‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tranh chấp dân sự, theo nhiều học giả, là nguồn gốc lý giải sự hình thành của pháp luật.
Tranh chấp dân sự, trong tư duy của đại đa số các nhóm học giả cấp tiến phương Tây, là nguồn gốc lý giải sự hình thành của pháp luật. Các quan hệ dân sự, đồng thời với tranh chấp dân sự, cũng là mối quan hệ xã hội chiếm nhiều “đất” nhất trong toàn cảnh quan hệ pháp lý của một quốc gia. Vì lý do này, mục “Tiếng Anh pháp lý” hôm nay sẽ giới thiệu với bạn đọc về thủ tục pháp lý giải quyết tranh chấp dân sự.
Độ phong phú, sự đa dạng và tính đặc trưng của ngôn ngữ pháp luật dân sự ở mỗi quốc gia tự thân nó đã là vô cùng đáng quý, đáng nể. Việc chỉ thuần túy dịch các thuật ngữ pháp luật dân sự trong một ngôn ngữ nào đó sang tiếng Anh, và ngược lại, đôi khi có thể làm mất đi bản chất đa dạng cần có.
Vì thế, người viết sẽ dựa vào các thuật ngữ gốc về dân sự trong pháp luật Anh – Mỹ, để tìm thuật ngữ tương đương trong pháp luật Việt Nam. Như vậy, ta có được sự tương tác với nhiều chủ thể nước ngoài, song không làm thay đổi bản chất và truyền thống của các thuật ngữ pháp luật dân sự Việt Nam. Bằng cách này, việc sử dụng tiếng Anh pháp lý liên quan đến tố tụng dân sự sẽ thống nhất và dễ hiểu hơn.
Chủ thể có thể được xem là phần đơn giản nhất của thủ tục tố tụng dân sự (“civil legal proceeding”), nhưng sẽ có những điểm mới mẻ mà người học tại Việt Nam cần lưu ý.
Điển hình nhất là sự tồn tại của nguyên đơn (“plaintiff”). Hiện nay cách gọi nguyên đơn là “plaintiff”, cùng với “complainant”, vẫn còn khá phổ biến tại các quốc gia nói tiếng Anh như Hoa Kỳ và Úc.
Song tại mẫu quốc của ngôn ngữ Anh, tức Vương quốc Anh, từ “claimant” đã dần chiếm vị thế độc tôn trong các văn bản pháp lý, tài liệu chính thức giữa các bên tố tụng. Vậy nên, nếu làm việc với một đối tác từ Anh, không có gì “thời thượng” hơn là bỏ thói quen dùng từ “plaintiff” vốn khá phổ biến ở Việt Nam. Nếu phía nguyên đơn là một hay nhiều cá nhân tổ chức khác nhau, thuật ngữ “joinder of parties” sẽ được áp dụng.
Bị đơn thì không có điểm gì quá đặc biệt. Họ vẫn được gọi chung là “defendant” trong hầu hết các thể loại tố tụng từ dân sự, hình sự đến tài phán quốc tế.
Cả nguyên đơn và bị đơn có thể gọi chung là “litigants”.
Nếu quá trình tố tụng tiếp tục, thuật ngữ chỉ các chủ thể cũng sẽ có thay đổi khi cấp xét xử là phúc thẩm. Bên đề nghị kháng cáo, kháng nghị trước tòa, thay vì là “claimant”, sẽ được gọi “appellant”. Bên còn lại là “respondent” (hoặc “appellee”).
Trong án dân sự, bên thua kiện đôi khi cũng được gọi là “paying party”, còn bên thắng kiện là “receiving party”.
Người làm chứng cho cả hai bên nguyên đơn và bị đơn được gọi bằng một thuật ngữ phổ biến không có đặc tính pháp lý là “witness”. Tuy nhiên, trong trường hợp người làm chứng đưa ra thông tin của mình bằng văn bản hoặc các phương tiện nghe-nhìn khác bên ngoài tòa (với sự có mặt của luật sư và thư ký tòa án), người này sẽ được gọi là “deponent”, trong khi những bằng chứng được đưa ra trước tòa theo phương pháp này gọi là “deposition”.
Tranh chấp dân sự bắt đầu trước tiên với việc bên nguyên đơn nộp đơn khởi kiện lên cho tòa án có thẩm quyền. Quy trình này được gọi bằng cụm “to file a claim” hoặc “to file a petition”.
Về phần mình, phía “defendant” có một số hành vi pháp lý khả dĩ.
Một là họ có thể gửi cho tòa “reply”, tức đơn thuần là phản hồi của bên bị đơn để phản bác một phần lập luận của đơn khởi kiện. Trong một số trường hợp khác, yêu cầu cấn trừ hay bù trừ nghĩa vụ cũng có thể được đưa ra, tức “set-off”. Trong số phản hồi, “counterclaim” là dạng mạnh nhất với một cáo buộc dân sự cụ thể đối với bên khởi kiện.
Song cũng cần phân biệt giữa “compulsory counterclaim” và “permissive counterclaim”.
“Compulsory counterclaim” là yêu cầu phản tố phát sinh trực tiếp hoặc có liên quan đến yêu cầu gốc của bên nguyên đơn. “Permissive counterclaim” thì lại là một yêu cầu dân sự khác, không có liên quan trực tiếp với yêu cầu gốc của nguyên đơn. Trong bối cảnh ngữ nghĩa này, “compulsory counterclaim” gần nhất với khái niệm “phản tố” được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, dù đi theo mô hình xét xử thẩm vấn (“inquisitorial system”), vẫn thừa nhận một số hoạt động nhằm bảo đảm tiến trình tranh tụng dân sự tại tòa.
Quá trình/ thủ tục “discovery” (cũng có thể dùng thuật ngữ “disclosure”) là tên gọi chung cho rất nhiều hành vi pháp lý của các đương sự nhằm nắm bắt được thông tin và bằng chứng mà đối phương đang có.
Ví dụ có thể kể đến như “interrogatory”, tức văn bản yêu cầu bên đương sự còn lại trả lời một số câu hỏi nhất định. Ngoài ra, “request for reproduction” cũng rất phổ biến, vốn được dùng để yêu cầu đối phương cho sao chép hoặc cung cấp lại các văn bản, chứng cứ có liên quan đến vụ án.
Khác với tố tụng dân sự ở Việt Nam, tuyệt đại đa số các vụ kiện dân sự ở Anh – Mỹ đều không ra đến được… tòa.
Phần lớn trong số đó được dàn xếp hòa giải (“settlement”) ngoài tòa án. Đây là lựa chọn pháp lý có được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam nhưng ít khi được các đương sự trong hệ thống tòa Việt Nam sử dụng. Phần còn lại, hoặc được giải quyết bằng “motion of dismiss”, hoặc bằng “summary of judgment”.
Pháp luật dân sự Việt Nam không có một thủ tục cụ thể và tương ứng với tên gọi “motion of dismiss”.
Trong pháp luật Anh – Mỹ, “motion” giống như việc yêu cầu không chấp nhận đơn khởi kiện. Bên bị đơn có thể sử dụng việc này vì bất kỳ lý do nào họ cho rằng phù hợp, bao gồm việc bên nguyên đơn đổi yêu cầu khởi kiện, bổ sung yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng, thông tin chưa chính xác, hay các vấn đề lớn hơn như tòa án không có thẩm quyền, đương sự không có tư cách khởi kiện…
Nhìn từ góc độ này, “motion of dismiss” rất gần với thủ tục “trả lại đơn khởi kiện” cùng các hệ quả pháp lý liên quan.
Riêng “summary of judgment” thì gần như chỉ tồn tại trong hệ thống thông luật. Hiểu một cách đơn giản, đây là thuật ngữ để chỉ phán quyết không cần xét xử, khi một bên đương sự cho rằng không còn tranh cãi thực tế nào cần phải được tranh tụng tại tòa.
Phần quan trọng tiếp theo trong tiếng Anh pháp lý của quá trình tố tụng là về chứng cứ, gồm các chứng cứ được chấp thuận (“admissible evidence”) và các chứng cứ không được chấp thuận (“inadmissible evidence”). Trách nhiệm chứng minh (‘burden of proof”) trong án dân sự, như mọi nơi trên thế giới, thuộc về người đưa ra cáo buộc và yêu cầu.
Chứng cứ có thể được chia ra làm bốn nhóm:
Ở Hoa Kỳ, có một số thuật ngữ pháp lý đặc trưng để chỉ chất lượng của bằng chứng, như “a preponderance of evidence” hoặc “clear and convincing evidence”. Tại Anh thì có “on the balance of probabilities”. Tất cả đều dùng để chỉ các bằng chứng khách quan và có sức thuyết phục cao.
Đối với các hoạt động tranh tụng, hỏi đáp tại tòa, cũng cần lưu ý một số thuật ngữ.
“Direct examination” hoặc “examination-in-chief” là hoạt động của luật sư khi họ cho mời nhân chứng cũng như đưa ra các bằng chứng để ủng hộ cho quan điểm và góc nhìn của thân chủ mình (“client’s version of events”).
Ngược lại, luật sư đối phương cũng có thể thực hiện hoạt động “cross-examination” (chất vấn) đối với những nhân chứng, vật chứng được bên kia đưa ra. Trong trường hợp cần thiết, bản thân tòa và các luật sư cũng có thể “redirect examine” và “re-cross examine”.
Bên chiến thắng trong một án dân sự sẽ được gọi là “a judgment creditor”, hiểu đơn giản là chủ nợ có bản án của tòa. Phía thua sẽ được gọi là “a judgment debtor”.
Tại Anh và Hoa Kỳ thì việc yêu cầu thi hành án sẽ được gọi là “writ of control” hoặc “warrant of control”, được sử dụng để ủy quyền cho các cơ quan có liên quan cưỡng chế tài sản thi hành án. Hệ thống Việt Nam không sử dụng “trát” nên việc sử dụng các thuật ngữ này cần hạn chế. Tài sản được phong tỏa hay tịch thu để thi hành án gọi là “bailiff”.
Trong trường hợp phía thua kiện không có khả năng chi trả nghĩa vụ của mình bằng tài sản hay hiện vật ngay lập tức, phía thắng kiện sẽ được trao quyền có tên gọi là “equitable receivership”. Thuật ngữ này dùng để chỉ quyền hưởng lợi của bên thắng kiện trong các nguồn thu nhập phát sinh ở bất kỳ thời điểm nào từ bên thua kiện (như trúng thưởng, tiền lương, tiền cho thuê nhà hay phòng trọ…).
Quyết định về án phí và các chi phí tư pháp được gọi chung là “award of costs”, hiển nhiên thuộc trách nhiệm của bên thua kiện.
Bên cạnh đó, “garnishment” (hay “writ of garnishment”) là một quyết định tư pháp đặc trưng cho phép chủ nợ thu hồi tài sản của con nợ đang thuộc quyền kiểm soát của một bên thứ ba. “Wage garnishment” cũng là một thuật ngữ pháp lý yêu cầu trích một phần thu nhập của bên có nghĩa vụ để thi hành án. Người chịu sự điều chỉnh của “wage garnishment” là “garnishee”.
“Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam thì có thể được mô tả bằng hai thuật ngữ chính trong Anh ngữ pháp lý là “freezing injunction” và “interim payment”.
“Freezing injunction” bao gồm các hành vi pháp lý như kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản… Một cách khái quát, đó là bất kỳ hành vi nào có thể làm thay đổi hiện trạng của tài sản có liên quan hoặc có thể được sử dụng để hoàn thành nghĩa vụ tranh chấp, trước khi vụ việc được xem xét.
“Interim payment” là những khoản trả trước bắt buộc cho bên yêu cầu để giúp phía khởi kiện tránh khỏi các khó khăn tài chính. Nếu xét theo luật Việt Nam, các khoản như “buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng” hay “buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động”… đều có thể xếp vào nhóm “interim payment”.