Hồ sơ Lầu Năm Góc: Chuyện chỉ có thể kể khi Neil Sheehan qua đời

Bí mật đằng sau một sản phẩm báo chí chấn động thế giới.

Hồ sơ Lầu Năm Góc: Chuyện chỉ có thể kể khi Neil Sheehan qua đời
Nhà báo Neil Sheehan tại nhà riêng năm 2009. Ảnh: NYTimes.

Lời biên tập viên: Neil Sheehan, nhà báo Mỹ kỳ cựu trong chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời vào ngày 7/1/2021 ở tuổi 84. Sheehan là tác giả của loạt bài điều tra về Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) – loạt phóng sự phơi bày lịch sử bị giấu kín về các quyết định của Hoa Kỳ liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Ông được trao giải Pulitzer năm 1972 cho công trình quan trọng này.

Luật Khoa dịch và giới thiệu bài viết mô tả lại quá trình mà Sheehan tiếp cận bộ hồ sơ mật và tạo nên một dấu ấn không thể quên trong lịch sử báo chí thế giới. Bài viết có tựa “Now It Can Be Told: How Neil Sheehan Got the Pentagon Papers“, được đăng trên The New York Times vào ngày Neil Sheehan mất.

***

Neil Sheehan năm 1972, vào ngày ông cùng với tờ The New York Times được trao giải Pulitzer cho loạt bài Hồ sơ Lầu Năm Góc. Ảnh: NYTimes.

Có một chuyện mà Neil Sheehan đã nhất định không tiết lộ. Đó là câu chuyện về cách mà ông đã lấy được Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) – bom tấn mở màn cho cuộc đối đầu giữa chính quyền Nixon và giới báo chí năm 1971. Loạt phóng sự ấy cũng dẫn đến một vụ kiện tại Tối cao Pháp viện mà kết quả của nó đến bây giờ vẫn được xem là một dấu mốc trong việc xác định mối quan hệ giữa nhà nước và báo chí.

Suốt từ giây phút thu thập được 7.000 trang tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam cho tờ New York Times (NYT), cho đến tận ngày mà ông qua đời, Neil Sheehan đã từ chối gần như mọi lời đề nghị giải thích chính xác về cách mà ông đã khám phá được bí mật động trời ấy.

Tuy nhiên, vào năm 2015, theo yêu cầu của một phóng viên, ông đã đồng ý kể lại câu chuyện của mình với điều kiện nó sẽ không bao giờ được công bố khi ông vẫn còn sống. Dù phải chống chọi với chứng bệnh vẹo cột sống và Parkinson vào lúc ấy, Sheehan đã lần lượt kể lại tất cả trong một cuộc phỏng vấn dài bốn tiếng tại nhà riêng ở Washington. Và đó thực sự là một câu chuyện hồi hộp, đậm chất điện ảnh Hollywood.

***

Hồ sơ Lầu Năm Góc có thể được xem là bí mật lớn nhất được báo chí tiết lộ trong thế hệ chúng ta. Các nghiên cứu này, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu thực hiện vào năm 1967, chứa đựng lịch sử bị giấu kín về các quyết định của Hoa Kỳ liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hồ sơ Lầu Năm Góc đã tiết lộ việc Nhà Trắng lên kế hoạch tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam, trong khi hoàn toàn giấu đi những nghi ngại của chính họ về cơ hội thành công của cuộc chiến.

Lần ngược lại câu chuyện của mình, Sheehan kể về những bí danh được viết nguệch ngoạc trong danh sách khách dừng chân tại các nhà nghỉ ở Massachusetts, về những chiếc máy photocopy trục trặc vì phải hoạt động liên tục suốt đêm để xử lý lượng tài liệu khổng lồ, về những trang tài liệu photo được giữ kín trong tủ gửi đồ ở bến xe bus, những túi đồ buộc dưới ghế ngồi máy bay trong một chuyến bay từ Boston, và những cái tên viết tắt bị thiêu hủy trong buổi tiệc barbecue của một nhà ngoại giao.

Sheehan cũng tiết lộ rằng ông đã bất chấp các chỉ dẫn của nguồn tin mật – người sau đó được công khai là Daniel Ellsberg. Ellsberg góp phần công bố bí mật này khi được phân công phụ trách phân tích mảng Bộ Quốc phòng trong lúc làm việc cho RAND Corporation. [ND: RAND là một think tank chuyên nghiên cứu và phân tích các chính sách quốc phòng của Mỹ.] Năm 1969, Ellsberg đã lén sao chép toàn bộ các bản báo cáo, với hy vọng rằng việc công khai chúng sẽ giúp chấm dứt một cuộc chiến tranh mà ông luôn kịch liệt phản đối.

“Trái với những gì mọi người lầm tưởng, Ellsberg chưa bao giờ ‘giao’ các hồ sơ đó cho tờ NYT” – Sheehan nhấn mạnh. Ellsberg đã nói với Sheehan rằng: “Anh có thể đọc chúng, nhưng không được sao chép”. Do đó, Sheehan đã phải kín đáo chuyển các tập hồ sơ đó ra khỏi căn hộ của Ellsberg ở Cambridge, rồi bí mật sao chép chúng (hệt như cách mà Ellsberg đã làm), và gửi chúng đến tờ NYT.

Trong hai tháng tiếp theo, ông đã cố gắng đánh lừa Ellsberg. Ông nói với Ellsberg rằng các biên tập viên của ông đang cân nhắc phương thức tốt nhất để công bố những tài liệu này, còn ông thì phải dành quan tâm cho những công việc khác. Nhưng thực tế là Sheehan đã giam mình trong một căn buồng ở khách sạn trung tâm Manhattan với các tài liệu và một đội ngũ các biên tập viên và phóng viên của NYT, tất cả cùng nhau chạy đua với thời gian để công bố loạt phóng sự.

Các biên tập viên của The New York Times đọc lại bản in lần đầu của Hồ sơ Lầu Năm Góc. Ảnh: NYTimes.

Hồ sơ Lầu Năm Góc lần đầu lên kệ báo vào ngày 13/6/1971. Ellsberg không hề được thông báo trước. Ông chỉ được biết chuyện này qua một nhân viên khác ở NYT tên là Anthony Austin – người mà ông đã bí mật chia sẻ một vài trích đoạn vài tháng trước đó. Austin đã không đề cập về thông tin chấn động này với bất kỳ ai tại tòa báo, với ý định giữ nó cho một cuốn sách riêng của mình về chiến tranh.

Khi Austin phát hiện tòa soạn của mình đang chuẩn bị tung ra những tin này, ông hoảng loạn gọi cho Ellsberg. Ellsberg sau đó đã cố gắng tiếp cận Sheehan – người đang quay cuồng với deadline cho việc xuất bản. Sheehan phớt lờ các tin nhắn của Ellsberg cho đến khi ông biết chắc rằng không thể can thiệp để ngưng quá trình in báo. Sheehan đã yêu cầu một biên tập viên thông báo cho mình khi 10.000 tờ báo được in ra.

“Nếu ở vị trí của tôi, anh cũng sẽ phải làm vậy thôi,” Sheehan nói trong buổi phỏng vấn năm 2015, biện minh cho việc mình đã nói dối Ellsberg – người mà ông miêu tả là đã luôn giằng xé giữa mong muốn công khai bản hồ sơ và nỗi sợ hãi bị tống vào tù. Để bảo vệ bản thân, Ellsberg đã hành động vô cùng khinh suất. Sheehan lo sợ rằng Ellsberg sẽ vô tình để lộ cho ai đó biết.

“May mà cuối cùng ông ấy không hô lên làm lộ hết cho tất cả mọi người”, Sheehan nói.

Nỗi sợ nhà tù

Ellsberg đã là một nguồn tin của Sheehan từ trước đó. Trong một chuyến thăm Washington vào tháng Ba năm 1971, Ellsberg đề nghị qua đêm tại nhà Sheehan. Trong đêm đó, hai người đã giao kèo với nhau. Như Sheehan kể, Ellsberg sẽ trao cho ông bản hồ sơ, và trong trường hợp NYT đồng ý công bố thì tất cả sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ danh tính của nguồn tin.

Tuy nhiên, khi Sheehan đến Cambridge với ý định nhận tài liệu, Ellsberg lại thay đổi ý định. Ông nói rằng Sheehan có thể đọc, nhưng đừng sao chép, bởi vì “một khi ông đưa hồ sơ cho tòa báo, họ sẽ nắm quyền sở hữu hồ sơ đó và có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với nó” – Sheehan nhớ lại.

“Ông ấy sợ rằng mình sẽ mất kiểm soát”.

Trong cuốn hồi ký “Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers” (Những bí mật: Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc) ra mắt năm 2002, Ellsberg kể rằng bản thân đã không khỏi hoài nghi liệu NYT có công bố đầy đủ tài liệu như ông mong muốn hay không. Ông cũng lo sợ rằng nếu ông trao tài liệu trước khi tờ báo cam kết xuất bản chúng, thì sẽ có ai đó thông báo với Cục Điều tra Liên bang (FBI), “hoặc bằng cách nào đó, FBI có thể đánh hơi và lần ra các bản sao khác của tôi.”

Tuy nhiên, Sheehan cho rằng sự dè dặt trên cho thấy Ellsberg “sợ bị đi tù.”

“Bởi vì nếu NYT nắm được hồ sơ”, Sheehan nói, “tờ báo sẽ theo đuổi đề tài đó. Và khi nó được xuất bản, thì Ellsberg có thể bị bắt. Lúc đó anh ấy vẫn chưa được một chính trị gia nào đứng ra bảo vệ.”

“Ông ấy bị giằng xé dữ dội”, Sheehan nói.

Ellsberg đằng nào cũng đang ở trong tình trạng rủi ro, Sheehan nói. Ellsberg đã sao chép hồ sơ ra nhiều bản, mà lại bất cẩn thanh toán bằng séc cá nhân. Ông cũng đã tiếp cận với một số thành viên của Quốc hội, gợi ý về việc mở các phiên điều trần. “NYT không thể bảo vệ nổi người này,” Sheehan nhớ lại suy nghĩ khi đó. Nguồn tin có vẻ bí mật như Ellsberg đã “để lại dấu vết trên trần nhà, trên tường, khắp mọi nơi”.

Neil Sheehan (ngoài cùng bên phải) và các phóng viên khác ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1963. Ảnh: AP.

“Tôi e là sớm muộn gì ông ấy cũng sẽ đụng phải một chính trị gia mà người này sẽ báo ngay lên Bộ Tư pháp rằng tờ NYT vừa nắm được bí mật lớn nào đó, và kẻ tiết lộ là Dan Ellsberg”.

Sheehan nhận ra rằng ông phải thật nhanh tay. Vì một khi thông tin bị rò rỉ ra ngoài, chính phủ sẽ ngay lập tức đưa vụ việc ra tòa để yêu cầu dừng xuất bản. Các luật sư của NYT sẽ phải tranh luận với Bộ Tư pháp về các tài liệu mật và tầm quan trọng của chúng, điều mà ngay cả thẩm phán lẫn công chúng đều khó có thể hiểu được ngọn ngành.

“Ồ, tôi đã rất tức giận”, Sheehan nhớ lại. Cũng như Ellsberg, ông kịch liệt phản đối chiến tranh và muốn làm mọi thứ để ngăn chặn nó. “Cho nên tôi đã rất khó chịu khi Ellsberg nói rằng ‘có thể đọc, ghi chép, nhưng đừng sao ra’. Và cả chuyện ông ấy đã hoàn toàn mất kiểm soát”.

Sheehan quyết định rằng “những tài liệu này sẽ không bao giờ bị đưa trở lại vào két sắt của chính phủ”.

Khi quay lại Washington, Sheehan tâm sự với vợ mình là bà Susan Sheehan, một cây viết của tờ The New Yorker. Ông nhớ vợ mình đã bảo: “Nếu em là anh, em sẽ nắm lấy quyền kiểm soát tình hình”.  Hãy “chơi” cùng với Ellsberg, cố gắng hết sức để bảo vệ ông ấy, nhưng hãy lấy những hồ sơ quan trọng cho tờ NYT.

“Hãy photocopy chúng!”, ông nhớ lại lời vợ khi ấy. [Nguyên văn: “Xerox it!”]

Sheehan quay trở lại Cambridge để tiếp tục đọc và ghi chép. Khi Ellsberg nói rằng ông ta sẽ rời thành phố đi nghỉ, Sheehan ngỏ ý muốn được tiếp tục làm việc trong căn hộ nơi mà các tài liệu được cất giữ. Ellsberg đã đồng ý và đưa chìa khóa cho Sheehan. Ông không quên nhắc nhở: Không sao chép.

Sheehan đã không nói gì.

“Tôi đã biết Ellsberg đủ lâu, và ông ấy nghĩ rằng tôi đang làm theo quy tắc mà mọi người thường làm: Nguồn tin kiểm soát tư liệu. Tuy nhiên, ông không nhận ra là tôi đã tự quyết định, rằng người này không thể tin được, không thể để việc này nằm trong tay ông ấy. Việc này quá quan trọng, và quá nguy hiểm”.

Những đêm dài ở tiệm photo

Khi Ellsberg đã rời đi, Sheehan gọi về nhà.

“Đến đây đi, anh cần em giúp.” Ông nói với vợ, bảo bà mang theo vali, nhiều phong bì lớn và tất cả tiền mặt trong nhà. Bà ngay lập tức bay đến Boston và check-in vào khách sạn dưới một cái tên giả. Sheehan thì ở trong một quán trọ khác, cũng dưới một cái tên giả.

Ông được trưởng văn phòng đại diện của NYT ở Boston hướng dẫn đến một cửa hàng photocopy có thể xử lý hàng ngàn trang tài liệu. Ông đã yêu cầu trưởng văn phòng gửi cho mình vài trăm đô-la chi phí cho một dự án bí mật và từ chối giải thích lý do. Người trưởng văn phòng gọi đến tòa soạn NYT gặp các biên tập viên trực đêm đó để chuyển yêu cầu, và họ từ chối. Ông bèn gọi cho vị biên tập viên phụ trách đề tài quốc gia.

“Đưa tiền cho anh ấy” – vị biên tập viên này nói, và không hỏi gì thêm.

New York Times reporter Neil Sheehan, left, is pictured alongside Managing Editor A.M. Rosenthal and Foreign News Editor James L. Greenfield in a May 1, 1972 file photo.
Neil Sheehan (ngoài cùng bên trái) cùng với A.M. Rosenthal, thư ký tòa soạn và James L. Greenfield, biên tập viên mảng quốc tế của The New York Times, vào ngày 1/5/1972. Ảnh: AP Photo.

Sheehan đã đánh thêm một chiếc chìa khóa căn hộ phòng trường hợp chiếc chìa gốc bị mất. Ông bắt đầu sao chép cỡ khoảng 7.000 trang tài liệu. Đầu tiên là ở văn phòng bất động sản của một người quen, và sau đó là một cửa hàng in ở ngoại ô, với sự giúp đỡ của vợ. Ông đã gọi taxi và đưa nhiều chồng giấy đi qua lại giữa căn hộ và tiệm photo, rồi đến một tủ gửi đồ ở bến xe bus Boston, rồi sau đó lại chuyển chúng đến một tủ gửi đồ khác ở sân bay Logan.

Khi các máy photo trong cửa hàng gặp sự cố, ông bà Sheehan chuyển đến một cửa tiệm khác ở Boston do một cựu chiến binh hải quân điều hành. Khi chủ tiệm nhận ra đó là tài liệu mật, ông trở nên lo lắng. Khi đó bà Sheehan gọi cho chồng đang ở trong căn hộ.

“Hãy đến đây ngay”, ông nhớ lại lời nói của vợ.

Sheehan đã lập tức đến nơi và nói với người quản lý rằng ông đã mượn tài liệu của các giáo sư Harvard để dùng cho một nghiên cứu của mình. Sheehan cũng trấn an ông ta rằng các tài liệu đã được giải mật hàng loạt, và vì ông chỉ được mượn có thời hạn, nên phải sao chép gấp. Người quản lý dường như chấp nhận lời giải thích đó.

Ở sân bay, ông bà Sheehan đã mua thêm một ghế thừa trên chuyến bay về nhà và chất đống vali của họ lên đó, buộc chặt chúng vào ghế thay vì để khuất tầm mắt.

Tại Washington, biên tập viên của Sheehan, với các tài liệu mẫu và một bản tóm tắt mà Sheehan đã gửi trước, lên đường đến New York để xin phép cho Sheehan thực hiện bài viết.

Sheehan và một biên tập viên khác giam mình tại một căn phòng ở khách sạn Jefferson, Washington. Họ đã dành vài tuần ở đó để đọc và tóm tắt lại các tài liệu mà họ có. Sau đó, họ được triệu tập đến New York để thuyết trình trước các biên tập viên cấp cao tại trụ sở tòa soạn NYT. Khi gặp luật sư của tờ báo tại trụ sở, Sheehan nhận thấy người này dường như đang run rẩy.

“Trông anh ấy giống như vừa bị ai đó dội một xô nước đá lên đầu,” Sheehan nhớ lại. “Anh ấy rất sợ hãi khi nghe bất cứ thứ gì tôi nói. Anh lặp đi lặp lại: ‘Đừng tiết lộ với ai về điều này. Họ sẽ không thể giữ được bí mật. Ai đó sẽ đi bép xép tiết lộ mọi thứ. Chúng ta có thể đã phạm phải trọng tội rồi’”.

Sheehan và một biên tập viên được sắp xếp ở một phòng tại khách sạn Hilton trong khu trung tâm Manhattan để tiếp tục làm việc. Sau đó, họ có thêm một biên tập viên nữa, cùng với ba cây viết, vệ sĩ, và tủ đựng hồ sơ có mã khóa. Cuối cùng, họ đã thành lập được một đội hàng chục người làm việc xuyên ngày đêm ở ba phòng liền kề nhau.

“Chúng tôi đã ráp nối được toàn bộ bức tranh lớn,” ông Sheehan nhớ lại. “Và chúng tôi bắt đầu bứt tốc.”

Cứ cách vài ngày, Sheehan lại gọi cho Ellsberg, “với mục đích cố trấn an để đảm bảo ông ấy không làm điều gì khinh suất”. Sheehan không lo về việc một tờ báo khác đăng tin trước, nhưng ông lo lắng rằng Ellsberg đã lỡ kể với ai đó và người này sẽ phát tán câu chuyện trước khi NYT kịp xuất bản.

Vì thế, Sheehan xin lỗi Ellsberg về tình trạng chậm tiến độ của mình. Ông nói rằng các biên tập viên cấp cao vẫn đang thảo luận về phương thức tốt nhất cho việc tiến hành. Ông thậm chí đã đến tận Cambridge, như thể để lấy thêm thông tin. Khi gặp mặt tại đó, Ellsberg chỉ trích Sheehan. “Tôi đang gánh chịu tất cả nguy hiểm”, Sheehan nhớ lại lời của Ellsberg, “trong khi các anh chẳng dám mạo hiểm gì cả”.

Bắn tín hiệu, và công bố

Vài tuần trước khi xuất bản, Sheehan đã quyết định gửi một tín hiệu đến Ellsberg. Ông không nói thẳng về ý định công bố của tờ NYT vì sợ rằng phản ứng của Ellsberg sẽ vô tình khiến chính phủ phát hiện ra. Nhưng ông vẫn muốn có một sự “đồng ý ngầm” từ Ellsberg.

“Chỉ là vấn đề của lương tâm”, Sheehan nói.

Sheehan nói với Ellsberg rằng ông cần được giữ các tài liệu chứ không chỉ là những ghi chép của mình. Ellsberg trước đó đã nói sẽ chỉ giao tài liệu khi sẵn sàng, và ông hiểu rằng tờ NYT sẽ tùy nghi xử lý với nó. Lần này, khi Sheehan hỏi, Ellsberg đồng ý.

Ông Rosenthal, thư ký tòa soạn của The New York Times chúc mừng phóng viên sau khi công bố loạt phóng sự. Neil Sheehan là người thứ hai từ bên phải. Ảnh: The New York Times.

Sheehan lựa chọn diễn giải, rằng sự đồng ý lúc ấy nghĩa là Ellsberg hiểu rằng tờ báo có thể công bố chúng bất kỳ lúc nào.

“Đây là thao tác để gửi một vài lời cảnh báo trước đến Ellsberg – nếu ông ta nhớ rằng đã nói gì với tôi – và phần nào điều đó cứu vãn lương tâm của tôi”, Sheehan nhớ lại. “Tôi biết điều đó nghe có vẻ đạo đức giả, nhưng chúng tôi sắp đưa câu chuyện lên báo, và tôi muốn cố gắng dùng tín hiệu nào đó để cảnh báo trước cho Ellsberg.”

Nhưng thực tế là Ellsberg đã hoàn toàn bỏ lỡ tín hiệu đó.

Ông để lại cho Sheehan một bản sao hoàn chỉnh của toàn bộ nghiên cứu được giấu trong một căn hộ của gia đình Ellsberg ở Manhattan. Sheehan nhớ rằng mình đã trả cho người gác cửa “một khoản tiền boa hào phóng đủ để bất kỳ ai cũng có thể giữ bí mật. Bởi vì tôi biết sớm muộn gì FBI cũng cố gắng ráp mọi sự kiện này với nhau”.

Sheehan thực hiện các bước cuối cùng nhằm xóa đi dấu vết. Một bản sao ở nhà của Sheehan đã được chuyển đến tủ trữ đông của một đồng nghiệp. Các trang copy có tên viết tắt của Ellsberg thì được nghiền nát ở New Jersey, hoặc đốt trong bữa tiệc thịt nướng của một nhà ngoại giao từ Brazil, là bạn của bố vợ Sheehan.

Thời điểm đã đến, và Ellsberg vô cùng ngạc nhiên khi Hồ sơ Lầu Năm Góc được công bố. Ellsberg cố gắng liên lạc nhiều lần với Sheehan. Đến cuối cùng, khi Sheehan chịu gọi lại, ông chỉ gặp vợ của Ellsberg. Sheehan kể lại bà nói với ông rằng Ellsberg hài lòng với việc công bố các tư liệu đó, nhưng “không vui vẻ gì khi bị ăn một cú lừa vĩ đại”.

Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2015, Sheehan cho biết ông chưa bao giờ tiết lộ danh tính của Ellsberg khi công việc còn dang dở. Đối với các biên tập viên của mình, ông luôn dùng từ “nguồn tin” mỗi khi đề cập đến Ellsberg. Một nhà báo khác, không thuộc NYT, đã tiết lộ danh tính của Ellsberg không lâu sau khi Hồ sơ Lầu Năm Góc được công bố.

Sheehan cũng không bao giờ nói về cách mà ông lấy được các hồ sơ đó. Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2015, Sheehan nói rằng ông không bao giờ muốn phản pháo lời kể của Ellsberg, hoặc làm Ellsberg xấu hổ qua việc mô tả hành vi và trạng thái tâm lý của ông ấy vào thời điểm đó.

Trong suốt sáu tháng kể từ khi bài báo được công bố, hai người họ hoàn toàn không liên lạc với nhau. Trước lễ Giáng sinh năm 1971, họ vô tình gặp nhau ở Manhattan. Trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó, Sheehan đã kể cho Ellsberg nghe toàn bộ câu chuyện.

“Vậy là anh đã lấy trộm tài liệu, như tôi đã làm”, Sheehan nhớ lại lời của Ellsberg.

“Không, Dan, tôi không lấy trộm nó”, Sheehan trả lời. “Và anh cũng không. Những hồ sơ ấy là tài sản của người dân Hoa Kỳ. Họ đã trả tiền cho chúng bằng ngân khố quốc gia, và máu của con trai họ, và họ có quyền được biết.”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.