Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Sự đa dạng tôn giáo có thể giúp củng cố, thay vì làm xói mòn trật tự chính trị.
Tóm tắt từ bài viết “Nation-building and Religion: A Q&A with Dr. Charles Keyes”, đăng ngày 29/08/2013 trên tạp chí Open Canada, thuộc Hội đồng Quốc tế Canada (Canadian International Council). Đây là bài phỏng vấn với Charles Keyes – giáo sư danh dự ngành nhân chủng học và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington. Từ đầu những năm 1960, giáo sư Keyes đã dành nhiều thời gian sinh sống ở Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia để thực hiện các nghiên cứu sâu rộng về nhiều đề tài tôn giáo và sắc tộc ở khu vực này.
Trong bài phỏng vấn, ông chia sẻ suy nghĩ của mình về vai trò của việc hình thành một nền tôn giáo công dân (civic religion) trong công cuộc kiến quốc thời hậu thuộc địa ở một số quốc gia, cụ thể là những quốc gia Đông Nam Á.
***
Theo giáo sư Keyes, khi các quốc gia thuộc địa giành được độc lập, lãnh đạo của những phong trào ái quốc phải đối mặt với một nhiệm vụ: định hình một thông điệp kiến tạo quốc gia. Thông điệp này không thể chỉ dừng lại ở việc chống chủ nghĩa thực dân, mà còn cần đủ thuyết phục để gắn kết đại đa số người dân của quốc gia đó. Trong nhiều trường hợp, tôn giáo được cho là một mẫu số chung.
Tuy nhiên, việc xây dựng một quốc gia trên nền tảng rằng người dân của đất nước đó đều theo đạo Phật, hoặc Công giáo, hoặc Hồi giáo là không đủ.
Có hai lý do chính cho vấn đề này. Thứ nhất, người dân sống trong một quốc gia thường có nhiều cách hiểu khác nhau về tôn giáo “chung”. Ví dụ, Siam (tên gọi trước đây của Thái Lan) và Burma (tên gọi trước đây của Myanmar) là hai nước có nhiều truyền thống Phật giáo đa dạng. Thứ hai, một tôn giáo bất kỳ cũng có thể là tôn giáo “chung” của nhiều dân tộc ở các quốc gia khác nhau.
Vì vậy, ở một số quốc gia, các lãnh đạo chính trị đã hợp tác cùng với lãnh đạo tôn giáo để hình thành nên một “quốc giáo” (national religion), hay còn gọi là “tôn giáo công dân (civic religion).
Các nỗ lực này tỏ ra thành công nhất ở những nơi mà:
(a) sự khác biệt địa phương có thể được bỏ qua,
(b) phần lớn người dân của một quốc gia được cho là cùng chia sẻ một tôn giáo chung,
và (c) sự cạnh tranh giữa các hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa không mạnh.
Ví dụ, Thái Lan và Myanmar đã có thể hình thành một nền Phật giáo quốc gia (national Buddhism). Trong khi đó, việc xây dựng tinh thần công dân dựa trên một nền tảng Hồi giáo chung tại các nước như Iraq, Syria, Pakistan… đến nay vẫn dường như bất khả.
Ngay cả trong những trường hợp “thành công” trong việc xây dựng chủ nghĩa dân tộc dựa trên một tôn giáo duy nhất, những nhóm thiểu số theo các tôn giáo khác cũng có nguy cơ bị đẩy xuống nhóm công dân hạng hai.
Chúng ta cùng thử phân tích trường hợp của hai quốc gia Đông Nam Á mà Phật giáo chiếm ưu thế, là Thái Lan và Myanmar.
Theo nhà xã hội học người Mỹ Robert Bellah và nhiều nhà nghiên cứu khác, các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Canada, và châu Mỹ Latin đều có một nền tôn giáo công dân gắn liền với đa dạng tôn giáo. Điểm chung của các nước này là dân số đa phần là người nhập cư từ khắp nơi. Còn đối với các quốc gia mà phần đông dân số là người bản địa, nhưng lại đa dạng về mặt tôn giáo, thì việc hình thành một quốc giáo được cho là khó khăn hơn. Khó khăn sẽ lại càng lớn hơn nếu như tôn giáo chiếm đa số được đặt làm tôn giáo “đích thực” duy nhất.
Trường hợp của Thái Lan có thể được xem là một ngoại lệ.
Vào cuối thế kỷ 19, vua Siam và các cố vấn chính của ông đã khởi xướng một chính sách hợp nhất quốc gia do vương triều kiểm soát. Chính sách này được đưa ra trong bối cảnh Siam đứng trước mối đe dọa phải hợp nhất với các quốc gia láng giềng để trở thành một phần của các đế quốc châu Âu.
Tuy nhiên, lãnh thổ của nhà vua Siam khi đó lại bao hàm nhiều nhóm dân tộc với nhiều bản sắc và tôn giáo đa dạng. Dù Phật giáo là tôn giáo thống trị, những người theo đạo Phật cũng thuộc nhiều truyền thống khác nhau, với ít nhất là bốn nhánh tách biệt. Ngoài ra, cũng có một số lượng đáng kể những người theo đạo Hồi và một số ít theo Thiên Chúa giáo.
Trong bối cảnh đó, Thái Lan đã có hai chính sách quan trọng giúp cho việc xây dựng thành công một nền tảng tôn giáo chung.
Đầu tiên, vào đầu thế kỷ 20, một sắc lệnh hoàng gia yêu cầu tất cả các nhà sư Phật giáo, bất kể họ theo truyền thống nào, phải công nhận thẩm quyền của một hệ thống sangha (giáo hội – monastic) dưới quyền quản lý của một sangha-raja (pháp chủ – patriarch) do vua Siam chỉ định. Mặc dù có một số phản đối với sắc lệnh này, cuối cùng tất cả các nhà sư trong nước đã chấp nhận là thành viên của một giáo hội Thái.
Tiếp đến, vào những năm 1930, thuật ngữ sāsanā (từ để chỉ các giáo lý của Đức Phật) được chính thức áp dụng cho các tôn giáo khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, đạo Phật chỉ là một trong nhiều sāsanā khác nhau. Người dân có thể hướng theo sāsanā trong đạo Hồi, hoặc sāsanā trong Thiên Chúa giáo, và đều được công nhận, ít nhất là về mặt pháp lý.
Hiểu một cách đơn giản, sāsanā đã trở thành nền tảng tôn giáo quốc gia của Thái Lan.
Đây là khác biệt rõ rệt so với những quốc gia Phật giáo khác, ví dụ như tại Sri Lanka, sāsanā chỉ được hiểu duy nhất theo nghĩa Phật giáo.
Vào thời điểm ban đầu, chủ nghĩa dân tộc của Thái Lan bao hàm toàn bộ người dân của nước này. Tuy nhiên, nhiều nhóm quyền lực liên tục tìm cách đẩy một số tín đồ của các tôn giáo khác xuống nhóm công dân hạng hai. Ngày nay, dù sāsanā chưa chính thức được định nghĩa lại, người ta ngầm hiểu là khái niệm này loại trừ những người Hồi giáo nói tiếng Malay, thuộc các tỉnh miền thâm Nam tại nước này.
Nằm trong cùng khu vực với Thái Lan và có nhiều điểm tương đồng, nhưng Myanmar lại gặp nhiều trắc trở trong việc kiến tạo một căn tính tôn giáo quốc gia mới.
Theo giáo sư Keyes, một nguyên nhân lớn là vì công cuộc kiến quốc thời hậu thuộc địa vẫn chưa được hoàn thiện ở Myanmar. Khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1949, phần lớn người dân của Myanmar theo đạo Phật. Tuy nhiên, không giống như ở Thái Lan, nhiều nhà sư không chấp nhận việc gia nhập giáo hội quốc gia.
Bên cạnh đó, đất nước Myanmar hậu thuộc địa cũng là ngôi nhà chung của nhiều nhóm sắc tộc đa dạng với nhiều tôn giáo và truyền thống khác nhau, chứ không riêng gì Phật giáo. Có thể kể đến những người dân sống tại hai tỉnh tự trị Mon và Shan – vốn có truyền thống khác biệt so với người Burma, những giáo dân Thiên Chúa giáo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng cao, hay những người Hồi giáo là hậu duệ của các nhóm dân có nguồn gốc từ Nam Á (như người Rohingya).
Đối với những nhóm dân tộc thiểu số này, cho dù tổ tiên của họ đã sống lâu đời tại các vùng đất hiện nằm trong lãnh thổ Myanmar, họ vẫn bị coi là những người di cư bất hợp pháp. Vào những năm 1950, Burma đã tiến hành đợt “thanh lọc sắc tộc” (ethnic cleansing) đầu tiên, khiến cho hàng chục nghìn người gốc Ấn bị buộc phải rời khỏi đây. Hầu hết không được phép lấy đồ đạc cá nhân, nhiều phụ nữ còn bị tước đi trang sức. Những người Burma gốc Ấn chủ yếu là tín đồ của Ấn Độ giáo, nhưng cũng có một số theo Hồi giáo.
Sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo và Ấn Độ giáo vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Họ thường được khắc họa như là một mối đe dọa đối với Phật giáo. Cũng có nhiều tiếng nói ủng hộ một đất nước Myanmar đa dạng tôn giáo, nhưng chúng yếu hơn nhiều so với những lời kêu gọi xây dựng căn tính quốc gia chỉ dựa trên nền Phật giáo Burma.
Tóm lại, có nhiều yếu tố tác động đến sự thành bại của nỗ lực xây dựng một nền tôn giáo quốc gia. Giáo sư Charles Keyes nhấn mạnh rằng không phải cứ đa dạng tôn giáo là sẽ có xung đột. Có nhiều khả năng để các xã hội xây dựng một nền tôn giáo chung theo cách vừa có thể đảm bảo một trật tự chính trị ổn định, vừa tạo không gian để một công dân thực hành tự do tín ngưỡng của mình. Xung đột sẽ chỉ xảy ra ở những xã hội dung dưỡng một nền dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi dựa trên nền tảng một tôn giáo thống trị duy nhất.