Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Quyền lực kiểm duyệt bất khả xâm phạm của Big Tech liệu có dẫn đến tha hóa tuyệt đối?
Một loạt các công ty công nghệ lớn của Mỹ – hay còn gọi là Big Tech – quyết định “khóa miệng” ông Trump sau vụ bạo động ở Điện Capitol hôm 06/01/2021.
Luật sư Lê Công Định mở đầu cuộc tranh luận Big Tech đối đầu Tự do ngôn luận này bằng cách đặt vấn đề rằng: qua việc “khóa miệng” ông Trump, tuy Big Tech không vi phạm luật pháp Mỹ nhưng họ đang có hành xử đi ngược lại “tinh thần tự do ngôn luận”, vốn là một “giá trị Mỹ” theo cách hiểu của ông Định.
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu sau đó trình bày quan điểm đồng thuận với luật sư Định. Theo luật sư Hậu, việc ngăn cấm ông Trump dùng mạng xã hội về bản chất là hành vi tiền kiểm – kiểm duyệt trước những ngôn luận chưa được đưa ra, hay “cắt lưỡi người ta trước khi nói”. Theo đó, cho dù ông Trump đúng là đã có phát ngôn kích động bạo lực trước đó, thì hành vi “khóa miệng” của Big Tech vẫn là một hành vi kiểm duyệt đi ngược lại “tinh thần của tự do ngôn luận”.
Học giả Nguyễn Quốc Tấn Trung cung cấp thêm một luận điểm có ích. Đó là không nên máy móc vin vào thực tế rằng Big Tech là các công ty tư nhân khi tranh luận liên quan đến tự do ngôn luận. Vì các công ty này đang quản lý mạng xã hội, là các “không gian mới mà đời sống dân sự (civic life) đang diễn ra”.
Tại sao cuộc tranh luận này quan trọng với người Việt?
Vì không gian tự do ngôn luận trong nước của hơn 90 triệu người Việt Nam vẫn còn rất eo hẹp so với mức độ mà họ xứng đáng được hưởng.
Khi tranh luận về hành xử của Big Tech với tự do ngôn luận, người Việt có cơ hội nhìn thấy rõ hơn các đường biên giới đang gò bó tự do ngôn luận của họ, bất kể là họ đang ở Việt Nam hay ở Mỹ.
Vậy chúng ta có thể đẩy cuộc tranh luận quan trọng này đi xa hơn như thế nào?
Bằng cách đặt vài câu hỏi khó chịu về quyền lực.
***
Các bình luận phản đối quan điểm của luật sư Định và luật sư Hậu thường thể hiện sự tôn trọng sâu sắc khuôn viên tư doanh độc lập của Big Tech.
Theo các bình luận đó, vì Big Tech là các công ty tư nhân và kiểm duyệt ngôn luận dựa vào các điều khoản dịch vụ (terms of service), vốn có vai trò như hợp đồng riêng giữa họ và người dùng mạng xã hội, nên trong khuôn viên mạng xã hội của mình, Big Tech có quyền kiểm duyệt nội dung ngôn luận thể theo các điều khoản dịch vụ đó.
Mọi mâu thuẫn trong kiểm duyệt nội dung theo đó là mâu thuẫn cá nhân giữa người dùng và doanh nghiệp, thay vì là cái gì đó to tát như mất quyền tự do ngôn luận.
Cũng theo đó, việc dùng luật pháp bắt Big Tech phải tôn trọng tự do ngôn luận của bất kỳ cá nhân nào là một hành vi phản tự do thị trường (market freedom). Triết lý tự do thị trường là một “cột trụ” trong tư tưởng kinh tế chính trị hữu khuynh, vốn đề cao quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp tư nhân và chống đối các hình thức kiểm soát doanh nghiệp.
Theo một cách khá mỉa mai, bằng cách “khóa miệng” một chính trị gia có vẻ hữu khuynh là ông Trump, Big Tech lại giành được sự ủng hộ khá nhiệt thành từ những người chống ông Trump cuồng nhiệt nhất, vốn thường có khuynh hướng tả khuynh (chủ trương chống lại các hình thức bóc lột và lạm quyền của giới chủ doanh nghiệp tư nhân).
Vấn đề lớn nhất của lập luận đề cao tự do thị trường để bảo vệ quyền kiểm duyệt ngôn luận là nó dễ tạo ra một cái “ván trượt” khiến người ta trượt đi luôn mà không để ý đến một số khúc mắc lớn trong vai trò của Big Tech đối với các mạng xã hội có hàng tỷ người dùng.
Chúng ta có nên tôn trọng tự do thị trường của Big Tech tới mức chấp nhận rằng các chính sách kiểm duyệt ngôn luận của họ sẽ không bao giờ có thể bị thách thức và chịu sự giám sát độc lập của nhà nước, tòa án và xã hội dân sự?
Trong không gian pháp lý của Mỹ, nguyên quán của Big Tech, một nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho thấy quyền kiểm duyệt ngôn luận của các doanh nghiệp này đang được hưởng tới hai tấm lá chắn bảo vệ:
Hai tấm lá chắn trên cho phép Big Tech làm bốn việc:
Nghĩa là trong không gian pháp lý liên quan đến tự do ngôn luận tại Mỹ hiện nay, việc “nắm tóc” Big Tech cũng dễ như “nắm tóc” mấy ông sư.
Khi bàn về quyền lực nhà nước, chúng ta rất hay nghe người ta trích dẫn câu nói nổi tiếng của Lord Acton: “Quyền lực làm tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.
Có gì bảo đảm quyền lực kiểm duyệt “bất khả xâm phạm” của Big Tech không dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối của họ?
Khi suy xét về các thế lực đang có quyền kiểm duyệt ngôn luận của chúng ta, chúng ta thường nghĩ đơn giản:
Chính phủ kiểm duyệt: Xấu!
Doanh nghiệp kiểm duyệt: Bình thường!
Có vài lý do để vươn ra khỏi lối nghĩ đơn giản này và cố gắng tư duy theo một cách mang tính phê phán hơn về quyền kiểm duyệt ngôn luận của doanh nghiệp và theo đó là của Big Tech.
Thứ nhất, Big Tech đang sử dụng các công cụ thuật toán (algorithms) hay trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) để kiểm duyệt nội dung trên các mạng xã hội. Các công cụ kỹ thuật này tinh vi và khó lường hơn rất nhiều khi so sánh với các hình thức kiểm duyệt ngôn luận truyền thống của nhà nước.
Thứ hai, Big Tech thật sự đã và đang cung cấp các môi trường và nền tảng cho sự phát triển và phát tán của tin giả, của các dạng ngôn luận cổ xúy bạo lực, hay ngôn luận thù hận – vốn có thể đe dọa sự tồn tại của các xã hội dân chủ. Đây là một vấn đề nhức nhối trong không gian pháp lý của Mỹ và của các nước dân chủ phát triển.
Thứ ba, trên không gian pháp lý quốc tế và đặc biệt trong không gian pháp lý của các nước đang phát triển, khả năng kiểm duyệt ngôn luận của Big Tech có vẻ đang bị các chính phủ độc tài lôi kéo và tận dụng. Đây là vấn đề quan trọng đối với các nhóm thiểu số đang cố gắng thực hành và truyền bá dân chủ tại các nước đang phát triển.
Big Tech tạo ra quyền lực bằng việc sử dụng những công cụ tinh vi khó lường, nhưng lại không giải quyết được các vấn nạn lớn của các nền dân chủ trưởng thành, mà lại còn dễ bị lợi dụng để làm lụn bại các xã hội dân chủ non trẻ. Khi đối mặt với một thứ quyền lực như vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi là nên dùng các công cụ gì để giám sát độc lập thứ quyền lực đó.
Cho dù công nghệ thuật toán và trí tuệ nhân tạo vẫn mới chỉ đang bước đầu được Big Tech phát triển và sử dụng, cần phải cấp thiết đặt câu hỏi: sự phát triển các công cụ tinh vi đó có nên được đặt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, tòa án, và xã hội dân sự không?
Một vài nghiên cứu chuyên môn, ví dụ của Gowar, Binns và Katzenbach (2020) và Oliva (2020), cho rằng câu trả lời là không.
Vì công nghệ cao không tự động giúp công tác kiểm duyệt ngôn luận của Big Tech nghiễm nhiên trở nên chí công vô tư, công khai và dễ kiểm tra (audit) hơn.
Thứ công nghệ cao có vẻ giúp ích cho Big Tech nhiều hơn về lâu dài là một thứ công nghệ cao tích hợp các giá trị nhân quyền, đồng thời được giới chuyên gia và các tổ chức vận động nhân quyền theo dõi và đánh giá thường xuyên.
Big Tech phải chịu các hình thức giám sát độc lập “nặng ký” hơn trong không gian pháp lý Hoa Kỳ?
Kiểm soát và giám sát Big Tech như thế nào để vừa đảm bảo tự do ngôn luận mà vừa giúp giải quyết các vấn đề tin giả, ngôn luận cổ xúy bạo lực và ngôn luận thù hận? Đó là câu hỏi lớn mà các nhà làm luật Mỹ vẫn đang tranh luận.
Big Tech cũng nỗ lực tự tìm câu trả lời nhằm duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của họ. Bên cạnh các đầu tư lớn về công nghệ tinh vi, họ đã chủ động xây dựng các cơ chế tự kiểm soát (self-governance), ví dụ như cơ chế Ban Giám sát Facebook.
Tuy nhiên, các nghiên cứu pháp lý của Balkin (2018) và nghiên cứu truyền thông của Ricknell (2020) cho thấy các giải pháp giám sát khác căn cơ hơn và mang nặng tính “độc lập” hơn có thể được các nhà làm luật Mỹ tham khảo:
Phải giám sát độc lập việc kiểm duyệt nội dung của Big Tech trong không gian pháp lý của các nước đang phát triển?
Trong một báo cáo xuất bản tháng 12/2020, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã trình bày các dữ liệu và nghiên cứu thực địa từ Việt Nam. Báo cáo này cho thấy Facebook và Google đang ngấm ngầm hợp tác với chính quyền Việt Nam để chặn, xóa, và hạn chế các nội dung chính trị của người dùng Facebook tại Việt Nam.
Bản thân Luật Khoa cũng đã từng bị Facebook chặn một số bài viết bị Facebook xem là “đi ngược lại với Tiêu chuẩn Cộng đồng” của họ.
Những người chống Trump có thể dễ dàng ca ngợi Big Tech khi Big Tech “khóa miệng” một người họ căm ghét.
Nhưng thứ quyền lực dùng để “khóa miệng” ông Trump có thể đang cùng lúc được dùng để “khóa miệng” những tiếng nói độc lập ủng hộ dân chủ tại các nước đang phát triển.
Một người Mỹ bị chặn Facebook có thể kiện Facebook ra một hệ thống tòa án độc lập hoặc đầu tư mở một mạng xã hội của riêng họ. Người Việt Nam có vẻ đang không có những đặc quyền đó.
Để kiểm soát quyền kiểm duyệt ngôn luận của Big Tech, cũng phải có các cơ chế giám sát quyền lực Big Tech trên trường quốc tế.
Việc Big Tech đã đi vào tầm ngắm của Liên Hiệp Quốc và của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) là những dấu hiệu tốt, nhưng còn cần hơn nữa các nỗ lực phối hợp giải quyết vấn đề này từ các cơ quan và tổ chức quốc tế.