Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Công dân kiến tạo quốc gia, nhưng luôn cần các thiết chế tốt.
Dịch từ bài viết “Nations are built by their citizens” được đăng trên tờ Mint – một trong những tờ báo kinh doanh hàng đầu tại Ấn Độ – ngày 15/8/2017.
Chúng tôi chọn đăng bài này, cùng với một số bài khác của các tác giả Ấn Độ bàn về sự nghiệp kiến quốc của nước này, vì sự gần gũi của nó với bối cảnh Việt Nam. Ấn Độ, dù là một nước lớn và là một nước dân chủ, đang phải giải những bài toán của một nước đang phát triển, với tỷ lệ nghèo đói và trình độ học vấn ở mức đáng lo ngại.
***
Công cuộc xây dựng quốc gia thường được mặc định là gắn liền những thành công hay thất bại của riêng các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, có hai hòn đá tảng quan trọng khác cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một quốc gia thành công nhưng lại ít được chú ý đến: cam kết của công dân và chất lượng của các thiết chế.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ám chỉ đến sự thật bị đánh giá thấp này trong một bài phát biểu của mình ngay sau khi ông chuyển đến Rashtrapati Bhavan (Dinh Tổng thống Ấn Độ – ND): “Các quốc gia không chỉ được xây dựng bởi mỗi mình chính phủ. Chính phủ cùng lắm cũng chỉ có thể đóng vai trò tạo điều kiện và khơi gợi những bản năng sáng tạo và kinh doanh trong xã hội… Do đó, mỗi công dân Ấn Độ là một nhà kiến tạo quốc gia”.
Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhớ đến những con người phi thường đã giúp xây dựng Ấn Độ trong bảy thập kỷ qua, kể từ khi quốc gia này thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân.
Có những nhà khoa học đã làm việc trong các chương trình vũ trụ trọng yếu, năng lượng nguyên tử, và tên lửa. Có những kỹ sư nông nghiệp đã giúp khởi động cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ (Green Revolution). Có những kỹ sư đã xây dựng các công trình lớn của quốc gia. Có những nhà hoạt động xã hội dân sự là kim chỉ nam đạo đức của chúng ta. Có những nhà giáo dục đã xây dựng các trung tâm đào tạo mới. Có những người lính đã bảo vệ biên giới đất nước. Có những doanh nhân đã lập nên các doanh nghiệp và tạo ra hàng triệu việc làm. Có những nhân viên công vụ đã duy trì một bộ máy vững chãi – và từ đó thúc đẩy công cuộc cải cách chính sách. Có những thẩm phán đã bảo vệ các quyền tự do hiến định. Có những nghệ sĩ đã cố gắng tạo ra một nền văn hóa quốc gia sôi động.
Con đường trong hơn bảy thập kỷ qua không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Có những sai lầm không thể tránh khỏi – như những thất bại về kinh tế, xã hội, và tri thức. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, rằng Ấn Độ đã đi một chặng đường dài kể từ ngày 15/8/1947 (ngày Ấn Độ giành độc lập – ND). Điều này cần được ghi nhận rộng rãi hơn.
Một quốc gia bị những kẻ kích động chính trị ám ảnh thì nên chú ý nhiều hơn đến những karma yogis đã giúp tạo nên Ấn Độ như ngày hôm nay. Chẳng hạn, hãy nghĩ xem chúng ta sẽ ở đâu với tư cách là một quốc gia tự do nếu không có những con người như Homi J. Bhabha, Vikram Sarabhai, H.R. Khanna, V. Kurien, Ela Bhatt, Nani Palkhivala, R.H. Patil, Kailash Satyarthi, Bhimsen Joshi, C.N.R. Rao, và hàng ngàn người khác như họ. Họ là những anh hùng dân tộc chẳng kém gì những nhà lãnh đạo chính trị từng nắm giữ các vị trí đầy quyền lực.
Tuy vậy, ngay cả những cá nhân tài năng nhất cũng cần làm việc trong một khuôn khổ thiết chế cho phép họ nỗ lực hết mình – có thể là trong phòng thí nghiệm, trong bộ máy hành chính, ở một doanh nghiệp, một nhóm xã hội dân sự, hoặc một cơ quan quản lý.
Một thiết chế tốt được cho là sẽ giúp khích lệ những con người bình thường làm những việc phi thường. Một quốc gia dân chủ thành công vận hành thông qua các thiết chế như vậy, thay vì chỉ phụ thuộc vào một vài cá nhân.
Ấn Độ hiện có những thiết chế tốt hơn rất nhiều so với trình độ phát triển của chính mình. Công lớn thuộc về các chính phủ đầu tiên do Thủ tướng Jawaharlal Nehru lãnh đạo.
Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ những năm 1970. Sự suy thoái thể chế hiện nay cần sự quan tâm của những người cam kết với dự án xây dựng quốc gia. Điều này đặc biệt đúng với các thiết chế công của Ấn Độ, vốn không bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Giáo sư Lant Pritchett từ Đại học Harvard đã trở nên nổi tiếng trong việc mô tả Ấn Độ là một “quốc gia lung lay” (flailing state) – hay một quốc gia có một số thiết chế ưu việt, nhưng cũng có những thiết chế thất bại. Đây cũng là nơi mà sự vận hành của bộ máy công vụ iên quan trực tiếp đến người dân (như cảnh sát, kỹ sư, giáo viên, nhân viên y tế) hiện còn yếu kém. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về việc chính phủ Ấn Độ còn thua kém về mặt năng lực khi so sánh với một quốc gia như Trung Quốc.
Thủ tướng Narendra Modi đã có lúc đề cập đến vấn đề sức mạnh của thiết chế. Trong một bài phát biểu tại viện nghiên cứu NITI Aayog, ông đã nói khá chính xác: “Đã có lúc sự phát triển được cho là dựa vào tư bản và sức lao động. Ngày nay, chúng ta biết được rằng nó cũng phụ thuộc nhiều không kém vào chất lượng của các thiết chế và ý tưởng”.
Ấn Độ hiện là một sự kết hợp không ổn định giữa một nền kinh tế sôi động, sự linh hoạt của xã hội, và sự xuống cấp của các thiết chế. Giờ đây, quốc gia này cần một thế hệ những thiết chế mới có chất lượng – và cả những người xây dựng nó – nhằm nuôi dưỡng sức sáng tạo của người dân, cũng như bảo vệ các quyền tự do hiến định.
Bài viết nằm trong chuỗi bài về chủ đề kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.
Hoan nghênh độc giả đóng góp cho chuỗi bài này. Mọi bài viết xin gửi cho Luật Khoa tại đây.