‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Câu chuyện về người được cho là dựng nên nền tảng tư tưởng cho sự thống trị của Putin.
Chính trị gia đối lập Alexei Navalny vừa trở về nước Nga vào ngày 17/1/2021, và ngay lập tức bị bắt.
Kế đó là biểu tình khắp nơi trên toàn nước Nga, từ thành phố đảo Yuzhno-Sakhalinsk nằm ngay trên phía Bắc Nhật Bản đến thành phố Đông Siberian Yakutsk nơi nhiệt độ đã ở dưới âm 50 độ C, cả đến những thị thành đông đúc phong cách châu Âu.
Chính quyền đáp trả: 3.000 người bị bắt giữ. Quyền lực của Putin khó mà lung lay chỉ trong phút chốc.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng Putin đơn thuần chỉ là một tay kỹ trị nhà nghề thực dụng, với khuynh hướng độc tài, và quyền lực của một nhà nước từng đứng nhất nhì thế giới rơi vào tay ông ta là nhờ… định mệnh.
Như tất cả những chính thể độc tài tồn tại lâu dài và có mức độ “kiên cường” đáng kinh ngạc, đằng sau Putin là các triết gia, học thuyết, niềm tin và tư tưởng.
Nhiều nhà nghiên cứu như giáo sư Timothy Snyder (sử gia thuộc Đại học Yale) hay các chuyên gia chính trị Nga như Anton Barbashin và Hannah Thoburn đã chỉ ra rằng Ivan Ilyin là một trong các triết gia chính đằng sau tư tưởng của Putin.
Năm 2014, một đoàn đại biểu sinh viên và giáo viên lịch sử hỏi Putin rằng ông chọn ai làm sử gia của nước Nga. Putin nêu ra một cái tên duy nhất: Ivan Ilyin.
Ivan Ilyin là ai?
Ivan Ilyin được mệnh danh là người khai sáng của các chủ nghĩa phát xít Thiên Chúa giáo của Nga (Russian Christian Facism). Tuy nhiên, ông chưa bao giờ được xem là một ngôi sao triết học hay chính trị học.
Sinh năm 1883 trong một gia đình quý tộc bậc trung với bố là người Nga và mẹ là người Đức, Ilyin được đào tạo triết học tại Moscow từ năm 1901 đến 1906. Thời còn trẻ, ông cũng như nhiều trí thức Nga khác luôn đau đáu về pháp luật tại Nga, bởi đó dường như là thứ tốt nhất chống lại “proizvol” – một thuật ngữ Nga dùng để chỉ sự tùy tiện và lạm quyền của giới quý tộc và Nga hoàng (tsars).
Ilyin từng kỳ vọng một cuộc nổi dậy toàn diện, từ đó đẩy mạnh việc giáo dục chính trị và dân chủ cho quần chúng Nga. Khi chiến tranh Nga – Nhật trở thành tiêu điểm cho các thảo luận chính trị vào năm 1905, ông viết không mệt mỏi để bảo vệ quyền tự do hội họp. Nhưng rồi các cuộc cách mạng quý tộc không đổ máu (như việc thành lập Quốc hội đầu tiên của Nga) vẫn không thể kiềm chế quyền lực của Nga hoàng.
Chịu ảnh hưởng từ triết gia Kant và sau đó là Hegel, Ilyin vẫn không ngừng tin tưởng rằng loài người khác biệt với động vật nhờ vào khả năng lựa chọn lý tính của họ. Và pháp luật – công bằng – dân chủ là đích đến của quá trình vận động lý tính đó như một lẽ thường.
Tuy nhiên, không khó để Ilyin nhận ra rằng truyền bá và giải thích pháp luật cho đại bộ phận nông nô ở Nga là không hề đơn giản. Kinh nghiệm giảng dạy cũng như truyền bá pháp luật với tư cách giảng viên của trường Moscow State University khiến ông tự hỏi liệu con đường của Nga nên là gì.
Tiếp xúc với người Nga, và thậm chí là những người bên trong giai cấp quý tộc của mình, Ilyin không khỏi cảm thấy kinh tởm. Trong một số cuộc thảo luận triết học và pháp luật, ông không ngần ngại gọi những kẻ chỉ trích ông là “tởm lợm” và “đồi bại tình dục” (sexual perversion).
Ilyin từ đó tìm đến Freud, cha đẻ của phân tâm học (psychoanalysis) với sự tập trung đáng kể vào tâm lý và đời sống tình dục; ông cũng tìm hiểu về Edmund Husserl, cha đẻ của hiện tượng học (phenomenology).
Theo Freud, những nền văn minh được hình thành dựa trên khả năng kiềm nén các cảm xúc và ham muốn bản năng của loài người. Vấn đề của Nga, dựa trên cách tiếp cận của Freud, không phải là vấn đề tinh thần, mà nằm ở tâm lý và tính dục. Mặc khác, các tiền đề của Husserl cho phép Ilyin chuyển các thất bại chính trị cũng như những nỗi bất an tính dục của xã hội Nga trở thành vấn đề của tạo hóa, của Chúa.
Ilyin bảo vệ luận án tiến sĩ của mình vào giai đoạn 1917 – 1918, tức cùng lúc với Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ilyin, với thân phận một giảng viên đại học thuộc gia đình quý tộc nhanh chóng được phân loại vào nhóm “kẻ thù của cách mạng”. Ông bị bắt và đối mặt với khả năng bị giết hại, song các sử gia cho rằng đích thân Lenin đã can thiệp để tha chết cho Ilyin. Lý do là vì Lenin cũng dùng bút danh Ilyin. Trong giai đoạn trước đó, Ilyin “thật” đã từng bình duyệt và thảo luận với Lenin trong vài bài viết của ông này. Cả hai cùng có một niềm tin khá chắc chắn vào triết học Hegel (mà Marx cũng là một học trò).
Trong tư duy Marxist, tư sản là nguồn gốc của tội lỗi, và việc xóa bỏ chế định tư sản là cách duy nhất để giải thoát cái tốt trong con người. Đối với Ilyin, hành vi tạo hóa của Chúa tự thân đã là phép thử tội lỗi cho loài người. Nhân sinh về cơ bản là xấu xa.
Đồng cảm với tư duy triết học của Ilyin, và mong muốn ông hòa nhập vào một xã hội mới, Lenin không cho phép quân cách mạng giết hại Ilyin. Tuy nhiên, Ilyin không nhờ vậy mà sống yên tại nước Nga Xô-viết.
Năm 1922, Ilyin rời Nga, tin rằng lời giải đáp cho xã hội là những “anh hùng”, những người có năng lực và tư duy nằm ngoài sự vận động của lịch sử và nắm giữ quyền lực. Cũng từ thời điểm này, chứng kiến sự bất lực của giới trung lưu Nga – tuy đông đảo nhưng chỉ tát nước theo mưa với sự tàn nhẫn của quân cách mạng Bolshevik – ông từ bỏ cái nhìn trước đó của mình về pháp luật, pháp quyền và chủ nghĩa cá nhân.
Ông kết nối tinh thần dân tộc Nga (Russian spirit) với mong muốn của Chúa, và từ đó hình thành tư tưởng về một nhà nước toàn trị, với sự lãnh đạo được trao cho một cá nhân có năng lực hiệu triệu nhân tâm, kết hợp giữa ý muốn của Chúa trời và tinh thần Nga. Tinh thần Nga vì vậy là tâm nguyện Chúa, quan trọng hơn bất kỳ chủ nghĩa hay chủ thuyết nào bên ngoài nước Nga, bất kể là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cá nhân, dân chủ phương Tây hay chủ nghĩa cộng hòa.
Bằng lập luận này, ông cho rằng chỉ có tinh thần Nga, Chính thống giáo của Nga và một người Nga mạnh mẽ mới có thể đặt nền móng cho một nước Nga hạnh phúc đúng nghĩa. Ilyin xem các tác phẩm của mình là bản thảo cho một nước Nga mới, nếu sau này chủ nghĩa cộng sản bị quét sạch khỏi quê hương mình.
Ilyin là một người viết không mệt mỏi. Ông cho ra đời 20 tác phẩm lớn tiếng Nga và 20 tác phẩm tiếng Đức, trước khi mất vào năm 1954 tại Thụy Sĩ – một sự ra đi ít ai biết đến.
Một mô hình chính thể chỉ có ở nước Nga.
Một nền Chính thống giáo thuần Nga để quảng bá và làm sống lại văn hóa và giá trị đạo đức trong lịch sử Nga.
Một lãnh đạo mạnh mẽ.
Một bộ máy nhà nước toàn trị, có đủ năng lực thống nhất và đồng hóa văn hóa chính trị quốc gia, biến cả đất nước trở thành một tập hợp thống nhất.
Có quá nhiều lý do để Putin yêu thích Ilyin trong việc biện giải cho con đường đi đến hạnh phúc của dân tộc Nga. Dường như những thứ làm nên vỏ bọc của nước Nga ngày nay đều nằm trong kỳ vọng của Ilyin.
Quá khó để biết rằng Putin và những người bên cạnh ông này có thật sự tin vào một học thuyết nào nhất định hay không, đúng như Anton Barbashin và Hannah Thoburn bình luận trên Foreign Affairs. Nhưng nền tảng triết học thất sủng mà Ilyin đặt ra trước đó có vẻ đã tìm được đường trở lại quê nhà.