Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hoặc bạn có thể chẳng bất ngờ gì, tuy nhiên, những chuyện dưới đây vẫn là bí mật.
Giữa tháng 4/1947, một nhân vật lẫy lừng của miền Tây Nam Bộ đã mất tích sau cuộc một họp với Việt Minh. Vụ mất tích bí ẩn đã tạo nên một mối thù truyền kiếp giữa Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng và cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo đối với Việt Minh, và sau đó là Việt Cộng. Nhân vật trong vụ mất tích đó chính là giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo – Huỳnh Phú Sổ.
Hơn 70 năm qua, chưa một tài liệu chính thống nào công bố chi tiết về vụ mất tích này. Hàng triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vẫn đợi câu trả lời chính thức về chuyện đã xảy ra với giáo chủ của họ. “Ngày Đức Thầy vắng mặt”, tức ngày Huỳnh Phú Sổ mất tích là một ngày lễ chính thức trong Phật giáo Hòa Hảo, nhưng từ sau năm 1975 cho đến nay, chính quyền vẫn cấm tưởng niệm công khai ngày này mà không đưa ra lý do.
Trong một sự kiện khác, vào tháng 4/2004, một đội đặc nhiệm gồm các thành viên cấp cao được chính quyền phái đến Tây Nguyên để giải quyết cuộc biểu tình được xem là lớn nhất của người Thượng từ sau năm 1975. Đây là cuộc biểu tình của khoảng 10.000 đến 30.000 người Thượng phản đối chính sách quá hà khắc về đất đai, tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên.
Sau cuộc biểu tình, nhà nước Việt Nam, báo chí quốc tế, các tổ chức nhân quyền đã đưa ra thông báo khác nhau về số người chết. Chính quyền Việt Nam không công bố về số người bị thương, bị tù đày cũng như chi tiết cuộc trấn áp. Chuyện gì xảy ra ở Tây Nguyên vào năm 2004 là một bí ẩn đối với báo chí quốc tế và cả người dân trong nước.
Vết thương sẽ khó lành nếu không có những miếng bông gạc. Quá khứ sẽ không thật sự qua đi nếu những điều đáng lý nên được công khai để hàn gắn dân tộc thì lại bị giữ kín.
Vụ mất tích không lời giải đáp của Huỳnh Phú Sổ hay cuộc trấn áp ở Tây Nguyên năm 2004 là một trong những vết thương chưa được đắp bông gạc, bất cứ lúc nào nó cũng sẽ có thể lở loét, sưng tấy thêm.
Tin tốt là, trong năm 2020 chính quyền đã công khai danh mục thông tin bí mật của nhà nước, trong đó có nhiều thông tin về lĩnh vực tôn giáo mà từ trước đến nay không ai hay biết rằng chúng lại được xem là bí mật.
Tin xấu là, nhà nước có thể gia hạn giữ bí mật thông tin mà họ muốn đến vô thời hạn.
Vào tháng 7/2018, bốn tháng trước khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hé lộ nghịch lý trong việc quản lý bí mật nhà nước. Đó là việc danh mục các thông tin bí mật lại bị đóng dấu mật.
“Danh sách đó ta hình dung như hàng rào, đã là hàng rào thì phải công khai thì người ta mới biết đấy là hàng rào để người ta không vượt qua. Danh mục lại đóng dấu mật vào đấy thì người ta bảo hàng rào ở dưới đất, tôi không nhìn thấy nên thực tế công việc gặp nhiều vướng mắc”, ông Định nói trước Quốc hội.
Bốn tháng sau, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước. Nhưng phải mất thêm hai năm nữa, hàng rào vô hình mà ông Định nói mới bắt đầu hiện ra. Danh mục thông tin bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam và của các cơ quan nhà nước bắt đầu được công khai trong năm 2020.
Theo Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước, các bí mật nhà nước sẽ được phân loại theo ba cấp độ: tuyệt mật, tối mật và mật. Thông tin tuyệt mật sẽ được bảo vệ tối đa 30 năm, thông tin tối mật được bảo vệ tối đa 20 năm, đối với thông tin mật là tối đa 10 năm.
Tuy nhiên, dù thông tin được quy định “mật” ở cấp độ nào thì chính quyền vẫn có thể gia hạn giữ bí mật đến vô hạn. Điều 20 của luật này không giới hạn số lần nhà nước gia hạn để bảo vệ bí mật. Tức là, người dân có thể thấy hàng rào, nhưng có thể nó sẽ không bao giờ được gỡ bỏ.
Tin xấu hơn nữa là việc giải mật một thông tin không đồng nghĩa với việc công khai thông tin đó cho công chúng. Thông tin nào đã giải mật, thông tin nào chưa thì chỉ có nhà nước mới biết.
Trên tạp chí Thanh Tra, Thạc sĩ Nguyễn Phương Vy thuộc Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước quy định phạm vi bí mật nhà nước quá rộng, nhiều thông tin bình thường nhưng trở thành nhạy cảm là “xung đột đáng kể với chủ trương về một nhà nước phát huy tính công khai, minh bạch, giải trình”.
Riêng đối với lĩnh vực tôn giáo, người dân bây giờ có thể thấy hàng rào đó chẳng những rộng mà còn cắm thật sâu xuống lòng đất. Dưới đây là bảy thông tin nằm trong danh sách bí mật liên quan đến tôn giáo có thể làm bạn bất ngờ.
1/7
Điều mà nhiều người hoài nghi từ lâu nay rằng đảng, nhà nước có bố trí người trong các tổ chức tôn giáo nay đã được khẳng định.
Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước của đảng vừa được công bố tháng 11/2020 xác nhận rằng đảng có bố trí người trong các tổ chức tôn giáo. Thông tin về đảng viên được cấp có thẩm quyền “lựa chọn, bố trí, tranh thủ” trong tôn giáo mà “chưa được công khai” thì thuộc nhóm bí mật nhà nước của đảng, cấp độ mật (Điều 3, Khoản 7, Điểm c).
Trong danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực nội vụ cũng có nội dung tương tự về người được nhà nước “lựa chọn, bố trí…” trong tổ chức tôn giáo (xem Điều 3, Khoản 8, Điểm c).
Các tổ chức tôn giáo không phải là cơ quan của nhà nước, nhưng đảng và nhà nước lại có quyền bố trí người trong những tổ chức này. Điều này phần nào cho thấy là các tổ chức tôn giáo được công nhận ở Việt Nam không độc lập khỏi nhà nước. Tệ hơn nữa, bằng việc yêu cầu giữ bí mật thông tin, nhà nước đang cho thấy rằng họ đang cài cắm người của mình vào các tổ chức tôn giáo.
2/7
“Công tác tranh thủ” là một thuật ngữ trong ngành dân vận của nhà nước.
Theo tạp chí Dân vận, công tác này nhằm vận động các chức sắc tôn giáo ủng hộ nhà nước. Mục tiêu của hoạt động “tranh thủ” là để “đấu tranh, giáo dục, phân hóa, thu hẹp số người có quan điểm và hành vi chống đối, không đồng tình hoặc làm trái với chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, nhà nước chưa từng công khai về kinh phí cho hoạt động này. Công tác này đã tiêu tốn bao nhiêu ngân sách và khoản ngân sách đó được sử dụng như thế nào được xem là thông tin mật của nhà nước trong lĩnh vực nội vụ, theo Quyết định 960/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
3/7
Không chỉ có các chức sắc, quy định này gần như bao quát tất cả các cá nhân trong các tổ chức tôn giáo, gồm cả chức việc, nhà tu hành, nhân sĩ “có ảnh hưởng” trong các tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước. Thông tin về các cuộc họp giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền là thông tin tối mật trong lĩnh vực nội vụ (Điều 2, Khoản 4, Điểm a). Biên bản của các cuộc họp này cũng nằm trong danh mục thông tin mật của đảng (Điều 3, Khoản 1, Điểm d).
Quy định này có phạm vi rất rộng, không có giới hạn về chủ đề của buổi họp. Bất cứ buổi họp nào có sự tham gia của lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên thì đều có thể được xem là bí mật nhà nước. Mặt khác, chưa có quy định cụ thể để xác định thế nào là thành viên “có ảnh hưởng” trong các tổ chức tôn giáo.
Những điểm mơ hồ này có thể gây ra bất cập trong việc thực thi. Các thành viên trong các tổ chức tôn giáo hoặc là phải giữ kín các thông tin của tất cả các cuộc họp với nhà nước, hoặc đối mặt với rủi ro bị buộc tội tiết lộ bí mật nhà nước.
4/7
Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân được nhắc đến trong các bí mật về tôn giáo. Nhiệm vụ của họ không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng.
Danh mục bí mật nhà nước của Hội Cựu chiến binh, theo Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 19/6/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định một nhiệm vụ của hội này là “tranh thủ người có uy tín trong dân tộc, chức sắc tôn giáo phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”. Thông qua nhiệm vụ này, họ được yêu cầu phát hiện và báo cáo về hoạt động “xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. Các báo cáo của hội về chủ đề này là thông tin mật.
Hội Nông dân thì có nhiệm vụ “phản ánh, đánh giá về thực trạng nông dân có diễn biến tư tưởng, nhận thức, hoạt động chống đối gây ảnh hưởng đến chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội tại vùng điểm nóng về vấn đề dân tộc, tôn giáo”. Các báo cáo điều tra, khảo sát này cũng là bí mật nhà nước.
5/7
Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng có nhiệm vụ liên quan đến “các điểm nóng về tôn giáo” như Hội Nông dân.
Theo danh mục bí mật nhà nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, theo Quyết định số 1222/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “báo cáo có nội dung đánh giá, nhận xét về công tác vận động hội viên phụ nữ tại các vùng có điểm nóng về dân tộc, tôn giáo” là thông tin mật.
Ngoài ra, hội này còn bố trí các “hội viên nòng cốt” tại các điểm nóng về dân tộc, tôn giáo. Danh sách các hội viên này là bí mật nhà nước, cấp độ mật.
6/7
Theo danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), thông tin về hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo “có ảnh hưởng đến chính trị, quốc phòng, an ninh” được xem là thông tin mật.
Hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo không phải đến bây giờ mới được xem là nhạy cảm.
Từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, các tổ chức tôn giáo đã bị cấm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phổ thông. Không chỉ vậy, hoạt động giáo dục trong nội bộ các tổ chức này cũng bị kiểm soát. Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, các tổ chức tôn giáo phải dạy hai môn pháp luật và lịch sử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7/7
Thông tin về việc “xử lý các vấn đề phức tạp về tôn giáo” là thông tin tuyệt mật nằm trong danh mục bí mật nhà nước của đảng (Điều 1, Khoản 3, Điểm c) và cả danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực nội vụ (Điều 1, Khoản 1).
Đối với Bộ Nội vụ, thông tin về “các vấn đề phức tạp về tôn giáo” cần được bảo vệ chặt chẽ hơn cả thông tin nhân sự của chính phủ. Đây cũng là thông tin tuyệt mật duy nhất của Bộ Nội vụ.
Nếu nhà nước không gia hạn để tiếp tục giữ bí mật thì cũng phải mất 30 năm để những thông tin “phức tạp” này được giải mật. Cuộc trấn áp ở Tây Nguyên, một trong những vấn đề mà nhà nước cho là phức tạp về tôn giáo, có thể sẽ được giải mật, nhưng phải chờ ít nhất đến năm 2034.
Hiện nay, không có quy định nào xác định vấn đề tôn giáo như thế nào thì được cho là phức tạp. Tất cả đều tùy thuộc vào quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ.