Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cho dù là thở khí trời hay hít bụi đường, chúng ta giống nhau nhiều hơn mình nghĩ.
Những ngày qua, mạng xã hội rộn ràng hai câu chuyện về hai nhóm lao động, mà nhìn qua không thể khác biệt hơn: những người làm việc tại Vietnam Airlines và những người chạy xe Grab.
Một bên dành phần lớn thời gian ở trên trời, theo nghĩa đen, còn một bên từ sáng đến tối luôn hít mặt đất, cũng nghĩa đen nốt. Một bên công việc có vẻ “sang chảnh quý tộc”, nghĩa đen lẫn bóng, còn một bên suốt ngày “lấm lem bụi đường”, cả nghĩa bóng lẫn đen.
Dù trông khác biệt như vậy, nhưng khi lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình, hai nhóm này ít nhất cũng nhận được một phản ứng chung: những ai hiểu thì thông cảm hết mực, những ai không thì chẳng tiếc lời dè bỉu.
Tất nhiên cách lên tiếng của hai nhóm này cũng là lý do cho những phản ứng trái chiều.
Dòng chia sẻ “chúng tôi là ai” được cho là từ nhân viên của Vietnam Airlines khiến dư luận đùng đùng nổi giận. Việc các tài xế Grab kéo nhau ra đường biểu tình ở một đất nước mà rất nhiều người vẫn còn nơm nớp khi nói đến chuyện chính trị cũng đem lại không ít cái lắc đầu chau mày, và khiến những cái đầu độc tài sợ hãi ngay lập tức lên tiếng dọa nạt đòi xử phạt.
Nhìn chung, dù chúng ta là ai, phản ứng tức thời vẫn là rất khó thông cảm khi thấy người khác lên tiếng.
Vì sao vậy?
Thuật ngữ thông dụng của tiếng Anh trong trường hợp này là “tunnel vision”, hay “tầm nhìn đường hầm”. Đây là cách nói để chỉ việc mỗi người đều có một góc nhìn rất hạn chế, không khác gì chui vào đường hầm.
Nói nôm na, mắt người không phải mắt ngựa. Ngựa có thể bao quát một góc nhìn gần 360 độ, người trong khi đó chỉ bằng một nửa. So về góc nhìn, mắt người gần với mắt ếch hơn, đều cùng một khoảng 180 độ.
Thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng” vì vậy là một ẩn dụ quá hoàn hảo cho con người: chúng ta đều là những con ếch cận thị dưới đáy giếng.
Bất kể ở vai trò nào, giáo sư nghiên cứu hay nội trợ trông con, nhà báo điều tra hay cử nhân xe ôm, mỗi người đều có vô số hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, bồi nạp tri thức. Hiểu biết của mỗi người vì vậy luôn rất hạn hẹp so với thế giới thực rộng lớn.
Một khi không biết đủ về người khác, về những gì họ làm, lý do họ phải làm vậy, ta không có cách gì thông cảm hay quan tâm được với họ.
Cách nói này xuất phát từ chữ “narcissist” trong tiếng Anh, có gốc từ nhân vật “Narcissus” trong thần thoại Hy Lạp. Theo truyện, Narcissus sững sờ khi lần đầu tiên trông thấy mặt mình phản chiếu trên mặt hồ. Anh chàng lập tức mê mẩn trước vẻ đẹp hoàn mỹ của bản thân, và cứ thế ngồi ngắm mình, quên ăn quên uống, cho tới chết. (Trong một phiên bản khác, anh ta tự sát trong tuyệt vọng khi nhận ra rằng hình ảnh phản chiếu đó không thể trở thành một người yêu thực thụ.)
Trong ngôn ngữ hiện đại, “narcissist” hay “ái kỷ” là từ tiêu cực, dùng để chỉ những người chỉ biết đến bản thân. Ở mức độ trầm trọng, nó bị xem là một loại bệnh.
Trên thực tế, ai cũng có ít nhất một phần ái kỷ trong người. Ta luôn xem chuyện của mình quan trọng hơn của người khác, vấn đề của bản thân trầm trọng hơn của kẻ khác, và vũ trụ thì hoặc chống lại, hoặc đi theo ta, chứ không phải là đi theo hay chống lại ai khác.
Kết hợp với tầm nhìn con ếch, hội chứng ái kỷ này khiến mỗi người chỉ biết “chúng tôi là ai”, còn “chúng nó” là ai hay ra sao không phải là chuyện đáng quan tâm.
“Thất kỷ” ở đây là mất chính mình, một cách nói mà người viết dùng để gọi thứ rất nhiều người được dạy từ nhỏ: đức hy sinh.
“Hy sinh” có nghĩa gốc là “từ bỏ sinh mạng”. Những con người khốn khổ thời xưa bị buộc nộp mình cho những buổi hiến tế để xin xỏ các vị thần có lẽ đã nghĩ là mình đang làm cái động tác hy sinh cao quý này.
Thời nay, hy sinh chỉ còn mang nghĩa thuần túy “vì người khác”, dù trong vài trường hợp nó cũng bao gồm cả việc bất chấp tính mạng.
Trong tác phẩm “The Fountainhead” (Suối nguồn), tác giả Ayn Rand cho rằng động lực của mọi thứ chúng ta làm đều là vì bản thân mình. “Vì người khác” vì vậy là một thứ ảo tưởng không hơn không kém.
Đây là vấn đề triết học đã và sẽ còn gây tranh cãi, có lẽ tới ngày cuối cùng của nhân loại, dù nhiều cuộc tranh luận chỉ thuần túy xoay quanh chuyện chữ nghĩa.
Tranh cãi gì đi nữa, có một điều chắc chắn: tiêm ý nghĩ “hy sinh” vào đầu người khác trong khi bỏ qua động lực sinh tồn của bản thân mỗi người là nguồn cơn cho rất nhiều bi kịch của nhân loại.
Nó tạo ra những phiên bản người méo mó: nghĩ rằng mình tồn tại là vì kẻ khác, và kẻ khác phải biết ơn mình; hoặc nghĩ rằng người khác tồn tại là vì ta, và họ phải có nghĩa vụ hy sinh cho ta.
Phiên bản “chúng tôi là ai” trong sự kiện nhân viên Vietnam Airlines là một kiểu méo mó như vậy.
Dù cùng là những kẻ cận thị, ái kỷ và bị dạy cho phải thất kỷ, nhưng đó lại chính là những thứ giúp chúng ta có thể dễ dàng thông cảm được với người khác.
Narcissus chết không phải vì yêu bản thân mình. Anh chàng này, sống ở thời chưa có gương soi (hãy giả vờ nhân vật này có thực), đắm đuối với hình bóng xuất hiện trên mặt nước vì tưởng rằng đó là một người khác (có lẽ sẽ chính xác hơn nếu bảo Narcissus chết vì mê trai đẹp).
Ông tổ của ái kỷ vì vậy biết yêu người khác. Chúng ta cũng vậy. Mỗi người chúng ta cũng đều có nhu cầu và ham muốn yêu người khác, ngoại trừ bản thân mình.
Và chỉ cần không quá hăng hái năng nổ trong việc giành nhau mở miệng để chứng tỏ hàm lượng trí tuệ cao ngất của bản thân, mỗi người đều có thể thử đặt mình vào vị trí của kẻ khác, để rồi nhận ra họ cũng cận thị giống ta, cũng bị giới hạn trong cái giếng trời như ta, và cũng bị nhồi nhét vào đầu những phiên bản nhân sinh méo mó “sống vì người khác” như ta.
Cấu tạo sinh học không cho phép mắt người nhìn rộng được như mắt ngựa, nhưng cổ và thân người luôn có thể xoay theo mọi hướng (ngay cả khi bạn bị thoái hóa khớp, vẫn có thể xoay từ từ chậm rãi).
Chỉ cần xoay người một chút, thay đổi góc nhìn một chút, ai cũng sẽ nhận ra, chúng ta giống nhau nhiều hơn mình nghĩ.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.