Đọc ‘Chốn vắng’ của Dương Thu Hương
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là
Đây là cách chính quyền Việt Nam “tôn trọng tự do báo chí”.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã kết thúc chóng vánh.
Trưa ngày 5/1/2021, chỉ sau nửa ngày nghị án, tòa đã tuyên nhà báo Phạm Chí Dũng mức án 15 năm tù, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng mức án 11 năm tù. Ngoài án tù, cả ba người còn bị tuyên phạt ba năm quản chế.
Các mức án được đưa ra cho tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 2, Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Phần lớn nội dung cáo trạng mô tả cách thức các bị cáo thành lập và điều hành hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Tội trạng nằm ở những bài viết được cho là “chống nhà nước”, đăng trên tờ Việt Nam Thời Báo, cơ quan ngôn luận của hội. Tuy nhiên, cáo trạng không hề chỉ rõ ra bài viết nào trong số hàng ngàn bài đã đăng tải là “vi phạm pháp luật”.
Đặc biệt, dẫn theo cáo trạng, trong số 1.530 bài của nhà báo Phạm Chí Dũng, chỉ có 25 bài bị xác định “vi phạm”. Tức tỷ lệ “sai phạm”, ngay cả khi có thể chứng thực, chỉ là 1,6%.
Nhưng cáo trạng không nêu được sai phạm cụ thể là gì.
Những bài viết bị buộc tội của các nhà báo là kết quả áp đặt một chiều, không cho phép phản biện, không ai biết tiêu chuẩn định “tội” là gì, và hoàn toàn không công khai.
Bản cáo trạng còn phi lý khi khẳng định những “hành vi chống phá” của các nhà báo là “đặc biệt nghiêm trọng gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến An ninh quốc gia”.
Nó phi lý vì Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và tờ Việt Nam Thời Báo của hội đã được lập ra từ tận năm 2014. Các hoạt động diễn ra công khai, không hề giấu diếm. Các nhà báo khi thành lập hội đều công bố rõ ràng ý định và việc làm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu đó là hành vi “đặc biệt nghiêm trọng” cần phải được “ngăn chặn kịp thời”, chính quyền đã làm gì trong suốt sáu năm?
Ngay từ buổi sáng, khi phiên tòa chỉ vừa bắt đầu, các tờ báo trong nước đã đồng loạt đăng bài theo cùng một nội dung kết tội, với nhiều phần bê nguyên từ cáo trạng của Viện Kiểm sát (kể cả lặp lại những lỗi câu chữ trong đó).
Tiêu đề của tất cả các báo đều gần như một: “Xét xử Phạm Chí Dũng và đồng phạm về tội chống phá Nhà nước”. Nghĩa là chưa cần tòa tuyên án, trong mắt báo chí quốc doanh, họ đã là tội phạm.
Đặc biệt, nhiều bài viết cố tình lập lờ đánh lận con đen để tô đậm thêm “tội trạng” của các bị cáo.
Trên Tuổi Trẻ, đoạn viết về bị cáo Phạm Chí Dũng khẳng định rằng ông “sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải 1.530 tin, bài viết […] có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.” Nội dung tương tự cũng xuất hiện trên các báo Người Lao Động, Lao Động, Vietnamnet…
Nghĩa là theo các báo trên, ông Phạm Chí Dũng đã có đến 1.530 bài viết “xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt, xâm phạm, chống phá”.
Chỉ một số rất ít, như bài đăng trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là ghi rõ “qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc…”
Nhiều báo cũng sao chép nội dung từ cáo trạng khi gọi trang “Việt Nam Thời Báo” của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là “trang web, blogger”. Người viết cáo trạng và các nhà báo trên không phân biệt được sự khác biệt giữa “blog” (trang nhật ký trên mạng) và “blogger” (người tạo nội dung cho trang blog).
Đến đầu giờ trưa, khi bản án được tuyên, các báo quốc doanh cũng đồng loạt đưa tin cùng một nội dung về tội trạng của các bị cáo. Không một tờ nào trong số đó đăng tải ý kiến của bị cáo hay luật sư biện hộ tại tòa.
Riêng báo Tuổi Trẻ còn bị phản ứng mạnh với cách giật tít “Nhận tiền viết bài chống phá Nhà nước, Phạm Chí Dũng lãnh 15 năm tù”, cố tình tạo ấn tượng về hành vi “phạm tội” của bị cáo. Số tiền được nói đến trong bài chỉ là tiền nhuận bút được trả cho các bài viết của các nhà báo. Ngay sau đó, Tuổi Trẻ đã thay đổi tít bài của mình.
Đây là phiên tòa đặc trưng của những vụ án chính trị: cáo trạng mơ hồ, xử án chóng vánh, mức án được định sẵn và hình phạt răn đe rất nặng.
Mức án nặng nề dành cho ba nhà báo dường như không chỉ để dằn mặt dư luận trong nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã gọi các cáo buộc đối với ba nhà báo là “ngụy tạo” (bogus).
Bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) thì nhận xét “ngay cả so với tiêu chuẩn đàn áp khắc nghiệt của chính mình, mức án nặng nề này cho thấy chế độ kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam đã lún sâu đến mức nào”.
Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), ông Daniel Bastard, nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng các bản án tù này gây nên một sự sửng sốt cực độ. Nó cho thấy ý định của chính quyền Việt Nam trong việc dập tắt mọi hình thức tranh luận của xã hội dân sự.
Đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), ông Shawn Crispin, trong thông cáo báo chí, tuyên bố rằng các bản án tù tàn nhẫn này cho thấy Hà Nội không hề có ý định cho phép các yếu tố căn bản nhất của tự do báo chí hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo xếp hạng của CPJ về “thành tích” bắt giam nhà báo, Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Còn theo bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF trong năm 2020, Việt Nam đứng gần chót bảng, thứ 175 trên 180 nước.
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam bày tỏ phản ứng giận dữ trước vụ xử án bỏ túi của chính quyền.
Không ít người lo ngại, rằng bất kỳ lúc nào mình cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt giữ và bỏ tù chỉ vì lên tiếng trước các vấn đề đất nước.
Một số ý kiến cho rằng chỉ có Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt, trong khi hàng chục hội viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn bình an vô sự, là do bộ ba kia “dám” đứng ra lập hội – một điều cấm kỵ đối với chính quyền độc tài.
Trên danh nghĩa, quyền lập hội là một quyền được ghi rõ trong Hiến pháp. Trên thực tế, chính quyền không dung thứ cho bất kỳ ai tự tiện lập ra các tổ chức dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của họ.
Dù ý đồ của chính quyền là gì, mọi dấu hiệu đều cho thấy họ vẫn sẽ quyết tâm dập tắt mọi tiếng nói phản biện theo những cách thức tùy tiện và hà khắc nhất có thể.
Trừ phi gặp phải sự phản kháng lan rộng và đủ sức nặng từ dư luận trong và ngoài nước, quyền lực độc tôn cùng các đạo luật mơ hồ sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tiếp tục mặc sức đàn áp những ý kiến bất đồng, như cách họ đã làm suốt hàng chục năm qua.