Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Theo lựa chọn của cả độc giả và tòa soạn.
Chào quý độc giả,
Chúc mừng năm mới!
Hôm nay là thứ Bảy đầu tiên của tháng Một và của năm 2021. Như thường lệ, Ban biên tập xin gửi đến quý độc giả lá thư hàng tháng như một cách chia sẻ về công việc cũng như tri ân tới quý độc giả.
Luật Khoa tạp chí đã đăng hơn 600 bài viết trong năm qua. Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi muốn giới thiệu lại với quý độc giả những bài viết được yêu thích nhất, và cũng khiến chúng tôi tự hào nhất.
Trong danh sách này có những bài viết là do độc giả lựa chọn, thể hiện qua việc có lượng đọc và chia sẻ nhiều nhất theo thống kê của Google Analytics và Facebook. Trong danh sách này có cả những bài viết do các phóng viên và biên tập viên của Luật Khoa lựa chọn, dựa trên tiêu chuẩn của riêng họ về một sản phẩm báo chí chất lượng.
Chúng tôi được khích lệ khi thấy các lựa chọn của tòa soạn và độc giả có những điểm trùng nhau. Năm mới, Luật Khoa hy vọng sẽ ngày càng đến gần hơn với những độc giả của mình.
Mời bạn nhìn lại 10 bài viết đáng chú ý nhất trên Luật Khoa trong năm qua. Từng bài viết thể hiện nỗ lực của các tác giả trong việc đeo đuổi và truyền tải những câu chuyện quan trọng đối với độc giả Việt Nam, đặc biệt là những câu chuyện không được phép xuất hiện trên báo chí quốc doanh. Quý độc giả có thể bấm vào tựa bài để đọc bài.
Chúng tôi hy vọng bạn thích những bài viết này và sẽ tiếp tục đón đọc những bài viết giá trị khác của Luật Khoa trong năm mới.
***
Tác giả: Nguyễn Quốc Tấn Trung
“Câu khẩu hiệu ‘đúng người, đúng tội’ mà các thẩm phán nói đi nói lại vẫn còn văng vẳng trong tai tôi. Nhưng vì sao họ cho rằng bản án tử hình của Hồ Duy Hải là ‘đúng người, đúng tội’ thì họ không nói. Trong khi, đáng lẽ ra, đó mới là công việc chính của họ.”
Đây là bài viết được đọc nhiều nhất trên Luật Khoa trong năm 2020. Đó cũng là bài viết yêu thích của Tổng biên tập Trịnh Hữu Long, với lý do được đưa ra là:
“Bài viết trên sâu sắc về mặt luật học, bàn đến một vấn đề thuộc loại nghiêm trọng nhất của Việt Nam, được đăng vào thời điểm độc giả cần nó nhất (ngay sau phiên tòa Hồ Duy Hải). Ngôn ngữ dễ hiểu, có sử dụng chất liệu câu chuyện cá nhân.”
Một điểm đáng lưu ý là bài viết này có dung lượng tới 2.700 từ, tức là thuộc nhóm bài dài trên Luật Khoa, và dài gấp ba lần dung lượng của một bài viết thông thường (800 – 1.000 từ). Đây có thể được dùng như một bằng chứng phản bác ý kiến cho rằng “viết bài dài thì độc giả Việt Nam chẳng ai đọc đâu.”
Vụ án Hồ Duy Hải thu hút sự quan tâm lớn của độc giả Luật Khoa trong năm qua. Nhiều bài viết khác trong số những bài được đọc nhiều nhất trong năm nay cũng xoay quanh người tử tù này.
Đọc thêm:
Ba cửa sống còn lại của Hồ Duy Hải
17 thẩm phán quyết định số phận của Hồ Duy Hải
Tác giả: May
“Bà Thành vừa kể vừa dẫn tôi đi xung quanh nhà.
Tôi thấy những vết đạn bắn xuyên qua cửa kính, đâm thủng tủ quần áo, làm toác một mảng tường. Có chỗ đã được người nhà trát xi-măng lại. Có chỗ còn nguyên. Ở đâu cũng có dấu vết của súng đạn. Lỗ to, lỗ nhỏ. Trên tầng một, tầng hai. Ở nhà bếp, phòng khách. Vết đen bám đầy trên sàn, bà Thành nghi là dấu vết của lựu đạn cay.
Bà đi với cái lưng hơi khòm, tóc bạc trắng. Cũng như con gái, bà ‘không tin ai, chỉ có trời mới giúp được con cháu’ vào phiên tòa thứ Hai này. Hai người phụ nữ ấy đã không thốt ra những từ ‘công lý’, ‘lẽ phải’, ‘công bằng’ khi nhắc đến phiên xử như tôi hình dung. Họ không đặt nhiều kỳ vọng, ngoài mong muốn được nhìn thấy nhau, được chạm tay nhau giữa pháp đình.
Tôi muốn ghi lại lời họ, những người nông dân bình thường không may có người thân dính vào vòng lao lý, như bao vụ án khác. Các tòa soạn trong nước từ chối, dù tôi đảm bảo bài không đụng đến những tranh chấp đất đai, đúng sai giữa hai phía.”
Đây là một trong những bài viết hiếm hoi khắc họa hình ảnh của người dân làng Đồng Tâm qua lời kể của chính họ. Nếu trong một nền báo chí bình thường, đó phải là việc đầu tiên các nhà báo cần làm. Ở Việt Nam, việc này bị chính quyền cấm đoán, ngăn cản dưới mọi hình thức.
Tác giả bài viết này đã bước qua lằn ranh sợ hãi để đưa câu chuyện của người dân đến công chúng. Trần Quỳnh Vi, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí, lựa chọn bài viết này làm bài viết của năm. Cô nói:
“Trong khi các báo khác tại Việt Nam và ngay cả báo ở nước ngoài đều chưa đưa rõ hình ảnh về cụ Kình và người dân Đồng Tâm, thì tác giả bài báo này đã làm được. Mình nghĩ chúng ta cần những bài viết như thế này. Bài viết này, rất nhiều người (kể cả tác giả) đều lo là sẽ không báo nào đăng. Nhưng thực tế là Luật Khoa đã đăng, đăng cả bằng tiếng Anh, và được đọc rất nhiều. Điều này cho thấy chúng ta cần phải tiếp tục viết. Viết tốt và viết đúng sự thật thì sẽ được đón nhận thôi.”
Luật Khoa đã tường thuật trực tiếp phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, cũng như tập trung khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của vụ việc mà chúng tôi xem là một dấu mốc lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến độc giả các diễn biến tiếp theo trong thời gian tới.
Tác giả: Thái Thanh
“Giáo hội Công giáo đã tham gia vào công cuộc giáo dục ở Việt Nam từ năm 1860, sớm hơn nhà nước 22 năm. Số trường học Công giáo vào năm 1942 là 1.779 trường. Những ngôi trường này là nơi học tập cho hàng trăm nghìn học sinh mỗi năm, không phân biệt tôn giáo.
Khi những người cộng sản chiếm miền Nam, họ đã quy đổi di sản giáo dục đó thành ‘bản án’ thu giữ tất cả cơ sở giáo dục của giáo hội.
45 năm sau, chính quyền vẫn tiếp tục thi hành bản án nghiệt ngã đó.”
Đây là một trong những bài viết có lượt chia sẻ nhiều nhất trên Facebook của Luật Khoa trong năm 2020. Tác giả điểm lại những trường học do Giáo hội Công giáo xây dựng trước 1975, sau đó bị mất vào tay chính quyền hoặc tổ chức khác dưới danh nghĩa mượn, hoặc công khai chiếm đoạt. Khi bài viết này được đăng tải, độc giả còn nêu ra thêm nhiều cái tên trường học Công giáo bị chiếm đoạt khác. Bất công vẫn đang tồn tại mỗi ngày.
Mới đây, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã kiện chính quyền TP. Hồ Chí Minh để đòi lại trường Phước An – Thị Nghè. Đó cũng là một trong mười cái tên được nhắc đến trong bài viết.
Luật Khoa đã cập nhật những tin tức về tự do tôn giáo ở Việt Nam liên tục trong suốt một năm qua. Dưới đây là một số bài viết đáng chú ý khác:
Tôn giáo năm 2020 qua 20 bức ảnh
10 vấn đề tôn giáo năm 2020 mà chính quyền không muốn bạn biết
Tác giả: Đoan Trang
“Với những người như ông Hạnh, bà Oanh, bà Tư bánh, và hàng trăm hàng ngàn người khác đang bám vỉa hè từng ngày, từng đêm để kiếm ăn, cách ly xã hội không phải một dịp để ‘sống chậm’, dành thời gian chăm sóc gia đình, hay trổ tài nấu ăn và chụp hình đăng Facebook. Cách ly xã hội cũng không phải lúc để họ đọc báo, nghe đài, xem tivi để theo dõi các chính sách của Nhà nước, phân tích, bình luận, dự đoán để rồi ‘ngạo nghễ tự hào’ hay ‘hằn học bất mãn’ (hai thái cực tâm lý trái ngược nhau). Họ biết về dịch chỉ qua những nguồn tin vỉa hè (đúng nghĩa vỉa hè), qua việc lượng khách mua hàng giảm hẳn, và qua kinh nghiệm hay ký ức của họ về những biến động xã hội khủng khiếp họ từng nếm trải trong đời.”
Một trong những bài viết cuối cùng của nhà báo Phạm Đoan Trang trước khi bị bắt, kể câu chuyện về thân phận của những người nghèo, người vô gia cư trong đại dịch COVID-19.
Bài viết ra đời ngay giữa tháng Tư, khi cả nước thực hiện phong tỏa xã hội. Dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe và tài chính của mọi người trên toàn cầu, nhưng những người vô gia cư nghèo khổ lại là những người phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.
Đây là bài viết yêu thích của Trưởng dự án Luật Khoa Books. Bạn ấy chia sẻ: “Cá nhân mình đọc bài viết này thấy rất xúc động và cảm tạ. Mình thực sự rất may mắn khi có nơi ở tử tế và thu nhập ổn định để lo cho gia đình trong thời cuộc khó khăn.”
Tác giả: Y Chan
“Ở Việt Nam, với tinh thần hừng hực ‘chống dịch như chống giặc’, và ý thức tệ hại trong việc tôn trọng quyền lợi của mỗi cá nhân, sẽ không ngạc nhiên gì nếu toàn bộ người dân đều lây nhiễm ‘virus sợ hãi’ trước khi dính phải con virus corona nào đó.”
Bài viết ra đời khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai bắt đầu tại Việt Nam, và mọi sự phẫn nộ, công kích, mạt sát đổ dồn vào bệnh nhân thứ 17. Tác giả bình luận về hiện tượng xâm phạm quyền riêng tư nghiêm trọng nhưng lại được bình thường hóa, thậm chí được khuyến khích với lý do chống dịch.
BN17 là một bài học lớn để chúng ta biết cách tôn trọng lẫn nhau hơn trong tương lai. Bài viết nằm trong số 5 bài được đọc nhiều nhất trên Luật Khoa trong năm 2020.
Tác giả: Lê Quỳnh
Người dịch: Trần Hà Linh
Dịch từ bài “Viet reclamation project near reserve raises concern” của Lê Quỳnh, đăng trên The Straits Times (Singapore)
“Khi hoàn thành, Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ – dự án trị giá 217 nghìn tỷ đồng (khoảng 9,4 tỷ USD), cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 70km – sẽ vênh vang với hàng loạt căn hộ và biệt thự sang trọng, thêm một tòa nhà chọc trời 108 tầng, một sân golf và một bãi đậu du thuyền.”
Dự án của Công ty Cổ phần Vinhomes, thuộc tập đoàn Vingroup được kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm và hàng triệu đô-la tiền thuế cho ngân sách nhà nước, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng yếu tố môi trường có thể nhấn chìm dự án và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục trong dài hạn. Nguy cơ đến từ việc khai thác cát từ đáy sông ở đồng bằng sông Cửu Long, vốn đang trải qua tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Một nguy cơ khác là rừng ngập mặn Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, lá phổi xanh của TP. Hồ Chí Minh – sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng.
Tác giả: Bùi Công Trực
“Ước đoán ở mức rất khiêm tốn, số tiền người dân phải trả cho các đại hội đảng ở riêng cấp địa phương đã đủ cho Thanh tra Chính phủ hoạt động hơn 25 năm.”
Đại hội đảng, một hoạt động thuần túy đảng phái lại tiêu tốn kha khá ngân sách của phía chính quyền, mà nói thẳng ra là từ thuế, phí và các nguồn thu đáng ra có thể dùng cho nhiều hoạt động quản trị nhà nước và chính sách dân sinh.
Bài viết tổng hợp một số điều tréo ngoe, nhưng lại là sự thật chính trị mà hàng thập kỷ qua người dân Việt Nam đã và đang phải đối mặt, và chắc chắn sẽ tiếp tục phải đối mặt nếu không có thay đổi hay yêu sách cơ bản nào được đưa ra.
Tác giả: Y Chan
“Điều gì khiến cho nhiều người gốc Hoa ở mọi ngóc ngách của trái đất tề tựu lại dưới ngọn cờ Trump? Câu trả lời quá hiển nhiên: ác cảm, hay sự căm hận, đối với chế độ cộng sản độc tài Bắc Kinh.”
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã là tâm điểm chú ý của công chúng Việt Nam trong suốt nửa cuối năm 2020. Trong đó, nổi bật lên là các cuộc tranh cãi xoay quanh một nhân vật: Donald Trump. Trên mạng, người ta mạt sát nhau vì Trump. Tổng thống Mỹ luôn là người nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng chưa từng có ai lại gây náo động nhiều đến vậy, sâu sắc đến vậy trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới.
Bài viết lý giải hiện tượng yêu mến Tổng thống Trump một cách đặc biệt từ góc độ tâm lý chính trị, với một đối chiếu quan trọng từ cộng đồng người Hoa. Tác giả gọi đó là một “bi kịch song trùng.”
Tác giả: Võ Văn Quản
“Khi nhắc đến các nhân vật chính trị hàng đầu của Việt Nam Cộng hòa, bạn có thể đang nghĩ đến một vị tướng lãnh nào đó.
Việc tập trung vào những nhân vật có xuất thân nhà binh làm cho bức tranh về chính trị Việt Nam Cộng hòa có phần không hoàn chỉnh. Nhấn mạnh quá nhiều vào các nhóm quân sự kiểm soát chính quyền khiến góc nhìn về chính thể và môi trường chính trị của nền cộng hòa miền Nam Việt Nam dễ bị bóp méo. Từ đó, bài viết, tư liệu dành cho các lãnh đạo dân sự thật sự của Việt Nam Cộng hòa cũng không còn bao nhiêu.”
Bài viết này nhắc đến bốn cái tên có thể mang lại những cuộc đối thoại chính trị mới mẻ hơn về Việt Nam Cộng hòa. Đó là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Bộ trưởng Cao Văn Thân, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và nhà báo Từ Chung.
Tác giả: Y Chan
“Nhà giáo dục Ken Robinson qua đời vào ngày 21/8/2020 vừa qua.
Khi ông qua đời, Forbes gọi ông là ‘ngọn đèn soi sáng’ (luminary), còn Washington Post trân trọng ông như ‘ngọn hải đăng của hy vọng’ (beacon of hope), một người dành cả đời để khuyến khích chúng ta nâng niu và trân trọng món quà sáng tạo của nhân loại, và không ngừng cổ vũ cho tất cả mọi người được tự do làm chính mình.”
Thế giới đã mất đi nhiều người tuyệt vời trong năm 2020, trong đó có Ken Robinson, người được xem là một ngọn hải đăng của giáo dục khai phóng. Ông được công chúng Việt Nam biết đến thông qua bài nói chuyện được nhiều người xem nhất trong lịch sử của TED Talks.
Thoạt nhìn, bài viết này có thể tạo cảm giác ‘không giống Luật Khoa’ lắm. Sự thật là ngoài chủ đề chính là pháp luật và chính trị, Luật Khoa luôn mong muốn giới thiệu đến độc giả của mình những nhân vật lớn trong bất kỳ lĩnh vực nào. Người đề cử bài viết này cho rằng giáo dục là một vấn đề quan trọng mà Luật Khoa tạp chí cần dành đất thêm trong thời gian tới, và Ban biên tập hoàn toàn đồng ý.
***
Hẹn gặp lại bạn đọc với thật nhiều bài viết giá trị trong năm 2021 này.