Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một nghiên cứu quốc tế về cách chính quyền thao túng truyền thông khi đất nước bị xâm phạm.
Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 tiến sâu vào vùng biển của Việt Nam. Đó là một trong những dấu mốc lớn trong lịch sử tranh chấp đương đại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế thô bạo và bất chấp từ phía Trung Quốc, làn sóng chống Trung Quốc ở Việt Nam và các phong trào đi kèm theo đó là tất yếu. Đứng trước lựa chọn kiểm soát lèo lái làn sóng trên, cách chính quyền Việt Nam phản ứng với chủ nghĩa dân tộc bài Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 đến nay vẫn còn gây tranh cãi.
Trong nghiên cứu Managing anti-China nationalism in Vietnam: evidence from the media during the 2014 oil rig crisis, nghiên cứu sinh Tiến sĩ người Việt Bui Thi Nhung, thuộc Khoa Chính trị của Trường Đại học Princeton Hoa Kỳ, đề xuất nghiên cứu các công cụ truyền thông, tin tức và sản phẩm của chúng để hiểu rõ hơn về các biện pháp mà chính quyền Việt Nam đối phó với Trung Quốc lẫn kiểm soát làn sóng bài Trung lan rộng. Đây là một nghiên cứu có đầu tư, bao quát và là một trong những cố gắng ít ỏi của các học giả Việt Nam để hiểu rõ về cột mốc quan trọng này. Dù vậy, bên cạnh những mặt tích cực, người viết cho rằng cách tiếp cận của tác giả trong một số vấn đề còn nhiều khúc mắc cần giải quyết.
***
Nghiên cứu bắt đầu với nhận định liên quan đến vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời phân tích bản chất các tranh chấp quốc tế, nhu cầu tuyên truyền và tận dụng chủ nghĩa dân tộc nói chung.
Theo đó, tác giả nhận định Việt Nam là một chính quyền toàn trị với tính chính danh yếu, đi kèm theo đó là rất nhiều vấn đề nội bộ. Một lịch sử xung đột dài với Trung Quốc cùng sự bất bình lâu đời của các cộng đồng Việt Nam đối với nước láng giềng phương Bắc luôn là một kho cảm xúc mà các nhà lãnh đạo có thể khai thác bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, cân nhắc sự yếu thế của năng lực quân sự Việt Nam trước Trung Quốc, tác giả cho rằng Việt Nam vẫn phải xem xét giới hạn cần thiết và dựa vào tuyên truyền, ngoại giao để cô lập Trung Quốc hơn là có những động thái mạnh mẽ nào khác.
Mặt khác, tác giả Nhung cũng cho rằng không chỉ Việt Nam mới áp dụng các công cụ truyền thông để kiểm soát và định hướng dư luận. Dẫn lại nhiều nghiên cứu đã được minh chứng, cô cho rằng các nền dân chủ hoàn thiện với hệ thống truyền thông tự do minh bạch cũng không thể miễn nhiễm với khuynh hướng này.
Nhung đưa ra ví dụ rằng báo chí Hoa Kỳ dù không có tính định hướng cao, nhưng lại có thể lập những “chỉ mục” chính sách nào mà người dân cần chú ý, cần thảo luận, trong khi loại bỏ những thảo luận, phản biện khác ra ngoài nền tảng tin tức của mình. Các nguyên tắc cơ bản như chống Cộng (anti-communism), chống Khủng bố (anti-terrorism) luôn là màng lọc cần thiết để định hình câu chuyện nào nên được kể và kể ra sao.
Cô còn ghi nhận thêm là chính quyền Hoa Kỳ thường xuyên can thiệp để điều chỉnh nội dung của các trang tin tức. Theo quan sát của tác giả, chính quyền có thể làm việc này bằng các biện pháp gián tiếp như ưu tiên trao quyền truy cập thông tin cho các tờ báo mà họ có cảm tình, hay trực tiếp sắp đặt để các phóng viên “đi đúng định hướng” cùng tham gia vào các đơn vị chiến đấu để gây thiện cảm với công chúng trong các cuộc chiến.
Mức độ hợp lý của các quan sát này sẽ còn gây nhiều tranh cãi, nếu xem xét cách mà báo chí Hoa Kỳ tấn công chính quyền Donald Trump trên mọi mặt trận; hay phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam bùng nổ ở Mỹ cách đây vài thập niên. Tuy nhiên, đây là những thông tin tham khảo đáng quý về cách mà các chính quyền dân chủ có thể gây ảnh hưởng đến công luận.
Ngược lại, đối với những quốc gia toàn trị hay các nền dân chủ hạn chế, nội dung báo chí thường phải chịu sự kiểm duyệt của chính quyền. Trong đó, các quan điểm liên quan đến sắc tộc, đối ngoại lại càng nhạy cảm và bị quản lý càng chặt chẽ hơn.
Tổng hợp các nghiên cứu trước đó, tác giả thừa nhận tuyên truyền là một dạng kiểm soát mềm đối với xã hội, vừa có thể đẩy mạnh và xây dựng tính chính danh của một chính quyền, vừa có thể củng cố hiện thực của một xã hội hòa đồng, ổn định. Mặt khác, các biện pháp tuyên truyền cũng có thể được sử dụng để huy động và thao túng quần chúng trong việc tham gia, một cách thụ động hay chủ động, vào một hoạt động được chọn trước.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981, môi trường tin tức và truyền thông đặc biệt quan trọng. Tuy chúng ta thường nghĩ rằng “nói dễ hơn làm”, ngôn từ thật ra có vai trò vô cùng lớn. Theo đó, việc phản đối một cách công khai ít nhất cho thấy chính quyền Việt Nam nhận thức được rằng quyền lợi của họ và của quốc dân đang bị xâm phạm. Ngược lại, sự im lặng hay các tuyên bố né tránh có thể bị đánh giá là vô tâm, yếu đuối, hay khuất phục trước người láng giềng phương Bắc.
Tuy nhiên, cũng cùng lúc đó, các chuyên gia ghi nhận rằng mỗi chính quyền đều cần áp dụng các giới hạn về đạo đức lẫn danh tiếng để không đi quá xa trong các diễn ngôn bài ngoại của mình. Theo tác giả, tư tưởng bài ngoại có thể giúp các chính quyền đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội tại trong ngắn hạn, nhưng nếu được áp dụng quá lâu hay không kiểm soát, diễn ngôn này có thể gây ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao, thậm chí dẫn đến các rủi ro xung đột vũ trang.
Nhìn chung, giả định khoa học (hypothesis) của tác giả Nhung có vẻ là: chính quyền Việt Nam sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 để đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước nội địa để tăng cường tính chính danh của mình; nhưng đồng thời cũng sẽ giới hạn phong trào bài Trung ở một mức nhất định vì các lý do ngoại giao và quan hệ quốc tế.
Trước tiên, tác giả Nhung cho rằng chính quyền Việt Nam tại thời điểm đó có nhiều lý do để tận dụng sự kiện giàn khoan như một cơ hội gầy dựng lại hình ảnh.
Trong các năm 2014, 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ vừa đạt mức 5%, trong lúc trung bình toàn khu vực Đông Á – Thái Bình Dương lên đến 7%. Tốc độ lạm phát lên đến 18,7% chỉ trong năm 2011.
Năng lực quản lý yếu kém và tham nhũng trong các tập đoàn nhà nước dẫn đến sự phá sản của Vietnam Shipbuilding Industry Group (Vinashin) và gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng, công ty quốc doanh.
Duy trì sự phát triển về kinh tế là trụ cột hiếm hoi còn vững chãi trong toàn bộ “gói” lý giải về tính chính danh của mô hình xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Các trụ cột khác vốn đã khá rệu rã, vì những lời hứa về công bình, về phi giai cấp và về phúc lợi xã hội đều chưa bao giờ được xây dựng thành công.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lại tăng cường khẳng định chủ quyền của mình tại biển Đông không chỉ bằng lời nói, mà còn qua hành động. Trước năm 2009, tranh chấp biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn khá ổn định dù Trung Quốc đã độc chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa. Tình hình chung vào thời điểm đó vẫn là “ai ở nhà nấy”.
Sau khi Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông vào các năm 2008 – 2009, cùng với việc nhóm tàu Trung Quốc liên tục tấn công và quấy nhiễu tàu cá và ngư dân Việt Nam, xu hướng bài Trung mới trở thành một vấn đề then chốt trong các thảo luận chính trị quốc tế tại Việt Nam.
Tác giả tóm gọn ba biện pháp mà chính quyền Hà Nội phản ứng trước việc giàn khoan đi vào vùng biển Việt Nam:
(1) Phản đối chính thức bằng miệng dựa trên các kênh song phương (Việt Nam – Trung Quốc), đa phương và quốc tế (ASEAN) cũng như báo chí và các hội thảo quốc gia;
(2) Cố gắng kêu gọi sự ủng hộ từ các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga, cũng như nhờ đến vai trò của Liên Hiệp Quốc;
(3) Triển khai các lực lượng chấp pháp trên biển của mình để theo sát, phản đối sự hiện diện của giàn khoan.
Tác giả không đi quá sâu vào bình luận tính hợp lý của các biện pháp đối ngoại nói trên, nhưng cô tỏ ra ủng hộ những phản ứng này của chính quyền, cân nhắc nội dung được liệt kê với những thảo luận lý thuyết mà cô nhắc đến ở phần trên.
Theo tác giả Nhung, định hướng chung của nhà nước Việt Nam là lái khủng hoảng theo định hướng tích cực. Điều này có nghĩa là các luận điểm chống Trung Quốc được cho phép, nhưng chúng đồng thời phải xây dựng niềm tin vào chính quyền Việt Nam, vào sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đường lối xử lý tranh chấp và khủng hoảng.
Tác giả chọn tập trung vào nội dung chỉ do báo Thanh Niên đăng tải. Theo phỏng vấn của cô với các phóng viên từ các trang báo điện tử và báo in khác như Tuổi Trẻ, Dân Trí, Vietnamnet hay VnExpress, nội dung đăng tải của các trang báo là khá thống nhất. Nguyên nhân của sự thống nhất này là do Ban Tuyên giáo gửi hướng dẫn đến ban biên tập của các báo về phương cách tường thuật sự kiện, khu vực nào được phép thông tin – khai thác, khu vực nào là vùng cấm. Dựa vào đó, các biên tập viên sẽ tự quyết định và chịu trách nhiệm trong quá trình lên đề tài, rà soát và kiểm duyệt bài viết từ phóng viên.
Tác giả cũng ghi nhận thêm rằng tại Việt Nam không hề có trang tin dân tộc chủ nghĩa cực đoan nào kiểu như Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) như ở Trung Quốc, vậy nên việc chọn một trong hai tờ báo lớn nhất Việt Nam là Thanh Niên làm mẫu sẽ không gây ra những chênh lệch hay định kiến đáng kể.
Tác giả, thông qua phân tích và thống kê hơn 500 bài viết trong suốt giai đoạn xảy ra khủng hoảng, chia ra năm nhóm thông tin chính được định hướng đưa ra cho công chúng:
Theo tác giả Nhung, các bài báo thể hiện một nỗ lực rõ ràng của chính quyền Việt Nam nhằm gây tác động để tạo dư luận chống lại sự hiện diện của giàn khoan HD-981, nhưng cũng đồng thời ngăn chặn việc “thổi phồng” tranh chấp với Trung Quốc, trung hòa xu hướng bài Trung “cực đoan”.
Thú vị hơn, Nhung quan sát rằng chỉ sau khi các phong trào bài Trung bị “biến tướng” dẫn đến làn sóng đập phá, cướp bóc những công xưởng, nhà máy gốc Đài Loan và Trung Quốc lan rộng tại khu công nghiệp, các bài báo về biểu tình trong nước mới bị cắt bỏ, dù báo chí tiếp tục được phép đưa tin người Việt biểu tình ở nước ngoài.
Tác giả còn mô tả được sự thành công nhất định trong chính sách kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam, thông qua việc thống kê hàng ngàn lời bình luận từ các thành viên, người đọc trên các trang tin tức chính thức. Kết quả thể hiện trong hai biểu đồ bên dưới.
Cũng từ cơ sở này, Nhung nhìn nhận rằng phản ứng của người dân Việt Nam đa phần là khá thực tế và có tiết chế. Ví dụ, cô nêu ra quan sát rằng người Việt Nam đều phản đối hành vi cướp bóc và đốt phá các nhà máy, xí nghiệp, bởi điều này là “tự đá chén cơm của mình”, “thiếu văn minh” và “làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước Việt Nam”.
Chủ đề nghiên cứu của tác giả Bui Thi Nhung là rất cần thiết. Tuy vậy, người viết cho rằng vấn đề lớn nhất của nghiên cứu này là việc giới hạn mẫu nghiên cứu chỉ trong báo chí do nhà nước quản lý. Việc này không sai, nhưng dựa vào mẫu nghiên cứu này để đi đến kết luận chung cho sự thành công, hay tác động của công tác tuyên giáo lên xã hội Việt Nam là hơi “vung tay quá trán”.
Tác giả chọn đối tượng nghiên cứu là người đọc của báo chí chính thống. Lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu là nghiên cứu cách chính quyền Việt Nam kiểm soát chủ nghĩa dân tộc bài Trung trong vụ giàn khoan HD-981. Tuy vậy, số lượng người đọc báo chính thống không thể nào so sánh được với số lượng người dùng Facebook để cập nhật tin tức (vốn chiếm đến gần 70% người dùng Internet toàn Việt Nam trong cùng giai đoạn).
Một số nhà hoạt động khẳng định, cách thức chính quyền đối xử với các phong trào biểu tình ôn hòa trong sự kiện giàn khoan HD-981 là lý do chủ yếu khiến người Việt Nam mất đi động lực lên tiếng mạnh mẽ chống Trung Quốc trong những vụ tranh chấp sau đó giữa hai nước (như vụ Bãi Tư Chính hồi năm 2019).
Sự hài lòng của các netizens (cư dân mạng) mà tác giả Nhung miêu tả có vẻ chưa thật sự thuyết phục.
Không chỉ vậy, tập trung vào các nguồn chính thống cũng khiến cho tác giả mất đi các nhạy cảm chính trị cần thiết khi nói về “biểu tình ôn hòa”.
Trong một số nguồn báo chí được ghi nhận cụ thể trong bài viết như tại đây và tại đây, các cuộc biểu tình được ghi nhận đều là do chính quyền tổ chức và chỉ đạo, khác hoàn toàn với các phong trào biểu tình dân sự thật sự. Sự khác biệt này dẫn đến cách đưa tin khác nhau trong bộ máy truyền thông lẫn cách ứng xử khác biệt của chính quyền với những người biểu tình.
Nếu bỏ qua những vụ bạo loạn gây chết người, hư hại tài sản tại Hà Tĩnh, Bình Dương và Đồng Nai, hầu hết những người lãnh đạo hay kêu gọi biểu tình ôn hòa đều bị đặt vào tình thế bị giám sát tại gia, bị tạm giữ, hay thậm chí bị truy tố ngay sau đó. Vì vậy, khó có thể cho rằng các cấp chính quyền Việt Nam chủ động “cho phép” các cuộc biểu tình diễn ra và chỉ hạn chế sau khi phong trào có các biến chuyển bạo lực. Một khả năng khả dĩ hơn là chính quyền Hà Nội không ngờ trước được rằng giàn khoan HD-981 lại đủ sức huy động một lực lượng người dân đông đảo như vậy phản kháng, và từ đó không đủ sức ngăn chặn.
Nhìn chung, nghiên cứu cho chúng ta một cơ hội nhìn lại cách thức chính quyền Việt Nam phản ứng và kiểm soát dư luận trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc bài Trung tăng cao. Song các kết luận về phản ứng của cộng đồng, chủ yếu thông qua lời kể và các bình luận trên hệ thống báo chí chính thống là chưa đủ thuyết phục đối với những người có hiểu biết và trải nghiệm thực tế về tình hình vào thời điểm đó.