Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bạn có biết bộ chính trị là gì trong tiếng Anh không? Thế còn công tác dân vận?
Tính quốc tế của các đảng cộng sản là điều không thể phủ nhận. Ngay từ lúc thành hình, Quốc tế Cộng sản (“Communist International” – gọi tắt là “Comintern”) luôn là cơ quan đầu não điều hành, phân phối và ra sức hoạt động để ủng hộ các đảng cộng sản thành viên. Không có nhiều chính đảng và hệ tư tưởng chính trị có tầm hoạt động toàn cầu như thế.
Vậy nên, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta tìm hiểu về các thuật ngữ của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (“Vietnamese Communist Party – VCP”) mà không có nền tảng cơ bản về chúng trong thứ ngôn ngữ toàn cầu: Anh ngữ.
Bài viết này sẽ điểm qua tất cả những thuật ngữ tiếng Anh mà bạn cần biết để hiểu về cấu trúc, hoạt động và cả các nguyên lý, tư tưởng chủ đạo của một đảng cộng sản.
Hãy bắt đầu với các thuật ngữ theo cấu trúc quyền lực từ cao xuống thấp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta thường gặp những thuật ngữ này trên mặt báo và truyền hình nhiều hơn, đồng nghĩa là có nhiều cơ hội sử dụng hơn.
Trước tiên, phải nhắc đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam (hay “National Congress of Vietnamese Communist Party”). Luật Khoa đã có một bài viết ngắn gọn nhưng rất chi tiết về cơ quan này. Về mặt lý thuyết, đây là cơ quan đại diện không thường trực, có tính quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có thể gọi ngắn gọn là Đại hội Đảng (hoặc “Party Congress”).
Thẩm quyền quan trọng nhất về mặt nhân sự của Đại hội Đảng là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (“Central Committee of VCP”), thường gọi ngắn là Trung ương Đảng (“Central Committee”). Đây có thể xem là đấu trường chính trị chính của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Central Committee” hội họp và xem xét các vấn đề quan trọng, từ đó thực thi các quyết định qua các hội nghị trung ương. Ví dụ, Hội nghị Trung ương 15 vừa kết thúc vào ngày 18/1/2021 được xem là đã “chốt sổ” các quyết định nhân sự quan trọng để đề nghị ra Đại hội khóa 13 (13th National Congress). Những hội nghị trung ương này được gọi là “Plenary Session” hoặc “Plenum”.
Giả sử nếu bạn cần mô tả Hội nghị Trung ương 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, chúng ta sẽ có cụm “the 15th Plenum of the 12nd Central Committee of the VCP”.
“Central Committee” sẽ bầu chọn nên hai cơ quan lãnh đạo thường trực quan trọng nhất của Đảng là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Ban Bí thư (“Secretariat”) có thể được xem là một cơ quan giúp việc cho Bộ Chính trị, với nhiệm vụ trải dài từ chuẩn bị văn bản, giấy tờ giúp Bộ Chính trị trong các cuộc họp quan trọng, cũng như chỉ đạo đôn đốc việc thực thi các nghị quyết và chính sách của Bộ Chính trị… Người đứng đầu của Secretariat gọi là thường trực Ban Bí thư (hiện do ông Trần Quốc Vượng nắm giữ), với nhiều cách gọi khác nhau trong tiếng Anh như “standing secretary” hoặc “first-ranked secretary”.
Bộ Chính trị, rất quen thuộc, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam – “Politburo”. Politburo trong tiếng Anh lấy từ Politbyuro (Политбюро) của tiếng Nga, và bản thân nó là rút gọn của Politicheskoye Byuro (Политическое бюро, “Political Bureau”). Các nghị quyết của Bộ chính trị (Politburo’s resolutions) là những văn bản đặc biệt quan trọng, định hướng toàn bộ quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ đó. Các đảng viên thậm chí có nghĩa vụ “học tập nghị quyết”. Người đứng đầu Bộ Chính trị là “General Secretary” – Tổng Bí thư, đã quá nổi tiếng và phổ biến.
Ngoài “Secretariat” và “Politburo”, còn rất nhiều cơ quan thường trực, chấp hành đáng kể khác bên trong đảng mà bạn đọc cần biết đến.
Trước tiên là Ban Tuyên giáo Trung ương, hay “Central Department of Propaganda and Education (of VCP)”, một trong những cơ quan đảng xuất hiện thường xuyên nhất và “hay nói” nhất. Đây là cơ quan đầu não trong các chiến dịch tuyên truyền, vận động, đồng thời cũng có thể được xem là cơ quan chi tiền nhiều nhất nhì trong nội bộ đảng. Các nghiên cứu quốc tế cũng dùng một số thuật ngữ khác cho cơ quan tương tự trong cơ cấu Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như “Publicity Department”.
Một ủy ban “gầm ra lửa” nổi lên từ năm 2016 là “Central Commission for Disciplinary Inspection – CCDI (of VCP)”, tức Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đối với các chức danh đảng cấp cao được gọi là “nhân sự nòng cốt”, “nhân sự hạt nhân”, không cơ quan điều tra nào được “sờ” vào trừ khi CCDI đã có những động thái xử lý và sau đó bật đèn xanh cho tiến trình tố tụng hình sự.
Một ủy ban cũng quan trọng không kém là Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan xây dựng, tham mưu chính sách nhân sự cho cả “Politburo” lẫn “Central Committee”. Ủy ban này cũng chịu trách nhiệm chính trong việc sắp xếp, điều phối nhân lực từ trung ương đến địa phương. Thuật ngữ tiếng Anh dùng để gọi cơ quan này là “Central Organization Department (of VCP)”. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có cơ quan tương tự.
Một cơ quan thường trực đảng có ở Việt Nam nhưng Trung Quốc không có là Hội đồng Lý luận Trung ương – “Central Theoretical Council”. Cơ quan có chức năng tiệm cận nhất của Trung Nam Hải có lẽ là “Central Compilation and Translation Bureau (CCTB), một cơ quan chuyên về dịch thuật và nghiên cứu các tác phẩm Marxists.
Người đứng đầu của các “departments” có thể được gọi là “director”. Nhìn chung, họ đều là những nhân vật chính trị quan trọng của bộ máy đảng cộng sản.
Đi xuống thấp hơn về tổ chức đảng cơ sở, các thuật ngữ tiếng Anh ít được sử dụng hơn nhưng cũng cần được giới thiệu.
“Cấp ủy” theo điều lệ Đảng là cơ quan lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ; ví dụ như Tỉnh ủy hoặc Huyện ủy. Tên đầy đủ của những cơ quan này là Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh và Ban Chấp hành đảng bộ huyện.
Nếu so sánh với cơ cấu tổ chức của Trung ương thì chúng ta có thể xem chúng có vai trò tương tự như là Central Committee. Vì vậy, dùng thuật ngữ “Provincial Committee” và “District Committee” là phù hợp nhất để mô tả chúng.
Riêng Ban Thường vụ của một cấp ủy thì là cơ quan có quyền lực điều hành, chấp hành và định hướng mọi hoạt động của đảng bộ, khá giống với vai trò của Bộ Chính trị ở trung ương. Dựa trên từ gốc tiếng Việt và dựa vào vai trò của cơ quan này, thuật ngữ “Standing Committee” có lẽ khá đầy đủ để mô tả Ban Thường vụ.
Các tổ chức đảng cơ sở có thể gọi ngắn gọn là “party cells”.
Ngoài cơ cấu tổ chức đã nêu ở trên, các nguyên tắc chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng (và các đảng cộng sản trong lịch sử nói chung) cũng rất đáng để biết và xem xét trong ngôn ngữ tiếng Anh.
Nguyên tắc thú vị đầu tiên là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” – “collective leadership, individual responsibility”. Nó thú vị ở chỗ nguyên tắc này không được chú trọng ngay từ ban đầu trong các tổ chức đảng cộng sản trên thế giới, mà chỉ được giới thiệu khi mô hình quản lý của đảng cộng sản có dấu hiệu tạo ra hiện tượng sùng bái cá nhân và những hệ lụy đi kèm.
“Collective leadership” được giới thiệu ở Trung Quốc trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền (những năm 1970), với kỳ vọng xóa bỏ tàn tích về phong cách lãnh đạo độc đoán của Mao (“Maoist rulership”). Nguyên tắc này trở nên quan trọng tại Việt Nam chỉ trong thập niên 1980, sau khi các hiện tượng tôn thờ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn dần mất đi sức nặng.
Về mặt kỳ vọng, “collective leadership” được dùng để tránh sự tập trung quyền lực đảng vào duy nhất một cá nhân. Nhìn lên Trung Quốc ở phía Bắc với Tập Cận Bình, và nhìn lại Đại hội 13 của Việt Nam sắp diễn ra, khó có thể nói nguyên tắc này đang hoạt động một cách hiệu quả.
Ngoài nguyên tắc “tập thể lãnh đạo”, còn có một nguyên tắc khác rộng và khái quát hơn, đó là “tập trung dân chủ”, hay “democratic centralism”.
“Democratic centralism” xuất hiện sớm với sự ủng hộ của các nghiên cứu Marxist hàng đầu. Đây cũng là nguyên tắc chỉ đạo quan trọng nhất, được chú trọng nhất đối với tất cả các đảng cộng sản trên khắp thế giới.
Theo họ, những phong trào công nhân phi Marxist trước đó thất bại là do nội bộ phong trào đã có tính tư bản nhị nguyên (capitalist dualism) với sự phân chia giữa nhóm lãnh đạo và nhóm bị lãnh đạo.
Nguyên tắc tập trung dân chủ một mặt tập trung và thống nhất quyền lực lãnh đạo vào một cơ quan đầu não, nhưng mặt khác cũng tạo cơ chế cho quá trình đóng góp, kiểm tra, giám sát liên tục của toàn bộ cơ sở đảng. Trên cơ sở đó, đảng cộng sản mới khác biệt và tách rời khỏi ý chí nền tảng của xã hội tư bản.
Lý thuyết dân vận của đảng – “party’s mass mobilisation theory”, cũng đã từng là một lý thuyết cực kỳ quan trọng trong các điều lệ đảng, là cơ sở để phân biệt mô hình nhà nước cộng sản với mô hình nhà nước tư bản.
Theo đó, dân vận ở đây không đơn thuần chỉ là vận động quần chúng nhân dân nghe theo chính sách chủ trương. Trong các xã hội tư bản, động lực phát triển của xã hội là “bàn tay vô hình” của các cá nhân, tổ chức đi tìm kiếm lợi nhuận tư, tạo nên thay đổi một cách chậm rãi.
Tuy nhiên, đối với các nhà nước xã hội chủ nghĩa, nguồn lực chính của các bước tiến kinh tế – chính trị – xã hội là do nhà nước chủ trương và hướng dẫn, với sự tham gia của toàn bộ dân nhân.
Dân vận, vì vậy, đã từng là công cụ lý thuyết sống còn cho mọi chính sách kinh tế của các đảng cộng sản, từ cuộc Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) tại Trung Quốc cho đến Cải cách ruộng đất (Agrarian land reform) vào năm 1953 hay phong trào hợp tác xã (collectivisation) sau 1975 tại Việt Nam.