‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Khi sức khỏe của người dân là diễn ngôn chính trị.
“Con người số y học” là một khái niệm lạ tại Việt Nam vừa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới trong Hội nghị Chuyển đổi số Y tế quốc gia ngày 30 tháng 12.
Hiểu đơn giản, theo cách vị bộ trưởng phát biểu, nếu dữ liệu khám bệnh của mọi người được lưu trữ, được phân tích (mà người viết cho rằng ông đang nói theo hướng thống nhất và tập trung hóa) sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tư vấn về cách sinh hoạt và giữ gìn sức khỏe.
“Chuyển đổi số y tế giúp hình thành một con người số y học của mỗi chúng ta. Trên những con người số y học này, việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá… sẽ có sự thay đổi căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ vô cùng to lớn cho người dân” – ông nhận xét.
Một viễn cảnh tươi đẹp hiện ra ngay trước mắt.
Thông tin sức khỏe toàn dân được lưu trữ để làm giàu cho hệ thống trí thông minh nhân tạo, tăng cường khả năng thực hiện tự động các tác vụ khuyến cáo sức khỏe và đề xuất thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Hàng trăm ngàn bác sĩ trên toàn quốc có thể tra cứu thông tin và tiền sử bệnh của bệnh nhân, từ đó, họ có thể chẩn đoán và cho lời khuyên chuẩn xác, kịp thời.
Mặt khác, đây cũng là lúc chúng ta cần bàn về tương lai của quyền lực nhà nước và quyền lực mới của y học trong cách mà xã hội vận hành.
Quan trọng hơn, chúng ta, những người nắm bắt vận mệnh của tương lai sẽ phải quyết định như thế nào về chúng?
***
Triết gia người Pháp Michel Foucault là một trong những triết gia hậu hiện đại hiếm hoi bàn rất chi tiết, cũng như có cái nhìn rất đặc biệt về y tế trong tương lai của quyền lực.
Quyền lực trong lăng kính truyền thống là thứ quyền lực áp đặt của một giai tầng thống trị lên một giai tầng bị trị. Đó là thứ quyền lực của trừng phạt, của giết chóc, của chủ quyền tuyệt đối trên một lãnh thổ.
Chúng áp đặt từ trên xuống, dùng ngoại lực tác động vào.
Chúng là thứ quyền lực dùng vũ lực để bắt người ta phải phục tùng.
Trong bối cảnh đó, “quyền lực y tế” (medical power), suốt một thời gian dài, chưa từng được xem là tồn tại trong lịch sử loài người.
Trước đây, do hiểu biết hạn chế của con người về y – sinh học, chuyện sống chết, bệnh tật của con người là chuyện của… trời.
Tính chính danh của nhà nước không lệ thuộc, và nhà nước cũng không có nghĩa vụ can thiệp, vào sức khỏe của từng cá nhân trong xã hội.
Theo Foucault trong “The Birth of Clinic”, mọi thứ thay đổi vào thế kỷ 18 và 19 khi y tế trở thành một lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao, trực tiếp dẫn đến quá trình mở rộng tri thức của loài người liên quan đến sức khỏe. Từ đó, ngành y tế được củng cố như là một ngành mũi nhọn và tối quan trọng cho sự tồn tại của xã hội loài người.
Từ một thứ chưa bao giờ nằm trong ngôn ngữ và diễn ngôn chính trị, sự trỗi dậy của y tế và thuốc men trong nền kinh tế đương đại đi cùng với mặt chính trị của nó – diễn ngôn về bảo vệ sức khỏe của toàn dân (defend the population’s health). Bảo vệ sức khỏe của công dân, tăng cường tuổi thọ trung bình, khám và chữa bệnh cùng các dịch vụ kèm theo dần phổ biến trong các thảo luận chính trị, thậm chí trở thành tiêu chuẩn tiên quyết trong việc lý giải tính chính danh của một chính quyền.
Đi kèm theo nó là thứ quyền lực vô tiền khoáng hậu, thứ quyền lực không đến từ ngoại lực mà đến từ nội tâm của chính con người.
Họ mong muốn được “khỏe mạnh”, mong muốn được “bình thường”, mong muốn được sống đến đủ tuổi thọ “tiêu chuẩn”…
Kèm với đó là các câu hỏi: Ăn như thế nào? Uống như thế nào? Đi bộ như thế nào mới đúng cách? Thức dậy mấy giờ mới không mắc bệnh? Tắm mấy giờ và nước nóng lạnh như thế nào mới không bị đột quỵ? Bao nhiêu calories dinh dưỡng mỗi ngày là không thừa không thiếu? Và hàng chục vạn câu hỏi khác.
Tất cả được tiêu chuẩn hóa bằng quyền lực y tế, khoét sâu vào tâm trí con người. Sự vật hiện tượng được nhìn thông qua cái nhìn y tế (medical gaze), từ đó, không chỉ xác lập lại cách chúng ta hiểu về tình trạng và điều kiện sức khỏe của con người, mà còn xác lập lại nhân sinh quan của loài người (human subjectivity).
Foucault và các tác giả chịu ảnh hưởng của ông, như Peter Conrad, phân chia ra bốn nhóm biện pháp kiểm soát xã hội thông qua y tế: (1) tư tưởng y tế – medical ideology, (2) hợp tác y tế – collaboration, (3) công nghệ y tế – medical technology, và (4) giám sát y tế – medical surveillance.
Foucault không cho rằng y tế hiện đại có bản chất xấu. Ông khẳng định rất rõ sự trỗi dậy của nền y tế mới chủ yếu nhằm phủ nhận hàng thế kỷ u mê y tế với sự thống trị của tư duy mê tín trong chữa bệnh (medical superstition).
Tuy nhiên, đi kèm theo đó là sự phi nhân tính hóa một con người (dehumanisation). Chúng ta loại bỏ các yếu tố tâm lý hình thành một con người dựa trên tính cách, ý thức chính trị, quan điểm và tư duy của họ. Các thông tin quan trọng được lưu giữ, được ghi nhớ, được sử dụng để quản lý và để kiểm soát xã hội loài người là những thông tin sinh học, thói quen ăn uống, thể thao, tiền sử bệnh tật…
Quá trình y tế hóa (medicalisation), bắt đầu từ thế kỷ 18, dồn ép hành vi con người, cơ thể con người và từ đó là tư duy con người vào một mạng lưới y tế dày đặc, quan trọng nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Một mô hình mà gần như không cá thể nào có thể thoát ra hay tồn tại mà thiếu vắng nó.
Quan trọng hơn, Foucault cho rằng xã hội học sẽ rất sai lầm nếu coi lý thuyết về hệ thống thuốc men – y tế như những đối tượng nghiên cứu khách quan – trung lập, từ đó, khinh thường khả năng ngành y tế tự đầu tư vào bản thân để ngày càng tăng cường thẩm quyền và tính chính danh của chính nó.
Quá trình tập trung hóa quyền lực y tế, theo quan sát của người viết, dường như đã trở thành một động lực lịch sử khó có thể ngăn cản. Tất cả các chính phủ đều được yêu cầu can thiệp mạnh, can thiệp sâu và từ đó tập trung hóa thông tin, thủ tục, chi phí và điều trị y tế.
Quá trình can thiệp và điều chỉnh y tế (medical modification) không chỉ điều chỉnh hành vi con người, mà còn thay đổi tư duy và biến chuyển ưu tiên chính trị của các cộng đồng. Trong môi trường chính trị mà quyền lực y tế thống trị, những khái niệm và niềm tin liên quan đến tự do cá nhân, chính phủ hạn chế… trở nên khó truyền đạt lẫn khó nghe.
***
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ một quốc gia toàn trị chuyển sự chú ý của quốc dân cũng như toàn thế giới sang y tế. Cuba, được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa kém, luôn đi đầu trong việc duy trì tuổi thọ trung bình cao và một nền y tế quốc dân hiệu quả. Họ làm được điều này nhờ can thiệp sâu, can thiệp sớm vào đời sống y tế của công dân, từ đó, áp đặt chế độ dinh dưỡng, khám chữa bệnh, sử dụng chiến thuật phòng bệnh hơn là phát triển công nghệ để chữa trị nó.
Chính sách này được thực hiện rất hiệu quả, nhưng đổi lại là thẩm quyền y tế và thẩm quyền nhà nước trở thành một. Không chỉ giới hạn là một loại quyền lực từ trên xuống, chúng len lỏi sâu vào tư duy và đời sống của các cộng đồng, khiến người dân lệ thuộc vào sự vận hành của một hệ thống y tế nhất định, đặc biệt khi nó vận hành tốt. Trật tự xã hội cũng từ đó mà trở nên khó lay chuyển hơn, khóa chặt các thế hệ tương lai vào một hệ thống chính trị bất di bất dịch.
Việt Nam còn lâu mới được xem là một cường quốc y tế, và cũng còn rất xa để được xem là một quốc gia có nền y tế hiệu quả. Nhưng, tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rõ ràng là không thể xem thường. Định hướng xây dựng “con người số y học” là một bước tiến gần hơn đến quyền lực y tế của Đảng Cộng sản Việt Nam, với khả năng thay đổi hoàn toàn những thảo luận về tương lai dân chủ và sự phát triển mới, tầm nhìn mới cho hệ thống chính trị Việt Nam.