Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Quyết tâm và niềm tin của chính quyền Joe Biden trong việc đưa nước Mỹ trở lại là nước Mỹ.
Lần cuối cùng người ta còn quan tâm đến “chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ” (American exceptionalism) là sau bài phát biểu của Hillary Clinton vào tháng 8/2016. Trong bài diễn văn đó, bà công khai ủng hộ việc nước Mỹ đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới và cho rằng Donald Trump không hiểu được ý nghĩa của việc này.
Với nhiều người, “chủ nghĩa biệt lệ” chỉ là một chiêu mị dân. Với những người khác, như bà Clinton, đó là niềm tự hào khi nước Mỹ, với sự giàu có nhờ hồng ân của đấng sáng tạo, đứng ra gánh vác trọng trách làm một tấm gương đạo đức cho các quốc gia khác noi theo.
Theo lý giải của sử gia Ian Tyrrell, chủ nghĩa biệt lệ Mỹ không phải đơn giản là nói nước Mỹ “khác biệt” với các nước khác, cũng không chỉ mang ý nghĩa là nước Mỹ “độc nhất”. Chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ hàm chứa một nội dung sâu sắc hơn nhiều: một niềm tin rằng nước Mỹ đi trên một con đường lịch sử khác với các quy luật thông thường ở các nước khác. Theo đó, nước Mỹ không chỉ là một nước lớn hơn hay giàu hơn, mà là một biệt lệ. Đó là người mang vác tự do, và vượt bậc hơn về đạo đức so với Châu Âu hay bất cứ đâu trên trái đất.
Chủ nghĩa biệt lệ Mỹ đã manh nha hình thành từ lâu trước khi nước Mỹ chính thức thành lập. Năm 1630, John Winthrop, thống đốc đầu tiên của Thuộc địa Vịnh Massachusetts, tuyên bố rằng người dân của mình cần hành xử như một “thành phố ở trên cao” (a city upon the hill), để làm gương cho cả thế giới. Tuyên bố này đã khởi sinh ý niệm về một nước Mỹ vĩ đại nhất, độc nhất, có sứ mệnh bảo vệ và tăng cường tự do, an ninh, thịnh vượng toàn cầu.
Trong suốt cuộc hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh, nước Mỹ đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong “thế giới tự do”. Các đời tổng thống nối tiếp nhau khẳng định Mỹ là ngọn hải đăng dân chủ, một mẫu mực nhân quyền, và là một quốc gia không thể thay thế chứa đựng những giá trị và niềm tin đặc biệt khiến nó có thẩm quyền đạo đức. Họ tự tin rằng nước Mỹ xứng đáng gây ảnh hưởng và đem lại sự thay đổi tốt đẹp hơn ở các nước khác, dù là kẻ thù hay bè bạn.
Nhưng những giá trị này chấm dứt ở Donald Trump.
Trong một sự kiện công khai vào năm 2015, Trump tuyên bố ông không thích từ “biệt lệ”, và cảnh báo “chúng ta sẽ lấy lại từ thế giới tất cả những gì mà chúng ta đã cho họ”. Ngay sau khi nhậm chức, Trump tuyên bố rằng nước Mỹ có thể vĩ đại mà không cần biệt lệ. Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã đảo ngược gần như mọi giá trị đạo đức trong “chủ nghĩa biệt lệ” mà nước Mỹ truyền bá.
Nhà nhân loại học Wade Davis lập luận rằng phản ứng thất bại của ông Trump trong đại dịch đã “đánh dấu chấm hết cho kỷ nguyên Mỹ”, một giai đoạn mà nước Mỹ chiếm vị thế vô song, bắt đầu từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Theo Davis, kỷ nguyên Mỹ đã bị lung lạc vì những cuộc chiến liên miên, “thần thoại” về chủ nghĩa biệt lệ và một “giáo phái tôn thờ cá nhân”, khiến hàng chục triệu người tin vào ý tưởng chủ quyền “ta được người thua” sai lầm của Trump.
“Dù tốt hay xấu, nước Mỹ đã qua thời khắc của mình”, Davis viết.
Một số người như cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry tin rằng bốn năm của Donald Trump chỉ là “một khoảng đứt quãng không may và lố bịch” mà chính quyền Biden có thể khôi phục vị thế của Mỹ giữa các đồng minh.
“Chúng ta là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sở hữu quân đội mạnh nhất, và có truyền thống được xem như lãnh đạo của thế giới tự do”, Kerry nói. “Thực tế đáng buồn của việc Donald Trump nắm quyền là vào lúc này, thế giới tự do không có nhà lãnh đạo. Joe Biden có thể khôi phục điều này”.
Linda Thomas-Greenfield, người mà ông Biden chọn làm đại sứ Liên Hiệp Quốc tương lai, đã cam kết sẽ đi một hướng mới khi tiếp nhận một trong những cương vị lãnh đạo trong chính sách ngoại giao Mỹ: “Ngoại giao súp Gumbo” (Gumbo diplomacy – một cách chơi chữ để đối chọi với “Gunboat diplomacy”, ý chỉ ngoại giao bằng chiến hạm và súng đạn).
Trong suốt 35 năm phục vụ trong ngành đối ngoại, bà Thomas-Greenfield xây dựng quan hệ bằng cách mời các đồng sự đến nhà cùng nấu súp Gumbo, một món ăn truyền thống của Mỹ. Bà nói, đó là “cách để phá vỡ các rào cản, kết nối với người khác và nhìn mặt nói chuyện như người với người”. Nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng tham vọng ngoại giao của Biden thì không khiêm tốn chút nào.
Khi công bố sáu lựa chọn quan chức an ninh quốc gia hồi tuần trước, tổng thống tân cử cam kết sẽ tái khởi động hệ thống đồng minh truyền thống và khôi phục cái mà ông gọi là sứ mệnh “lãnh đạo toàn cầu bằng đạo đức” của Hoa Kỳ. Một số chuyên gia trong ngành đối ngoại coi tham vọng này là sự bác bỏ chủ nghĩa biệt lập “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Họ coi chính sách ngoại giao dưới thời Trump đã gây căng thẳng cho các đồng minh truyền thống, đặc biệt là Châu Âu.
Joe Biden cũng khẳng định chính sách đối ngoại của ông sẽ khác với đường lối ngoại giao từng bị mô tả là “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) của Obama. Một số nhà ngoại giao Mỹ cho rằng Obama đã quá ít tiếng trên sân khấu chính trị quốc tế. Trên thực tế, Obama vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến thừa kế từ Bush ở Iraq hay Afghanistan – nơi ông ra lệnh tăng số quân đồn trú từ năm 2009 – và tham gia cuộc xâm lược do NATO khởi xướng vào Libya. Tuy vậy, Obama bị chỉ trích là đã vẽ lằn ranh trên cát vào năm 2012 khi không thực hiện lời đe dọa can thiệp vào Syria nếu chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học.
Từ ví dụ của chính quyền Obama, các chuyên gia dự đoán rằng Biden cũng sẽ có một kiểu chủ nghĩa can thiệp đạo đức hóa. Điều này giúp ông cứng rắn và sẵn sàng mạnh tay với Trung Quốc. Biden đã gọi Tập Cận Bình là “tên côn đồ”, một việc Trump chưa từng làm. Chủ nghĩa biệt lệ được phục hưng cũng sẽ giúp Mỹ xa rời lối ngoại giao đổi chác, thực dụng của chính quyền Trump, kéo gần lại với Châu Âu và quảng bá các giá trị Mỹ.
Ngay sau khi được Biden chọn làm ứng viên Bộ trưởng Ngoại giao, nhà nghiên cứu đối ngoại lâu năm tại Washington Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ ứng xử có chừng mực, vừa “khiêm tốn, vì nước Mỹ không phải là trung tâm của mọi vấn đề trên thế giới, ngay cả khi những vấn đề đó ảnh hưởng đến chúng ta”, và vừa “tự tin, vì nước Mỹ, ở tình trạng tốt nhất của mình, vẫn là quốc gia có khả năng nhất trên hành tinh có thể tập hợp và huy động các quốc gia khác cùng tham gia trong những nỗ lực tập thể.” Ông vừa ca ngợi lịch sử Mỹ như là “tia hy vọng tốt đẹp nhất còn sót lại trên trái đất”, vừa thừa nhận nước Mỹ “không thể bật tắt công tắc để giải quyết mọi vấn đề. Chúng ta cần hợp tác với người khác”.
Jake Sullivan, người Biden chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, cam kết “thận trọng trước các mối đe dọa thường trực, từ vũ khí hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố”. Tuy vậy, ông Sullivan – người đã giúp soạn thảo thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015 mà ông Trump đã rút Mỹ ra, cũng nói rằng ông Biden giao cho ông nhiệm vụ “tái định hình an ninh quốc gia của chúng ta” để các quyết sách đối ngoại có lợi cho các gia đình lao động ở Mỹ.
Karim Sadjadpour, một chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói rằng cả Antony và Jake đều “còn tin vào lý tưởng của chủ nghĩa biệt lệ kiểu Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, ông cho rằng hai người này, một cách bản năng, sẽ tách khỏi chủ nghĩa phiêu lưu quân sự mà ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao căng thẳng hơn. Theo ông, cả hai ứng viên mà Biden chọn đều chia sẻ niềm tin của vị tổng thống tân cử rằng nước Mỹ “phải dẫn dắt bằng tấm gương của mình, nhưng không chỉ là tấm gương về sức mạnh”.
Martin Indyk, một cựu đại sứ Mỹ hiện làm quan chức tại Hội đồng Đối ngoại, nói cả hai người mà Biden chọn đều học được rằng không nên trêu đùa với việc thay đổi chế độ và cố gắng kiềm chế hết sức việc tham gia vào một vụ lật đổ chính quyền nước ngoài. “Họ là những chuyên gia về chính sách đối ngoại rất hữu dụng, có rất nhiều kinh nghiệm”, Indyk nói. Theo ông này, lý do Biden chọn họ, một phần là vì đây là “những người không thích mấy trò tai tiếng, mà sẽ tập trung vào hoàn thành công việc”.
Charles Kupchan, cố vấn của Biden trong chiến dịch tranh cử, cũng là một cố vấn cho cả chính quyền Obama và Clinton, nói rằng đội ngũ của Biden là những nhà “chủ nghĩa quốc tế” vững chắc, những người “rất phù hợp với chủ nghĩa quốc tế tự do trong vòng 80 năm qua”.
Chính quyền Biden sẽ “thực dụng hơn là lý tưởng”, ông nói. “Họ sẽ hiểu được rằng sau hai thập kỷ thất vọng ở Trung Đông, rút lui là lối thoát chính trị ưa thích”.
Với những người thích phiên bản nước Mỹ trên hết của Trump, Biden đơn giản chỉ là một bản sao què quặt của Barack Obama.
“Đây là nhiệm kỳ thứ ba của Obama”, một cố vấn cấp cao trong quốc hội của Đảng Cộng hòa nói. Người này cho rằng vị tổng thống da màu đã “hủy hoại vị thế số một của nước Mỹ” và dự đoán rằng chính quyền Biden cũng sẽ phá nát các mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, vững chắc mà ông Trump đã xây dựng được với Israel, Ả Rập Saudi, Brazil, Balan và Hungary.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho rằng những quan chức mà Biden chọn sẽ “là những người lịch sự và lịch thiệp trong việc khiến nước Mỹ thoái trào”. Rubio nêu quan điểm, “Tôi không thích thú gì với việc trở về tình trạng bình thường trước đây vốn khiến chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News hồi tuần trước, tổng thống tân cử phản bác lại các chỉ trích này.
“Đây không phải là nhiệm kỳ thứ ba của Obama, bởi vì chúng ta đang đối mặt với một thế giới hoàn toàn khác so với hồi chính quyền Obama-Biden”, ông Biden nói.
“Tổng thống Trump đã thay đổi hoàn toàn bối cảnh. Chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã biến nước Mỹ trở thành cô đơn một mình”.
Tuy nhiên, có nhiều tiếng nói phản đối, cho rằng “chủ nghĩa biệt lệ” của Mỹ đã chết, và chiến thắng của Biden cũng không khiến nó quay trở lại được.
“Chúng ta có truyền thống tin tưởng vào chủ nghĩa biệt lệ, với niềm tin rằng chúng ta có liều thuốc tiên cho mọi thứ”, Stewart Patrick, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói. “Nhưng đại dịch này giúp chúng ta nhận ra là mình chẳng có liều thuốc tiên cho cái quái gì cả”.
Chỉ số tiến bộ Xã hội (Social Progress Index) công bố hồi tháng Chín chỉ ra, nước Mỹ xếp hạng 28 trong số 163 quốc gia, là một trong ba nước duy nhất (ngoài Brazil và Hungary) bị đánh tụt hạng từ khi chỉ số này lần đầu được công bố vào năm 2011.
Theo đó, nước Mỹ đứng số một về chất lượng các trường đại học, nhưng đứng số 91 về vấn đề tiếp cận giáo dục cơ bản. Mỹ đứng số một về công nghệ y tế, nhưng đứng số 97 về tiếp cận y tế. Theo tạp chí Rolling Stones, danh sách dài và phân hóa này làm dấy lên câu hỏi rằng bản chất của sự “biệt lệ” của nước Mỹ thực sự là gì?
“Đó là một trong những vấn đề đối với quan điểm nước Mỹ lãnh đạo”, Patrick nói. “Chúng ta vẫn chưa chịu thay đổi một quan niệm trong tâm lý rằng chúng ta thực ra giống một quốc gia bình thường hơn là ta muốn công nhận… Tôi hơi lo một chút khi nghe thấy các từ như “một quốc gia không thể thay thế được” và những thứ tương tự từ chiến dịch tranh cử của Biden”.
Nhưng John Kerry, người được Biden lựa chọn làm đại sứ đặc biệt về biến đổi khí hậu, vẫn khẳng định lý tưởng chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ là đúng đắn, với niềm tin rằng thế giới tốt đẹp hơn khi có nước Mỹ canh gác.
“Tôi tin rằng phần lớn con người trên thế giới muốn được tự do”, ông nói. “Tôi nghĩ họ trân trọng vai trò của nước Mỹ trong việc giúp họ làm điều đó, và tôi nghĩ người ta sẽ vui mừng chào đón nước Mỹ trở lại là nước Mỹ”.