Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Thể thao có thể xóa nhòa những khoảng cách và định kiến xã hội.
Dịch từ bài viết “How Sports Can Build the Nation”, đăng ngày 7/12/2018. Đây là một cuộc phỏng vấn với Jaggi Vasudev, hay thường được biết đến với tên gọi Sadhguru. Ông là một yogi và tác giả người Ấn Độ, và cũng là người thành lập tổ chức Isha Foundation. Isha Foundation là một tổ chức có trụ sở gần thành phố Coimbatore, bang Tamil Nadu, tập trung vào phát triển các dự án hoạt động về tâm linh, giáo dục, và môi trường.
Chúng tôi chọn đăng bài này, cùng với một số bài khác của các tác giả Ấn Độ bàn về sự nghiệp kiến quốc của nước này, vì sự gần gũi của nó với bối cảnh Việt Nam. Ấn Độ, dù là một nước lớn và là một nước dân chủ, đang phải giải những bài toán của một nước đang phát triển, với tỷ lệ nghèo đói và trình độ học vấn ở mức đáng lo ngại.
***
Thể thao thực sự có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng quốc gia? Sadhguru chia sẻ về việc các môn thể thao và trò chơi đã làm thay đổi các cộng đồng vùng quê ở bang Tamil Nadu (Ấn Độ) thông qua dự án Isha’s Action for Rural Rejuvenation, cho phép mọi người cùng đến với nhau và vượt ra khỏi những định kiến về đẳng cấp (caste) và địa vị xã hội. Ông nói, để kiến tạo một quốc gia hùng mạnh, trước hết cần xây dựng những công dân khỏe mạnh và cường tráng.
Hỏi: Namaskaram Sadhguru (Tôi cúi đầu trước ngài, Sadhguru – ND). Thật thú vị khi biết rằng ngài đang dùng thể thao trong quá trình tiếp cận những cộng đồng ở các vùng nông thôn. Tổ chức Isha Foundation đã bắt đầu sử dụng thể thao như là một phần của chương trình phát triển và tiếp cận này như thế nào?
Sadhguru: Điều này đã xảy ra cách đây nhiều năm khi chúng tôi mới bắt đầu chương trình Hành động Trẻ hóa Nông thôn (Action for Rural Rejuvenation) đầu tiên. Chúng tôi muốn mở một khóa học thiền định cho người dân nông thôn. Vào buổi học đầu tiên, có khoảng hơn một trăm người đến dự.
Vào ngày thứ ba, chúng tôi phục vụ mọi người bữa trưa. Nhưng rồi đến ngày thứ tư, một nửa số người đã bỏ học. Tôi đã thắc mắc, “Tại sao lại vậy?”. Lý do là vì mọi người được bảo rằng không nên đến, vì họ không được ăn chung với những người thuộc đẳng cấp khác. Tôi quyết định sẽ không làm chương trình này nữa nếu đây là vấn đề thường gặp. Do đó, tôi đã dừng chương trình lại giữa chừng.
Nhưng rồi khi ngẫm lại, tôi thấy đây là vấn đề đã có từ mấy nghìn năm trước. Nó sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều. Vấn đề nằm ở chỗ tôi đã mời họ ăn cùng nhau, và điều này đã gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu việc ăn uống cùng nhau là một vấn đề, chúng ta hãy nghĩ ra một chương trình mà mọi người có thể vui chơi cùng nhau.
Mọi người không gặp vấn đề gì khi vui chơi cùng nhau, và điều đó đã thay đổi toàn bộ hướng đi của chương trình này; vì khi chơi cùng nhau, họ quên mất mình là ai. Đó là vẻ đẹp của một trò chơi – một khi bạn bắt đầu chơi một môn thể thao, có một cảm giác phóng khoáng nhất định xuất hiện bên trong làm cho danh tính của bạn sụp đổ.
Chúng tôi luôn chơi trò chơi, mọi lúc, trong mọi chương trình trên toàn thế giới. Cho dù dạy bất kỳ chương trình thiền định nào ở bất cứ nơi đâu, trước khi chúng tôi dẫn dắt mọi người vào thiền, luôn có khoảng một tiếng đồng hồ với một số loại trò chơi đơn giản mà mọi người cùng chơi, nơi tất cả đều trở thành những đứa trẻ. Họ la hét, chạy nhảy, và cười đùa. Nếu cảm giác phóng khoáng kia không có, nếu con người không thể la hét, không thể cười, và không thể nhảy cẫng lên, thì họ chắc chắn không thể thiền định.
Đẳng cấp và các định kiến là những thứ đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng những gì chúng tôi nhận thấy là một khi các đội được thành lập trong làng và các giải đấu thể thao bắt đầu trên khắp Tamil Nadu, bất kỳ ai chơi giỏi sẽ trở thành người hùng. Không ai định danh anh ta thuộc đẳng cấp nào – chỉ biết rằng anh ta là nhà vô địch của làng, và đó là tất cả những gì được cho là quan trọng. Thể thao đã giúp san bằng hệ thống đẳng cấp, nếu không muốn nói là hoàn toàn, ở một mức độ nào đó. Nó mở ra những con đường dẫn mọi người vào cộng đồng của nhau.
Thậm chí ngày nay, mỗi khi có giải đấu, bạn sẽ thấy tất cả các cộng đồng tập trung lại cùng nhau. Mọi người đều đã quên mất họ là ai. Ban đầu, có thể họ sẽ đứng cùng những người giống như mình. Nhưng một khi trận đấu trở nên kịch tính, các khán giả sẽ sôi sục và hòa vào nhau. Họ vỗ lưng nhau – không còn ai nhớ ai là ai nữa.
Đó là nét đẹp của trò chơi. Bạn không thể chơi một trò chơi mà không đắm chìm vào nó. Sự chìm đắm là bản chất của bất kỳ môn thể thao nào. Nếu không có sự chìm đắm, sẽ chẳng có trò chơi. Thể thao mang lại cảm giác gắn kết đến mức mọi người trở nên sẵn sàng cho những điều lớn lao hơn. Chúng tôi sử dụng thể thao rất hiệu quả trong các làng quê để giúp người dân trở nên tĩnh lặng và thiền định, điều mà họ chưa bao giờ tưởng tượng được trong đời. Vivekananda đã mạnh dạn nói rằng, “Bạn gần Chúa mỗi khi đá bóng hơn là lúc cầu nguyện”.
Hỏi: Là một quốc gia, chúng ta phải đối mặt với vô vàn vấn đề. Ngài hình dung vai trò của thể thao đối với sự phát triển của Ấn Độ như thế nào?
Sadhguru: Có một điều là, với một tỷ người, chúng ta đang không chơi đủ các môn thể thao. Với một tỷ người mà chúng ta có, chúng ta nên có một đội hình cho mọi trò chơi trên hành tinh này. Khi một quốc gia như Costa Rica, với dân số 5 triệu người, có thể cử đội bóng của họ tham dự World Cup, thì tại sao với 1,25 tỷ dân, chúng ta không thể lập ra một đội bóng?
Điều đơn giản là vì chúng ta chưa bao giờ coi thể thao là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình. Bằng nhiều cách, chúng ta đã đánh mất sự hiếu động của mình ở đất nước này, mà giờ đây chúng ta đang phải trả một cái giá rất đắt. Đã đến lúc cùng mang thể thao trở lại ở mọi cấp độ.
Trong trường học, điều vô cùng quan trọng là phải dành ít nhất 15 đến 20% thời gian cho thể thao để làm cho trẻ trở nên hiếu động. Chúng ta có thể dạy trẻ nhiều điều hơn nữa bằng cách giúp trẻ trở nên hiếu động, thay vì chỉ bắt chúng ngồi ở một góc lớp. Cơ thể và bộ não cần phát triển và trở nên nhanh nhạy. Nếu thể chất và trí não của bạn không nhanh nhạy, bạn sẽ dạy gì cho đứa trẻ đó?
Thể thao không phải lúc nào cũng cần mang tính cạnh tranh. Nó có thể chỉ là những trò chơi vui nhộn, nhưng mọi người nên tham gia. Việc phát triển thể chất và trí não là vô cùng quan trọng. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể phát triển một con người có năng lực. Nếu năng lực đó không được xây dựng ngay từ sớm, thì sau này, hầu hết mọi người trong nước sẽ không đủ sức khỏe.
Tôi từng trò chuyện với một nhóm gồm những doanh nhân nổi tiếng và gia đình họ cách đây một thời gian. Tôi nói, “Không ai trong số các anh đủ khỏe mạnh để sống cả.” Họ hỏi lại, “Ý ngài là sao? Tất cả chúng tôi đang sống tốt mà.” Tôi trả lời, “Sáng mai, khi tất cả các anh đang đi bộ trên phố, và giả sử có một con hổ xuất hiện. Có bao nhiêu người trong số các anh có thể trèo lên cây và tự cứu mình? Thậm chí không một ai trong các anh có thể làm được điều đó. Chỉ có anh chàng đang quét đường kia, anh ta có thể trèo lên cây và tự cứu mình. Tất cả các anh, những người nghĩ rằng mình thành công, sẽ trở thành bữa sáng cho con hổ.”
Mức độ tập thể thao nhìn chung là thấp ở Ấn Độ. Trong vài năm gần đây, người ta đã hăng hái hơn một chút, nhưng chỉ ở một bộ phận nhất định trong xã hội. Điều này cần phải lan rộng ra toàn quốc.
Nếu muốn kiến tạo một quốc gia vĩ đại, trước hết chúng ta phải có những con người khỏe mạnh và cường tráng, và thể thao có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc biến điều đó thành hiện thực. Nếu không xây dựng mỗi con người đúng cách – như được nuôi dưỡng tốt, khỏe mạnh, và nhanh nhạy – bạn sẽ không kiến tạo được một quốc gia vĩ đại. Chẳng có cái gì gọi là quốc gia cả – chỉ có con người, và trong điều này, thể thao đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Bài viết nằm trong chuỗi bài về chủ đề kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.
Hoan nghênh độc giả đóng góp cho chuỗi bài này. Mọi bài viết xin gửi cho Luật Khoa tại đây.