Tôn giáo tháng 12/2020: Pháp Luân Công gặp rắc rối với chính quyền

Công an tỉnh Kon Tum chính thức bày tỏ quan điểm của chính quyền đối với Pháp Luân Công.

Tôn giáo tháng 12/2020: Pháp Luân Công gặp rắc rối với chính quyền

Bạn đọc thân mến,

Trong năm 2020, chúng tôi đã đăng tải các bản tin tôn giáo hàng tháng, bằng tiếng Việt trên Luật Khoa và bằng tiếng Anh trên The Vietnamese. Chúng tôi thực hiện các bản tin này với hy vọng có thể ghi chép lại các sự kiện về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Ngoài các bản tin tôn giáo, Luật Khoa cũng thường xuyên đăng tải các bài viết về tự do tôn giáo. Chúng tôi cũng có một cơ sở dữ liệu bằng tiếng Anh về tự do tôn giáo.

Những nỗ lực của Luật Khoa cho lĩnh vực tự do tôn giáo trong năm 2020 vẫn còn rất khiêm tốn. Để chuẩn bị nội dung cho năm 2021, chúng tôi hy vọng độc giả có thể góp ý về các đề tài tôn giáo với chúng tôi qua hộp thư tongiao@luatkhoa.org.



Tôn giáo 360 độ

Chính quyền cáo buộc Pháp Luân Công có ý đồ thành lập lực lượng chính trị đối lập

Trong tháng 12/2020, chính quyền các tỉnh, thành vẫn tiếp tục ngăn chặn việc phổ biến Pháp Luân Công.

Cơ quan công an và báo chí nhà nước đã kêu gọi người dân không phổ biến Pháp Luân Công, không chia sẻ các thông tin về bộ môn này trên mạng xã hội, và báo cáo với công an những ai “tuyên truyền” bộ môn này.

Các thông tin mà chúng tôi thu thập được từ báo chí nhà nước cho thấy có ít nhất 71 người đã bị tịch thu các đồ dùng để phổ biến Pháp Luân Công trong năm 2020.

Những người này thường bị ngăn chặn khi phổ biến Pháp Luân Công một cách tự phát bằng cách phát tờ rơi, tặng móc khóa, sách vở… Chưa có báo cáo nào cho thấy họ phổ biến Pháp Luân Công một cách có tổ chức.

Từ trước đến nay, công an ở các tỉnh, thành đều ngăn chặn việc phổ biến Pháp Luân Công vì lý do phát tờ rơi chưa được nhà nước cấp phép.

Tuy nhiên, trong tháng 12/2020, Công an tỉnh Kon Tum đã tiến xa hơn một bước về quan điểm của chính quyền đối với Pháp Luân Công.

Công an tỉnh Kon Tum cho rằng Pháp Luân Công sử dụng vỏ bọc rèn luyện sức khỏe kết hợp với các yếu tố tôn giáo để lôi kéo người dân tham gia. Họ cũng cáo buộc rằng Pháp Luân Công đòi chính quyền công nhận tư cách pháp nhân để hình thành lực lượng chính trị đối lập ở Việt Nam.

Dưới đây là các tỉnh, thành đã điều tra và tịch thu tài liệu của các học viên Pháp Luân Công trong tháng 12/2020.

Hải Dương: Hai người bị công an tịch thu móc khóa có nội dung tuyên truyền

Theo báo VTC, Công an huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã điều tra một phụ nữ 61 tuổi vì phổ biến Pháp Luân Công cho học sinh vào ngày 2/12/2020.

Người phụ nữ này bị công an điều tra vì hành vi phát móc gắn chìa khóa có địa chỉ trang web giới thiệu về Pháp Luân Công cho học sinh. Công an đã tịch thu 190 móc khóa của người phụ nữ này.

Các móc khóa có gắn thông điệp phổ biến Pháp Luân Công bị tịch thu. Ảnh: Báo Hải Dương.

Cũng tại tỉnh Hải Dương, công an đã tịch thu 10 tấm thiệp và 24 chiếc móc khóa của một phụ nữ 26 tuổi khi chị đang đi phát những đồ vật có nội dung phổ biến Pháp Luân Công này vào ngày 23/12/2020.

Quảng Ninh: Thu giữ sách, tờ rơi về Pháp Luân Công dù chưa phổ biến

Ngày 29/12/2020, công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết họ đã yêu cầu một phụ nữ giao nộp các tài liệu Pháp Luân Công mà người này cất giữ tại nhà. Công an đã thu giữ từ người này 40 quyển sách, sáu tờ rơi, 10 móc gắn chìa khóa có nội dung về Pháp Luân Công.

Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh.

Các tài liệu này bị tịch thu với lý do chứa nội dung tuyên truyền về Pháp Luân Công, một bộ môn chưa được nhà nước cấp phép.

Bắc Ninh: Hai người phổ biến Pháp Luân Công bị cảnh sát ngăn cản

Một vài hình ảnh và video chưa rõ nguồn gốc trên mạng xã hội cho thấy hai học viên Pháp Luân Công ở Bắc Ninh đã gặp rắc rối với công an vào tối ngày 22/12/2020.

Ảnh: Diễn đàn Lịch sử Việt Nam.

Theo những hình ảnh và video này, một người đàn ông và một người phụ nữ đã hóa trang theo phong cách ông già Noel để phổ biến Pháp Luân Công ở khu vực công cộng trong dịp lễ Giáng sinh.

Theo lời của viên cảnh sát trong clip, có một số người Công giáo “bức xúc” vì việc này nên đã báo cáo họ. Cảnh sát trật tự yêu cầu mời hai người này về đồn để làm rõ.

Báo chí nhà nước chưa đưa tin về trường hợp này.


Hội trưởng Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy bị ngăn cản đến lễ cầu nguyện

Trong hai ngày 15 và 16/12/2020, Công an Thành phố Cần Thơ đã ngăn cản ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, tham dự một buổi lễ cầu nguyện của giáo hội này.

Theo Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, vào chiều ngày 15/12/2020, một nhóm người mặc thường phục thuộc Công an Thành phố Cần Thơ đã đến nhà ông Điền để yêu cầu ông không đến dự một buổi lễ cầu nguyện quan trọng của giáo hội.

Vào sáng ngày 16/12/2020, công an tiếp tục yêu cầu người lái xe không được đưa ông Điền đi dự lễ.

Hai công an của Công an Thành phố Cần Thơ ngồi đối diện với ông Điền. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Trang tin của giáo hội này cho biết công an lấy lý do là không được tụ tập đông người trong dịch COVID-19 để ngăn cản ông Điền. Tuy nhiên, chỉ có ông Điền là bị ngăn cản. Hơn nữa, các lễ hội khác trong khu vực vẫn được tổ chức như bình thường.

Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy không được nhà nước công nhận. Các thành viên của giáo hội thường xuyên bị công an cản trở trong các dịp hội họp.


Chính quyền TP. Hồ Chí Minh trao lại năm cơ sở tôn giáo cho Tổng giáo phận Sài Gòn

Theo trang tin của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã “giao tặng” năm cơ sở tôn giáo cho Tổng giáo phận Sài Gòn vào ngày 21/12/2020. Lý do của việc “giao tặng” này không được đề cập.

Tổng giáo phận Sài Gòn xác nhận đã nhận lại năm cơ sở tôn giáo thuộc năm giáo xứ: giáo xứ Tân Lập, giáo xứ Công Thành (quận 2), giáo xứ Tân Mỹ (Hóc Môn), giáo xứ Tân Hiệp (Hóc Môn), giáo xứ Bình An (quận 8).

Trang tin của Tổng giáo phận nói rằng chính quyền đã “trao lại” năm cơ sở công giáo này cho họ.

Theo phát biểu của Tổng giám mục Nguyễn Năng trong cuộc gặp, đây là các cơ sở mà các giáo xứ đã giao cho nhà nước sau năm 1975 để làm trường học. Ông nói thêm rằng Tổng giáo phận “vui mừng nhận lại các cơ sở để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của bà con giáo dân, và “hy vọng tiếp tục được trao thêm các cơ sở khác” nếu thành phố đã xây dựng được các ngôi trường mới.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng giáo phận Sài Gòn và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21/12/2020. Ảnh: Tổng giáo phận Sài Gòn.

Sau năm 1975, các tổ chức Công giáo ở miền Nam đã giao rất nhiều cơ sở cho nhà nước sử dụng vào mục tiêu giáo dục.

Đến nay, số lượng cơ sở này vẫn chưa được công bố chính xác. Tranh chấp giữa nhà nước và giáo hội Công giáo vẫn còn xảy ra.


Đền Đức Mẹ của Đan viện Thiên An bị quấy phá

Trong tháng 12/2020, khu vực đền Đức Mẹ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bị người lạ xâm nhập nhiều lần.

Các đan sĩ cho biết nhiều ghế đá, cây cảnh xung quanh khu vực đền bị người lạ đập phá, sàn của ngôi đền bị đổ đất bẩn. Đan viện đã báo cáo vụ việc với chính quyền, nhưng khu vực đền vẫn tiếp tục bị quấy phá.

Hơn 20 năm qua, Đan viện Thiên An luôn ở trong tình trạng bất ổn vì tranh chấp đất đai giữa họ với những người dân trong khu vực và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Các sự việc đã xảy ra cho thấy chính quyền và các hộ dân cùng đứng về một phía để chống lại đan viện trong các vụ xung đột về đất đai.


Chính quyền cản trở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phát quà cứu trợ

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chính quyền thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ngăn cản giáo hội phát quà cứu trợ cho người dân vùng lũ vào cuối tháng 12/2020.

Theo đó, chính quyền đã tịch thu toàn bộ phiếu nhận quà và ngăn cản người dân đến Tu viện Long Quang nhận quà cứu trợ.

Lý do chính quyền đưa ra để cản trở việc này là: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không phải là tổ chức được nhà nước công nhận, vì thế việc phát quà cứu trợ là bất hợp pháp.

***

Ngày này năm xưa

Bức thư từ Hạ viện Mỹ về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Edward R. Royce và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink. Ảnh: CFUS News (trái), AFP (phải).

Vào tháng 12/2017, ông Edward R. Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã gửi thư cho ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, để bày tỏ lo ngại về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Trong thư, ông bày tỏ quan ngại về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới, chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

“Tôi e rằng Luật [Tín ngưỡng, Tôn giáo] mới này sẽ tạo cơ sở để chính quyền tiếp tục ngược đãi những người Viện Nam muốn thực hành đức tin của mình”, ông viết.

Lo ngại của ông Edward đã thành sự thật.

Trong ba năm qua, các cơ quan nhà nước đã tận dụng những quy định của mơ hồ của luật này để kiểm soát hoạt động của các tôn giáo.

Gần đây nhất, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã phải thông báo hoãn đại hội đồng giáo phẩm do không thỏa mãn yêu cầu của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Cụ thể là họ đã không thể gửi danh sách đại biểu trước khi tổ chức theo yêu cầu của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Lo ngại của ông Edward về việc chính quyền sử dụng những áp đặt mơ hồ về an ninh quốc gia để đàn áp hoạt động tôn giáo cũng đã thành hiện thực.

Tại một số khu vực ở Tây Bắc, chính quyền đã siết chặt kiểm soát đối với các hoạt động tôn giáo. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên còn bị xem là mối nguy về an ninh quốc gia.

***

Bạn đọc có thể góp ý và tham gia viết về tôn giáo cùng Luật Khoa qua email: tongiao@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.