Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Facebook đang gặp khó. Điều này sẽ không thay đổi khi Biden lên nắm quyền.
Facebook đang chịu cảnh trên đe dưới búa, và tương lai của họ thậm chí còn có thể xám xịt hơn dưới thời chính quyền Joe Biden.
Facebook đang đối mặt với hai vụ kiện lớn nhất có thể đe dọa tới cấu trúc của mạng xã hội khổng lồ này. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và liên minh 48 bang gửi hai đơn kiện Facebook độc quyền mạng xã hội, yêu cầu xé nhỏ công ty này ra làm ba. Chính khách hai đảng, vốn ít đồng ý với nhau điều gì, hồ hởi ủng hộ hai vụ kiện.
Kể từ cuối tháng Giêng, chính quyền Biden sẽ đảm nhiệm vụ kiện của FTC. Mới đây, ông thẳng thừng tuyên bố: “Không. Tôi chưa bao giờ thích Facebook. Tôi chưa bao giờ thích Zuckerberg. Tôi nghĩ anh ta thực sự là một vấn đề.”
Trước đó, hồi tháng 5/2019, Biden nói ông sẽ cân nhắc tới giải pháp chia nhỏ Facebook để chống độc quyền.
“Tôi không nghĩ chúng ta dành đủ thời giờ để tập trung vào các biện pháp chống độc quyền. Trọng tâm là, tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận”, Biden nói với AP.
Một điều thú vị là Facebook đã góp công lớn trong chiến thắng bầu cử của cả Barack Obama lẫn Donald Trump.
Sử dụng Facebook một cách khôn ngoan đã góp phần giúp liên danh Obama-Biden chiến thắng trong hai cuộc bầu cử 2008 và 2012. Năm 2008, việc Barack Obama khai thác mạng xã hội, từ Myspace, Facebook và Twitter được ví như thời Franklin Roosevelt và John Kennedy bắt đầu sử dụng đài phát thanh và truyền hình để vươn tới cử tri. Năm 2012, Facebook đã trở thành một công cụ chính trị mà “ứng viên nào sử dụng hiệu quả nhất có thể thắng cuộc đua.”
Năm 2016, chiến dịch tranh cử của Donald Trump cũng tận dụng tối đa người dùng Facebook để giành chiến thắng. Jared Kushner, con rể Trump, lãnh trọng trách đứng đầu “biệt đội Facebook” của Trump.
Tháng 6/2016, Kushner thiết lập lực lượng phân tích dữ liệu ở San Antonio, sau trở thành trung tâm dữ liệu quy mô 100 nhân viên. Biệt đội này có quyền tiếp cận tới cỗ máy dữ liệu của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, cũng như thuê Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu số, để lập bản đồ vùng cử tri và xác định khu vực nào quan trọng nhất cần chi tiền chạy quảng cáo. Theo Kushner, công nghệ máy học sẽ giúp họ đóng các quảng cáo bị đánh giá là không hiệu quả ngay lập tức. Hoạt động của biệt đội này đặc biệt quan trọng để Trump thắng các bang dao động như Michigan và Pennsylvania.
Điều này, cộng với các bê bối lộ thông tin người dùng, khiến cho Đảng Dân chủ đưa Facebook vào tầm ngắm.
Năm 2018, Analytica bị phát hiện đã thu thập 87 triệu hồ sơ người dùng Facebook mà không được người dùng đồng ý hoặc biết trước. Christopher Wylie, đồng sáng lập viên công ty này, thừa nhận rằng dữ liệu đã được Analytica sử dụng để lập các hồ sơ “phân loại tâm lý” và gửi tài liệu ủng hộ Trump cho người dùng phù hợp.
Năm 2018, khi điều trần trước Thượng viện, ông chủ Zuckerberg của Facebook đã khai chứng:
“Rõ ràng là chúng tôi đã không làm đủ để ngăn cản những công cụ này bị dùng với mục đích xấu. Kể cả tin giả, việc ngoại quốc can thiệp vào bầu cử và phát ngôn thù hận, cũng như các nhà phát triển và quyền riêng tư về dữ liệu. Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình, và đó là một sai lầm. Đó là sai lầm của tôi, và tôi xin lỗi. Tôi đã tạo nên Facebook. Tôi đang điều hành nó, và tôi chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra ở đây.”
Năm 2019, Facebook đồng ý nộp phạt số tiền kỷ lục năm tỷ USD trong vụ dàn xếp với FTC về vụ kiện quyền riêng tư liên quan tới Analytica.
“Chúng tôi đồng ý nộp khoản tiền phạt kỷ lục này. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi sẽ tiến hành một số thay đổi cấu trúc to lớn về cách xây dựng sản phẩm cũng như điều hành công ty này”, Zuckerberg viết trên Facebook.
Tới cuộc bầu cử 2020, truyền thông xã hội nói chung và Facebook nói riêng, đã có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn tin giả, thuyết âm mưu, cũng như các thế lực can thiệp bất minh vào bầu cử Mỹ.
Một ví dụ gần gũi với người Việt Nam là trang tin Đại Kỷ Nguyên, phiên bản tiếng Việt trước kia của tờ Epoch Times. Tháng 12/2019, Đại Kỷ Nguyên (nay đổi tên thành Decent and Kind News, viết tắt là DKN), cùng với hệ thống đa ngữ The BL đã bị Facebook xóa hết mạng lưới fanpage khổng lồ vì đưa tin ủng hộ Tổng thống Trump từ các tài khoản giả mạo mà thực chất là từ Việt Nam. Riêng hệ thống DKN tiếng Việt có khoảng 30 triệu người theo dõi, hệ thống The BL (ngôn ngữ khác) có tổng cộng 55 triệu người theo dõi trên cả Facebook và Instagram.
Facebook tiến hành dán nhãn các thông tin bị cho là sai lệch, thậm chí xóa hẳn trong một vài trường hợp. Càng đến gần ngày bầu cử, Facebook càng tỏ ra cẩn trọng. Ngoài cấm quảng cáo chính trị, Facebook còn dán nhãn, kiểm duyệt các tin tức bị cho là thất thiệt. Thậm chí các bài đăng của ông Trump về gian lận bầu cử cũng bị “ăn gậy.”
Làm như vậy, Facebook lại khiến cả hai phe tức giận.
Ông Trump thì tuôn bão tweet tố cáo các “Big Tech” như Facebook, Twitter đều thiên vị chống lại ông, bằng cách sử dụng hệ thống kiểm chứng của phe “thổ tả” (radical left) để cho các bài đăng của ông “ăn gậy.” Người ủng hộ Trump thì không quan tâm đến cái “gậy” của Facebook ra sao, vẫn hào hứng ủng hộ các bài viết của Trump. Phe bảo thủ thì chỉ trích quyền tự do ngôn luận của họ bị cấm đoán qua việc Facebook xóa bỏ các trang bị cho là đăng tải tin giả và thuyết âm mưu (chẳng hạn QAnon). Phe Dân chủ thì chỉ trích Facebook không làm đến nơi đến chốn, chỉ “cắm gậy” mà vẫn để các bài viết độc hại này chạm đến người dùng.
Ngoài việc chính tổng thống tân cử tỏ ra không hài lòng với Facebook và CEO Zuckerberg, đội ngũ phụ tá và các chính trị gia ủng hộ ông còn muốn làm căng hơn với Facebook.
“Tôi không chỉ tin tưởng rằng chính quyền Biden sẽ có hành động để bắt Facebook chịu trách nhiệm, tôi còn tin rằng chúng ta sẽ chuẩn bị thực thi các đề xuất của tiểu ban chống độc quyền nhằm khôi phục cạnh tranh trên thị trường số”, dân biểu David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban Tư pháp chống độc quyền tại Hạ viện, nói.
Politico nhận định, quan điểm của Cicilline chắc chắn không đơn độc. Thái độ của cả Washington về các hãng công nghệ đã thay đổi kể từ bốn năm trước, sau khi Obama-Biden hết nhiệm kỳ. Chính quyền Obama tỏ ra khá ưu ái thung lũng Silicon và không đặt ra nhiều quy định gò bó các công ty này trong giai đoạn phát triển thần tốc. Tổng thống Obama thậm chí còn tổ chức một buổi tiếp xúc cử tri tại trụ sở của Facebook năm 2011.
Hiện tại, cả ông Trump và Biden đều muốn xóa bỏ Khoản 230, Đạo Luật Chuẩn mực Truyền Thông – “kim bài miễn tử” của truyền thông xã hội. Điều luật này cho phép các công ty công nghệ không phải chịu trách nhiệm về nội dung do người dùng đăng tải lên nền tảng của mình.
Sau khi bị Facebook “kiểm duyệt”, ông Trump đã luôn coi Khoản 230 như cái gai trong mắt. Gần đây nhất, ông còn phủ quyết Đạo luật Ngân sách Quốc phòng trị giá 740 tỷ USD vì lý do các nghị sĩ không chịu xóa bỏ điều luật “rất nguy hại cho an ninh quốc gia” này. Dẫu vậy, cả Hạ viện lẫn Thượng viện đã bỏ phiếu vô hiệu hóa chữ ký phủ quyết của tổng thống với trên 2/3 nghị sĩ đồng thuận.
Với Biden, từ cuộc phỏng vấn đầu năm 2020 đã bày tỏ ông thấy việc Facebook được hưởng quyền miễn trừ mà giới báo chí không được là một sự bất hợp lý:
“Quan điểm của tôi là chúng ta không chỉ nên lo ngại về việc tập trung quyền lực, mà còn về vấn đề thiếu quyền riêng tư và việc Facebook được miễn trừ. Tờ Times không thể viết về một chuyện các bạn biết là sai trái mà lại được miễn tố. Nhưng anh ta [Zuckerberg] thì có thể”, ông nói.
Theo Politico, hai đảng tại Đồi Capitol đều tỏ ra phản đối vị thế “độc quyền” mạng xã hội của Facebook và ủng hộ việc xé nhỏ Facebook thành ba công ty riêng biệt (Facebook, WhatsApp và Instagram). Tuy vậy, họ lại chia rẽ về quy định nội dung chính trị trên Facebook cũng như Twitter và Youtube. Cụ thể Đảng Dân chủ muốn áp đặt kiểm soát nhiều hơn còn Đảng Cộng hòa yêu cầu được tự do hơn. Đến nay, hai bên vẫn chưa ngồi lại với nhau để thống nhất được về một đạo luật nhằm điều chỉnh nội dung của các mạng xã hội này.
Gần đây, phe Dân chủ liên tiếp buộc tội lãnh đạo của Facebook cho phép tin tức lệch lạc lan truyền, khuất phục trước Trump và các đồng minh Cộng hòa của ông. Chiến dịch tranh cử của Biden tức giận lên án Facebook đã không xóa các tuyên bố sai của phe Trump trước và sau cuộc bầu cử. Hồi tháng Năm, Zuckerberg giải thích rằng triết lý chung của Facebook là để các cuộc thảo luận này công khai thì tốt hơn.
“Chính quyền Biden-Harris có thể và nên làm nhiều hơn nhiều ngoài việc kiện tụng, vốn mất hàng năm để giải quyết” Rashad Robinson, chủ tịch nhóm công lý xã hội Color for Change nói. “Đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình chia tách quyền lực tập trung của các hãng công nghệ lớn.”
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng động thái hành pháp của chính phủ Biden sẽ phải nhắm tới điều chỉnh toàn bộ ngành truyền thông xã hội chứ không thể nhắm tới riêng Facebook.
“Hệ thống tam quyền phân lập thậm chí còn khiến Nhà Trắng gặp trở ngại lớn khi trừng phạt một công ty riêng lẻ. Giống như chúng ta đã thấy ở chính quyền Trump đối với các nỗ lực liên tiếp, phần lớn là thất bại khi sử dụng các công cụ chính sách chống lại các công ty riêng biệt như Amazon và TikTok vì lý do chính trị”, Matt Perrault, cựu giám đốc chính sách công của Facebook, nói.
“Nhưng rõ ràng những hoài nghi của đội ngũ Biden về Facebook có thể đẩy mạnh khả năng Bộ Tư pháp và FTC điều tra chống độc quyền”, ông nói tiếp. “Và cũng có khả năng Nhà Trắng của Biden có thể sử dụng địa vị có quyền ‘bắt nạt’ của mình để cưỡng ép tạo ra thay đổi mà họ không thể đạt được thông qua các công cụ tư pháp hoặc lập pháp.”