơn kiện của bang Texas nhằm lật ngược thất bại bầu cử của Trump.
Trang tin Dallas News của Mỹ thì đưa tin: “17 states side with Texas in Supreme Court lawsuit aiming to overturn Biden wins in four states”.
Dịch ra là: 17 bang đứng về cùng phe với bang Texas trong đơn kiện tại Tối cao Pháp viện nhằm lật ngược chiến thắng của Biden tại bốn bang.
Với các động từ join – “tham gia” hay side (with) – “về cùng phe”, còn có cách hiểu nào khác hơn là 17 bang được nêu đang cùng bang Texas kiện bốn bang tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ?
Không hẳn là như thế.
Có các khoảng cách sắc thái nhất định giữa “join”, “side with”, và “cùng nhau kiện” hay nói dân dã hơn là… “kiện hội đồng”.
Để hiểu các khoảng cách sắc thái đó, chúng ta phải hiểu một từ khóa quan trọng: amicus curiae.
Từ khóa này chính là định nghĩa rõ ràng nhất về tư cách pháp lý và tác động pháp lý của 17 bang trong vụ kiện này của bang Texas.
Bởi vì là đơn gửi tòa dài tổng cộng 30 trang của 17 bang đó là một đơn amicus curiae (amicus curiae brief), như chúng ta có thể thấy ngay từ tiêu đề đơn.
Amicus là từ tiếng Latin, được ghép từ amo (có thể hiểu là “tôi yêu thích”, “tôi ái mộ”) và hậu tố –icus nghĩa là “của”, “thuộc về”. Amicus theo đó dùng để chỉ “người bạn” (friend). Chính amicus là gốc cho từ để chỉ bạn bè trong tiếng Pháp hiện đại, ami.
Curiae, cũng là từ tiếng Latin, thì là thể số nhiều của curia nghĩa là “tòa án”.
Đi cùng nhau, amicus curiae mang nghĩa “người bạn của tòa án” hay trong tiếng Anh là “friend of the court”.
Ở thể số nhiều, những người bạn của tòa án sẽ là amici curiae.
Một đơn amicus curiae có nghĩa là một đơn được gửi cho tòa án và bên gửi đơn lấy danh nghĩa là amicus curiae (người bạn của tòa) để gửi đơn đó.
Quan hệ “bạn bè” ở đây không hiểu theo nghĩa thông thường. Mối quan hệ “bạn bè” ở đây là một mối quan hệ pháp lý mà bên nắm đằng chuôi là tòa án.
Tức là quyết định có nhận đơn được gửi hay không hoàn toàn là do bên tòa án quyết định, và bên gửi đơn đó tự xưng là “bạn của tòa” không phải dựa vào một mối quan hệ cá nhân, xã hội nào đó mà là dựa vào việc bên gửi đơn đang trao cho tòa một thông tin nào đó sẽ giúp cho tòa đưa ra quyết định một cách tốt hơn trong một vụ việc cụ thể nào đó.
“Tôi không có liên quan đến vụ việc mà tòa đang xử. Nhưng tôi là một người bạn của tòa nên muốn giúp tòa làm việc một cách hiệu quả nhất. Do đó tôi gửi đơn này có chứa các thông tin có ích cho công tác của tòa”. Đó là bản chất của một lá đơn amicus curiae.
Nói thẳng thì đây là một mối quan hệ mà dân gian hay gọi là FWB hay “friends with benefits”, tức là bạn bè vụ lợi.
Mối quan hệ pháp lý dựa trên vụ lợi này có nguồn gốc sâu xa từ nền thông luật (common law) của Anh Quốc mà Hoa Kỳ kế thừa và vẫn đang liên tục phát triển.
Ban đầu, các amici curiae thường là những công dân có mặt tại tòa, không hề có liên quan đến bên nào trong vụ kiện nhưng có thông tin quan trọng nào đó giúp tòa tránh đưa ra phán quyết oan sai. Thế nên họ xung phong lên tiếng trước tòa và được tòa lắng nghe tiếp nhận thông tin.
Một ví dụ amicus curiae thuở sơ khai là một trường hợp vào năm 1656, tòa kia đang bối rối không biết giải quyết vụ việc thế nào vì nội dung một luật thành văn hơi mông lung. Thế là có ông nghị sĩ Quốc hội Anh kia bèn tâu lên tòa rằng “Ồ, tôi có mặt ở Quốc hội vào cái hôm luật này được thông qua nè, tôi sẵn sàng cho tòa biết ý định lập pháp của Quốc hội khi thông qua luật này là gì!”.
Càng về sau này, cùng với hệ thống tòa án, mối quan hệ amicus curiae càng trở nên được chuyên nghiệp hóa và mang nặng tính giấy tờ sổ sách hơn.
Các tòa án không còn để các amici phải “ăn theo nói leo” ngay giữa lúc xử án nữa mà thường có quy định cụ thể cho việc tiếp nhận thông tin từ amici curiae trước khi tòa tiến hành xử án.
Từ đó mà khai sinh các lá đơn amicus curiae. Trong tiếng Anh hiện đại gọi là “amicus curiae brief” – đơn amicus curiae hay nói gọn là “amicus brief” – đơn amicus”.
Ngày nay, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có sáu quy định dài dòng cụ thể về cách thức gửi đơn amicus.
Từ các quy định đó có thể thấy là việc gửi đơn amicus là một hoạt động khá mở và được Tối cao Pháp viện hoan nghênh. Một bên gửi đơn amicus có thể tùy nghi gửi đơn này để ủng hộ bên nguyên hoặc bên bị trong vụ kiện.
Trong lá đơn amicus của mình, 17 bang Hoa Kỳ – do ông Tổng Chưởng lý (Attorney General) của bang Missouri đại diện – ghi rõ mục đích của họ là ủng hộ cho đơn kiện của bang Texas.
Với một hiểu biết chính xác về mối quan hệ amicus curiae, chúng ta có thể thấy là việc cánh báo chí dùng các từ “join” hay “side with” để chỉ việc gửi đơn amicus của 17 bang kia có vẻ không hề sai, nhưng cách dùng từ đó chắc chắn không đầy đủ.
Và khi những “join” hay “side with” đó được dịch sang một ngôn ngữ khác mà không đi kèm các giải thích cụ thể về amicus curiae thì hoàn toàn có thể dẫn đến cách hiểu sai là Texas và 17 bang kia cùng đứng tên làm nguyên đơn trong vụ kiện và đang “kiện hội đồng” bốn bang Pennsylvania, Georgia, Wisconsin và Michigan.
Quy định đầu tiên của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về đơn amicus chính là đương đơn phải cho tòa biết một vấn đề có liên quan (“relevant matter”) gì đó mà tòa chưa được các bên của vụ kiện cho biết. Nếu không làm được việc này thì một lá đơn amicus sẽ bị xem là “làm phiền tòa” (“burden the Court”).
Một đánh giá sơ lược ban đầu về vai trò của đơn amicus từ 17 bang đến từ giáo sư luật Stephen Vladeck, một chuyên gia về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ của trường luật Đại học Texas. Ông Vladeck cho rằng lá đơn amicus này không nói rằng đơn kiện của bang Texas là đúng đắn, và cũng không giúp giải quyết các khiếm khuyết đang có trong đơn kiện của bang Texas. Lá đơn amicus đó chỉ nói rằng “vụ kiện này rất quan trọng”.
Tùy vào các đánh giá cụ thể về nội dung lá đơn amicus, chúng ta có thể có các kết luận khác nhau về tác động của lá đơn đó.
Tuy nhiên, lịch sử amicus curiae trước giờ của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có thông tin nào giúp chúng ta đánh giá tác động đó không? Có.
Trong một nghiên cứu năm 2000, các nhà nghiên cứu Kearney và Merrill sử dụng dữ liệu từ 6.000 phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vòng 50 năm. Họ so sánh xem các bên nào hay gửi đơn amicus góp phần giúp cho một bên của vụ kiện giành được chiến thắng nhất.
Kearney và Merrill đưa ra một kết luận rằng cơ quan gửi đơn amicus có tỷ lệ giúp giành chiến thắng cao nhất là Văn phòng Solicitor General của Bộ Tư pháp Mỹ, tức là văn phòng của luật sư trưởng chuyên trách đại diện chính phủ Hoa Kỳ trong các tranh tụng trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. (Chức vụ Solicitor General này chưa có cách dịch chính xác nhất trong tiếng Việt nhưng nó không phải là chức vụ Tổng Chưởng lý – Attorney General vốn là vị trí đứng đầu Bộ Tư pháp Mỹ.)
Một kết luận khác của Kearney và Merrill là các đơn amicus ủng hộ bên bị kiện (respondent) thường có tỷ lệ góp phần dẫn đến chiến thắng của bên bị kiện cao hơn.
Một nghiên cứu dữ liệu lớn năm 2018 có liên quan cụ thể đến các thẩm phán đương nhiệm tại Tối cao Pháp viện hiện nay thì cho thấy là các đơn amicus có tác động nhất định lên phán quyết của các thẩm phán đó. Các thẩm phán có dấu hiệu tiếp nhận tích cực các thông tin từ các đơn amicus nhất là các thẩm phán có khuynh hướng trung dung (moderate). Một nghiên cứu dữ liệu lớn khác từ năm 2019 thì cho thấy là càng có nhiều các đơn amicus từ nhiều tổ chức và các nhóm lợi ích khác nhau liên quan đến cùng một vụ kiện thì càng có khả năng vụ kiện đó sẽ được các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nhận xử.