Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tên gọi các tòa án mang nhiều ý nghĩa lịch sử đặc trưng hơn là một cái tên đơn thuần.
Về mặt bản chất, mong muốn chuyển ngữ tên các cơ quan tài phán của một quốc gia ra thứ tiếng của một quốc gia khác là việc làm hơi trái… “luân thường đạo lý”.
Hệ thống cơ quan tài phán của mỗi quốc gia thể hiện những đặc trưng pháp lý và lịch sử phát triển rất riêng. Ngôn ngữ của một quốc gia khác chắc chắn không có cách nào bộc lộ được hết hàm ý và lịch sử của hệ thống đó.
Giả sử như khi nghe thấy hai tên gọi “Queen’s Bench” (hoặc “King’s Bench” nếu nguyên thủ là nam) và “Crown Court” của Vương quốc Anh, rất khó để một người hành nghề luật tại một quốc gia khác nhận biết được rằng “Queen’s Bench” sẽ chủ yếu tiếp nhận các vụ việc dân sự (và cũng chỉ là một nhánh thuộc “High Court”). Trong khi đó, “Crown Court” cũng nằm trong nhóm tòa “Senior Courts”, nhưng lại không thuộc “High Court” và chỉ xử lý các vụ việc hình sự. Đó là chưa kể đến tên gọi của những tòa này cũng ẩn chứa đằng sau chúng hàng loạt các câu chuyện lịch sử lý thú khác.
Cách chuyển ngữ của Trung Quốc cũng như Việt Nam đối với các thuật ngữ trên, như Tòa Nữ hoàng, Tòa Đại hình… rõ ràng không thể thể hiện đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng lịch sử của hệ thống tòa này.
Người viết tiếp cận việc học Anh ngữ pháp lý không đơn thuần chỉ theo cách dịch thuần túy, mà còn bao hàm trong đó các câu chuyện và tầm nhìn lịch sử. Quan trọng nhất, chúng ta cần một cách nhìn khai phóng hơn về Anh ngữ pháp lý và năng lực truyền đạt của nó.
Trong bài viết này, tác giả muốn gửi đến bạn đọc hai nội dung chính:
Trong nhóm các quốc gia chúng ta cần tìm hiểu, hiển nhiên Việt Nam đứng đầu danh sách. Kế đó chắc chắn là hai quốc gia mà hệ thống Anh ngữ cùng với mô hình pháp luật của họ tiếp tục có ảnh hưởng rộng khắp cho đến tận ngày nay: Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
***
Trong ba quốc gia, Việt Nam là trường hợp dễ nắm bắt nhất với hệ thống tòa đơn nhất phân chia theo cấp hành chính.
“People’s Court”, tức Tòa án Nhân dân (tòa án của nhân dân), là cách gọi chung cho tất cả các tòa tại Việt Nam. Khái niệm nhân dân được lồng ghép nhằm thể hiện tính chủ quyền nhân dân (people’s sovereignty) trong cả quyền lực tư pháp của mô hình nhà nước Việt Nam.
Điều này cũng thể hiện được nguyên tắc tập trung thống nhất quyền lực trong tay Quốc hội Việt Nam, và tòa án chỉ là một cơ quan trực thuộc. Như vậy, chỉ cần kết hợp thành tố là cấp hành chính có tòa án vào, chúng ta sẽ có tên gọi chính xác của một cơ quan tài phán tại Việt Nam.
Ví dụ: “People’s Court of District 1” (Tòa án Nhân dân Quận Nhất) hoặc “People’s Court of Ho Chi Minh City” (Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, có một số tranh cãi về cách gọi các tòa cấp cao.
Hiện nay, các trang điện tử của Tòa án Nhân dân Tối cao đều tự nhận mình là “Supreme People’s Court”. Cách gọi này không phù hợp bởi từ “Supreme” sẽ chỉ bổ nghĩa cho từ “People” đứng đằng trước, từ đó được hiểu thành tòa án của “những người thượng đẳng” (Supreme People). Xét theo ý nghĩa gốc là “tòa án tối cao – của nhân dân”, chúng ta cần sử dụng đúng từ “People’s Supreme Court”.
Tương tự như vậy, chúng ta có Tòa án Cấp cao đặt ở ba thành phố lớn tại ba miền là “People’s High Court”.
***
Tại Vương quốc Anh, sự tình phức tạp hơn. Người viết sẽ cố gắng giản lược các râu ria và để lại những phần quan trọng nhất.
Tòa cấp thấp nhất tại Anh được gọi là “Magistrates’ Court”. Đây là nơi bắt đầu của hầu hết các án hình sự, song đôi khi cũng xem xét một số vụ việc liên quan đến dân sự và gia đình. Nhiều người dịch tòa này thành Tòa Trị an hoặc Tòa Tiểu hình theo Hán Việt, song nhưng đã nói, thẩm quyền của “Magistrates’ Court” không nhất thiết gói gọn trong các vấn đề hình sự.
“County Court” là tòa sơ thẩm của hầu hết các tranh chấp dân sự. Cách dịch “County Court” của hệ thống cơ quan tư pháp Anh thành Tòa Địa hạt theo Hán Việt có vấn đề lớn. Lý do là kể từ năm 2014, đây là một hệ thống tòa đơn nhất, được quản lý chung trên toàn quốc, với đại diện khắp nơi thuộc vùng England và xứ Wales, chứ không đơn thuần là một tòa địa phương tách biệt.
“Crown Court” thường được gọi là Tòa Đại hình, bởi nó là cơ quan tài phán quan trọng nhất trong việc xem xét xử lý hầu hết các án hình sự nghiêm trọng, với chức năng là tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm.
“High Court” của Vương quốc Anh là tổng hợp của ba nhánh “Queen’s Bench Division”, “Chancery Division” và “Family Division”. Thẩm quyền của “High Court” nhìn chung chủ yếu là về dân sự, nhưng cũng có sự chồng lấn các vụ việc về hành chính và hình sự.
Cuối cùng là “Court of Appeal” và “Supreme Court”. Đây là hai tòa án cấp cao nhất thuộc Vương quốc Anh.
“Court of Appeal” (tạm dịch là Tòa Phúc thẩm) chia ra làm hai cơ quan riêng biệt. Một là “Civil Division”, tiếp nhận và xét xử phúc thẩm từ “High Court” và “County Court”. Hai là “Criminal Division”, tiếp nhận vụ việc chủ yếu từ “Crown Court”.
***
Hoa Kỳ có đặc trưng của nhà nước liên bang nên hệ thống tòa án chia làm “Federal Courts” (Hệ thống tòa liên bang) và “State Courts” (Hệ thống tòa tiểu bang).
Một trong những điểm cần lưu ý: dù có tiếng là tòa cấp cao hơn, “Federal Courts” lại chỉ có thẩm quyền đối với các vụ việc được chính Hiến pháp trao cho. Các tòa tiểu bang trong khi đó có quyền lực tư pháp hoàn chỉnh và kiện toàn hơn. Đây cũng là một đặc trưng của nhà nước Hoa Kỳ với mục tiêu kiểm soát quyền lực của chính phủ liên bang.
Đối với hệ thống tòa liên bang, bạn đọc có thể sẽ quen thuộc với các tòa chuyên biệt (Courts of Special Jurisdiction) như:
“US Court of International Trade”: một tòa chuyên biệt của Hoa Kỳ nhằm xét xử các vấn đề có liên quan đến thương mại quốc tế.
“US Court of Federal Claims”: một tòa chuyên biệt liên quan đến các vấn đề bồi thường thiệt hại mà bị đơn là Chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
“US Tax Court”: một tòa chuyên biệt khác để xử lý các tranh chấp giữa Cục Thuế vụ Liên bang (Internal Revenue Service – IRS) và người nộp các khoản thuế liên bang trên toàn quốc.
“US Bankruptcy Court”: tiếp tục là một tòa chuyên biệt với thẩm quyền độc quyền đối với các vụ việc phá sản. Như vậy, cần lưu ý rằng các tranh chấp hay vụ việc liên quan đến phá sản sẽ không thể được tiếp nhận bởi hệ thống tòa tiểu bang.
Sau các tòa chuyên biệt, cuối cùng chúng ta đến với các tòa thẩm quyền chung trong hệ thống liên bang bao gồm: “District Courts”, “US Courts of Appeal” và “US Supreme Court”.
Trong đó, “District Courts” (tạm dịch là Tòa án Quận hoặc Tòa Sơ thẩm Liên bang) sẽ có thẩm quyền sơ thẩm trong hầu hết các vụ việc thuộc quyền giải quyết của pháp luật liên bang.
“US Courts of Appeal” (Tòa Phúc thẩm Liên bang) thì chia toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ thành 94 quận tư pháp (judicial district), với 12 Khu vực tư pháp (regional circuits). Đây sẽ là cấp tòa cuối cùng đối với hầu hết các tranh chấp liên quan đến pháp luật liên bang.
Cuối cùng là “US Supreme Court” hay “Supreme Court of the United States” (SCOTUS), được ưa thích với tên gọi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Tòa này có thẩm quyền khuynh đảo toàn bộ hệ thống chính trị nhưng lại rất “kén cá chọn canh” trong việc tiếp nhận các vụ kiện để xem xét giải quyết. Không có trình tự thủ tục nào để bảo đảm một vụ việc sẽ được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem xét xử lý.
Với thông tin cơ bản về thuật ngữ tiếng Anh pháp lý của ba hệ thống tòa đặc trưng và rất khác biệt, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu các thuật ngữ không phải là danh từ riêng.
Để bắt đầu, chắc chắn phải nói đến các cấp xét xử của các cơ quan tòa án. Nhìn chung thì hầu hết các quốc gia đều có hai cấp xét xử chính là cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Chúng ta có thể gọi những tòa xét xử sơ thẩm là “trial courts” hoặc “courts of first-instance” hoặc “courts of original jurisdiction”.
Từ đây, các thuật ngữ khác như “original jurisdiction” (thẩm quyền xét xử sơ thẩm) hay “first-instance trial” (phiên tòa xét xử sơ thẩm)… có thể được tách riêng hoặc kết hợp với nhau.
Tương tự, thẩm quyền phúc thẩm của các tòa được là “appellate jurisdiction”. Các tòa phúc thẩm có thể được gọi là “appellate court”, “court of appeals” hoặc “appeals court”. Một số trường hợp thì “court of second-instance” (tòa xét xử cấp thứ hai) cũng được sử dụng, nhưng hiếm gặp hơn.
Đặc biệt tại nhiều quốc gia theo mô hình dân luật (như Việt Nam), chúng ta cũng thường thấy “cassation” (giám đốc thẩm) và “retrial” (tái thẩm), với việc đề nghị hoặc kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm – tái thẩm là “cassation appeal” và “retrial appeal”. Giám đốc thẩm và tái thẩm đều không phải là cấp xét xử, nên chúng ta sẽ không có các danh từ chung cho những tòa xem xét hai thủ tục này. Tại Pháp, một trong bốn tòa cấp cao nhất của họ có tên là “Court of Cassation” (Cour de Cassation). Tuy nhiên, về bản chất, đây lại là tòa tối cao trong các vụ việc dân sự và hình sự tại Pháp, không giống với thủ tục giám đốc thẩm mà chúng ta đang bàn tới.
Trong trường hợp bạn chỉ muốn nói đến tòa cấp cao, tòa cấp thấp chung chung trong một hệ thống tư pháp, các thuật ngữ để biểu đạt rất đa dạng.
Ta có “high/ superior/ senior courts” hay “high-instance court” hoặc cả “courts of higher jurisdiction” để chỉ các tòa cấp cao. Chúng ta cũng có thuật ngữ “lower/ inferior courts” để chỉ các tòa cấp thấp. Nếu ngữ cảnh phù hợp, việc sử dụng “local courts” (tòa địa phương), “regional courts” (tòa khu vực) và “national courts” (tòa quốc gia) cũng hoàn toàn khả dĩ.
“Court of last resort” (dịch thuần nghĩa là tòa chung thẩm) cũng là một thuật ngữ rất thường được sử dụng để chỉ tòa tối cao của một quốc gia. Tuy nhiên, đôi khi “tòa chung thẩm” hay “tòa án cuối cùng” trong một tranh chấp nhất định không nhất thiết phải là tòa tối cao, nên việc sử dụng cụm “court of last resort” cũng khá linh động.
Việc sử dụng các thuật ngữ tiếng Anh pháp lý để phân biệt những nhóm tòa theo trật tự thứ bậc cũng cần phải cẩn thận để theo đúng mô hình tư pháp của một quốc gia.
Ví dụ, “Senior Courts” là tên gọi chính thức của tập hợp “Court of Appeal”, “High Court” và “Crown Court” tại Anh. Việc gọi gộp chung Tòa Tối cao của Vương quốc Anh là “senior court” do đó sẽ không chính xác.