‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Lời tòa soạn: Facebook và Twitter đã có một quyết định gây tranh cãi gay gắt khi đình chỉ tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Luật Khoa xin giới thiệu quan điểm của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu trong bài viết dưới đây. Tác giả, mặc dù đồng ý rằng Facebook và Twitter có quyền kiểm duyệt Trump hay bất kỳ người dùng nào, lại cho rằng các công ty tư nhân này không nên khóa tài khoản hay tiền kiểm người dùng, mà nên hành xử giống như một chính quyền hơn để mở rộng không gian ngôn luận của xã hội và cổ xúy cho tinh thần tự do ngôn luận.
***
Tờ Economist đăng trên trang bìa của mình hình ảnh người biểu tình ngồi chễm chệ trên chiếc ghế chủ tịch Hạ viện và gọi đó là “Di sản của Trump” (Trump’s Legacy). Ít ai để ý một dòng chữ nhỏ bên dưới là “Shame and Opportunity” (Nỗi hổ thẹn và cơ hội). Đây là một nhận xét rất đúng và công bằng.
Nước Mỹ hậu Trump là một nước Mỹ (và một phần của thế giới) hỗn loạn, khủng hoảng và chia rẽ, và ai cũng nên thấy hổ thẹn khi đất nước lâm vào tình cảnh đó. Lỗi của Trump, của Đảng Cộng hoà hay của Đảng Dân chủ là một câu hỏi nhiều người quan tâm, nhưng thật ra nó lại ít quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn đó là câu hỏi bên cạnh nỗi hổ thẹn đó, cơ hội là gì?
Cơ hội lớn nhất có lẽ là sự hiểu mình hơn. Nước Mỹ giờ đây biết rằng có ít nhất hai thế giới (không còn là thế giới quan nữa) đang tồn tại song song và những người trong hai thế giới đó không thể đối thoại với nhau. Nước Mỹ cũng thấy được những mặt trái (và đôi khi là đạo đức giả) của thứ mà Obama gọi là “bên đúng của lịch sử” (the right side of the history). Trước mắt nước Mỹ là rất nhiều bài kiểm tra để xem thử những lý tưởng họ vẫn tung hô liệu có còn đứng vững hay không. Và đó cũng là một cơ hội để nước Mỹ mạnh mẽ hơn.
Một trong những bài kiểm tra sớm nhất đó chính là câu chuyện đối xử với ngôn luận của kẻ thua cuộc. Trump là một tổng thống thất cử không thể chối cãi và đã được chứng nhận, nhưng đối xử với ông như một kẻ bị “rút phép thông công” (excommunicated) liệu có là đúng đắn hay không? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Một mặt, những phát ngôn của Trump đã kích động bạo lực, gây nên ngày tủi hổ cho nước Mỹ. Nhưng mặt khác, chẳng phải quyền tự do ngôn luận được tạo ra là để bảo vệ cho chính những phát ngôn không thuận nhĩ như của Trump? Và Facebook và Twitter, hay tệ hơn là Apple và Google, có sai không khi họ chặn đứng tài khoản của ông, hay không cho phép một nền tảng thay thế được người dùng tiếp cận? Tất nhiên, sự can thiệp của tư nhân là khó quy trách nhiệm hơn của chính quyền, bất chấp những tranh luận về việc Facebook và Twitter là những doanh nghiệp đặc biệt với những nghĩa vụ đặc biệt.
Nhưng hãy tạm bỏ qua tranh luận đầu tiên rằng Facebook và Twitter là những doanh nghiệp tư nhân có luật lệ của riêng nó, hành động của Facebook và Twitter cần phải được chúng ta gọi đúng tên của nó. Đó là hành động “kiểm duyệt”.
“Kiểm duyệt” không mặc nhiên là xấu và đôi khi được xã hội chấp nhận để bảo vệ một cái gì đó – nhưng “kiểm duyệt” vô tội vạ thì dễ khiến người ta dị ứng. Lịch sử của quyền tự do ngôn luận ở Mỹ cũng không thiếu vắng sự kiểm duyệt và nó cũng đã từng được cả người bảo thủ lẫn cấp tiến ủng hộ. Khó có thể tìm thấy ai chống kiểm duyệt 100%, đặc biệt là khi một con người chịu sự đan xen của quá nhiều giá trị khác nhau. Ai dám chắc mình không muốn kiểm duyệt khi Chúa hoặc lá cờ của mình bị xúc phạm?
Nhưng kiểm duyệt là một việc làm lỗi thời và nguy hiểm. Câu hỏi muôn thuở vẫn sẽ là “ai canh chừng những người gác cổng?”. Kiểm duyệt đòi hỏi sự tin tưởng và kiểm soát người kiểm duyệt, thứ quá thiếu thốn trong xã hội ngày nay. Kiểm duyệt còn có khả năng tạo ra những hình ảnh anh hùng mơ hồ của thứ được kiểm duyệt.
Nếu có điều gì chúng ta hiểu về quá trình phát triển của quyền tự do ngôn luận ở Mỹ thì đó chính là việc từ bỏ dần nhu cầu kiểm duyệt trước, để thay thế bằng những vụ kiện tụng sau khi phát ngôn. Điều này cho phép các quan điểm (cho dù là bệnh hoạn hay nguy hiểm nhất) được bay bổng ở trong “thị trường của ý tưởng” (marketplace of ideas) và bị kiểm chứng, bị tấn công, miễn là người phát ngôn chấp nhận hậu quả của nó, chết vì nó. Chỉ khi một xã hội không còn tin tưởng vào ý tưởng của họ nữa thì họ mới viện đến kiểm duyệt.
Có thể sẽ có người tranh luận rằng việc một doanh nghiệp tư nhân có thể tự do xử lý một phát ngôn của một tổng thống là hình ảnh đẹp của tự do ngôn luận. Tuy nhiên, lập luận này lại không đứng trên một nguyên tắc trung lập khi đánh giá các quyền tự do có xung đột với nhau.
Nguyên tắc trung lập do Herbert Weschler đề ra nói rằng khi giải thích một vấn đề pháp lý, cần tránh khiến một bên bị tổn hại còn một bên được hưởng lợi. Facebook, Twitter có lẽ đã có một ngày tuyệt vời khi cấm đoán vĩnh viễn Trump tham gia nền tảng của họ (và họ có quyền pháp lý làm điều đó), nhưng còn quyền tự do ngôn luận của Trump thì sao?
Câu hỏi “quyền của người gây hại thì sao” là một câu hỏi rất khó cho những người học luật nhưng vẫn quan tâm đến các vấn đề xã hội. Những bài viết trước đây đã minh chứng rõ ràng quan điểm của tác giả với Trump, và tác giả không giấu diếm việc bản thân rất hài lòng về mặt chính trị với quyết định của Facebook và Twitter. Những phát ngôn của Trump là quá nguy hiểm đến mức một biện pháp cực kì khắt khe phải được áp dụng để bảo vệ cho tính mạng con người và trật tự xã hội. Tất nhiên, tác giả cũng không hề phủ nhận rằng khi ủng hộ quyết định đó về mặt chính trị, tác giả cũng đang ưu tiên cảm giác an toàn, an ninh trên quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, đôi lúc cuộc sống bắt mọi người phải lựa chọn, đánh đổi, và hy vọng rằng cái mình đánh đổi không quá gây hại về sau. Trong câu chuyện này, nó cũng là một cuộc đánh đổi. Thiết nghĩ, khi không gian ngôn luận của Trump bị tổn hại trên nền tảng Twitter và Facebook thì tinh thần của tự do ngôn luận đã không được bảo đảm. Tinh thần của tự do ngôn luận đòi hỏi mở rộng sân chơi cho các ý tưởng được trao đổi, phản biện lẫn nhau. Nếu ngôn luận nào xấu và gây hại thì thay vì ngăn chặn nó từ đầu, biện pháp xử lý thay thế sẽ phải là bắt người phát ngôn chịu trách nhiệm với từng phát ngôn của mình. Khi đó, ít nhất quan điểm cũng đã được nói ra, được phán xét, được phản biện… và do đó, tính trung lập của tự do ngôn luận vẫn được đảm bảo.
Nhìn từ góc độ đó thì cần phải chấp nhận rằng Facebook và Twitter chặn đứng một tài khoản vì nó đã từng xách động bạo lực là một việc tuy có thể không khiến họ chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng lại trái với tinh thần của tự do ngôn luận, và do đó không nên được tung hô ở khía cạnh tự do ngôn luận. Một sự thật hiển nhiên rằng không phải phát ngôn nào của Trump cũng là xách động bạo lực và biện pháp “khoá miệng” cũng không khác gì một hình thức cắt lưỡi kẻ hay chửi bậy cả. Xoá bỏ những phát ngôn gây bạo lực là một biện pháp thoả đáng, bắt người phát ngôn chịu trách nhiệm cũng là một biện pháp thoả đáng, nhưng cấm người đó nói vì lo sợ rằng bạo lực sẽ lại xảy ra là một điều rất khác. Nó không chỉ làm tổn hại đến những quyền tự do ngôn luận của một ai đó, mà còn là mầm mống của việc lạm quyền, và cũng từ chối cho xã hội một cơ hội phản biện lại những ý tưởng điên rồ vẫn đang âm ỉ chảy. Chẳng phải chính sự ngăn chặn một cách khá vô tội vạ những phát ngôn bị gắn nhãn phân biệt chủng tộc hay phát ngôn thù hận đó đã khiến chủ nghĩa Trump tích tụ và bùng phát hay sao?
Tất nhiên, những tranh luận chúng ta đang có ở đây chỉ mang tính quan điểm. Nhưng có lẽ tranh luận đó đã đủ chín muồi cho một câu trả lời thỏa đáng. Gần 100 năm trước, khi chủ nghĩa cộng sản đe dọa nước Mỹ và mọi người lúng túng với sự lan truyền của những tờ rơi, truyền đơn, người ta cũng đã muốn kiểm duyệt nó. Nhưng nước Mỹ đã từ chối với niềm tin rằng tranh luận của họ sẽ chiến thắng, và họ đã chiến thắng.
100 năm sau, Internet là thứ còn thách thức hơn so với truyền đơn ngày xưa và nó đòi hỏi những câu trả lời mới, hoặc là lời khẳng định của những nguyên tắc cũ. Trump đã dành bốn năm trời để thuyết phục mọi người rằng ông làm tất cả là vì giá trị của nước Mỹ, nhưng điều thiết thực nhất ông có thể làm bây giờ cho nước Mỹ là một vụ kiện Facebook và Twitter. Hy vọng rằng nếu vụ kiện đó xảy ra, nước Mỹ vẫn sẽ chọn câu trả lời như cách mà thẩm phán Louis Brandeis của Tối cao Pháp viện đã khẳng định gần 100 năm trước:
“Rằng thông qua tranh luận, những ý tưởng học thuyết điên rồ sẽ bị đánh bại. Rằng kẻ thù lớn nhất của tự do chính là những con người bất động, vô tâm. Rằng tự do ngôn luận là nghĩa vụ chính trị và giá trị căn bản của chính quyền Mỹ. Họ cũng đã nhận ra những mối đe dọa mà các định chế do con người tạo ra có thể gây ra. Nhưng họ cũng hiểu rằng trật tự xã hội không thể được đảm bảo chỉ bằng nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm pháp luật; rằng sẽ là rất nguy hiểm nếu như ngăn cản những suy nghĩ, hy vọng và trí tưởng tượng; rằng nỗi sợ sinh ra áp bức, rằng áp bức sinh ra thù hận, rằng thù hận là mối đe dọa cho một chính phủ vững bền; rằng con đường dẫn đến sự an toàn nằm ở cơ hội được tự do thảo luận những bất bình đương nhiên và những hậu quả có thể xảy ra, và rằng giải pháp phù hợp nhất dành cho những lời biện hộ xấu chính là những tranh luận tốt.” (vụ Whitney v. California)
***
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.