Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Công khai thừa nhận các sai lầm trong quá khứ là việc tối quan trọng để hòa giải dân tộc.
Lược dịch có chỉnh sửa từ bài viết “The building of a nation” đăng trên website của cơ quan thông tấn chính phủ Nam Phi năm 2014, nhân kỷ niệm 20 năm ngày quốc gia này giành được độc lập và thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Trong buổi lễ, Tổng thống Jacob Zuma công bố báo cáo hành trình 20 năm kiến quốc của đất nước này (1994 – 2014).
***
Khi chính quyền dân chủ đầu tiên được bầu lên vào năm 1994 tại Nam Phi, họ phải kế thừa một quốc gia bị chia rẽ với mức nghèo đói cao, bất bình đẳng và nạn phân biệt đối xử lan tràn, cùng với tình trạng phân phối thu nhập không đồng đều.
Tình trạng bất bình đẳng này phần lớn là kết quả của các chính sách phân biệt chủng tộc từ thời apartheid [nghĩa là apartness – sự chia cách trong tiếng Afrikaans]. Các chính sách này ngăn cản người dân da màu ở Nam Phi tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng và tham gia thị trường lao động chính thức, nhằm kìm hãm họ trong đói nghèo.
Người da màu có rất ít cơ hội để nắm giữ các vị trí quản lý hoặc trở thành chủ doanh nghiệp. Họ cũng không được tiếp cận nước sạch, dịch vụ vệ sinh, điện, và giao thông an toàn. Đất nước Nam Phi dân chủ cũng thừa kế một hệ thống giáo dục không đồng nhất, khi có 19 bộ giáo dục với các tiêu chuẩn khác biệt nhau.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Nam Phi đã đưa ra một kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, được gọi là Chương trình Tái thiết và Phát triển (Reconstruction and Development Programme – RDP). Đó là một dự án xây dựng quốc gia toàn diện với mục tiêu thay đổi đất nước cả về kinh tế, chính trị, và xã hội.
Trọng tâm của cuộc khủng hoảng trong nước là sự chia rẽ và bất bình đẳng trầm trọng do chế độ apartheid để lại. Công cuộc kiến quốc sẽ là cơ sở để xây dựng một nước Nam Phi vững mạnh, từ đó có thể hỗ trợ sự phát triển của toàn khu vực phía Nam châu Phi. Đó cũng là nền tảng để đảm bảo vai trò ảnh hưởng của Nam Phi trong cộng đồng quốc tế.
Công cuộc kiến quốc của Nam Phi bao gồm việc hình thành một căn tính chung, đồng thời công nhận và tôn trọng các sắc tộc, chủng tộc, và các nhóm dân cư khác nhau. Dự án lấy nền tảng là chủ nghĩa đa văn hóa, thừa nhận các quyền tự do văn hóa của các nhóm thiểu số.
Trong nỗ lực kiến tạo một quốc gia mới, Nam Phi chủ động trải qua một quá trình hòa giải dân tộc thông qua một ủy ban chuyên trách. Ủy ban Sự thật và Hòa giải (Truth and Reconciliation Commission – TRC) có nhiệm vụ ghi chép lại và công bố chi tiết của những sự kiện đau buồn trong quá khứ.
Việc công khai thừa nhận và đối mặt với những sai lầm trong quá khứ là một phần rất cần thiết của quá trình chữa lành những vết thương lịch sử.
Ủy ban Hòa giải và Sự thật đã giúp Nam Phi dễ dàng bước vào quá trình tái thiết và xây dựng quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để quốc gia này chuyển đổi một cách suôn sẻ từ chế độ apartheid sang nền dân chủ.
Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, được tổ chức thành công trong hòa bình năm 1994, cũng đã góp phần quan trọng vào việc gắn kết xã hội và xây dựng một căn tính quốc gia mới cho Nam Phi.
Cố Tổng thống Nelson Mandela là nhà lãnh đạo được hầu hết thành phần trong xã hội Nam Phi công nhận. Người dân thuộc mọi chủng tộc và giai cấp đều kính trọng ông. Chính Tổng thống Mandela là một phần quan trọng trong việc kiến tạo một căn tính quốc gia mới.
Đến năm 1996, các nền tảng để xây dựng một quốc gia mới đã được vun đắp thành hình, và các đạo luật apartheid cũng đã bị bãi bỏ.
Kể từ đó, Nam Phi thiết lập được một lãnh thổ vững chắc, một Hiến pháp mới và các biểu tượng quốc gia mới, gồm có quốc kỳ, quốc ca, và quốc huy – tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo một căn tính quốc gia bao trùm khắp đất nước.
Hiến pháp mới được xây dựng trên tầm nhìn về một nước Nam Phi với nền tảng văn hóa tôn trọng nhân quyền. Căn tính quốc gia của Nam Phi dựa trên các nguyên tắc cơ bản: chống lại phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc, thúc đẩy quyền công dân và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.
Trong suốt 20 năm qua, quốc gia này đã có nhiều biến chuyển để phù hợp với các tôn chỉ hiến định trên.
Một quyền cơ bản khác cũng được ghi nhận trong Hiến pháp là quyền được nói tiếng mẹ đẻ. Thay vì chỉ chú trọng tiếng Afrikaans và tiếng Anh, Nam Phi công nhận 11 ngôn ngữ chính thức. Chính phủ đưa ra các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các ngôn ngữ này, nhằm đảm bảo rằng mọi người đều được tạo cơ hội để giao tiếp bằng ngôn ngữ do họ lựa chọn.
Tháng 4/1999, Nam Phi ra mắt một danh sách quyền cử tri (common voter’s roll). Đây là một bước tiến quan trọng trong công cuộc kiến quốc, vì nó tượng trưng cho sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, theo như Hiến pháp quy định.
Chính phủ đã thúc đẩy ngành nghệ thuật của Nam Phi trở nên dung hợp hơn bằng cách đón nhận các di sản cũng như các nền văn hóa – nghệ thuật đa dạng của quốc gia này.
Kể từ năm 1994, nhiều địa điểm văn hóa và tổ hợp di sản đã được hoàn thành. Có thể kể đến như khu phức hợp Công viên Tự do (Freedom Park) kết nối với Đài tưởng niệm Voortrekker (Voortrekker Monument), bảo tàng mang tên Albert Luthuli [nhà hoạt động Nam Phi từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1961 – ND] ở KwaZulu-Natal, Bảo tàng Đảo Robben, và gần đây nhất là tượng Nelson Mandela tại Tòa nhà Liên hiệp (Union Buildings).
Dưới thời apartheid, Nam Phi bị cấm tham gia các hoạt động thể thao quốc tế. Các lệnh cấm vận đã khiến quốc gia này bị cô lập khỏi các cuộc thi đấu quy mô thế giới.
Mọi chuyện thay đổi kể từ năm 1994. Thể thao đã trở thành một nguồn lực hợp nhất tại Nam Phi. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới lĩnh vực này, bằng cách tăng cường và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đến các cơ hội thể thao cho tất cả mọi người.
Kể từ đó, Nam Phi đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế quan trọng. Có thể kể đến Giải Bóng bầu dục Thế giới (Rugby World Cup) năm 1995, Giải vô địch các Quốc gia châu Phi (Afcon) năm 1996, và đặc biệt là Cúp Bóng đá Thế giới (World Cup) vào năm 2010.
Những sự kiện thể thao quan trọng này như một chất keo gắn kết người dân Nam Phi lại với nhau. Chúng góp phần nuôi dưỡng một căn tính quốc gia bao quát và xây đắp một tinh thần hữu nghị giữa mọi người. Thể thao cũng góp phần đáng kể vào việc quảng bá Nam Phi như một điểm đến du lịch hấp dẫn.
“Trong khi các mối quan hệ sắc tộc đã được cải thiện kể từ thời kỳ apartheid, vẫn còn nhiều việc phải làm để vượt qua các định kiến và tăng cường sự hiểu biết, niềm tin, và sự tôn trọng giữa các nhóm chủng tộc,” bản báo cáo hành trình 20 năm kiến quốc của Nam Phi ghi nhận.
Từ năm 1994, Nam Phi đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo kỹ năng và phúc lợi xã hội. Các nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xóa nghèo và giảm thiểu bất bình đẳng sẽ ngày càng giúp tăng cường sự gắn kết xã hội ở quốc gia này.
***
Bài viết nằm trong chuỗi bài về chủ đề kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.
Hoan nghênh độc giả đóng góp cho chuỗi bài này. Mọi bài viết xin gửi cho Luật Khoa tại đây.