Tri thức, công lý, và trắc ẩn: Ba thử thách trong năm mới dành cho những người dân chủ cũ

Nếu quên mất thế nào là “dân chủ”, đây là những thử thách cần thiết để làm mới bản thân.

Tri thức, công lý, và trắc ẩn: Ba thử thách trong năm mới dành cho những người dân chủ cũ

Năm 2020, chỉ tính riêng những sự kiện trong nước, đã là một năm đặc biệt bất thường với người Việt Nam. Nó còn bất thường hơn khi một chuyện diễn ra ở cách nửa vòng trái đất – cuộc bầu cử tổng thống Mỹ – lại cũng có thể khiến dư luận ở đất Việt nổi sóng.

Năng lượng mà nhiều người Việt Nam bỏ ra để “sống mái” với tình hình bầu cử Mỹ lớn tới mức có người đã châm biếm gọi Việt Nam là bang thứ 51 của Hoa Kỳ.

Có vô số lý do để người Việt Nam nặng tình với chuyện bên Mỹ: sức hút tự nhiên của cường quốc số một thế giới, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam, các chính sách ủng hộ, và kiềm chế, của Mỹ đối với Việt Nam, hay chỉ đơn giản là vì người Việt không có tiếng nói gì với tình hình chính trị trong nước, buộc phải tìm một nơi khác để xả.

Dù lý do gì, chúng ta có thể tin rằng có những người Việt sốt sắng với tình hình nước Mỹ cũng thật sự đau đáu với tình cảnh của quê hương, bất kể họ sống ở đâu.

Người viết gọi họ là những “người dân chủ” – những người mong muốn nhìn thấy một tương lai dân chủ thật sự của Việt Nam, và muốn góp một phần công sức của mình trong đó.

Nhưng giữa mong muốn và hiện thực, như T. S. Eliot từng viết, “phủ đầy một khoảng tối mênh mông”.

Với những ai vẫn đang loay hoay để bước qua khoảng tối đó, trong khuôn khổ bài viết này, xin được gợi ý ba thử thách mà bạn có thể lựa chọn, dựa trên ba quyển sách của tác giả Đoan Trang.

Thử thách 1: Chia sẻ tri thức về dân chủ cho cộng đồng

Bạn không thể xây dựng một ngôi nhà mà không biết gì về việc thiết kế và không có các kiến thức cơ bản về công năng của một căn nhà. Tương tự, bạn không thể góp công vào xây dựng một tương lai dân chủ cho đất nước khi chưa thật sự hiểu thế nào là dân chủ, các nguyên tắc của dân chủ, làm thế nào phân biệt một nhà nước độc tài và dân chủ thật sự, con đường để đặt nên các nền móng dân chủ lâu dài cho đất nước thay vì phụ thuộc vào một vài cá nhân hay phó mặc cho ý trời…

Các kiến thức căn bản này, những đứa trẻ cấp một ở các nước dân chủ tự do đều nắm rõ. Nhưng ở Việt Nam, những nỗ lực truyền bá tri thức thuộc loại “a bờ cờ” như quyển sách “Chính trị bình dân”, lại bị chính quyền đảng Cộng sản xem là “phản động”.

Nó “phản động” khi không chỉ giúp người đọc tư duy về nhiều câu hỏi “vì sao”, từ việc vì sao bạn cần quan tâm đến chính trị, vì sao chế độ dân chủ có nhiều hạn chế nhưng vẫn là lựa chọn tốt nhất của nhân loại, cho đến vì sao các thể chế độc tài đều dựng nên hào quang lãnh tụ, hay vì sao “công an trị” là đặc trưng không thể thiếu với các nhà nước độc tài…

Nó còn “phản động” khi gợi ý cho người Việt về những cái “làm thế nào”: làm thế nào để phân biệt một chính quyền là vì dân hay vì quan, làm thế nào để vạch trần và chống lại các luận điệu dối trá mị dân, và làm thế nào để đóng góp vào sự thay đổi xã hội qua các hoạt động dân sự, hay làm thế nào để xây dựng một phong trào xã hội vững mạnh…

Những tác dụng khai trí như vậy đã khiến tác giả của quyển sách trở thành cái gai trong mắt chính quyền độc tài. Họ không muốn người dân được phép chất vấn, lại càng không muốn người dân biết cách chống lại quyền lực độc tôn của họ.

Trẻ em tại các nước phát triển được tiếp thu các kiến thức chính trị từ sớm. Trong hình là các bạn nhỏ tại Mỹ “thực tập bầu cử” trong lớp học. Ảnh: belatina.com.

Nếu là một “người dân chủ”, bạn sẽ phải tự hỏi bản thân đã tích góp được bao nhiêu viên gạch tri thức thuộc loại phổ thông này.

Và khi tự tin với hiểu biết của mình, câu hỏi tiếp theo phải là bạn đã chia sẻ được với ai, và hợp tác được với bao nhiêu người trong việc cùng nhau dựng nên những bức tường tri thức dân chủ.

Không làm được điều đó, thật khó để bất kỳ ai có thể vỗ ngực tự xưng rằng mình muốn góp phần xây nên ngôi nhà dân chủ cho đất nước.

Thử thách 2: Buộc những kẻ gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm

Nếu thử thách đầu tiên là “tri thức” thì thử thách thứ hai là “công lý”.

Trong những thể chế độc tài, công lý là thứ chỉ có trên giấy tờ. Hay như nhiều người Việt vẫn thường ngán ngẩm, tại đất nước này, “Công Lý là một diễn viên hài”. Luôn luôn tồn tại sự phân biệt đối xử, khi dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn quan sai thì chỉ cần xin lỗi dân.

Đó là lý do ở các chế độ độc tài hay dân chủ giả hiệu, “vấn nạn tội ác không bị trừng phạt” (impunity) là một thực trạng nhức nhối.

Đây cũng là đề tài của quyển sách “Tội ác phải bị trừng phạt” mà tác giả Đoan Trang đã kịp hoàn thành công việc biên dịch trước khi bị bắt.

Tội ác không bị trừng phạt (impunity), theo định nghĩa trong sách, là “thất bại của nhà nước trong việc điều tra, bắt, truy tố, đưa ra tòa và kết tội những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác.”

Điều đáng buồn là, như sách đã chỉ ra, đây lại là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở “những nước mà hệ thống luật pháp còn nhiều khiếm khuyết, tư pháp chưa độc lập, không có nhà nước pháp quyền.”

Hệ quả từ đó là “công lý không được bảo đảm, nhân quyền không được tôn trọng, những kẻ thủ ác trong nhiều vụ án nghiêm trọng không bị trừng trị, trong khi nạn nhân – nếu còn sống – thì cuộc đời tan nát.”

Quyển sách nhỏ này có thể xem là một “cẩm nang công lý”, cung cấp cho người dân ở các nước trên một công cụ khác để buộc những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, bất kể chúng là ai và có quyền lực đến mức nào.

Công cụ chủ yếu ở đây là Luật Magnitsky mà nhiều quốc gia phương Tây đã và đang thông qua. Hiểu một cách đơn giản, đây là cách thế giới văn minh “tẩy chay” những cá nhân phạm tội ác mà không bị quốc gia sở tại trừng phạt. Một khi bị đưa vào hồ sơ trừng phạt theo luật Magnitsky của các nước, những cá nhân này sẽ gặp thiệt hại đáng kể về tài chính, lợi ích, địa vị và danh dự.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thông qua Đạo luật Magnitsky của Mỹ vào tháng 12/2012. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia áp dụng nghiêm ngặt nhất đạo luật trừng phạt này. Ảnh: Getty Images.

Quyển sách hướng dẫn chi tiết cụ thể từng bước lập hồ sơ vi phạm của những cá nhân, những phương thức thu thập bằng chứng, và các việc cần làm để đảm bảo hồ sơ phạm tội này đến được những nơi cần đến.

Thay vì tốn năng lượng chửi rủa hoặc oán trách bất công, nên chăng chúng ta có thể thử thách bản thân bằng việc học hỏi kỹ để ứng dụng những công cụ chế tài này của thế giới, tự đòi lại công lý cho mình?

Thử thách 3: Bảo vệ quyền của những người tù

Đây là thử thách về lòng trắc ẩn. Định nghĩa trắc ẩn là “biết đau cái đau của người khác”. Nhưng thử thách thật sự ở đây không chỉ là về sự cảm thông, mà là trách nhiệm: trách nhiệm với các giá trị đạo đức cơ bản nhất của con người.

Nhiều người trong chúng ta vẫn quen nghĩ rằng chỉ những tù nhân lương tâm, những người bị chính quyền độc tài bắt giam vì bất đồng chính kiến, mới đáng được bảo vệ. Còn những người phạm tội khác, đặc biệt là các tội hình sự nghiêm trọng, đều không đáng quan tâm.

Ngay từ trang đầu tiên của quyển sách “Cẩm nang nuôi tù”, tác giả Đoan Trang đã nhắc chúng ta rằng bất kỳ ai vẫn luôn “được hưởng những quyền con người nhất định”, và “người tù (kể cả tù hình sự, những người quả thật đã phạm tội, chứ không chỉ tù nhân lương tâm hay tù chính trị) cần được bảo vệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng.”

Quyển sách cho người đọc một bức tranh sinh động về các “kiêu binh” – những người của chính quyền tự cho mình đứng trên người khác. Ở bên ngoài nhà tù, họ thỉnh thoảng còn phải che giấu bôi xóa hành vi của mình, nhưng bên trong hàng rào nhà giam, họ đích thực tự cho mình có quyền sinh sát với kẻ khác.

Đã có rất nhiều lời tố cáo về tình trạng ngược đãi, tra tấn đánh đập tù nhân tại các trại giam của chính quyền Việt Nam. Ảnh: Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên mà ở những quốc gia dân chủ tiến bộ, quyền lợi của người tù luôn được đảm bảo; còn tại những nước độc tài áp bức, nhà tù lại là chốn lý tưởng để hành hạ, chà đạp nhân phẩm người khác.

Đấu tranh cho quyền lợi của những người trong tù vì vậy không chỉ thể hiện lòng trắc ẩn, biết đau cái đau của người khác, nhất là của những tù nhân lương tâm phải chịu tù tội oan ức. Nó còn thể hiện trách nhiệm của những “người dân chủ” thực sự: đảm bảo quyền con người của tất cả thành viên trong xã hội đều được tôn trọng, bất kể họ là ai hay phạm phải sai lầm gì.

***

Với những ai mong muốn xây dựng một xã hội dân chủ cho Việt Nam trong tương lai, ba thử thách trong bài viết này đều là những thứ không mới.

Nhưng trong một năm có quá nhiều biến động, đặc biệt là khi vô số năng lượng đã được dành ra cho những tranh cãi bất tận, những núi thông tin giả và những đòn mạt sát lẫn nhau cho những chuyện ở tận bên kia trái đất, không khỏi có cảm giác nhiều người Việt Nam đã quên mất các giá trị cơ bản nhất của hai chữ “dân chủ”.

Những ai muốn bắt đầu một năm mới theo cách khác, rũ bỏ cái con người dân chủ cũ kỹ trong mình, có thể thử tìm đến những thử thách trong bài viết này để làm mới bản thân.

Ba thử thách/ quyển sách được nhắc đến trong bài có thể được tìm thấy tại đây (đường link nhúng trong tên sách): “Chính trị bình dân”, “Tội ác phải bị trừng phạt”, và “Cẩm nang nuôi tù”.

Mỗi chúng ta đều có thể xem đó là ba cuốn cẩm nang để có thêm tri thức, hiểu thêm công lý và rèn luyện thêm lòng trắc ẩn trong năm mới.

***

Đây là bài viết cuối cùng trong năm 2020 của chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang”.

Chuyên mục được mở ra một tuần sau khi nhà báo Đoan Trang, đồng sáng lập của Luật Khoa tạp chí, bị chính quyền bắt giữ.

Những bài viết về các quyển sách của Đoan Trang, cùng các chia sẻ về những tác phẩm sách báo khác trong mảng tri thức chính trị xã hội, sẽ tiếp tục được chúng tôi truyền tải đến bạn đọc trong năm mới.

Ban biên tập và nhà báo Đoan Trang rất mong nhận được bài vở đóng góp của bạn cho chuyên mục này.

Năm 2020 khép lại với không ít những nốt trầm buồn. Nhưng mọi nốt nhạc, dù cao hay thấp, đều là một phần tất yếu của bản nhạc cuộc đời.

Âm thanh có trầm hay chói đến đâu cũng chỉ là những thử thách mà mỗi người phải vượt qua. Nhà báo Đoan Trang đã và đang chơi những nốt nhạc đầy thử thách đó. Mỗi người yêu dân chủ của Việt Nam cũng đều phải học và chơi những bản nhạc riêng của mình.

Chỉ khi nào vượt qua thử thách của chính mình, mỗi người mới có thể tham gia được vào bản hòa tấu chung cho một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.