Cùng đọc lại về “tự do âm” và “tự do dương”

Tự do khỏi những chiếc lồng, và tự do cất cánh bay.

Cùng đọc lại về “tự do âm” và “tự do dương”
Đồ họa: Luật Khoa/ Canva.

Cách đây đúng sáu năm, nhà báo Đoan Trang đã có một bài viết trên Luật Khoa với tựa đề “Tự do âm và tự do dương”.

Bài viết diễn giải ngắn gọn các khái niệm căn bản nhất về tự do mà các triết gia chính trị lớn trên thế giới đã tranh luận suốt nhiều thế kỷ qua. Nó đồng thời cũng giới thiệu đến bạn đọc tại Việt Nam quyển sách “Political Philosophy: A Complete Introduction” (Giới thiệu đầy đủ về triết học chính trị) của hai tác giả Phil Parvin và Clare Chambers. Đây là cuốn sách dành cho ai muốn tìm hiểu ngọn nguồn các khái niệm chính trị, khởi đầu của những tư tưởng thiết kế nhà nước, và nền tảng của các phương thức quản lý xã hội.

Sáu năm sau bài viết trên, chúng ta lại đang có các cuộc thảo luận sôi nổi về một trong những dạng thức cơ bản nhất của tự do: quyền tự do ngôn luận. Nó bắt nguồn từ các hòn đá được ném xuống mặt hồ ở phía bên kia bán cầu, và gợn sóng thì lan đến tận phía bên này quả đất.

Nhân các cuộc thảo luận đó, chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang” kỳ này sẽ cùng bạn đọc thăm lại các khái niệm cơ bản nhất về tự do được đề cập trong quyển sách nói trên.

Những nội dung này, cùng với các kiến thức chính trị phổ thông khác, cũng đã được tác giả Đoan Trang tổng hợp lại trong quyển “Chính trị bình dân”. Trong đó, Đoan Trang đặt lại tên của hai khái niệm này là “tự do không” và “tự do có”.

Tự do âm và tự do dương

Triết gia Isaiah Berlin được xem là người có công phổ biến hai khái niệm này, qua bài giảng nổi tiếng của ông có tên “Two concepts of liberty” (Hai khái niệm về tự do).

Tự do âm là dịch từ thuật ngữ “negative freedom”, còn tự do dương là “positive freedom”.

“Âm” (negative) ở đây không phải là xấu, mà nó là “không có” (absence) – tương tự như “xét nghiệm âm tính” tức là “không có virus”. Tự do âm vì vậy là chỉ cách hiểu về tự do theo nghĩa “không có sự cản trở”.

Tương tự, “dương” (positive) ở đây không có nghĩa là tốt. Trong trường hợp này, nó được đặt đối lại với “âm” để chỉ thứ tự do “có điều kiện”. Điều kiện được nói đến là khả năng làm chủ và trách nhiệm đối với lựa chọn của mình.

Theo cách hiểu truyền thống, những người ủng hộ tự do âm thường bảo vệ tự do cá nhân, chống lại sự can thiệp của nhà nước, có khuynh hướng ủng hộ thị trường tự do tuyệt đối.

Trong khi đó, những người theo trường phái tự do dương thường đặt tự do cá nhân bên trong một bức tranh lớn, hoặc của cộng đồng, hoặc của một quốc gia. Tự do theo cách hiểu của họ không chỉ dính dáng đến lựa chọn (choice) của cá nhân, mà còn ở bối cảnh (context) của lựa chọn đó. Đặt trong bối cảnh của một cộng đồng hay một quốc gia, luôn luôn có những giới hạn và điều kiện đặt ra để đạt được tự do.

Ba cách phân biệt tự do âm và dương

Cách 1: Từ khía cạnh được cho phép có khả năng làm thứ gì đó

Theo cách này, tự do theo kiểu âm là khi một người không gặp sự cưỡng ép nào (coercion). Cưỡng ép ở đây là hành động can thiệp có chủ đích từ phía người khác. Tự do vì thế có nghĩa là được phép làm theo lựa chọn của mình mà không bị người khác cố tình can thiệp.

Những người theo trường phái tự do âm không quan tâm đến việc cá nhân có khả năng thực hiện một lựa chọn hay không. Họ chỉ quan tâm đến việc cá nhân không bị người khác cản trở.

Lấy ví dụ một người khuyết tật hai chân không thể đi bộ. Theo cách hiểu của tự do âm, người này hoàn toàn được tự do đi lại. Chuyện anh ta có thể đi được hay không không ảnh hưởng gì tới quyền tự do của cá nhân anh. Các chính sách nhà nước theo trường phái tự do âm vì vậy không có nghĩa vụ gì phải giúp đỡ người khuyết tật này, chỉ cần đảm bảo không ai cản trở anh ta là được.

Tư tưởng tự do dương, ngược lại, sẽ yêu cầu nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ (ví dụ như tài trợ xe lăn, nạng chống…), đảm bảo người này có khả năng làm được chuyện mình muốn (đi lại). Đó là vì theo những người tự do dương, cá nhân chỉ thực sự tự do khi họ có khả năng làm được điều mình muốn.

Cách 2: Từ khía cạnh làm bất cứ gì tùy thích và khả năng kiểm soát ham muốn bản thân

Tự do âm, theo cách hiểu này, là việc một người tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn vào bất kỳ thời điểm nào, bất kể việc đó tốt hay xấu.

Những người theo trường phái tự do dương không đồng ý với cách hiểu này. Họ cho rằng trong nhiều trường hợp, một người có thể làm những việc bản thân họ không thể kiểm soát, như dưới áp lực tâm lý, hoặc do ảnh hưởng của các cơn nghiện. Tự do vì vậy, theo những người tự do dương, là khả năng làm chủ bản thân, kiểm soát những gì mình muốn.

Isaiah Berlin, một người luôn ủng hộ tự do âm, cho rằng đây là cách hiểu nguy hiểm về tự do.

Nó cho phép người khác kết luận rằng một người có thể chưa đủ khả năng làm chủ, chưa có khả năng kiểm soát, và vì thế (người khác/ nhà nước) cần phải “giúp đỡ”, hay thậm chí là “buộc anh ta phải tự do” (force to be free), như cách Jean-Jacques Rousseau đã từng viết.

Những nhà tư tưởng khác, như John Stuart Mill và John Rawls, bảo vệ kiểu tự do dương này khi cho rằng tự do không chỉ là việc thỏa mãn những ham muốn mà một người đang có, nó còn là việc thỏa mãn những ham muốn mà một người cần phải có (ought to have). Theo đó, nên có một khung giá trị cho hành động, ví dụ như theo sự thật thay vì theo những lời dối trá.

Cách 3: Từ góc độ không gian riêng tư được bảo vệ và sự tự do tham gia xây dựng cộng đồng

Theo cách hiểu này, tự do âm là việc mỗi người có một vùng riêng tư (private sphere) không bị nhà nước hay bất kỳ ai can thiệp. Ở trong không gian cá nhân đó, mỗi người có thể tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn.

Khái niệm này quen thuộc và tự nhiên với hầu hết mọi người, nhưng trên thực tế nó gần như không tồn tại. Lý do là vì không ai được toàn quyền tự do làm mọi thứ trong vùng riêng tư của mình mà không chịu sự can thiệp của bên ngoài. Nếu xem ngôi nhà là không gian riêng tư (hiển nhiên), thì người chồng có toàn quyền bạo hành người vợ, cha mẹ có quyền thoải mái đánh đập con cái. Pháp luật hiện tại ở hầu hết mọi nơi đều cấm các hành động này. Hoặc như với niềm tin tôn giáo của mỗi người, thứ cũng hiển nhiên được xem là vùng riêng tư, trên thực tế có những hành động phải bị can thiệp như tục hiến tế (ngày xưa) hay cưỡng ép hôn nhân (vẫn còn tồn tại ngày nay).

Trong khi đó, cách hiểu tự do dương ở góc độ này là khả năng kiểm soát cuộc đời của một cá nhân, không chỉ nằm ở việc có một không gian riêng tư được bảo vệ, mà còn là quyền tự do chủ động tham gia kiến tạo cộng đồng xung quanh. Một người sẽ được tự do khi được tham gia cùng những thành viên khác trong cộng đồng, xây dựng và định hướng tương lai của nó.

Khái niệm tự do dương trong trường hợp này không phân tách khu vực công với khu vực tư. Nó đặt tự do trong bối cảnh chung của một cộng đồng, thay vì là những đeo đuổi của cá nhân.

Berlin cho rằng cách hiểu này đặt tự do cá nhân dưới sự kiểm soát của tập thể, và nó là cách thức mà những cá nhân độc tài cũng như các chế độ độc tài trong lịch sử dùng để đàn áp những ý kiến bất đồng với mình.

Tự do không chỉ có âm hay dương

Philip Pettit, một triết gia người Ireland vào năm 1997 đã đề cập đến một “khái niệm thứ ba” về tự do, một phiên bản mà ông cho là cải tiến của cả âm và dương.

Pettit lấy ví dụ một người nô lệ. Chủ của anh này tốt bụng tử tế đến mức không bao giờ cưỡng ép anh làm bất kỳ việc gì. Người nô lệ được tự do làm mọi thứ, gặp bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, đến bất kỳ nơi nào.

Theo định nghĩa của tự do âm, người này là hoàn toàn tự do. Anh ta không bị ai can thiệp vào việc mình làm.

Nhưng trên thực tế, người chủ nô vẫn luôn có khả năng kiểm soát mọi thứ về cuộc đời anh. Chỉ cần ông muốn, bất kỳ lúc nào ông cũng có thể can thiệp và ngăn chặn những thứ người nô lệ làm. Người nô lệ vì vậy không thể xem là được tự do.

Pettit đề xuất một khái niệm tự do khác: thay vì chỉ là không bị can thiệp (lack of interference) như tự do âm, thì tự do đúng nghĩa ở đây phải là không bị kiểm soát và không bị phụ thuộc (lack of domination).

***

Ý kiến của Philip Pettit chỉ là một trong vô số những tranh luận đưa thêm vào câu chuyện định nghĩa thế nào là tự do. Và đó cũng chỉ là một trong rất nhiều những khái niệm trong chính trị nói riêng và triết học nói chung mà nhân loại đã luôn phải vắt óc suy nghĩ.

Điều quan trọng nhất của tất cả những cuộc tranh luận không phải là ở việc áp đặt được suy nghĩ của mình lên người khác; một con chó cũng có thể làm được chuyện đó – tất cả những gì nó cần làm là sủa đi sủa lại cho đến khi đối phương phải bỏ cuộc.

Con người, khác với loài vật, học được vô số điều mới lạ về thế giới này qua các cuộc tranh luận.

Các tác giả của “Political Philosophy” đã chia sẻ về mục đích của quyển sách ở phần đầu, khi mong muốn giúp người đọc hiểu rõ về những thứ cơ bản nhất đang diễn ra trong đời sống chính trị xung quanh.

Triết học là một môn được sinh ra để giúp con người tìm hiểu sự thật về thế giới. Triết học chính trị, như tên của quyển sách, có mục đích giúp người ta biết được sự thật và bản chất về cách chúng ta tổ chức cộng đồng, xã hội, thể chế mình đang sống.

Tất cả những thứ đã và đang được tạo ra – các thể chế, luật pháp, kể cả những khái niệm – đều là những “work in progress” (sản phẩm chưa hoàn thiện).

Chúng ta tìm hiểu và học hỏi chúng không phải để ôm khư khư lấy một học thuyết nào đó. Chúng ta luôn cần phải chất vấn tất cả những khái niệm, những điều luật, những tư tưởng, những định chế…

Nhưng trên hết, chúng ta luôn phải chất vấn mọi hiểu biết của bản thân mình.

Chỉ khi nào làm được điều đó, mỗi người mới có thể tự giải thoát bản thân khỏi những chiếc lồng, và có được tự do, cả âm lẫn dương, hay như cách gọi của Đoan Trang, vừa không vừa có.

Tự do không là tự do khỏi những chiếc lồng chỉ chực chụp lên mình, còn tự do có là việc có thể cất cánh bay.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.