‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vụ Big Tech cấm cửa Trump đặt phe bảo thủ vào một nan đề.
Từ góc nhìn của một người ủng hộ thị trường tự do, vụ Big Tech cấm cửa Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có hình hài như thế nào?
Những người bảo thủ (conservative) coi Trump là “người bảo vệ” cho nguyên tắc thị trường tự do, tức là lý thuyết cho rằng giảm thiểu tối đa sự can thiệp của chính phủ vào thị trường sẽ giúp thị trường phát triển và hoàn thiện nhất.
Trump thể hiện điều này bằng hai hành động lớn nhất: cắt giảm thuế và giảm mạnh quy định quan liêu trói chân doanh nghiệp. Phe thị trường tự do lập luận rằng các biện pháp can thiệp của chính phủ hầu hết là tệ hại. Nhiều luật lệ đi kèm với việc mở thêm phòng ban, thêm quan chức, thêm ràng buộc và thêm cơ hội để tham nhũng nảy sinh. Đây là cái được gọi là luận đề “chính phủ càng lớn, người dân càng nhỏ”.
Ông Trump còn làm cho các nhà bảo thủ nức lòng khi liên tục lặp lại câu nói đã trở thành khẩu hiệu của họ: ở Mỹ, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, chứ không tôn thờ chính phủ.
Những người bảo thủ tuyên bố, để cho các doanh nghiệp tự cạnh tranh trong thị trường tự do và công bằng không chỉ là một quyết định để tối đa hóa lợi nhuận, mà đó còn là quyết định mang tính đạo đức. Theo lập luận này, biểu hiện của đạo đức chính là việc để cho người bán và người mua tự do tìm đến nhau mà không phải chịu bất cứ rào cản áp lực nào. Và khi đó, doanh nghiệp nào mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.
Quan điểm này thể hiện rõ ràng trong một vụ kiện gây chấn động nước Mỹ vào năm 2018. Một cửa hàng bánh ngọt ở Colorado đã từ chối phục vụ đám cưới của một cặp đôi đồng tính bởi vì niềm tin Cơ đốc giáo. Tối cao Pháp viện đã phân xử cho chủ cửa hàng thắng kiện, với cơ sở là quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ. Phe bảo thủ ca ngợi phán quyết này như một chiến thắng của thị trường tự do.
Dave Rubin, người dẫn chương trình nổi tiếng của phe bảo thủ “The Rubin Report”, đã tóm gọn lại tư tưởng luôn hoài nghi chính phủ như sau:
“Tôi là một người đồng tính đã kết hôn. Bạn có thể nghĩ rằng tôi sẽ biết ơn chính phủ nếu họ ra lệnh ép những người Cơ đốc giáo phải đi ngược lại lương tâm tôn giáo của họ để làm bánh, cắm hoa và chụp ảnh phục vụ cho đám cưới của tôi phải không? Nhưng bạn sai rồi. Một chính phủ có thể ép người Cơ đốc làm trái tín ngưỡng cũng có thể ép tôi làm trái lương tâm mình.
Nếu một tiệm bánh không chịu làm bánh cho bạn, hãy đi tìm một tiệm khác. Đừng yêu cầu chính phủ ra lệnh cho một người phải làm gì đó với tiệm bánh thuộc sở hữu cá nhân của họ”.
Tóm lại, nếu bạn ủng hộ các nguyên tắc mà Trump cổ súy về thị trường tự do, thì bạn phải ủng hộ quyền tự đưa ra quyết định của mỗi doanh nghiệp. Tức là ủng hộ quyền được phép cấm Trump của Twitter.
Nếu bạn phản đối việc Trump bị cấm và yêu cầu phải có thêm luật pháp ràng buộc mạng xã hội thì tức là đi ngược nguyên tắc thị trường tự điều chỉnh. Và chúc mừng, bạn đã không còn là một người cánh hữu mà rất phù hợp để đăng ký làm thành viên của Đảng Dân chủ.
Con trai Trump và các chính trị gia Cộng hòa chỉ trích việc Twitter cho phép những kẻ độc tài như lãnh đạo Iran và Trung Quốc hoạt động, nhưng tổng thống Hoa Kỳ lại bị cấm.
Thứ nhất, bất công là một khái niệm mang nặng tính chủ quan. Twitter có quyền quyết định rằng việc ông Trump sử dụng dịch vụ của họ gây hại cho nước Mỹ nhiều hơn các lãnh đạo xứ độc tài kia, vì vậy, họ cấm Trump để tránh thảm kịch lặp lại trong tương lai.
Nhưng thậm chí nếu Twitter cố tình nhắm đến Trump thì sao? Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo, nơi mọi người đều được đối xử công bằng tuyệt đối. Doanh nghiệp có quyền đối xử bất công hay không? Theo nguyên tắc của thị trường tự do, nếu một công ty phạm sai lầm, không cần đến sự trừng phạt của chính phủ, khách hàng sẽ tự quay lưng lại với họ.
Đối với các mạng xã hội thì Donald Trump không chỉ là khách hàng mà còn là tài sản cực kỳ quý giá. Theo một ước tính năm 2017, tài khoản Twitter cá nhân của Trump trị giá 2 tỷ USD. Nhà phân tích James Cakmak khi đó đã nhận định rằng giá trị thị trường của Twitter sẽ giảm chừng ấy nếu @realDonaldTrump ngừng tweet. Đến nay, rõ ràng là giá trị của tài khoản Trump chỉ có tăng lên.
Cổ phiếu Twitter giảm tới 12%, công ty thất thoát tới 5 tỷ USD sau lệnh cấm cửa Trump. Người ủng hộ Trump ồ ạt chuyển sang các ứng dụng xã hội đối thủ như Parler hay Gab. Làn sóng phản đối Big Tech (các hãng công nghệ lớn như Twitter, Facebook, Google) bùng lên không chỉ ở những người ủng hộ Trump mà còn cả ở các lãnh đạo châu Âu. Các Big Tech với viễn cảnh độc tài kỹ thuật số trở thành mục tiêu chỉ trích của cả cánh tả lẫn cánh hữu.
Khi tôi viết bài này, ông Trump mới bị Hạ viện luận tội lần thứ hai với cáo buộc “kích động nổi loạn”. 10 dân biểu Đảng Cộng hòa đã đứng về phe Đảng Dân chủ lên án Trump. Rõ ràng, các lo ngại của Twitter rằng ông Trump đã sử dụng dịch vụ của họ để gây hại không phải là vô lý. Nếu nhìn theo một góc độ khác: Các mạng xã hội, vì để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, đã tự tay cắt bỏ một nguồn tài sản khổng lồ của mình, thì đây có thể coi là chiến thắng về mặt đạo đức của thị trường tự do.
Và thật lạ lùng khi có người nhìn nhận việc Twitter cấm Trump khiến họ phải suy nghĩ lại các giá trị của nước Mỹ. Bởi, nếu chuyện một công ty tư nhân dám tống cổ một ông tổng thống quyền lực nhất thế giới không phải là biểu hiện tột bực cho cái tình yêu tự do ngạo nghễ, coi thường cường quyền của người Mỹ, thì cái gì mới là giá trị Mỹ?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.