Khủng hoảng nhựa – Kỳ 1: Hành tinh xanh? Xưa rồi, chào mừng đến hành tinh nhựa

Khoảng 30 năm nữa, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá. Con cháu chúng ta sẽ phải bới rác tìm cá.

Khủng hoảng nhựa – Kỳ 1: Hành tinh xanh? Xưa rồi, chào mừng đến hành tinh nhựa
Chúng ta đang đắm chìm trong thời đại nhựa. Ảnh: Financial Times.

Năm 2016, tại Hội nghị Địa chất Quốc tế (International Geological Congress), các nhà địa chất đã đề xuất một tên gọi mới cho thời kỳ mà loài người đang sống: Anthropocene (Thế Nhân sinh).

Trước nay, kể từ khi khoa học địa chất hình thành và phát triển, chúng ta vẫn được cho là đang sống trong Holocene Epoch (Thế Holocene), bắt đầu khoảng 12.000 năm trước, sau Kỳ Băng Hà (Ice Age) gần nhất.

Theo thang đo địa chất, một giai đoạn được gọi là “Epoch” (Thế) thường kéo dài hàng triệu năm. Nếu hình dung theo tuổi thọ con người, Thế Holocene chúng ta đang sống chỉ mới chập chững vài tháng tuổi. Vậy nên đề xuất thay tên đổi họ này khiến nhiều người ngạc nhiên và phản đối. Tuy nhiên, có không ít người đồng tình. Và họ có lý do của mình.

Tên gọi mới được đề xuất, “Anthropocene”, ghép từ chữ Hy Lạp “anthropo” và “cene”, có nghĩa lần lượt là “con người” và “mới”, ý chỉ một thời đại mới của con người.

Những nhà địa chất cẩn trọng không thích ý tưởng này, vì nó có vẻ khiến con người “ảo tưởng sức mạnh”. So với hàng tỷ năm tiến hóa của sự sống trên trái đất, nhân loại, “chấp” luôn cả tổ tiên hoang sơ xuất hiện vài trăm ngàn năm trước của họ, chỉ mới oe oe được vài ba ngày tuổi.

Những người ủng hộ thì khẳng định ngược lại, rằng việc đặt tên mới này không phải là màn tự sướng. Mục đích của nó là để nhân loại nhận thức rõ sức nặng từ những việc mình đã làm – những hậu quả mà họ đã gây ra cho trái đất, cho chính mình cùng con cháu, chỉ sau vài ngày chập chững cọ quậy trên hành tinh xanh.

Chào mừng tới thời đồ nhựa

Một thời kỳ địa chất tất nhiên không phải được đánh dấu gọi tên một cách tùy tiện. Phải có dấu mốc phân biệt. Có khá nhiều ứng cử viên được gọi tên để đại diện cho Thế Nhân sinh này.

Lượng ni-tơ (nitrogen) và phốt-pho (phosphorous) được bơm gấp đôi vào trong đất trong vòng 100 năm qua khi con người lạm dụng phân bón trong nông nghiệp.

Khí thải carbon được tống vào khí quyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với bất kỳ thời điểm nào của hàng chục triệu năm về trước.

Tốc độ các loài sinh vật tuyệt chủng nhanh gấp 1.000 so với tốc độ tự nhiên.

Nhưng có lẽ gương mặt sáng giá nhất là plastic (nhựa).

Chúng ta phụ thuộc vào nó. Chúng ta nghiện nó. Và chúng ta chết chìm trong nó.

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Science Advances, tính từ năm 1950 đến năm 2018, đã có 8,3 tỷ tấn plastic được con người làm ra. Trong số đó, 6,3 tỷ tấn (hơn 75%) biến thành rác.

Để dễ hình dung, hãy nhìn sang kim tự tháp khổng lồ Giza tại Ai Cập. Nó nặng khoảng 5,75 triệu tấn. Chỉ trong vòng vài chục năm, số rác nhựa mà con người thải ra đã bằng với 1.100 cái kim tự tháp như vậy. Những người Ai Cập cổ đại mất vài chục năm mới xây xong một cái kim tự tháp.

Trong hàng ngàn cái “kim tự tháp nhựa” mà người hiện đại làm ra, khoảng 60% bị đem đi chôn lấp hoặc quẳng ra đại dương.

Nếu không thay đổi ngay từ lúc này, người ta ước tính chỉ trong vòng 30 năm nữa, đến năm 2050, đại dương sẽ có nhiều rác nhựa hơn là cá.

Tức là con cháu chúng ta sẽ phải bới rác để tìm cá, ngay trong đại dương (hoặc chính chúng ta phải làm chuyện đó, nếu tới lúc đó vẫn chưa chết.)

Một tác phẩm nghệ thuật minh họa về tình trạng rác nhựa ngập tràn đại dương. Ảnh: Martijn Baudoin.

Tương lai khó tưởng tượng ấy thật ra đang ở ngay đây. Vào thời điểm hiện tại, các sinh vật trong đại dương phải nuốt hàng đống rác nhựa con người vứt ra. Còn cơ thể con người cũng đã nạp vào hơn 70.000 hạt vi nhựa mỗi năm, từ mọi đường ăn, uống lẫn hít thở.

Chưa ai biết hậu quả của chuyện này sẽ đến mức nào.

Giống như tác hại của những thứ nhân tạo khác (khói thuốc lá, hóa chất, khí thải công nghiệp…), các nhà khoa học sẽ phải mất thêm nhiều năm cẩn trọng nghiên cứu để có câu trả lời cuối cùng. Và cũng sẽ cùng một mô típ, khi những nghiên cứu về tác hại của việc nuốt nhựa vào người được công bố, sẽ lại có những đạo quân thánh chiến tử vì đạo, phủ nhận các bằng chứng khoa học đến cùng.

Họ sẽ tiếp tục, và cổ xúy cho người khác tiếp tục phụ thuộc, nghiện, và đắm chìm trong thời đại đồ nhựa.

Plastic được nhiều đề cử làm gương mặt đại diện cho nhân loại trên sân khấu địa chất, không chỉ vì nó xuất hiện khắp nơi, mà còn vì nó đã và đang thực sự biến thành hóa thạch (fossil record).

Tùy từng loại plastic mà con người làm ra, đầu lọc thuốc lá, ống hút hay bịch nylon, chai nhựa, sẽ phải mất từ vài chục cho đến vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm để nó phân hủy.

Giống như cách mà những nhà khoa học thời nay dựa vào bằng chứng hóa thạch để biết về các Kỳ, các Thế, các Kỷ địa chất… từ hàng triệu năm trước, người ta e rằng thế hệ tương lai, cho dù là sinh vật nào, sẽ chỉ biết được về một chủng loài từng tồn tại trên trái đất này thông qua những hóa thạch có chứa plastic trong đó.

Ai là kép chính, ai là đào phụ

Ấn tượng xấu dễ khiến người ta quên đi, rằng plastic ban đầu là một thứ hoàn toàn tự nhiên. Nhựa cây cao su đã được con người sử dụng từ vài ngàn năm trước. Bản thân từ “plastic” vốn có gốc từ chữ Latin “plasticus”, có nghĩa là “dễ uốn nắn, dễ thay đổi hình dạng”.

Nó thậm chí đi vào trong ngôn ngữ của con người. Người ta vẫn hình dung một cô gái đôi mươi bằng hình ảnh “tràn đầy nhựa sống”. Thứ “nhựa sống” đó chắc chắn không phải loại plastic ngập tràn ngày nay.

Plastic mà chúng ta đang tôn thờ hiện tại là loại nhựa tổng hợp nhân tạo, được phát triển từ giữa thế kỷ 19, và bùng nổ từ giữa thế kỷ 20.

(Khái niệm “tự nhiên” và “nhân tạo” ở đây chỉ là tương đối, để phân biệt hai loại plastic khác nhau. Xét đến cùng, không có bất kỳ thứ gì trên đời là nhân tạo. Mọi thứ con người tạo ra, kể cả chính bản thân họ, đều không thoát khỏi tự nhiên. Nhưng đó là chủ đề cho những câu chuyện khác.)

Loại nhựa tổng hợp được làm từ nhiên liệu hóa thạch này nhanh chóng đá bật nhựa tự nhiên qua một bên, vì khả năng sản xuất dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi, lại rẻ tiền.

Tiệnrẻ cũng chính là những đặc tính giúp đồ nhựa lên ngôi.

Từ thập niên 1950, khi các sản phẩm đồ nhựa bùng nổ, rác thải nhựa cũng bắt đầu tràn ngập khắp nơi, và cùng với đó, các tiếng nói phản đối xuất hiện ngày một nhiều.

Một tổ chức tại Mỹ, với tên gọi “Giữ gìn nước Mỹ sạch đẹp” (KAB – Keep America Beautiful), đã tiến hành hàng loạt chiến dịch tuyên truyền. Một trong những hình ảnh tạo ấn tượng đậm nét là video quảng cáo do họ làm ra, được chiếu rộng rãi trên truyền hình vào những năm 1970.

Quảng cáo bảo vệ môi trường với hình ảnh người thổ dân khóc nổi tiếng vào thập niên 1970 tại Mỹ. Ảnh: Chicago Tribune.

Trong video đó xuất hiện một người thổ dân bản địa châu Mỹ (tiếng Anh gọi là “Indian”, hay người Anh-điêng). Ông chèo chiếc thuyền nhỏ trên một con sông, đẹp và yên bình như tranh vẽ. Nhưng chỉ được một chốc. Rác bắt đầu xuất hiện trên sông. Càng đi về phía thành phố, nơi có các nhà máy ống khói xả thải đang bốc cao, rác càng nhiều. Ông cập vào bờ, đi bộ ra đến xa lộ đông đúc xe cộ qua lại, hoang mang nhìn một thế giới khác lạ. Đúng lúc đó một chiếc xe hơi chạy ngang, cửa kính hạ xuống, và một cánh tay ném thẳng bịch rác về phía ông. Rác rơi tung tóe dưới chân người thổ dân.

Video kết thúc bằng hình ảnh camera quay cận cảnh gương mặt của người thổ dân, với giọt nước mắt lăn dài trên gò má khắc khổ, cùng câu kết đanh thép:

“Các bạn làm bẩn môi trường. Các bạn có thể ngưng làm vậy.”

(People start pollution. People can stop it.)

Giọt nước mắt của “người thổ dân khóc” này (The Crying Indian, tên thường được gọi của đoạn phim quảng cáo) có lẽ là một trong những giọt nước mắt nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó được chiếu trên truyền hình nhiều đến mức, người ta phải liên tục yêu cầu băng phim mới, vì băng cũ đã bị dùng mòn hết (thời đó video vẫn được chiếu bằng băng từ, chưa được số hóa như ngày nay.)

Sẽ không có bất kỳ vấn đề gì với thông điệp này, nếu như sau đó không có những kẻ tò mò lẻn vào phía sau cánh gà xem những thứ khác mà KAB âm thầm làm.

Họ phát hiện ra KAB đóng vai trò năng nổ trong việc ngăn chặn các chính quyền địa phương lẫn trung ương thông qua luật lệ về hạn chế sử dụng plastic, đặc biệt là các đạo luật quy định bắt buộc đặt cọc chai và khuyến khích thu hồi chai đã qua sử dụng (“bottle bill” hay còn gọi là “container deposit law”).

Những người Việt (không còn trẻ lắm) chắc hẳn vẫn còn nhớ ngày xưa, khi nước ngọt và bia chỉ được bán trong các chai thủy tinh, và mỗi khi mua một lốc đều phải để lại tiền cọc chai. Sau khi uống hết, người ta đem trả lại toàn bộ nguyên vẹn các chai nước mới được lấy lại tiền. Điều này đảm bảo đa số các chai nước bán ra thị trường đều được thu hồi tái sử dụng.

Mô hình tương tự đã tồn tại trước đó ở Mỹ vào giữa thế kỷ 20, cho đến khi plastic xuất hiện và rác ngày một chất đống.

Các nhà hoạt động môi trường tại Philippines trong một chiến dịch cảnh báo tác hại từ rác thải của các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh: Greenpeace.

Áp lực đặt lên những nhà làm luật, yêu cầu họ phải ra quy định hạn chế vấn đề rác thải. Vào năm 1953, Vermont là bang đầu tiên ở Mỹ thông qua “đạo luật chai” (bottle bill), nhưng chỉ cấm các loại chai không dùng lại được (non-refillable), không có quy định về đặt cọc. Chừng đó là đủ để các doanh nghiệp ngành công nghiệp giải khát và sản xuất chai nhựa phải cảnh giác “tiên hạ thủ vi cường” (đánh trước chiếm lợi thế).

Cùng năm 1953, họ liên minh thành lập ra tổ chức nổi tiếng KAB (Giữ gìn nước Mỹ sạch đẹp) được nhắc đến ở trên. Mục tiêu của KAB, hay của các ông lớn ngành công nghiệp, là một chiến dịch “đánh tráo tư duy” rầm rộ.

Rằng trong cuộc khủng hoảng rác thải vào thời điểm trên, lỗi nằm ở người tiêu dùng. “Các bạn làm bẩn môi trường. Các bạn có thể ngưng làm vậy.”

Cho tới ngày nay, trong hầu hết các chiến dịch làm sạch môi trường của các NGO (tổ chức phi chính phủ), mà phần lớn ngân sách hoạt động phụ thuộc vào tài trợ của các doanh nghiệp đồ uống và sản xuất nhựa, thông điệp chủ đạo vẫn là “trách nhiệm nằm ở phía từng cá nhân”.

Mỗi cá nhân rõ ràng đều có trách nhiệm. Nhưng còn trách nhiệm của các doanh nghiệp bán ra những thứ rác đó thì sao? Có phải chỉ cần ủng hộ các hoạt động “giáo dục” và “nâng cao ý thức cộng đồng” là đủ?

Câu trả lời là không. Họ góp một phần quan trọng trong thời đại đồ nhựa rực rỡ này của nhân loại.

Thậm chí có thể khẳng định, họ là những kép chính sáng đèn nhất trên sân khấu.


Đón đọc kỳ tới: Khủng hoảng nhựa – Lời hứa hão huyền của doanh nghiệp trong việc tái chế.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.