Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vì sao mạng xã hội lớn nhất thế giới bị kiện? Ai kiện họ, và chuyện gì sẽ xảy ra?
Ngày 9/12/2020, chính phủ liên bang Mỹ và hơn 40 bang kiện Facebook “độc quyền mạng xã hội”. Đây được xem là động thái pháp lý lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ Mỹ chống lại một tập đoàn công nghệ lớn (tiếng Anh hay gọi là “Big Tech”).
Đầu đuôi việc này là sao và nó ảnh hưởng đến người dùng Facebook như thế nào?
Có hai vụ kiện chống lại Facebook. Một là của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). Vụ còn lại là đơn kiện của liên minh 46 bang, Quận Columbia và đảo Guam của Mỹ. Cả hai vụ kiện đều có cùng nội dung, nhắm vào các hành động bị cáo buộc là độc quyền mạng xã hội của Facebook, yêu cầu công ty này phải từ bỏ quyền sở hữu WhatsApp (ứng dụng nhắn tin miễn phí) và Instagram (mạng xã hội chuyên chia sẻ hình ảnh và video).
Hai đơn kiện cáo buộc Facebook dùng thủ đoạn “thâu tóm hoặc đè bẹp” để dập tắt các đối thủ cạnh tranh, độc chiếm nền tảng mạng xã hội cá nhân.
“Kể từ khi vượt lên đối thủ ban đầu là Myspace và đạt được vị thế độc quyền, Facebook đã chuyển sang chiến lược phòng thủ thông qua các biện pháp phi cạnh tranh”, đơn kiện của FTC viết.
“Sau khi xác định được hai mối đe dọa cạnh tranh lớn tới vị thế thống trị của mình là Instagram và WhatsApp, Facebook đã dùng cách mua lại hai công ty này để dập tắt các mối đe dọa. Điều này phản ánh lập trường của CEO Mark Zuckerberg, được tiết lộ qua một email năm 2008, rằng ‘thà bỏ tiền ra mua còn hơn là phải cạnh tranh.’”
Đơn kiện của liên minh 48 tổng chưởng lý các bang và vùng lãnh thổ Mỹ cũng có cáo buộc tương tự. Đơn viết: “Facebook, với chiến lược mua lại và tống khứ của mình, đã đè bẹp các mối đe dọa cạnh tranh và gửi một thông điệp tới các hãng công nghệ, rằng nếu bạn bước vào địa hạt của Facebook hay không chịu bán mình, Zuckerberg sẽ bật ‘chế độ phá hủy’ và công ty của bạn sẽ phải nếm trải ‘cơn thịnh nộ của Mark’”.
Bên nguyên đơn – chính phủ Mỹ và các bang – yêu cầu Facebook phải “phi tập trung hóa”, tức là tách Instagram và WhatsApp ra khỏi nền tảng của mình. Tức là nếu FTC thắng kiện thì Facebook có thể bị buộc phải bán lại hai dịch vụ đang rất hấp dẫn người dùng trẻ và đóng góp lớn vào thành công hiện tại của công ty. Ngoài ra, các bang còn yêu cầu Facebook phải thông báo trước cho họ bất kỳ giao dịch mua bán – sáp nhập nào trị giá trên 10 triệu USD và không được lặp lại các hành vi phi cạnh tranh trong tương lai.
Đơn kiện của FTC dẫn ví dụ về việc Facebook có ý muốn mua lại Twitter và Snapchat nhưng thất bại.
“Khi than vãn rằng Twitter đã từ chối đề nghị mua lại của Facebook năm 2008, ông Zuckerberg viết: ‘Tôi đã hy vọng chúng ta có thêm thì giờ để phát triển sản phẩm của mình mà không phải lo lắng rằng một đối thủ đang lớn mạnh hơn’”.
Trọng tâm thứ hai trong đơn kiện là cáo buộc Facebook áp dụng các biện pháp phi cạnh tranh để duy trì sự độc quyền. Cụ thể là Facebook chủ động hạn chế ứng dụng của các nhà phát triển bên thứ ba tương tác với giao diện của Facebook, thuật ngữ chuyên ngành là Giao diện Lập trình Ứng dụng (API).
FTC lấy ví dụ rằng vào năm 2013, Facebook đột ngột chặn quyền tiếp cận API của ứng dụng chia sẻ các đoạn video ngắn Vine của Twitter, khiến cho người dùng ứng dụng này không thể tiếp cận được với bạn bè qua Facebook.
“Đơn kiện cáo buộc Facebook đã thi hành các chính sách cắt quyền truy cập API để dập tắt những ứng dụng bị cho là mối đe dọa cạnh tranh từ các dịch vụ mạng xã hội đối thủ, các ứng dụng nhắn tin và các ứng dụng khác có chức năng mạng xã hội”, FTC viết.
“Các hành vi độc quyền hóa mạng xã hội này đã mang về lợi nhuận khổng lồ cho Facebook”, đơn kiện viết.
Cơ bản là như vậy.
Năm 2012, Facebook mua Instagram với giá một tỷ USD. Năm 2014, họ lại mua tiếp WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Cả hai thương vụ này đều không bị FTC cản trở sau những cuộc rà soát, đánh giá chi tiết.
Tuy nhiên, FTC nói vụ kiện lần này có quy mô lớn hơn nhiều hai vụ mua lại tỷ đô trên. “Chúng tôi đang thách thức một hành vi kéo dài nhiều năm cấu thành việc độc quyền hóa thị trường mạng xã hội cá nhân”, FTC lý giải.
FTC cũng khẳng định họ có quyền, và thường xuyên lật lại các giao dịch đã xảy ra khi phát hiện chúng trái luật.
Ở thương vụ mua lại Instagram hồi năm 2012, FTC đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5-0, đồng thuận không cản trở Facebook. Tuy vậy, lúc đó FTC đã gửi Facebook một lá thư, trong đó có đoạn: “Hành động này (kết quả bỏ phiếu) không được hiểu là quyết định về việc thương vụ có vi phạm pháp luật hay không… Ủy ban bảo lưu quyền tiến hành mọi hành động tương lai nếu lợi ích công cộng bị ảnh hưởng”.
Ở thương vụ mua lại WhatsApp hai năm sau, FTC đã “không khởi động một vụ điều tra toàn diện”, theo báo cáo mới công bố của Tiểu ban Chống Độc quyền Hạ viện.
Đơn kiện có căn cứ là Điều 2, Đạo luật Sherman hay còn gọi là Luật chống độc quyền. Điều luật này cấm các công ty sử dụng hành vi phi cạnh tranh để tạo dựng hoặc duy trì vị thế độc quyền.
Chính phủ Mỹ tố cáo hành vi mua lại hoặc chèn ép đối thủ của Facebook đã biến thành độc quyền và khiến cho các dịch vụ tương tự, quy mô nhỏ hơn khó sống sót. Vì quy mô quá lớn và quá nhiều tiền, Facebook có thể dễ dàng sao chép những tính năng hấp dẫn nhất của một đối thủ cạnh tranh để mang về cho ba tỷ người dùng hàng tháng của mình. Việc này xóa bỏ mọi sức hút mà đối thủ của Facebook có được.
Chẳng hạn, khi tính năng “stories” (kể chuyện) của Snapchat đang được ưa chuộng nhất, Facebook đã sao chép y hệt tính năng này cho mạng Instagram và sau này là mạng xã hội Facebook.
Các vụ điều tra chống độc quyền có truyền thống tập trung vào lợi ích của người dùng và tác động kinh tế. Nhưng các dịch vụ “miễn phí” như Facebook đang buộc chính phủ phải nhìn vào khía cạnh gây hại cho người dùng. Theo các đơn kiện, chiến lược “thâu tóm hoặc đè bẹp” của Facebook làm hại người dùng bởi nó sẽ giới hạn sáng tạo. Nếu không có một ý tưởng cạnh tranh nào sống sót được, người dùng không có lựa chọn để đổi sang ứng dụng khác.
Chính phủ Mỹ chỉ ra trong đơn kiện một vấn đề của Facebook là quyền riêng tư. Facebook thay đổi chính sách riêng tư của các công ty mà họ mua lại, gây tổn hại quyền riêng tư của người dùng. Chẳng hạn, Facebook có thể chia sẻ số điện thoại giữa ứng dụng cũ và ứng dụng mới mà không cần thông báo.
Đơn kiện cũng cho rằng việc thiếu minh bạch của Facebook khiến các nhà quảng cáo bị thiệt hại. Ngoài ra, khả năng thương hiệu của các doanh nghiệp quảng cáo xuất hiện bên cạnh một nội dung bị cho là “phát ngôn thù hận” cũng khiến họ bị tổn thất.
Facebook đáp trả cáo buộc này, nói rằng có các nền tảng mạng xã hội khác cũng vươn lên và phát triển song song với họ. Twitter, TikTok và Snap đều sống sót và gia tăng số lượng người dùng. Youtube của Google cũng có thể được cho là một mạng xã hội với hơn hai tỷ người dùng toàn cầu, bất chấp việc Google đã khai tử Google+.
Tuy đây là vụ kiện chống độc quyền đầu tiên của chính phủ Mỹ đối với mạng xã hội lớn nhất thế giới, nhà chức trách nước này đã âm thầm điều tra Facebook trong một thời gian dài.
Năm ngoái, tuy không nói rõ chi tiết, Facebook đã tiết lộ họ đang bị FTC điều tra.
Một số nhân viên của các công ty đã bán cho Facebook, cũng như các công ty đối thủ hiện tại như Snap đã nói về các chiến lược “gây hấn” của Facebook trong một tài liệu được gọi là Dự án Voldemort.
Hồi tháng 9/2019, Tổng Chưởng lý New York Letitia James tuyên bố bà đang đứng đầu một nỗ lực điều tra liên bang chống lại các hành vi phi cạnh tranh của Facebook. Khi đó, James nói các bang “lo ngại Facebook gây rủi ro cho dữ liệu người dùng, giảm bớt sự lựa chọn cho người dùng và tăng giá quảng cáo”.
Không riêng Facebook, nhiều công ty khác thuộc nhóm “Big Tech” cũng đang bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra. Hồi tháng 7/2020, CEO của Facebook cùng với CEO của Google, Apple và Amazon đã phải ra điều trần trước Quốc hội.
Google cũng đang bị Bộ Tư pháp kiện vi phạm luật chống độc quyền từ tháng 10/2020.
Facebook nhanh chóng hồi đáp vụ kiện bằng một bài blog của Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Cố vấn Jennifer Newstead. Bà gọi vụ kiện là một vụ “xét lại lịch sử” và sẽ có tác động tiêu cực với cộng đồng doanh nghiệp bởi “từ đây, không có thương vụ nào được xem là hoàn tất”.
Đại diện Facebook nói rằng việc tố cáo họ không có đối thủ là không đúng sự thật và liệt kê một loạt các công ty cạnh tranh như Apple, Google, Twitter, Snap, Amazon, TikTok, và Microsoft. “Vụ kiện phớt lờ thực tế rằng người dùng có thể và thường xuyên chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng cạnh tranh với nhau”, Newstead viết.
Facebook cũng lên án vụ “tấn công” đối với các giao dịch mua lại của họ trong quá khứ. Công ty nói họ đã thông qua thương vụ mua Instagram sau khi nhà chức trách rà soát kỹ càng. Ngoài chính phủ Mỹ, thương vụ mua WhatsApp còn được Liên minh Châu Âu đánh giá và cho phép.
“Các nhà chức trách đã có quyết định đúng đắn khi cho phép các thỏa thuận này tiến hành bởi vì chúng không hề đe dọa cạnh tranh. Nay, sau nhiều năm, dường như không quan tâm đến các điều luật đã thống nhất xác định, hoặc hậu quả đối với hoạt động sáng tạo và đầu tư, cơ quan này lại nói họ đã làm sai và muốn làm lại”, Newstead viết trong blog.
“Đây không phải là cách mà luật chống độc quyền nên được sử dụng”, bài viết nói.
Newstead nói rằng Facebook đã có các bước đi để giải quyết các quan ngại về ảnh hưởng đối với bầu cử, các nội dung gây hại và quyền riêng tư. Nhưng “không có bất kỳ vấn đề nào trong số này là quan ngại về chống độc quyền, và vụ kiện của FTC cũng không làm được gì để giải quyết chúng”.
Theo Facebook, “cách tốt nhất để đối phó với các thách thức khó khăn này là thay đổi các quy tắc của Internet (rules of the Internet)”.
Về cáo buộc đối với hạn chế API, Facebook lập luận rằng họ có quyền được lựa chọn đối tác kinh doanh. Các ứng dụng khác như Youtube, Twitter và WeChat đều phát triển tốt bất chấp chính sách API của Facebook.
“Các bằng chứng sẽ chứng minh rằng Facebook, Instagram và WhatsApp thuộc về nhau, cạnh tranh bằng giá trị với các sản phẩm tuyệt vời”, blog của bà Newstead viết.
Trước đó, Facebook cũng phản đối ý kiến chia nhỏ công ty. Hồi tháng 10/2019, luật sư của Facebook công bố văn bản dài 14 trang, lập luận rằng việc cưỡng ép tách rời các nền tảng của họ sẽ là trái với luật định, gây phí tổn hàng tỷ đô và làm hại người dùng. Facebook cho rằng việc đảo ngược các thỏa thuận sáp nhập WhatsApp và Instagram sẽ khiến họ phải chi thêm hàng tỷ đô để duy trì các công ty riêng biệt, làm suy yếu hệ thống an ninh và gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của người dùng nói chung.
Tuy vậy, một số cựu nhân viên của Facebook lại cho rằng công ty này cần phải bị tách ra. Nổi tiếng nhất trong số này là Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook và bạn cùng phòng ký túc xá thời đại học của Mark Zuckerberg. Năm 2019, ông Hughes đăng ý kiến trên trang New York Times, lập luận rằng Facebook đã trở nên quá lớn và quá mạnh, đến mức cần phải bị chia tách ra.
Trong ngắn hạn: sẽ không có thay đổi gì lớn.
Các vụ điều tra và kiện tụng đã diễn ra hơn một năm nay, nhưng mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Chính phủ Mỹ sẽ phải chứng minh lập luận và đưa ra bằng chứng trước tòa. Facebook cũng đang đánh giá đơn kiện nhưng theo các chuyên gia, đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài.
Các vụ chống độc quyền trong quá khứ đã mất nhiều năm để đi đến kết quả. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là vụ chống Microsoft năm 2008. Tòa án mất hai năm để đi đến kết luật là công ty này “nên” bị tách ra. Tuy vậy, Microsoft cuối cùng cũng không bị chia nhỏ. Tháng 11/2001, Microsoft và Bộ Tư pháp đi đến một dàn xếp, trong đó công ty này chấp nhận một số giới hạn đối với việc bán và đăng ký bản quyền các sản phẩm của mình.
Chính CEO Mark Zuckerberg cũng lên tiếng trấn an nhân viên của Facebook rằng sẽ không có sự thay đổi lớn nào diễn ra ngay lập tức trong công ty. Trong một biên bản nội bộ, ông cho biết Facebook dự định sẽ chiến đấu với các cáo buộc tại tòa và ông “không thấy sự thay đổi nào về vai trò của các cá nhân hay đội nhóm trong tương lai gần”.
“Tin tức hôm nay là một bước trong quá trình mà có thể mất nhiều năm để đi hết”, Mark viết.
Tóm lại, trong khi các nhà phân tích nói rằng cuộc chiến pháp lý này với Facebook là một bước đi quan trọng, câu hỏi về việc liệu ông vua mạng xã hội có thể bị ghìm cương hay không vẫn là chuyện hạ hồi phân giải.