Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Càng nhiều thành phần tham gia vào tiến trình dân chủ, kết quả sẽ càng khả quan.
Cùng trong chuỗi bài về xây dựng quốc gia, Luật Khoa giới thiệu bài viết của tác giả Adhy Aman thuộc Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (The International Institute for Democracy and Electoral Assistance – International IDEA). International IDEA là một tổ chức liên chính phủ, chuyên hỗ trợ các quốc gia trên toàn cầu xây dựng một nền dân chủ bền vững.
Bhutan là một đất nước nhỏ nằm ở khu vực Nam Á, giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ. Bhutan bắt đầu chuyển giao từ nền quân chủ sang nền dân chủ nghị viện vào những năm 1990. Dù quá trình dân chủ hóa vẫn đang diễn ra ở Bhutan, quốc gia này đã cho thấy sự tiến bộ trên nhiều khía cạnh, từ sự tham gia của phụ nữ trong chính trị, chất lượng giáo dục công dân cho đến cách đo lường sự thành công của một đất nước.
Bài viết là đúc kết sau chuyến thăm cấp cao của IDEA đến Bhutan năm 2016. Bài viết gốc “Building sustainable democracy in Bhutan” được đăng trên website của tổ chức này.
***
Bhutan đã dành những nỗ lực lớn để nâng cao tỷ lệ đại diện và tham gia của phụ nữ trong chính trị. Vào năm 1981, Bhutan đã ký kết Công ước về việc xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ dưới mọi hình thức (Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination against Women – CEDAW). Việc này đã mang lại những thay đổi khả quan, khi các kết quả bầu cử địa phương cho thấy số lượng chính trị gia nữ đắc cử đã tăng gấp hai lần.
Tuy nhiên, dù đã phần nào cải thiện, tỷ lệ nữ giới được bầu lên chỉ đạt mức 11%, vẫn còn dưới mức tối thiểu 30% mà CEDAW quy định. Điều này làm dấy lên một cuộc tranh luận: Bhutan, với tư cách là quốc gia ký kết công ước, liệu có nên đưa ra chỉ tiêu (quotas) về số lượng nghị sĩ nữ trong quốc hội hay không. Chính phủ đã đưa ra đề xuất trên, tuy nhiên, các nữ nghị sĩ ở Bhutan từ chối. Lý do là họ không thấy cần phải có những sự trợ giúp như vậy. Theo họ, hãy cứ để phụ nữ tự mình đường hoàng giành ghế nghị viên.
Không chỉ có những nữ nghị sĩ Bhutan nghĩ vậy. Chúng tôi cũng thấy quan điểm tương tự ở các quốc gia khác, như Fiji. Vậy còn 54 quốc gia đang đặt chỉ tiêu về số lượng nữ giới trong quốc hội, lý lẽ của họ là gì?
Theo Leena Rikkilä Tamang, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của IDEA, việc đặt ra chỉ tiêu giúp đẩy nhanh tiến trình bình đẳng giới. Bà chia sẻ, quê hương của bà là Phần Lan hiện có tỷ lệ đại diện của nữ giới trong chính quyền cao nhất thế giới (hơn 41,5%). Họ không đã không đặt ra bất kỳ chỉ tiêu nào. Tuy nhiên, Phần Lan phải mất 100 năm để đạt được điều này.
Vậy cách nào thì tốt hơn: cứ tiếp tục chờ cho bình đẳng giới diễn ra, hay là cần thực hiện các hành động xác quyết (affirmative action). Chúng ta có thể đưa ra các chỉ tiêu chung nhằm đảm bảo không để chỉ một giới nam hoặc nữ chiếm tỷ lệ hơn 60% trong một nghị viện?
Giám đốc vùng của IDEA cũng gợi nhắc rằng các chỉ tiêu hay hạn ngạch không có nghĩa là ai đó sẽ được chọn mà không thông qua bầu cử. Có rất nhiều cách khác nhau để chúng ta sắp xếp hạn ngạch bầu cử.
Trong chuyến thăm, chúng tôi may mắn được gặp gỡ ông Gonchig Ganbold, Đại sứ Mông Cổ tại Bhutan. Ông cũng đồng thời đại diện Mông Cổ với tư cách là chủ tịch của IDEA trong năm nay.
Bhutan và Mông Cổ là hai quốc gia có một sự gắn kết tâm linh đặc biệt. Cả hai nước cùng có một nền văn hóa Phật giáo, và đều là những quốc gia không giáp biển nằm giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ.
Đại sứ Mông Cổ chia sẻ rằng, hành trình dân chủ của Mông Cổ không thể tránh khỏi những cạm bẫy. Do đó, các nền dân chủ nên học hỏi kinh nghiệm của nhau, đặc biệt là trong những năm đầu tiên xây dựng nền dân chủ, hoặc thậm chí là những thập niên sau đó.
Về chủ đề này, cuốn sách mang tên Chuyển đổi dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo (Democratic Transitions: Conversation with Leaders) do IDEA và Đại học Johns Hopkins đồng xuất bản, đặc biệt đáng để tham khảo. Thủ tướng Bhutan, Lyonchhen Tshering Tobgay, nói với chúng tôi rằng chỉ vài giờ trước khi gặp nhau, ông đã nhớ về cuốn sách này và rút nó ra khỏi giá sách của mình. Điều này cho thấy ông đánh giá cao việc học hỏi kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo khác.
Trên thực tế, tiến trình phát triển dân chủ của Bhutan do nhiều nguồn lực khác nhau thúc đẩy.
Đầu tiên, chính phủ và các thiết chế nhà nước cùng nỗ lực để tạo ra những hệ thống và quy trình tuân theo các nguyên tắc dân chủ.
Tiếp đến, các tổ chức xã hội dân sự (civil society organizations – CSOs) sẽ thực hiện vai trò trong việc thiết lập các nguyên tắc đó trong xã hội, cả ở cấp quốc gia và cấp cơ sở.
Và sau đó, những người trẻ ở Bhutan, vốn luôn tò mò tìm hiểu về cách thức hoạt động của nền dân chủ ở các quốc gia khác, sẽ tìm cách để dựng xây nền dân chủ hiệu quả ở quê hương mình.
Có thể thấy, để kiến tạo một quốc gia dân chủ, các thành phần khác nhau trong xã hội nên hợp tác cùng nhau. Mỗi nhóm đóng một vai trò khác nhau, nhưng nhóm này có thể hỗ trợ nhóm kia và ngược lại.
Chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục công dân (civic education), rõ ràng đó không nên là vai trò độc tôn của nhà nước.
Trên thực tế, càng nhiều người tham gia, kết quả càng khả quan. Tuy nhiên, các nỗ lực phối hợp nên nằm trong một khuôn khổ nhất định dựa trên Hiến pháp để tránh mâu thuẫn.
Một ví dụ khác là việc nâng cao tỷ lệ cử tri đi bầu trong các cuộc bầu cử. Trách nhiệm trong việc đảm bảo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao không nên chỉ đặt lên vai Ủy ban Bầu cử (Election Commission). Các tổ chức xã hội dân sự, thanh niên, và cả các đảng phái chính trị cũng có thể được huy động để thúc đẩy tỷ lệ này.
Đối với Bhutan, nền dân chủ có được nhờ những cải cách của vị vua thứ tư, Jigme Singye Wangchuck. Nhà vua đã trao nền dân chủ cho nhân dân, giờ đây, sứ mệnh xây dựng thuộc về mọi người. Đó là lý do tại sao tất cả thành phần của xã hội nên hợp tác cùng nhau.
Sự phát triển của Bhutan được hoạch định bằng các Kế hoạch 5 năm do Ủy ban Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness Commission – GNHC) ban hành. Đối với những ai chưa biết, thước đo cho sự thành công trong quản trị quốc gia ở Bhutan là đạt được chỉ tiêu về “tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross National Happiness – GNH).
GNH là khái niệm do nhà vua Jigme Singye Wangchuck phổ biến tại Bhutan. Ông cho rằng tổng sản phẩm quốc gia (Gross National Product – GNP) không nên là chỉ số để đo thành công ở đất nước này. Thu nhập của một quốc gia sẽ trở nên vô nghĩa nếu người dân không thấy hạnh phúc. Vì vậy theo ông, GNH quan trọng hơn GNP.
Bhutan hiện nay đang thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Kế hoạch này tiếp tục tập trung vào các khía cạnh “mềm” hơn trong việc phát triển quốc gia, như hướng tới con người, hệ thống, và quy trình.
***
Bài viết nằm trong chuỗi bài về chủ đề kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.
Hoan nghênh độc giả đóng góp cho chuỗi bài này. Mọi bài viết xin gửi cho Luật Khoa tại đây.