Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khác biệt lớn nhất là tổng bí thư đảng ở Lào quyết định nghỉ hưu.
Ngày 15/01/2021, Lào đã bế mạc Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11. Sự kiện này được tổ chức 5 năm một lần, hầu như cùng thời điểm với đại hội đảng của Việt Nam.
Trọng tâm của đại hội này là việc bổ nhiệm và thay thế các nhà lãnh đạo của đất nước, đồng thời đề ra một chiến lược kinh tế mới để đối đầu với các thách thức từ đại dịch COVID-19 và nguy cơ vỡ nợ công.
Đại hội 11 của Lào có 768 đại biểu tham gia, đại diện cho hơn 348.680 đảng viên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (Lao People’s Revolutionary Party – LPRP). Đây cũng là một đảng theo chủ nghĩa cộng sản.
Có nhiều điểm tương đồng giữa hai đại hội đảng của Lào và Việt Nam.
Đại hội 11 của Lào có nhiệm vụ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 71 ủy viên, sau đó lần lượt bầu ra tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tuy nhiên, các vị trí này đã được xác định từ trước đó, thông qua một quy trình “quy hoạch cán bộ” của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa trước. Đây cũng là cuộc đua giữa các gia tộc quyền lực và giới tinh hoa chính trị Lào với các lợi ích đan xen.
Đại hội đảng của Lào cũng hoạt động dựa theo nguyên tắc tập trung dân chủ (democratic centralism), chủ nghĩa bè phái (factionalism) và sự can thiệp của các bậc lão thành trong đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép tất cả đại biểu trong đại hội đảng được quyền bầu chọn, nhưng danh sách những người được bầu lại dựa theo “quy hoạch cán bộ” của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa trước.
Chủ nghĩa bè phái thể hiện qua việc các chính trị gia Lào muốn leo lên vị trí cao thì phải gia nhập các phe phái để có được sự bảo trợ. Mọi người cùng tương trợ nhau và cố gắng làm suy yếu phe đối địch.
Tương đồng cả về cấu trúc lẫn cách thức tổ chức, nhưng đại hội đảng của Lào có những kết quả khác biệt so với đại hội đảng của Việt Nam.
Khác biệt đáng kể nhất là việc thay máu bộ máy lãnh đạo.
Theo kết quả của Đại hội 11, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Bounnhang Vorachit nghỉ hưu, mở đường cho các thế hệ lãnh đạo trẻ của đất nước lên nắm quyền. Ông là một trong những thành viên cuối cùng của thế hệ lão thành cách mạng trong đảng.
Nhân vật số hai trong đảng, Thủ tướng Thongloun Sisoulith được bầu làm tổng bí thư. Ông được dự đoán sẽ nắm giữ vị trí chủ tịch nước trong đợt bầu cử Quốc hội Lào sắp tới vào tháng 2/2021.
Bộ Chính trị mở rộng từ 11 lên 13 thành viên. Có 31 trong số 69 ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa trước đã không được bầu lại, nhường chỗ cho người mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới đã có tổng cộng 43 ủy viên mới, bao gồm 33 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết.
Sự thay đổi này cho thấy Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện đang nỗ lực trẻ hóa nhân sự, một phần do các lãnh đạo cũ bị chỉ trích vì thiếu sáng tạo và không can đảm giải quyết các vấn đề mới.
Lần đầu tiên, những người đứng đầu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào không phải là cựu quân nhân và chính ủy cách mạng nữa, mà là các kỹ sư và nhà giáo với phong cách kỹ trị.
Tổng bí thư nhiệm kỳ mới, Thongloun Sisoulith, từng là một giáo viên khi tham gia cách mạng. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Mặt trận Lào yêu nước (Lào), sau đó học thạc sỹ ngành ngôn ngữ – văn học tại Học viện Giáo dục Gerzen (Liên Xô) và tiến sỹ ngành lịch sử quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội (Liên Xô).
Khi còn làm thủ tướng, ông Sisoulith đã nỗ lực kiềm chế sự lộng hành của các quan chức tham nhũng. Tuy nhiên, cuộc vận động chống tham nhũng của ông không bỏ tù được các quan chức cấp cao như chiến dịch “đốt lò” của Việt Nam và “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc.
Khi nắm quyền tổng bí thư, ông Sisoulith có thể sẽ chống tham nhũng mạnh mẽ hơn. Nhưng điều này khó xảy ra. Các gia tộc chính trị quyền lực ở Lào có quan hệ hôn sự với nhau, với tỷ lệ cao hơn so với Trung Quốc và Việt Nam. Tham nhũng mang lại lợi ích cho hầu như toàn bộ tầng lớp tinh hoa chính trị Lào. Bất kỳ nỗ lực bài trừ tham nhũng nào đều đi ngược lại lợi ích của các gia tộc quyền lực ở Lào.
Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có hơn 7 triệu dân, với mức thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 2.500 USD. Đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế ảm đạm nhất trong vòng hơn 20 năm qua.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào tháng 01/2021 cho biết: “Dịch COVID-19 bùng phát đã làm tốc độ tăng trưởng chậm lại, đẩy nền kinh tế Lào vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998”.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng trong năm 2020, Lào tăng trưởng âm, ở mức -0,6% GDP. Đại dịch đã ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và tiến độ xóa đói giảm nghèo của Lào. Tỷ lệ nghèo đói tăng lên ít nhất 1,7% vào năm 2020, so với kịch bản không có COVID-19.
Thu ngân sách giảm mạnh khiến tình hình tài khóa và nợ công ngày càng xấu đi. Năm ngoái, chính phủ đã phải vật lộn để thực hiện các khoản thanh toán theo lịch trình cho Trung Quốc (chủ nợ lớn nhất của Lào) và cả các nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Lào ở thị trường trái phiếu Thái Lan.
Tại Đại hội 11, Tổng Bí thư Thongloun Sisoulith đã vạch ra một kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm tiếp theo. Mục tiêu của kế hoạch là tăng trưởng kinh tế hàng năm 4% đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.887 USD/năm vào năm 2025.
Mối quan hệ “đối tác đặc biệt” với Việt Nam vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong truyền thống chính trị của Lào. Liên kết này chủ yếu được các cựu quân nhân và các nhà lão thành cách mạng của hai nước gìn giữ.
Tuy vậy, Lào hiện đang nghiêng về phía Trung Quốc. Nước này đang rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.
Lào đang tiến hành xây thêm các con đập thủy điện để thực hiện mục tiêu phát triển, và cũng để làm hài lòng chủ nợ lớn của mình. Các quan chức Lào hiện đang xem Trung Quốc là một hình mẫu phát triển lý tưởng, mặc dù họ đều được đào tạo ở Việt Nam.
Việt Nam có thể sẽ không hài lòng khi chứng kiến Lào phát triển quan hệ với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Lào sẽ phải khéo léo cân bằng giữa Trung Quốc và Việt Nam, và cố gắng không làm Việt Nam cảm thấy khó chịu.