Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trump rời ghế tổng thống Mỹ. Merkel thôi lãnh đạo nước Đức. Các đảng cộng sản thì vẫn ở lại.
Một năm giông bão đã qua. Năm mới có gì để ngóng chờ? Hãy cùng Luật Khoa điểm qua một số sự kiện đáng chú ý đối với độc giả Việt Nam trong năm 2021.
Ngày 6/1 sẽ là một ngày trọng đại không chỉ với người Mỹ. Vào ngày này, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ gặp mặt để đếm phiếu đại cử tri. Phó Tổng thống Mike Pence, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, sẽ phải thông báo kết quả cuối cùng rằng Donald Trump đã thất cử và Joe Biden là người chiến thắng.
Trong những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước, đây là một sự kiện không mấy ai để tâm, bởi kết quả đều đã rõ ngay trong ngày bầu cử. Lần này thì khác, nhiều người vẫn trông ngóng ngày này, phần vì ông Trump chưa công nhận thất cử và vẫn tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”, phần khác là vì hàng loạt thuyết âm mưu về việc lật ngược kết quả bầu cử vẫn lan truyền từ Tây sang Ta.
Lincoln Project, một dự án của phe cánh hữu, có một video trào phúng rằng “Mike Pence sẽ là người đóng đinh vào cỗ quan tài chính trị của Trump”. Một số nguồn tin nói rằng Pence sẽ tuyên bố Biden đắc cử vào ngày này, sau đó rời khỏi nước Mỹ ngay lập tức để tránh cơn thịnh nộ của Trump và những người ủng hộ.
Sau đó, ngày 20/1/2021 cũng sẽ là một ngày rất đáng quan tâm. Đây là ngày mà nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc và Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức. Ông Trump sẽ làm gì trong và sau ngày này? Cho đến nay, ông Trump vẫn thoái thác “không muốn nói về chuyện đó” khi được hỏi ông có tham gia vào lễ nhậm chức của Biden – một truyền thống lịch thiệp của nước Mỹ – hay không.
Trước đông đảo cử tri, Trump từng nói rằng nếu thất cử, ông “có thể sẽ phải rời khỏi nước Mỹ”, nhưng đi đâu thì ông không nói. Ông Trump cũng sẽ phải đối mặt với vô số vụ kiện tụng sau trưa ngày 20, khi ông mất các đặc quyền bảo vệ của tổng thống.
Một số nhà phân tích còn dự đoán ông Trump sẽ tổ chức một sự kiện long trọng để tuyên bố ý định tái tranh cử năm 2024 ngay trong ngày Biden tuyên thệ nhậm chức để “cướp hào quang” của đối thủ.
Dù thế nào, ở tuổi 78, Joe Biden sẽ phải kế thừa một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, chìm trong suy thoái kinh tế và vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Nhiệm vụ của Biden sẽ bớt khó khăn nếu như Đảng Dân chủ kiểm soát được Thượng viện Mỹ. Chúng ta chỉ biết được kết quả này sau “trận tái đấu” giữa bốn ứng viên thượng nghị sỹ ở bang Georgia ngày 5/1. Do trong bầu cử tháng 11/2020, không có ứng viên nào đạt đủ 50% phiếu phổ thông của bang, nên bang này sẽ tổ chức hai cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 5/1 tới.
Ngày đầu tiên của năm mới khép lại vụ “ly hôn” chính trị rắc rối và nhiều bi hài kịch của Anh và Liên minh Châu Âu (EU). Mặc dù Anh đã chính thức rời EU vào tháng 1/2020, hai bên phải đi vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một năm, nhằm đàm phán và quyết định các điều khoản của cuộc chia ly. Giai đoạn này đã chấm dứt vào ngày 31/12/2020.
Người dân nước Anh cũng như các nước EU thức dậy vào năm mới 2021 với một loạt các thay đổi về đi lại, du lịch, thuế má, bảo hiểm, pháp lý và vô số vấn đề khác.
Chính quyền Boris Johnson phải đối mặt với một nước Anh ngày càng chia rẽ vì đại dịch, một nền kinh tế thảm hại, lại thêm Scotland đòi bỏ Anh để ở lại EU. Quốc hội Scotland và xứ Wales sẽ tổ chức bầu cử vào tháng Năm. Các lãnh đạo thân EU của Scotland đang bắt đầu kêu gọi đòi trưng cầu dân ý để ly khai khỏi Anh quốc.
Đại hội Đảng Cộng sản (ĐCS) là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Đại hội này sẽ quyết định những lãnh đạo cấp cao của đất nước – thường được gọi là “tứ trụ” – bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, và thủ tướng. Việt Nam hiện có “tam trụ”, với ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư.
Theo giáo sư Carl Thayer, một người chuyên nghiên cứu tình hình Việt Nam và biển Đông, vào năm 2021, “tam trụ” sẽ trở lại thành “tứ trụ”.
Giáo sư Thayer cho rằng ông Trọng sẽ nghỉ hưu sau khi hoàn tất nhiệm kỳ của mình vào tháng Một tới. “Với tuổi tác và sức khỏe của mình, rất khó có khả năng ông Trọng sẽ ở lại vị trí chủ tịch nước nhiệm kỳ hai”, ông Thayer nói.
Theo ông Thayer, Đại hội 13 sẽ hé lộ ai là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư ĐCS Việt Nam. Sau đại hội, tổng bí thư mới sẽ triệu tập một cuộc họp của Bộ Chính trị để quyết định việc ai là người sẽ được chọn làm chủ tịch, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội. Cuối cùng, danh sách đề cử sẽ được trình ra Quốc hội để phê duyệt chính thức. Các quyết sách quan trọng về quan hệ với Trung Quốc và biển Đông cũng sẽ được hé lộ trong đại hội này.
Ngoài ra, vào ngày 23/5, Việt Nam sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Khác với các nước dân chủ, cuộc bầu cử này không có quá nhiều ý nghĩa trong tình hình chính trị Việt Nam. Cuộc bầu cử tại chính quê hương gần như chắc chắn sẽ giành được ít sự quan tâm của người Việt hơn so với cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Mỹ – đất nước cách xa nửa vòng trái đất.
Sau 15 năm cầm quyền, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9/2021 và không tiếp tục tranh cử nữa. Sau các cuộc bầu cử địa phương đáng thất vọng vào năm 2018, bà Merkel đã ngay lập tức từ chức chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU).
Việc bà Merkel không còn lãnh đạo nước Đức phản ánh sự thay đổi lớn của chính trị Đức lẫn châu Âu. Sự kiện này, cùng với Brexit, hứa hẹn sẽ giáng một đòn mạnh vào các nguyên tắc lâu nay của EU.
Việc Merkel nghỉ hưu đi liền với việc các đảng dân túy và cực hữu nổi lên thách thức sự thống trị truyền thống của CDU tại Đức. Tháng 2/2020, Annegret Kramp-Karrenbauer, người mà chính Merkel chọn làm chủ tịch CDU cũng từ chức sau khi thất bại trước đảng cực hữu mang tên “Con đường khác cho nước Đức” (AfD).
Năm 2015, Merkel và nước Đức được tung hô là “anh hùng của nhân quyền” khi bà quyết định mở cửa quốc gia để đón người tị nạn. Tuy nhiên, chính quyết định này đã kích hoạt làn sóng phản đối đưa đảng dân túy AfD nổi lên. Liên minh cầm quyền của Merkel mất dần phiếu bầu, và lãnh đạo Đức nhận thấy bà không còn phù hợp trước một nước Đức đang muốn chuyển mình.
Ở thời kỳ hậu Merkel, nước Đức sẽ phải hình dung ra một hướng đi mới. Câu hỏi còn bỏ ngỏ là ai sẽ thay thế bà, và nước Đức sẽ trôi về phía hữu của phổ chính trị đến mức nào.
Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, thành lập vào ngày 23/7/1921, sẽ đón “sinh nhật” lần thứ 100 trong năm nay. Điều thú vị là lãnh tụ Mao Trạch Đông đã quyết định chọn ngày thành lập đảng chính thức là 1/7/1921. Lý do là vào những năm 1930, ngày sinh thật (23/7) đã bị lãng quên khi ông và các đồng chí của mình phải trốn trong các hang đá ở vùng Tây Bắc Trung Quốc.
ĐCS Trung Quốc là đảng cầm quyền lâu nhất trong năm đảng cộng sản còn lại đang thống trị tại năm quốc gia trên thế giới, gồm có: Trung Quốc, Cuba, Lào, Triều Tiên và Việt Nam.
Ông Tập Cận Bình hiện là lãnh đạo thứ 11 của ĐCS Trung Quốc. Ông cầm quyền từ năm 2012. Tới năm 2017, ngoại giới bắt đầu gọi ông là “lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông”, khi “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào Điều lệ đảng.
Đầu năm 2019, lo sợ hiện tượng người dân bỏ quên sử đảng, Bắc Kinh tung ra ứng dụng “Học Cường Quốc”, trong đó có cả các bài học về “Tư tưởng Tập Cận Bình” lẫn lịch sử thành lập của Đảng. BBC cho hay ứng dụng này có số lượt tải về cao nhất Trung Quốc trong năm đó.
Nhà cầm quyền yêu cầu các quan chức phải thường xuyên đăng nhập vào ứng dụng và đọc các bài giảng của ông Tập (thời gian đọc bị giám sát), sau đó trả lời câu hỏi. Đó là một không khí rất giống thời cả nước phải đọc “Mao tuyển”.
Global Times nói rằng Trung Quốc sẽ tổ chức hơn 100 công trình trọng điểm để kỷ niệm ngày 100 năm thành lập đảng. Một bộ phim mang tên “1921” với nội dung kể lại câu chuyện về sự thành lập của ĐCS Trung Quốc cũng sẽ được công chiếu vào thời gian này.
Đảng Cộng sản Cuba sẽ nhóm họp vào tháng 4/2021. Trong sự kiện này, Raul Castro được trông đợi sẽ giao lại vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản cho chủ tịch hiện tại là Miguel Diaz-Canel, chính thức chấm dứt “triều đại” của anh em nhà Castro kéo dài suốt 62 năm.
Phe đối lập ở Nga giành được kết quả tốt bất ngờ trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng Chín năm ngoái. Việc này vừa mang lại hy vọng mới cho phe đối lập, vừa đặt áp lực lên Tổng thống Putin, người sẽ cố gắng ngăn cản việc họ chiếm được lợi thế trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Chín năm nay. Bất mãn do khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và vụ lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny bị đầu độc có thể làm gia tăng làn sóng chống chính phủ Putin, giúp các nhân vật đối lập chiếm thêm ghế trong Quốc hội.
Cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hong Kong sẽ được tổ chức ngày 5/9/2021. Cuộc bầu cử này đã bị hoãn lại một năm do dịch bệnh. Những người ủng hộ dân chủ kỳ vọng vào một chiến thắng giống như năm 2019 để kiềm chế các kế hoạch thân Trung của Trưởng Đặc khu Carrie Lam, đặc biệt sau khi Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia Hong Kong gây tranh cãi.
Vào nửa đầu năm 2021, Anh sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 47. Tại đây, các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thảo luận và tìm giải pháp cho một số vấn đề cấp bách như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Mỹ đã định tổ chức sự kiện này vào năm 2020 nhưng hoãn lại vì dịch bệnh và bầu cử.
Các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ nhóm họp vào tháng 3-4/2021. Tân Tổng thống Mỹ Biden sẽ phải cho thấy ông sẽ thực hiện lời hứa khôi phục lại các quan hệ đồng minh bị rạn nứt nghiêm trọng dưới thời Trump ra sao.
Ngày 11/6, Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) và Nam Mỹ (Copa America) sẽ được tổ chức song song. Dịch bệnh được cho là vẫn sẽ ảnh hưởng đến hai giải bóng đá được nhiều người mong đợi này.
Ngày 23/7, Thế vận hội Olympics mùa hè sẽ khai mạc tại Tokyo, Nhật Bản. Sự kiện này đã bị hủy trong năm 2020 do dịch bệnh.