Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Dân giám sát Đảng có thể không quá xa vời, nếu chúng ta chấp nhận một lý luận mới.
Sự lãnh đạo, chi phối của Đảng Cộng sản (ĐCS) đối với xã hội và tương lai của Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Dù muốn dù không, những quyết sách mà ĐCS đưa ra, cũng như nhân sự mà ĐCS quyết định trong những ngày Đại hội sẽ xác định hướng đi, cả về đối nội lẫn đối ngoại, của Việt Nam trong ít nhất 5 năm tiếp theo (nếu không có biến cố gì xảy ra). Chính vì thế, việc hiểu được những quyết sách đó là tối quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về sự phát triển của Việt Nam.
Nhưng một câu hỏi ít được những người không phải là đảng viên đặt ra: cơ sở lý luận nào để ĐCS xác quyết sự lãnh đạo của mình đối với Việt Nam? Hay nói cách khác, tính chính danh của ĐCS là ở đâu?
Cũng như tất cả những lực lượng lãnh đạo trong lịch sử, các ĐCS ngoài việc chiếm được quyền lực bằng nòng súng cũng phải đưa ra các học thuyết, lý luận để tạo ra tính chính danh cho việc lãnh đạo của mình.
“Tính chính danh” (legitimacy) hoặc “quyền uy” (authority) chỉ cội nguồn của quyền được lãnh đạo mà một ông vua, hay một chính đảng, xứng đáng được hưởng. Khác với “quyền lực” (power) có thể đạt được thông qua bạo lực hoặc nỗi sợ, “quyền uy” đòi hỏi một sự lý luận và thường sẽ mang tính trừu tượng.
Các ông vua phương Đông chiếm ngai vàng bằng “quyền lực”, nhưng duy trì sự lãnh đạo đời này sang đời khác bằng cái gọi là “thiên mệnh”, tạo ra tính chính danh của mình. Các quân vương phương Tây cũng vậy, họ tiếm quyền bằng cách này hay cách khác nhưng vẫn tìm sự sắc phong, ban phước lành từ Đức Giáo hoàng như một cách thể hiện sự chính danh.
Trong một nhà nước cộng hòa, dân chủ, tính chính danh được xây dựng thông qua việc xác nhận rằng một chính quyền được dân bầu ra, hoặc được tạo ra một cách hợp hiến. Chính vì thế, khi phe đối lập tấn công những chính quyền này, ngoài những biện pháp quyền lực, họ cũng buộc phải tấn công vào tính chính danh của chính quyền bằng các luận điệu thế này hay thế khác. Một ông vua phương Đông bị phế truất vì làm trái mệnh trời, mất đi thiên mệnh (được thể hiện thông qua sự thần phục của văn võ bá quan, hoặc thông qua một ấn thiên tử nào đó). Một quân vương phương Tây bị Giáo hội rút phép thông công (excommunication), tạo cớ cho các quý tộc từ chối cống nạp hoặc tổ chức đảo chính.
Các quốc gia cộng hòa, dân chủ ngày nay cũng chứng kiến những cuộc tấn công tương tự, khi phe đối lập lên án chính quyền bằng cách buộc tội nó được bầu lên không hợp hiến (nhờ gian lận bầu cử hay can thiệp từ nước ngoài). Các cuộc thay đổi cấu trúc lãnh đạo một đất nước thông thường đều phải bắt đầu từ việc tấn công vào tính chính danh như vậy.
ĐCS cũng đã từng tấn công vào tính chính danh của một chế độ cầm quyền nhằm tạo ra tính chính danh cho bản thân.
Nếu để ý kĩ lời của Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9/1945, ta sẽ thấy văn kiện này có rất ít những chỉ dấu liên quan đến việc đánh đuổi quân xâm lược, khôi phục Việt Nam như một quốc gia độc lập. Trái lại, Hồ Chí Minh cho rằng người Pháp, thông qua “lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái” và công cuộc khai hóa, tạo dựng tính chính danh cho việc đô hộ Việt Nam. Tính chính danh đó biến mất qua các hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” và qua thất bại trong việc bảo vệ thuộc địa khỏi sự xâm lược của Nhật Bản. Chính vì thế, khi Pháp đầu hàng Nhật, tính chính danh của Pháp tại Đông Dương không còn. Người Việt Nam làm chủ đất nước Việt Nam là kết quả của việc đã “đứng về phe Đồng minh” để chiến đấu với phát xít Nhật.
Vậy ĐCS dùng lý luận nào để xác quyết tính chính danh của mình?
Câu trả lời nằm ngay chính trong lời nói đầu của những bản Hiến pháp. Từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 2013, lời nói đầu luôn bắt đầu bằng việc tóm tắt quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCS trong thế kỷ XX. Bản Hiến pháp 1980 đặt nặng thành tựu chống Pháp và chống Mỹ trong thế kỷ XX của ĐCS như một cách để khẳng định tính chính danh cho sự lãnh đạo của Đảng. Hiến pháp 1992 trong khi đó đề cao công cuộc Đổi mới năm 1986 và xác định rằng ĐCS có quyền lãnh đạo để giúp Việt Nam hòa nhập trong thời đại mới. Hiến pháp 2013 chỉ còn nói về “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như là mục tiêu lớn của đất nước và ĐCS có quyền lãnh đạo dựa trên các thành tựu trong quá khứ.
Những lý luận này phù hợp với cương lĩnh của ĐCS qua từng thời kỳ. Một cách khác, có thể nói rằng ĐCS có quyền lãnh đạo vào những năm 1980 là vì họ đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vào năm 1992 là nhờ vào công cuộc Đổi mới và mục tiêu hòa nhập, và vào năm 2013 là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Nhưng vì sao lại là ĐCS? Và vì sao điều 4 của các bản Hiến pháp kể trên đều khẳng định ĐCS là lực lượng lãnh đạo?
Để hiểu điều này, cần hiểu lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin về việc xây dựng nhà nước, được Marx và Engels nhắc đến trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và được Lenin làm rõ trong tiểu luận “Làm gì?”. Trong hai tác phẩm này, một khái niệm được tạo ra chi phối mô hình tổ chức của rất nhiều quốc gia cộng sản trên thế giới. Đó là khái niệm “đảng tiên phong” (vanguard party).
“Đảng tiên phong” chỉ một lực lượng tinh hoa của xã hội, có khả năng dẫn dắt toàn thể dân chúng thực hiện một mục tiêu nào đó. Ở Việt Nam, đảng tiên phong còn có thể được gọi với tên khác là đảng cách mạng. Khoa học chính trị cũng mô tả các chính đảng tổ chức theo mô hình đảng tiên phong là các đảng Leninist.
Đặc điểm của những đảng tiên phong này là nó luôn xuất hiện trước nhà nước, là đảng lập quốc. Do đó, sự lãnh đạo của nó xuất hiện ngay từ bản hiến pháp đầu tiên.
Không chỉ có đảng cộng sản mới tổ chức theo mô hình đảng tiên phong. Những đảng cách mạng khác như Quốc Dân Đảng của Đài Loan, Đảng Ba’ath của Iraq… cũng làm vậy. Các đảng này đặt ra những mục tiêu của xã hội, và lãnh đạo xã hội đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, các đảng tiên phong cần phải được hiểu như một nhóm chính trị mang tính chất tinh hoa, chứ không phải là một đảng chính trị, tập hợp của những cá nhân cùng quan điểm chính trị như ở phương Tây.
ĐCS xem đó là cơ sở lý luận để thiết lập tính chính danh cho sự lãnh đạo của mình. Lịch sử thế kỷ XX của Việt Nam theo con mắt của ĐCS là một quá trình mà ĐCS xây dựng đất nước, chống lại những kẻ thù xâm lược, hoặc đạt được các mục tiêu thời đại như hội nhập quốc tế…
Nếu chiếu theo góc nhìn đó, những nhà nghiên cứu có thể hiểu được tại sao mô hình hai chính quyền (đảng – nhà nước) lại tồn tại một cách khá tự nhiên ở Việt Nam. Nhà nước là một công cụ để thực hiện các chính sách của ĐCS, và do đó ĐCS phải xây dựng được một mô hình tương tự như một nhà nước.
Tính song trùng này phù hợp về mặt lý luận của ĐCS, nhưng lại tạo ra rất nhiều rắc rối về vận hành và về ngân sách. Như một bài viết trước đây của Luật Khoa đã chỉ ra, ĐCS gần như thoát khỏi những ràng buộc về giám sát ngân sách của chính quyền, mặc dù vẫn dùng chung bầu sữa ngân sách. Điều này cũng tương tự trong mô hình kiểm soát tham nhũng của ĐCS, khi các cơ quan của chính ĐCS sẽ quản lý việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ đảng (Điều 30, Khoản 8 Luật Phòng chống Tham nhũng 2018). Tương tự, việc ĐCS đưa ra các văn bản hướng dẫn Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự lãnh đạo này.
Chấp nhận lý luận và mô hình này cũng có thể khiến cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, trên cơ sở đề cao luật thực định, gặp rắc rối. Điều 4 Hiến pháp nói rất rõ rằng tuy đảng viên và các cơ quan của đảng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, bản thân ĐCS chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát từ nhân dân chứ không phải từ một cơ quan nhà nước, hay một bộ luật thực định nào.
Đó có thể là một lý do chính của việc những nhà lý luận pháp lý tại Việt Nam kêu gọi hợp nhất các cơ quan ĐCS và nhà nước. Việc hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước trong hai năm gần đây là một thử nghiệm đáng kể.
Nhưng đó là các câu hỏi mang tính lý luận. Đối với người dân, việc hiểu thêm về lý luận của ĐCS có ích lợi gì?
Mô hình này chắc chắn không phải là một mô hình pháp quyền. Và vì thế, việc sử dụng luật thực định để giải thích vai trò và giám sát ĐCS có thể nói là không phù hợp. Chính vì thế, rất cần một lý luận mới, dựa trên những lý luận mà chúng ta đã biết về ĐCS và vai trò của nó, để có thể giải quyết được câu hỏi giám sát này.
Thiết nghĩ, lý luận mới đó có thể là xem chính các điều luật của ĐCS như một thứ luật chi phối đất nước, và hoạt động của ĐCS cũng như hoạt động của một nhà nước và cần chịu sự giám sát của người dân. Một trong những hệ quả của sự thay đổi lý luận này là việc công khai các văn bản về hoạt động nội bộ của ĐCS, xem nó như một nhánh quyền lực khác tương tự như chính phủ, Quốc hội, tòa án. Làm rõ về chi tiết vai trò và cách vận hành của ĐCS theo pháp luật, thay vì xem nó như một tổ chức chính trị độc lập, là bước đầu tiên để yêu cầu trách nhiệm giải trình từ cơ quan này.
Vậy người dân lấy ở đâu quyền được giám sát đó?
Ngoài quy định của Hiến pháp, một phương pháp khác là sử dụng lập luận về tính chính danh của ĐCS. Tính chính danh không chỉ là quyền lãnh đạo mà còn đi kèm với nghĩa vụ chịu sự giám sát của người dân vì mục tiêu chung kể trên.
Tất nhiên, đây không phải là một cách làm có thể khiến những nhà đấu tranh dân chủ hài lòng, vì nó ám chỉ sự công nhận quyền lãnh đạo của ĐCS. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay, không thể phủ nhận đây chính là bước đầu tiên để người dân thực sự làm chủ. Rốt cuộc thì dân chủ không chỉ quan trọng việc ai ngồi vào vị trí lãnh đạo, mà còn là việc người dân có thể giám sát kẻ lãnh đạo như thế nào. Nếu chưa thể đòi hỏi quyền lãnh đạo thì kiềm chế và giám sát sự lãnh đạo cũng là một cách không tồi.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.