Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
150 năm sau những bằng chứng đầu tiên, nhiều người vẫn tin biến đổi khí hậu là trò lừa đảo.
Vào năm 2004, hai tạp chí khoa học phổ thông nổi tiếng Discover và National Geographic cùng đăng bài tuyên bố đây là năm mà rốt cục người ta đã nghiêm túc xem xét vấn đề trái đất nóng lên, và khoa học rốt cục đã đạt được sự đồng thuận về nó.
Chương sáu của quyển sách “Merchants of Doubt”, bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, mở đầu với tuyên bố của hai tạp chí trên.
Phần mở đầu này không phải để khẳng định mức độ quan trọng của vấn đề. Ngược lại, nó cho thấy người ta đã mất quá nhiều thời gian mới chịu chấp nhận các bằng chứng khoa học.
Giữa thế kỷ 19, nhà khoa học thực nghiệm người Ireland John Tyndall khẳng định CO2 là một loại khí nhà kính – nhốt nhiệt lượng và không cho nó thoát ra khỏi trái đất.
Đầu thế kỷ 20, nhà hóa học địa chất người Thụy Điển Svante Arrhenius nhận ra rằng CO2 thải ra từ các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể làm thay đổi tính chất khí hậu trên trái đất. Cùng thời gian, kỹ sư người Anh Guy Callendar trình bày chứng cứ thực nghiệm đầu tiên về việc phát hiện ra “hiệu ứng nhà kính” – hệ quả đến từ các hoạt động đốt nhiên liệu trên.
Đến thập niên 1960, các nhà khoa học Mỹ đã cảnh báo chính quyền về vấn đề nghiêm trọng này.
Vào năm 1995, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) ra báo cáo kết luận rõ ràng, rằng không chỉ trái đất đang nóng lên, khí hậu toàn cầu đang bị biến đổi, mà chính con người là tác nhân gây ra sự biến đổi đó.
150 năm kể từ những thực nghiệm chứng minh đầu tiên, 60 năm kể từ khi các nhà khoa học cảnh báo chính quyền, và gần 30 năm kể từ khi cộng đồng khoa học thống nhất kết luận, vẫn còn rất nhiều người không tin rằng biến đổi khí hậu là vấn đề gì ghê gớm.
Không ít người, đến tận thời điểm này, vẫn còn nghĩ tất cả chỉ là một trò lừa đảo.
Năm 1965, PSAC (Ủy ban Tư vấn Khoa học của Tổng thống Mỹ) yêu cầu Roger Revelle, khi đó là giám đốc Viện Hải dương học Scripps, viết một tóm tắt về các tác động có thể xảy ra đến từ việc trái đất nóng lên do CO2.
Trong báo cáo gửi cho PSAC, Revelle dự báo “cho tới năm 2000, sẽ có khoảng 25% lượng CO2 tăng lên trong khí quyển so với thời điểm hiện tại, và điều này sẽ dẫn đến các biến đổi đáng kể về khí hậu”.
(Số liệu thực tế cho thấy vào năm 2000, lượng CO2 “chỉ” tăng 15% so với năm 1965. Mức độ tăng 25% mà Revelle dự báo tới năm 2013 mới đạt “được” – đây có lẽ là một an ủi nhỏ cho những ai luôn nghi ngờ khoa học.)
Báo cáo của Revelle đến tay Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon Johnson.
Trong Thông điệp Đặc biệt (Special Message) của mình gửi đến Quốc hội trong cùng năm, tổng thống đã nhận định “khi liên tục thải thêm CO2 thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch, thế hệ chúng ta đã làm biến đổi thành phần khí quyển trên phạm vi toàn cầu”.
Cho dù nhận ra vấn đề, biến đổi khí hậu đều không phải ưu tiên của Lyndon Johnson lẫn Tổng thống kế nhiệm Richard Nixon sau đó. Họ đều phải đau đầu với những chuyện như chiến tranh Việt Nam, phong trào nhân quyền, rồi thuốc lá gây ung thư…
Những năm 1970, các đợt hạn hán nặng dẫn đến nạn đói tại châu Phi và châu Á, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao, khiến người ta bắt đầu chú ý nhiều hơn đến biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học thuộc nhóm JASON, một ủy ban tập hợp các chuyên gia khoa học hàng đầu của Mỹ, vốn chủ yếu gồm các nhà vật lý và thường chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia, cũng bắt đầu để ý đến vấn đề này.
Khi Bộ Năng lượng Mỹ yêu cầu họ giúp đỡ thẩm tra các chương trình nghiên cứu liên quan đến CO2, JASON bắt tay vào tìm hiểu mối quan hệ giữa CO2 và khí hậu.
Bản báo cáo của JASON sau đó nhận định “chỉ cần thay đổi nhỏ trong nhiệt độ trái đất và lượng mưa cũng có thể dẫn đến biến đổi lớn trong sản lượng nông nghiệp”. Nói cách khác, nền nông nghiệp nói riêng và xã hội loài người nói chung đều cực kỳ nhạy cảm (acute sensitivity) với bất kỳ biến đổi khí hậu nào.
Nhóm JASON cũng phát triển một mô hình dự báo khí hậu (climate model) cho thấy nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất sẽ tăng 2,4°C nếu lượng CO2 thải ra nhiều gấp đôi so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp, khoảng 270 ppm (ppm = parts per million = phần triệu, là đơn vị dùng đo lường tỷ lệ của một chất trong tổng số lượng của hỗn hợp chứa chất đó).
Thứ khiến nhiều người lo ngại hơn cả việc nhiệt độ trung bình tăng là hiện tượng “khuếch đại tại vùng cực” (polar amplification). Theo mô hình của JASON, nhiệt độ tại hai cực sẽ tăng từ 10 đến 12°C, một con số cực kỳ đáng sợ, kéo theo những tảng băng khổng lồ tại hai nơi này tan chảy theo.
Báo cáo của JASON hoàn toàn không phải phát kiến mới. Các nhà khoa học môi trường đã có nhiều nghiên cứu tương tự trước đó. Nhưng danh tiếng của nhóm JASON khiến các quan chức chính quyền phải lắng nghe.
Dù vậy, nhóm JASON tập hợp chủ yếu các nhà vật lý học, chuyên môn của họ không phải là nghiên cứu khí hậu. Vì vậy, đội ngũ của tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã nhờ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia thành lập nhóm làm việc thẩm tra nghiên cứu của JASON.
Jule Charney, giáo sư Đại học MIT, một trong những nhà khí tượng học hàng đầu tại Mỹ, nhận trách nhiệm thành lập nhóm này.
Trong số các nhà khoa học tham gia vào nhóm thẩm tra, có hai chuyên gia đầu ngành về mô hình dự báo khí hậu, Syukuro Manabe và James Hansen.
Hansen và Manabe tham gia vào nhóm đem theo mô hình dự báo khí hậu 3D của họ, là mô hình hiện đại nhất vào thời điểm đó, phức tạp hơn nhiều so với của nhóm JASON.
Hai mô hình dự báo khác nhau, nhưng kết quả cơ bản như nhau. Nhóm của Charney tính toán nếu thải ra gấp đôi lượng CO2 so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng “gần 3°C với sai số có thể có là 1,5°C”. Trường hợp tốt nhất là tăng 1,5°C. Tệ nhất là tới 4,5°C.
Điều quan trọng không phải nằm ở việc tăng bao nhiêu và con số nào.
Mấu chốt của vấn đề mà tất cả các nhà khoa học hàng đầu đều xác nhận: CO2 là khí nhà kính, nó nhốt nhiệt lượng. Càng thải nhiều CO2, trái đất sẽ càng nóng lên.
Về cơ bản, mối liên hệ giữa CO2 và hiện tượng trái đất nóng lên rất đơn giản và rõ ràng.
Trên thực tế, nó phức tạp hơn vì có thêm các nhân tố như mây, gió, đại dương tham gia vào quá trình điều chỉnh khí hậu. Nhưng những điều kiện này sẽ chỉ dẫn đến thay đổi ở con số đằng sau dấu phẩy, không phải con số trước nó. Nó sẽ làm chậm lại quá trình biến đổi, chứ không có tác dụng ngăn chặn hay đẩy lùi các hậu quả của việc thải CO2 ra khí quyển.
Nhưng đó là vấn đề nan giải để thuyết phục những người luôn nghi ngờ khoa học.
Một nhà khoa học trong nhóm JASON kể lại, khi ông trình bày với các quan chức ở Washington rằng trong 50 năm nữa, lượng CO2 thải ra tăng gấp đôi và sẽ tác động nghiêm trọng đến hành tinh, câu phản hồi nhận được là “chờ 49 năm nữa quay lại bàn tiếp nhé”.
Chính quyền Mỹ muốn có thêm những báo cáo khác. Năm 1979, Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng yêu cầu bản báo cáo mới từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Người được giao nhiệm vụ báo cáo là nhà kinh tế học Thomas Schelling, người sau này được trao giải Nobel Kinh tế với công trình “lý thuyết trò chơi” (game theory).
Nhóm của Schelling, trong đó có William Nierenberg (xuất hiện trong hồ sơ về mưa axít), trình bày một bức thư. Trong thư, nhà kinh tế học này không phản bác các bằng chứng khoa học. Thay vào đó, ông nhấn mạnh, vì còn quá nhiều thứ chưa chắc chắn về hậu quả của biến đổi khí hậu, các nhà hoạch định chính sách không nên làm gì cả, ngoại trừ việc tài trợ thêm tiền cho các nghiên cứu.
Ngay cả trong trường hợp biến đổi khí hậu có hậu quả tiêu cực, giải pháp mà nhóm này đưa ra là di cư đi chỗ khác, như cách nhân loại đã làm từ xưa đến nay. Và vì hậu quả của biến đổi khí hậu còn lâu nữa mới diễn ra, con người từ từ sẽ thích nghi được với điều kiện mới.
Cho tới lúc đó, Schelling dự báo, chi phí nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng, mức độ sử dụng sẽ giảm. Mọi thứ sẽ xảy ra tự nhiên nhờ vào cơ chế của thị trường tự do, nên không cần có bất kỳ luật lệ điều chỉnh nào cả.
Vào năm 1980, một ủy ban nghiên cứu khác về vấn đề môi trường được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia thành lập theo yêu cầu của Quốc hội.
Đứng đầu ủy ban lại là William Nierenberg. Trong nhóm nghiên cứu mới này, ngoài các nhà khoa học tự nhiên, Nierenberg còn yêu cầu phải thêm vào hai nhà kinh tế học, Thomas Schelling và một người khác đồng quan điểm với ông, William Nordhaus.
Báo cáo của Ủy ban Thẩm tra về Carbon Dioxide này sau đó gồm hai phần không dính dáng gì, thậm chí là mâu thuẫn hoàn toàn với nhau.
Năm chương do các nhà khoa học viết ra về cơ bản có cùng nội dung với những báo cáo trước đó của nhóm JASON và Charney, cảnh báo về nguy cơ có thật của việc tiếp tục thải CO2 ra khí quyển.
Hai chương của các nhà kinh tế học viết thì lặp lại những gì Schelling đã nói: vì có quá nhiều thứ chưa biết về tương lai, nên không cần làm gì để thay đổi cả.
Chính quyền Mỹ sau đó của Tổng thống Ronald Reagan đã dùng báo cáo của Nierenberg và bức thư của nhóm Schelling để gạt bỏ vấn đề môi trường ra khỏi mọi chương trình nghị sự.
Năm 1988, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được thành lập. Tập hợp tất cả các chuyên gia khoa học đầu ngành trong lĩnh vực môi trường trên toàn thế giới, ủy ban này cho các nhà khoa học một diễn đàn và tiếng nói có trọng lượng hơn nhiều so với trước.
Học viện George C. Marshall, nơi Nierenberg có chân trong Ban Giám đốc, cảm thấy cần phải ra tay dập lại những tiếng nói có trọng lượng này.
Học viện Marshall được các nhà vật lý như William Nierenberg, Robert Jastrow và Frederick Seitz lập ra vào năm 1984 để ủng hộ cho dự án Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) của chính quyền Reagan, cổ súy cho việc chạy đua vũ trang, đặc biệt là dùng vũ khí hạt nhân chống lại kẻ thù (Liên Xô và các nước cộng sản).
Cuối thập niên 1980, Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa tan rã. Chiến tranh Lạnh dần đi đến hồi kết. Không còn kẻ thù cũ, Học viện Marshall quay sang nhắm đến những người họ gọi là “kẻ kích cuồng môi trường” (environmental alarmists).
Sau khi IPCC được thành lập, Viện Marshall bắt đầu tung ra những báo cáo tấn công phủ đầu các nhà khoa học tại đây.
Ban đầu họ không phủ nhận rằng trái đất đang nóng lên. Nhưng lý do của hiện tượng đó không phải là CO2 thải ra, mà là mặt trời đang nóng lên.
Họ cáo buộc những nhà khoa học của IPCC đã không xem dữ liệu CO2 trong lịch sử, rằng đa phần sự nóng lên này diễn ra trước năm 1940 – giai đoạn con người bắt đầu tăng lượng thải CO2, đồng thời có cả giai đoạn trái đất giảm nhiệt từ năm 1940 đến 1975, trước khi tăng nhiệt trở lại.
Đường tăng giảm nhiệt độ của trái đất không khớp với đường tăng của CO2, nên kết luận hợp lý phải là CO2 không ảnh hưởng đến hiện tượng trái đất nóng lên. Thủ phạm là mặt trời.
Báo cáo của Viện Marshall khẳng định rằng từ thế kỷ 19, mặt trời bước vào chu kỳ hoạt động mạnh, tăng năng lượng phát ra, khiến trái đất nóng lên theo từ đó. Chu kỳ này kéo dài 200 năm, và đến “đầu thế kỷ 21, trái đất sẽ có khuynh hướng nguội lại”.
Khi Viện Marshall chủ động thuyết trình giới thiệu “phát hiện” của mình cho các cơ quan chính phủ ở Mỹ, gần như tất cả đều trầm trồ thán phục.
Để minh họa cho lập luận của mình, báo cáo của Viện Marshall dùng chính biểu đồ của nhóm James Hansen, một chuyên gia về mô hình khí hậu cộng tác với IPCC.
Biểu đồ của James Hansen có sáu phần, trình bày sáu mô hình theo dõi sự biến đổi nhiệt độ trái đất cùng các tác nhân đi kèm – CO2, núi lửa, mặt trời, và đại dương.
Khi so sánh kết quả của từng mô hình với diễn biến nhiệt độ của trái đất, họ đi đến kết luận rằng mô hình cuối cùng, nằm ở góc dưới cùng bên phải, là phù hợp nhất với thực tế.
Trong mô hình này, CO2, các hoạt động của núi lửa và mặt trời, cùng độ hấp thụ nhiệt của đại dương đều được tính đến.
Nhưng khi “mượn” lại biểu đồ của Hansen, những người trong Viện Marshall đã chỉ cắt đúng phần góc trên bên trái, từ đó tạo ra ấn tượng cho người xem là lượng khí thải CO2 không liên quan gì đến độ tăng giảm nhiệt của trái đất.
Trong báo cáo tiếp theo của mình, IPCC đã đề cập và bác bỏ giả thuyết mặt trời là thủ phạm chính. Các số liệu tính toán của họ cho thấy biên độ tăng giảm các hoạt động bức xạ từ mặt trời không đáng kể so với ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính đến từ các loại khí thải như CO2.
Tuy vậy, Nierenberg cùng những người trong Viện Marshall vẫn lặp lại luận điểm tương tự trong những báo cáo tiếp theo mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Viện Cato, một viện nghiên cứu thuộc phái bảo thủ, cũng đưa vào trong báo cáo của họ biểu đồ bị cắt gọt của Hansen mà Viện Marshall đã dùng, bất chấp việc các nhà khoa học đã chỉ ra đó là hành động lấp liếm, đánh tráo sự thật.
Trong khi những người chống lại các vấn đề môi trường sẵn sàng dùng bằng chứng sai để ủng hộ cho niềm tin của mình, họ lại rất nhanh nhạy buộc tội “sai sót” của người khác.
Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Benjamin Santer.
Santer là chuyên gia về mô hình khí hậu, làm việc tại Viện Khí tượng Max Planck ở Đức. Ông là ngôi sao đang lên vào thời điểm đó, vì đã giải quyết thành công câu hỏi “con người có phải tác nhân gây ra biến đổi khí hậu hay không”.
Ai cũng biết khí nhà kính nhốt nhiệt. Các dự báo trước đây đều theo kiểu nếu lượng khí nhà kính tăng, nhiệt độ trái đất sẽ tăng. Kết quả thu được trên thực tế đúng là nhiệt độ trái đất tăng.
Nhưng sẽ là một lỗi ngụy biện kinh điển nếu chỉ dựa vào đó để kết luận rằng khí nhà kính là tác nhân gây ra hiện tượng đó. Nhiệt độ trái đất có thể tăng do những yếu tố khác.
Các nhà khoa học phải tìm ra được điểm khác biệt giữa việc nhiệt độ trái đất tăng do khí nhà kính với hiện tượng tăng nhiệt do các tác nhân khác như mặt trời.
Benjamin Santer góp công giải quyết bài toán đó bằng mô hình dựa trên đề xuất của V. Ramanathan, xem xét cấu trúc nhiệt độ khí quyển theo chiều thẳng đứng (vertical structure of temperature).
Theo đó, nếu mặt trời là tác nhân chính gây ra tăng nhiệt, toàn bộ các tầng khí quyển sẽ cùng tăng. Nếu thủ phạm là khí nhà kính, nhiệt lượng sẽ bị nhốt tại tầng đối lưu, tầng khí quyển gần nhất với bề mặt trái đất, khiến nó nóng lên. Trong khi đó, các dòng khí giảm nhiệt di chuyển lên các tầng cao hơn khiến nhiệt độ tại nơi này giảm đi.
Mô hình của Santer cùng các đồng nghiệp đã chứng minh được “dấu vân tay” con người trong hiện tượng trái đất nóng lên. Công trình này được đưa vào trong báo cáo của IPCC năm 1995.
Không thể phản bác mô hình của Santer, những người tấn công nhắm đến một tiểu tiết vô thưởng vô phạt: cáo buộc Santer bôi xóa thêm bớt báo cáo.
Báo cáo của IPCC được chia theo các chương, mỗi nhóm chuyên gia phụ trách một chương, nội dung từng chương sẽ được thẩm định nội bộ và đồng thẩm định từ các chuyên gia bên ngoài, sau đó bản nháp được gửi cho các đại diện chính phủ, nhận phản hồi và chỉnh sửa ra bản cuối cùng.
Santer được mời rất muộn, tham gia biên soạn chương tám của báo cáo. Vì tham gia sau cùng, nhóm của Santer không kịp chỉnh sửa theo phản hồi như các nhóm khác.
Điều chỉnh lớn nhất mà Santer phải làm chỉ là cấu trúc bài. Chương của Santer có mục tuyên bố tóm tắt ở đầu và cuối chương. Các nhóm khác lại chỉ có phần tóm tắt ở đầu. Vì vậy Santer được yêu cầu bỏ đi phần cuối để phù hợp cấu trúc chung của báo cáo.
Khi trình bày báo cáo tại Quốc hội vào năm 1996, Santer bị những đại diện của ngành công nghiệp dầu mỏ cáo buộc “bí mật thay đổi báo cáo của IPCC”.
Một nhân vật chuyên vận động hành lang cho ngành công nghiệp đỏ mặt tía tai đến gần Santer hét lớn, “Ai đã thay đổi nội dung chương này? Ai cho phép nó? Tại sao được thay đổi?”.
William Nierenberg thì lên tiếng cho rằng những điều chỉnh này “đã thay đổi toàn bộ ý nghĩa của báo cáo mà không hề có sự chấp thuận của các tác giả”.
Frederick Seitz, đồng nghiệp của ông tại Viện Marshall, đăng đàn trên Wall Street Journal (WSJ) để nâng cấp tấn công. Seitz là cộng tác viên đắc lực của ngành công nghiệp thuốc lá, có nhiệm vụ tạo ra các bằng chứng khoa học có thể bảo vệ ngành này khỏi các vụ kiện tụng.
Trên tạp chí WSJ, Seitz bức xúc, “trong 60 năm qua, là thành viên trong cộng đồng khoa học của Mỹ, bao gồm cả khoảng thời gian làm chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia và Hội đồng Vật lý Mỹ, tôi chưa bao giờ chứng kiến một quy trình đồng thẩm định nào thối nát (disturbing corruption) như những gì đã diễn ra trong quá trình báo cáo của IPCC”.
Ông tuyên bố rằng nếu IPCC không thể tuân thủ theo quy trình thẩm định mà nó đã đặt ra, tổ chức này phải bị hủy bỏ, và các chính phủ nên tìm một nguồn tư vấn khoa học “đáng tin cậy hơn”.
Không mấy ai nghi ngờ “nguồn tin cậy” mà Seitz muốn nói đến ở đây chính là Viện Marshall do ông làm chủ tịch.
Benjamin Santer ngay lập tức viết thư phản hồi gửi cho WSJ, kèm theo đó là chữ ký xác nhận của bốn mươi tác giả chính (lead author – những người phụ trách các chương báo cáo) từ IPCC.
WSJ không chấp nhận công bố thư của Santer. Phải đến lần thứ ba, tạp chí mới chịu công bố phản hồi, sau khi đã lược bỏ đi rất nhiều nội dung, và bỏ luôn cả bốn mươi tên tác giả ký kèm theo.
Bert Bolin cùng John Houghton, những nhà khoa học đứng đầu IPCC cũng viết thư cho WSJ khẳng định những công kích của Seitz là “hoàn toàn vô căn cứ”.
WSJ lại biên tập cắt bỏ phần lớn bức thư này, đăng một phiên bản phản đối với giọng văn nhẹ nhàng lịch thiệp.
Frederick Seitz tiếp tục đăng đàn trên WSJ tấn công Santer và IPCC với luận điệu như cũ. Santer và Bolin lại phải phản hồi.
Những phản hồi của Santer và Bolin thực chất đều chỉ có một: rằng thay đổi của chương tám là thay đổi cấu trúc, không ảnh hưởng đến nội dung; rằng những thay đổi đó được thực hiện đúng theo quy trình đồng thẩm định của IPCC, rằng chương này dựa trên hơn 130 nghiên cứu tham khảo từ các nhà khoa học chứ không phải chỉ hai nghiên cứu của Santer.
Chương tám của Santer, vốn trình bày bằng chứng về dấu vân tay của con người trong việc dẫn đến biến đổi khí hậu, khi được đưa ra thảo luận lấy ý kiến trước đó cũng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ đại diện của Arab Saudi, Kuwait và Kenya.
Sau nhiều đợt thảo luận căng thẳng, cuối cùng mọi tranh cãi được dồn về một câu trong báo cáo.
“Các bằng chứng cho thấy có sự ảnh hưởng… của con người đến khí hậu toàn cầu.”
(The balance of evidence suggests that there is a… human influence on global climate.)
Mọi chú ý tập trung về phía chỗ dấu ba chấm: chọn tính từ nào cho nó?
Báo cáo của Santer đề nghị từ “đáng kể” (appreciable). Con người có ảnh hưởng đáng kể đến khí hậu toàn cầu.
Đại diện của Saudi phản đối. Những người khác cũng lo ngại từ này “quá mạnh”.
Có gần 30 từ được đưa ra thảo luận. Cuối cùng một từ trung dung được lựa chọn: “nhận ra được” (discernible).
Các bằng chứng cho thấy có thể nhận ra được ảnh hưởng của con người đến khí hậu toàn cầu.
Ngay cả khi chấp nhận được thực tế, nhận ra rằng những việc mình làm rõ ràng là có hại, nhiều người vẫn quyết chiến tới cùng, và có lẽ sẽ phải mất rất lâu nữa mới chịu thừa nhận sự thực.
Hoặc có thể họ sẽ không bao giờ thừa nhận.
Nhận rằng hậu quả của những việc họ làm là đáng kể.
Đón đọc kỳ cuối: Tổng hợp hồ sơ biến đổi khí hậu.
(Ghi chú của Ban biên tập: Sau khi bài được đăng, tác giả đã đề nghị chỉnh sửa đoạn cuối. Nội dung điều chỉnh là từ “discernible”. Nó có nghĩa là “nhận ra được”, không phải “rõ ràng” như trong bản đầu tiên. Bài viết được cập nhật vào lúc 23:46 ngày 29/1/2021.)