Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bốn năm của Trump là một bài kiểm tra gay gắt mà Luật Khoa phải vượt qua.
Chúng tôi viết những dòng này khi một cuộc bạo loạn vừa chấm dứt ở thủ đô Washington D.C của Mỹ.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã làm một việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này: đột kích, đập phá và chiếm tòa nhà Quốc hội, ngăn cản quá trình kiểm đếm phiếu đại cử tri của lưỡng viện.
Điều này, dù là một cú sốc lớn với cả thế giới, lại là thứ hoàn toàn có thể dự báo được, và quả thực nhiều người đã dự báo. Người ta chỉ không biết chắc nó sẽ diễn ra dưới hình thức nào mà thôi.
Hơn bốn năm trước, vào ngày 9/11/2016, khi Donald Trump được các hãng truyền thông lớn loan tin đắc cử tổng thống, chúng tôi đã đăng một trong những bài viết đáng nhớ nhất trong lịch sử của mình ở mục Quan điểm: bài “Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm?” của luật sư Nam Quỳnh. Trong bài viết của mình, Nam Quỳnh nói:
“Sự khủng hoảng của chủ nghĩa pháp quyền thế giới, có lẽ đã đạt đỉnh điểm qua việc một quốc gia dân chủ bậc nhất thế giới chọn một con người xem thường pháp quyền, xem luật pháp như công cụ kiếm ăn và đấu đá chính trị lên làm tổng thống.”
Khi đó, Luật Khoa mới tròn hai năm, bốn ngày tuổi.
Cho đến tận thời điểm đăng bài viết đó, Luật Khoa là một tờ báo gần như được lòng hết thảy các nhóm cấp tiến và đối lập Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Đó là những ai yêu thích tìm hiểu luật pháp và chính trị nói chung, sinh viên, giảng viên đại học, luật sư, nhà báo, giới hoạt động xã hội, giới bất đồng chính kiến, cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cả nhiều người làm việc trong chính quyền. Chúng tôi, dù là một tờ báo trẻ và rất nhỏ bé, khi đó có một đà phát triển rất lớn nhờ được bá tánh ủng hộ nhiệt tình như vậy.
Mọi thứ hoàn toàn thay đổi kể từ khi chúng tôi đăng bài viết trên của Nam Quỳnh. Hoàn toàn thay đổi.
Các nhóm ủng hộ Trump lập tức tấn công chúng tôi dồn dập trên Facebook. Khi đó, những lời chỉ trích lẫn thóa mạ có lẽ chỉ đến từ một số nhóm và cá nhân tự nhận là cánh hữu Việt Nam, vốn trước đó ủng hộ Luật Khoa. Họ bắt đầu gọi Luật Khoa là “thổ tả”, “fake news” và đủ các loại ngôn từ vu khống lẫn hạ tiện.
Khi Donald Trump bắt đầu thương chiến với Trung Quốc đầu năm 2018, mọi thứ còn tệ hơn nữa: rất nhiều người chống Trung Quốc gọi Luật Khoa là “bọn bán nước”, “bọn liếm đít Tàu”, và đủ các loại nhãn mác khác.
Cùng với phong trào triệt hạ uy tín của báo chí Mỹ và báo chí quốc tế nói chung, các nhóm ủng hộ Trump đã rất thành công trong việc xây dựng một hình ảnh tồi tệ của Luật Khoa trong mắt một bộ phận lớn trong công chúng Việt Nam.
Nhiều độc giả trước đây quay lưng, một số người tuyên bố ngừng ủng hộ tiền bạc cho Luật Khoa, nói rằng họ thất vọng, rằng họ đã nhầm tưởng Luật Khoa là báo tử tế. Mục “Comment” trên Facebook Luật Khoa luôn ngập những lời vu khống và phỉ báng mỗi khi có bài liên quan đến Trump hay Hoa Kỳ. Một số người đã công khai lẫn ngầm bắn tin đe dọa hai trong số những thành viên tòa soạn chúng tôi, rằng chúng tôi sẽ lãnh hậu quả nếu tiếp tục chống Trump.
Một số người bạn của các thành viên tòa soạn cũng nằm trong số đó, tuy rằng, có lẽ vì nể nang mối quan hệ cá nhân mà lời lẽ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.
Chúng tôi đã làm gì trong bốn năm qua?
Thử thách nói trên có thể coi là lớn với một tờ báo mới vừa qua sinh nhật lần thứ hai hay không? Có thể. Chúng tôi đã coi đó là một bài kiểm tra về giá trị, tính chính trực và bản lĩnh của một tờ báo. Một bài kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài dự tính, hoàn toàn mới mẻ, không có gì giống với những gì chúng tôi hình dung trước đó.
Điều Luật Khoa không phải bận lòng là cam kết mạnh mẽ của tất cả các thành viên tòa soạn với những giá trị dân chủ, nhân quyền, và pháp quyền. Chúng tôi có thể bất đồng với nhau ở một số chi tiết, nhưng rất đồng thuận trong việc bảo vệ những giá trị mà bản thân đã tuyên xưng theo đuổi. Không có chỗ cho tin vịt và thuyết âm mưu ở Luật Khoa, không có chỗ cho những diễn ngôn thù địch ở Luật Khoa, và không có chỗ cho những nội dung phản dân chủ ở Luật Khoa. Chúng tôi đã đăng bài chống Trump, đăng bài ủng hộ Trump, đăng cả bài trung dung về Trump. Mọi bài vở đều phải đảm bảo dựa trên nguồn dữ liệu có độ tin cậy cao và phân tích logic. Sự thật và lý lẽ phải là xương sống của quy trình sản xuất nội dung ở mọi tòa soạn.
Trump, với chiến lược tranh cử và nắm quyền của mình, đi ngược lại với những giá trị chúng tôi theo đuổi và giữ gìn. Cuộc bạo loạn ngày hôm nay ở Đồi Capitol chỉ là một biểu hiện nhỏ của những hậu quả thảm khốc mà đường lối chính trị dân túy của Trump có thể mang lại. May mắn cho dân Mỹ là các tổ phụ của họ đã thiết lập nên một thể chế dân chủ đủ mạnh để chống lại những hành vi phản dân chủ của Trump, người dân ở rất nhiều nước khác không có được cái may mắn đó.
Bài học nhãn tiền ngay trước cửa nhà của chúng ta là Philippines, nơi vị tổng thống dân túy Duterte đã kích hoạt một cuộc giết chóc quy mô cực kỳ lớn trên toàn quốc từ năm 2016, huy động từ cảnh sát tới dân thường truy sát hơn 10 nghìn người mà họ cho là tội phạm ma túy – tất cả đều không qua xét xử.
Cũng tại Philippines, vị tổng thống này cũng ra sức mạt sát báo chí bằng đúng hai bài mà ông Trump sử dụng: cáo buộc những tờ báo tử tế là “fake news” và tự bản thân mình xây dựng một bộ máy tuyên truyền chuyên tung “fake news”. Hậu quả là báo chí, những tờ báo tương tự như Luật Khoa, trở thành “kẻ thù của nhân dân” – đúng ngôn từ mà ông Trump dành cho một số tờ báo Mỹ. Và đó không có gì khác hơn, chính là những ngôn từ mà bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dành cho Luật Khoa và hàng loạt các tờ báo độc lập suốt hàng chục năm qua.
Chúng tôi có thể ủng hộ và cổ xúy cho những diễn ngôn đó không? Không. Không. Và không. Nếu như Trump có thể truyền cảm hứng cho một nhóm công dân đột kích chiếm nhà Quốc hội của nền dân chủ thuộc loại già dặn nhất thế giới thì không có lý do gì những chính trị gia dân túy của Việt Nam trong tương lai không thể làm được nhiều hơn. Đó là con đường đào mồ chôn các giá trị dân chủ, là con đường tiến thẳng lên một chế độ nô lệ mới tinh vi hơn và tàn khốc hơn.
Chúng tôi không bao giờ đặt ra câu hỏi có nên chiều lòng đông đảo công chúng đang ủng hộ Trump hay không. Chiều lòng số độc giả đông đảo đó thì chúng tôi được gì? Lượng đọc sẽ cao hơn rất, rất nhiều, kéo theo lượng tiền đóng góp cũng (có thể) cao lên theo. Nhưng đó không thể và không nên là lựa chọn của một tờ báo. Chúng tôi có thể mất độc giả, mất các khoản đóng góp, chúng tôi có thể phải đóng cửa tờ báo, nhưng thà như vậy còn hơn là đánh mất linh hồn và các chuẩn mực nghề nghiệp của mình.
Một trong những đồng sáng lập viên của chúng tôi, nhà báo Phạm Đoan Trang, đã phải vào tù chỉ vì làm một nhà báo đúng nghĩa, một người đã luôn nói sự thật và lý lẽ, một người đã giữ vững đạo đức nghề nghiệp của mình khi làm cho báo nhà nước lẫn báo độc lập, khi yên ổn lẫn lúc nguy nan, khi no lẫn khi đói. Đó là thứ chúng tôi phải giữ gìn như con ngươi của mình, trái tim của mình, khối óc của mình.
Chúng tôi có thể làm gì tốt hơn không? Dĩ nhiên là có.
Chúng tôi đã thảo luận về việc làm sao để tiếp cận vấn đề Trump tốt hơn. Một câu hỏi đặt ra là có thể trung dung hơn không? Có thể đưa tin/ phân tích cả những điểm tích cực của Trump hay không? Chẳng nhẽ không có gì tốt về Trump để nói hay sao?
Cuối cùng, có mấy điều chúng tôi rút ra:
Sau cùng, hiện tượng Trump cũng chỉ là một thử thách trong vô vàn thử thách mà một tờ báo phải đối mặt và vượt qua. Chúng tôi đã giữ vững những giá trị và đạo đức nghề nghiệp của mình và đang lớn mạnh hơn nhiều so với bốn năm trước đây. Nhiều độc giả trung thành vẫn tìm đọc Luật Khoa, một số người ủng hộ của Trump cũng tìm đọc Luật Khoa. Rất nhiều người trong số đó đang ủng hộ tiền bạc cho Luật Khoa. Đó là phần thưởng quý báu cho những nỗ lực của chúng tôi, và chúng tôi vô cùng cảm kích vì sự tưởng thưởng đó.
Suy cho cùng, hình mẫu một tờ báo độc lập mà Luật Khoa nên theo đuổi là một hình mẫu như thế nào? Đó phải là một tờ báo trung thành với sự thật và lý lẽ ngay cả khi chỉ còn một độc giả để phục vụ và một ngàn đồng để tiêu.
Thứ tinh thần báo chí đó là vốn quý nhất mà một tờ báo có, và là tài sản lớn nhất mà thế hệ những người làm báo ở Luật Khoa hiện nay có thể truyền lại cho các thế hệ tiếp theo, nếu Luật Khoa còn có thể tiếp tục tồn tại.
Chúng tôi phải kiên trì với những giá trị dân chủ, ít nhất là cho nó một cơ hội để bén rễ, đâm chồi, và nảy lộc trên mảnh đất văn hóa Việt Nam.