“Luật sư” trong tiếng Anh là gì? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ

“Luật sư” trong tiếng Anh là gì? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ
Ảnh: Calamy/ Luật Khoa.

Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022.


Tương tự như các thuật ngữ tiếng Anh về cấu trúc hệ thống tòa án, tiếng Anh pháp lý liên quan đến ngành nghề và các vị trí tư pháp cũng cần được quan tâm đặc biệt vì nội hàm và lịch sử của chúng. [1] Ngành nghề và vị trí tư pháp không đơn thuần chỉ là tên gọi, muốn gọi sao ra danh “luật sư” là được. Đi cùng các tên gọi đó là quy định về phạm vi quyền hạn, gốc gác, bằng cấp và các thủ tục liên quan.

Trong bối cảnh ngành nghề và các vị trí tư pháp tại Việt Nam chỉ có hơn hai thập niên để phát triển, việc cân nhắc các thuật ngữ pháp lý trong tiếng Anh để hiểu và sử dụng cho đúng cách là vô cùng cần thiết. Bằng cách đó, ta có thể mở rộng để có những ghi nhận mới cho đặc trưng hành nghề tại Việt Nam

“Luật sư” trong tiếng Anh là gì?

Chúng ta hãy bắt đầu với sự phân định ngành nghề tư pháp nổi tiếng nhất ở Vương quốc Anh: “solicitor” và “barrister”.

Một cậu bạn người Hà Lan của tôi đã từng than thở rằng hệ thống ngành nghề và các vị trí tư pháp của Vương quốc Anh rắc rối đến mức “vớ vẩn”, khi chỉ cùng một vụ việc mà anh phải thuê đến hai người với hai chức danh “solicitor” và “barrister” để có thể hoàn tất thỏa thuận.

“Solicitor” thường được dịch tại Việt Nam là luật sư tư vấn, dù cách dịch này không hoàn toàn chính xác.

Họ là những người có bằng cấp đại học chuyên ngành luật, đã được đào tạo chuyên sâu. Sau đó, những người này tiếp tục phải trải qua một kỳ sát hạch và hoàn tất quá trình thực tập của mình để chính thức có danh nghĩa “solicitor”.

Như vậy, quy trình đào tạo ra một “solicitor” thì không khác gì một luật sư tại Việt Nam, nhưng họ lại không có đầy đủ những thẩm quyền của một luật sư.

“Solicitor” có thể được xem là một cố vấn pháp lý chung (“general legal adviser”). Các mảng công việc mà họ thường tham dự bao gồm:

  • Conveyancing: tức pháp luật và các thủ tục liên quan đến mua bán bất động sản.
  • Probate: tức pháp luật và các thủ tục liên quan đến việc xác nhận một văn bản, thường là di chúc, theo đó là quá trình chia thừa kế theo di chúc.
  • Drafting: thường dùng để chỉ quá trình đàm phán và soạn thảo các hợp đồng thương mại.
  • Preparation of litigation: tức tìm hiểu, chuẩn bị cho các vấn đề liên quan đến một vụ án nhất định phải ra tòa.

Cho đến gần đây, độc quyền “right to audience” (có thể tạm hiểu là quyền đại diện, quyền tranh tụng trước tòa) của “barrister” tại các tòa cấp cao không còn. Những luật sư tư vấn cũng có thể tham dự và đại diện tại phiên tòa. Những người này sẽ được gọi với tên gọi mới là “solicitor advocate”. Song vì truyền thống và nhu cầu chuyên môn hóa trong nghề luật, sự phân định rõ ràng giữa hai chức danh trong thực tiễn vẫn còn.

Phân biệt “barrister” và “soclicitor” tại Anh. Ảnh: StudyinUK.com. Đồ họa: Luật Khoa.

Nói đến “barrister”, sự khác biệt rõ ràng nhất có lẽ nằm ở liên đoàn và cơ chế hoạt động. Một “barrister” phải thuộc một trong bốn “Inns of Court” (gồm Gray’s Inn, Lincoln’s Inn, Inner Temple and Middle Temple), hiểu đơn giản là bốn hội nhóm liên đoàn luật sư tại Vương quốc Anh. Chỉ có “barrister” mới phải trải qua kỳ thi có tên gọi “Bar examination”.

Nhìn chung, “barrister” là chức danh có thẩm quyền nhất và chuyên môn nhất trong các vụ tranh tụng trước tòa. Trong một khoảng thời gian dài, nhóm này là nhóm chuyên gia mà công chúng không thể tiếp cận trực tiếp.

Muốn đệ đơn kiện, trước tiên, họ phải làm việc với một “solicitor”. Sau khi xem xét vụ việc và khả năng tranh tụng, “solicitor” này sẽ liên hệ với “barrister” để có thêm ý kiến tham vấn cũng như cùng chuẩn bị để đưa vụ việc ra tòa. Khi đại diện khách hàng trước tòa, các “barrister” sẽ được gọi là “counsel”.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, sẽ có những cá nhân không được đào tạo pháp luật hay trải qua các kỳ thi của “solicitors”, nhưng vẫn hoạt động và thực hiện hầu hết các công việc của chức danh này. Những người này thường được gọi là “legal executive” hoặc “paralegal”.

Ở Việt Nam, mô hình đào tạo luật sư của chúng ta là thống nhất. Một người đã có danh nghĩa luật sư sẽ có đầy đủ quyền tham dự vào tất cả các quy trình thủ tục pháp lý có thể có. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của cách phân chia “solicitor” và “barrister” không phải là không có sức nặng.

Rất nhiều công ty hay hãng luật chỉ tham gia quá trình tư vấn, soạn thảo, cố vấn pháp lý mà từ chối tham gia vào hầu hết các thể loại tranh tụng. Điều này một phần vì họ muốn chuyên môn hóa hoạt động, nhưng cũng một phần vì định kiến liên quan đến sự quan liêu của tòa án và bộ máy thi hành án của Việt Nam.

Mặc khác, người ngoại đạo làm việc như một luật sư tư vấn cũng không phải là hiếm. Nhiều người tốt nghiệp từ các trường ngoại thương, kinh tế (liên quan đến xuất nhập khẩu, logistics, thuế, kế toán, dịch vụ…) hiện cũng làm việc trong nhiều hãng luật tại Việt Nam. Những thuật ngữ như “legal executive” hay “paralegal” vì vậy cũng có thể được sử dụng rộng rãi.

Hoa Kỳ giống Việt Nam ở chỗ không có sự phân chia thẩm quyền giữa các nhóm luật sư. Thuật ngữ “lawyer” và “attorney” là những thuật ngữ phổ biến nhất, được sử dụng thay thế cho nhau trong giới hành nghề luật ở Mỹ.

Tuy nhiên, quy trình đào tạo thì rất khác.

Để trở thành một “attorney”, một cá nhân sẽ phải có bằng đại học (không quan trọng ngành nghề). Sau đó, người này sẽ phải tham gia vào khóa học “Juris Doctor” kéo dài ba năm ở một trường luật được công nhận, cho phép họ thêm thành tố “JD” trước tên trong các trao đổi chính thức. Tuy nhiên, để có thể được công nhận là một luật sư, người này vẫn phải trải qua kỳ thi sát hạch (bar examination) và phải được nhận vào một liên đoàn luật sư của một tiểu bang, từ đó được gọi là “attorney-at-law”.

Sự khác biệt trong danh xưng của những người thực hành nghề luật tại các quốc gia cũng dẫn đến những khác biệt trong mô hình và tên gọi của dịch vụ pháp lý.

Độc giả có thể quen thuộc với khái niệm ngành dịch vụ pháp lý qua series Suit trên Netflix. Bộ phim lấy bối cảnh là một hãng luật (law firm). Trong ảnh là luật sư Harvey Specter, do diễn viên Gabriel Macht thủ vai. Ảnh: Shane Mahood/ USA Network.

Các nhóm “solicitors” tại Vương quốc Anh thường hoạt động dưới danh nghĩa của “Limited Liability Partnership” (hay Công ty hợp danh Trách nhiệm hữu hạn).

Trong trường hợp họ lựa chọn làm việc cho cơ quan chính phủ hoặc các doanh nghiệp thương mại khác, các “solicitors” này thường được gọi là “in-house lawyers”.

Ngoài ra, có rất nhiều mô hình khác nhau cho phép sự hợp tác kinh doanh giữa giới luật sư và những nhóm ngoại đạo (“non-lawyer”).

Ví dụ như “Legal Disciplinary Practices” (LDP) là mô hình có hiệu lực từ năm 2009, cho phép sự kết hợp của nhiều dạng dịch vụ với nhau: pháp lý, giải pháp marketing, kiểm toán, quản lý kinh doanh… Bên cạnh đó, “Alternative Business Structures” (ABS) thì tạo điều kiện cho quyền sở hữu ngoài đối với các công ty dịch vụ pháp lý. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép một chủ sở hữu không phải là luật sư làm giám đốc và quản lý hoạt động nói chung của công ty dịch vụ pháp lý đó, từ đó tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngược lại, các “barristers” tại Vương quốc Anh đa phần đều tự hành nghề (“self-employed”). Tuy nhiên, họ thường nhóm lại với nhau để được các “chambers” hỗ trợ, nơi mà họ chia sẻ văn phòng, hệ thống thư ký và dịch vụ quản lý từ các “clerk”.

Thư ký cao cấp (“senior clerk”) ngày nay thường được gọi là “practice manager”, là chức danh quan trọng nhất trong mỗi “chamber”. Vị này có khả năng tìm kiếm và thu hút các vụ việc cho toàn bộ “chamber”, phân phối đơn từ cho từng “barrister” và đàm phán mức phí để bảo đảm quyền lợi của các luật sư thuộc “chamber” của mình.

Tại Hoa Kỳ thì mô hình dịch vụ luật có phần đơn giản hơn.

Một văn phòng luật truyền thống (“law firm”) thường được tổ chức dưới mô hình hợp danh với các luật sư thành viên (“partner”) và các luật sư liên kết (“associate”), mà đúng nghĩa là các luật sư được trả công (“junior employed lawyers”). Ngày nay, các chính quyền tiểu bang hay liên bang Hoa Kỳ đều đã chấp nhận các mô hình quản lý khác như hợp danh trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp (“professional service corporation”).

Ở Việt Nam, Luật Luật sư cho phép tồn tại hai mô hình để cung ứng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp là văn phòng luật sư có bản chất của một công ty tư nhân trách nhiệm vô hạn (“law firm”) và công ty luật dưới mô hình trách nhiệm hữu hạn (“limited liability law company”). [2]

Trong cả hai trường hợp thì các thành viên đều phải có danh nghĩa luật sư, tức là không có những mô hình liên kết dịch vụ với quyền sở hữu ngoài như tại Anh. Tên gọi và cách tổ chức quản lý cũng gần giống với Hoa Kỳ hơn là Anh, mà theo quan điểm người viết, là kém đa dạng hơn.

Điều này cho thấy quá trình vận động liên quan đến cách thức tổ chức, quản lý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam sẽ còn nhiều thay đổi. Ngành này hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực xã hội khác trong tương lai.

Chú thích

1. Vincente Nguyen. (2020, December 22). Tiếng Anh pháp lý về cấu trúc hệ thống tòa án quốc gia - Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí. https://luatkhoa.com/2020/12/tieng-anh-phap-ly-ve-cau-truc-he-thong-toa-an-quoc-gia/

2. Văn phòng Quốc hội. (2015, December 31). Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH Luật luật sư. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dich-vu-phap-ly/Van-ban-hop-nhat-03-VBHN-VPQH-Luat-luat-su-302320.aspx

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.