‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chúng ta không thiếu thời gian tiêu khiển giải trí, nhưng lại quá thiếu thời gian nhàn hạ đúng nghĩa.
Triết học của sự nhàn hạ (philosophy of leisure) là một trong những chủ đề ít được quan tâm nhất trong hằng hà sa số những thảo luận triết học tự cổ chí kim. Phải đến tận cuối thế kỷ 20, với sự bùng nổ của các ngành công nghiệp giải trí, người ta mới bắt đầu xem xét liệu có một ý nghĩa to lớn nào đằng sau nhu cầu giải trí của con người hay không? Và liệu rằng sự nhàn hạ có gắn kết gì với hạnh phúc (happiness), tiêu khiển (recreation), và phát triển cá nhân (self-development)?
Giáo sư Annette Holba (Đại học Plymouth) là một trong những tác giả hiện đại hiếm hoi bàn luận về nhàn rỗi. Trong quyển “Nhàn hạ triết học” (Philosophical leisure), bà đặt ra khái niệm như trong tiêu đề quyển sách và phân biệt chúng với các hoạt động giải trí.
Theo đó, nhàn rỗi là cách con người biểu đạt như một thực thể còn sống, còn tồn tại. Các hoạt động trong thời gian nhàn rỗi cần tập trung vào việc phục hồi tâm tính trong thời đại khủng hoảng về giao tiếp của loài người (the great crisis of human communication).
Holba nhận định, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã từng hứa hẹn sẽ giúp giải phóng con người, giúp họ tập trung vào các mối quan hệ giữa người với người, và vào chính bản thân mình. Tuy nhiên, chính công nghệ quay trở lại gặm nhấm nhiều thời gian của chúng ta hơn, bắt chúng ta lo âu nhiều hơn và quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt hơn.
Nhàn hạ triết học do đó là cách thức nuôi dưỡng tâm hồn của con người.
Vì lý do này, nhàn hạ và giải trí không phải lúc nào cũng đồng nhất.
Tiêu khiển, thư giãn (relaxation) hay giải trí (entertainment) có thể được dùng thay thế cho nhau để chỉ những hoạt động gián đoạn của một cuộc sống công nghiệp (industrial life). Chúng là một cách để con người tách biệt mình khỏi những bận rộn thường nhật, song họ cũng nhanh chóng phải trở lại đối mặt với những áp lực đó. Tiêu khiển, thư giãn hay giải trí, vì vậy, không phải là câu trả lời cho sự bận rộn của loài người.
Nhàn hạ, như Holba nói, là một phạm trù bản thể, là một cách tồn tại song song với thế giới của con người. Bà kết hợp quan điểm triết học Hy Lạp (mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây) với khái niệm “silentium” (“silence”/ tĩnh lặng, như trong triết học Pieper). Holba cho rằng sự nhàn hạ không nên chỉ là thời gian rảnh, một kỳ nghỉ mát, một chiều cuối tuần. Nhàn hạ là một dạng thái độ và tinh thần sống, khi con người rơi vào lặng im nhằm tiếp thu, chiêm nghiệm hay tìm cách lý giải hiện thực đời sống.
Hiểu và thành công trong thực hành nhàn hạ triết học là một trong những cách để làm giàu cho đời sống tâm hồn của một người. Làm được điều đó, người ta sẽ không cần mong chờ những sự “gián đoạn” gấp rút nữa.
Nghiên cứu về nhàn hạ cũng được giới thiệu trong quyển “Hiểu về nhàn hạ” (Constructing leisure) của giáo sư Karl Spracklen. Trong sách, Spracklen xem xét cấu trúc của khái niệm này và cân nhắc yếu tố lịch sử của nó.
Ông cho rằng sự nhàn hạ không nhất thiết là một hiện tượng phát sinh từ quá trình công nghiệp hóa từ thế kỷ 17 – 18. Thay vào đó, nhàn hạ là tư duy của loài người khi họ đối diện với nghịch lý giữa tự do và ràng buộc (paradox between freedom and constraint). Vì vậy, nhàn hạ mang tính phổ quát, bản chất của loài người, thay vì là một hệ quả của hiện đại hóa hay hậu hiện đại (postmodernity).
Ý nghĩa và mục tiêu của sự nhàn hạ là một minh chứng cho quyền tự quyết và danh tính của loài người.
Các thảo luận triết học nghiêm túc liên quan đến nhàn hạ, như mọi khi, được xem là khởi nguồn từ các triết gia Hy Lạp cổ đại.
Plato cho rằng mục tiêu của nhân loại là quá trình tìm kiếm “sự thật”, và chìa khóa của một cuộc sống đẹp (a good life) là quá trình tìm kiếm ý nghĩa bằng độc thoại và đối thoại.
Con người cần dành thời gian để tập suy nghĩ, tập chiêm nghiệm, tập lý luận triết học và phát triển bản thân. Ông thường gọi thời gian để làm những việc này là thời gian nhàn hạ (một định nghĩa mà người viết cho rằng có phần cực đoan), và bản thân các hoạt động nói trên là một phần của chặng đường tìm kiếm hạnh phúc.
Sự nhàn hạ, theo cách tiếp cận của Plato, cũng chính là một phần của trò chơi người lớn (adult’s play), tương tự như trò chơi con trẻ (child’s play). Nếu trò chơi con trẻ là thời gian để trẻ con tập tham gia và hoạt động trong tập thể, tưởng tượng, phát triển tư duy cá nhân… thì trò chơi người lớn khi nhàn hạ bao gồm nghiên cứu triết học, tranh luận công cộng (public debating), tham gia thể thao và chơi âm nhạc.
Với cách nhìn này, Plato cho rằng nhàn hạ chỉ có ý nghĩa khi chúng phục vụ cho sự phát triển lành mạnh của đạo đức và trí tuệ. Đó là thứ giúp thời gian nhàn hạ của con người khác biệt sự khỏi lộn xộn và đen tối của thế giới thực tại.
Aristotle lại không nhìn sự nhàn hạ (“skhole” trong tiếng Hy Lạp) dưới lăng kính quá nghiêm khắc như Plato, song cũng không quá khác biệt.
Ông cho rằng con người bị quá nhiều giới hạn và kìm nén trong công việc và sự nghiệp, ngăn cản họ có một cuộc sống đẹp. Sống đẹp, theo ông, là cuộc sống không gắn liền với công việc.
Nhưng không gắn liền với công việc không có nghĩa là hưởng thụ một cách vô nghĩa. Đời sống có ý nghĩa, theo Aristotle, là khi một người tham gia chủ động vào những các hoạt động tranh luận, diễn thuyết, âm nhạc, kết nối bạn bè, thể thao và công dân. Chỉ có như vậy thì con người mới có thể đạt được sự hoàn thiện về đạo đức, thành tựu về trí tuệ, sự thấu hiểu và thông thái.
Ông khẳng định thêm rằng con người sẽ chỉ cải thiện và đạt được nền tảng hoàn hảo của hạnh phúc khi có một trí tuệ xuất sắc, hoặc ít nhất là một hiểu biết thông tuệ.
Biết nhiều hơn là chìa khóa giúp người ta hạnh phúc hơn – một góc nhìn vô cùng thú vị.
Song không phải ai cũng tiếp cận với nhàn hạ theo cách của các triết gia Hy Lạp cổ đại. Những người La Mã – hàng xóm, và cũng là đồ đệ của các triết gia Hy Lạp – không cho rằng nhàn hạ có nhiệm vụ hoàn thiện bản thể con người ghê gớm phía sau nó.
Họ chia ra hai thái cực gồm “otium” (hay leisure/ nhàn rỗi) và “negotium” (hay business/ công việc).
Trong đó, otium đơn thuần chỉ là mặt phụ trợ cho negotium. Otium giúp con người hồi phục sức khỏe, thư giãn đầu óc… trước khi trở lại các hoạt động thương mại, các công việc kiếm lời hay tạo ra sản phẩm, thậm chí là trước khi ra trận. Negotium mới là gốc gác tạo nên hạnh phúc của con người. Điều này được phản ánh trong triết học của Cicero hay Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius.
Sự xung đột này bắt đầu với phong trào cải cách tôn giáo của phe Kháng Cách (Protestant Reformation) và phong trào văn hóa nghệ thuật Phục Hưng (Renaissance).
Phong trào Kháng Cách thay đổi cách nhìn của người dân Châu Âu về đạo đức và vai trò của chủ động lao động, đạo đức lao động và tự do sở hữu, vốn khác biệt hoàn toàn với thế bị động trong môi trường phong kiến giáo hội cũ. Trong khi đó, phong trào Phục Hưng lại “dân chủ hóa” các nội dung trước kia chỉ thuộc về giới tinh hoa như âm nhạc, kịch nghệ, thể thao, văn thơ và nghệ thuật nói chung.
Một số triết gia Phục Hưng, như Michel de Montaigne, tiếp tục nhấn mạnh sự nhàn hạ của con người là vô cùng cần thiết cho quá trình suy ngẫm cô độc (solitude’s contemplative reflection). Nó là con đường dẫn đến kiến thức, trí tuệ, chuyển đổi nội tâm và sự hài lòng với cuộc sống. Có thể thấy ảnh hưởng lớn của Aristotle trong cách tiếp cận của Montaigne.
Ngược lại, các thương chủ, với sự ủng hộ của các giáo lý mới, nhấn mạnh vai trò và mục tiêu tiên quyết của con người trong tham gia lao động, tham gia sản xuất và tạo ra của cải.
Các triết gia tư bản lớn cũng phản bác vai trò hay sự cần thiết của nhàn rỗi.
Ví dụ, Rousseau gắn kết nhàn rỗi với lối sống xa hoa, có thể dẫn đến sự bần cùng của cả nhà nước lẫn công dân.
Kant cũng cho rằng nhàn hạ chính là lười biếng, bởi nó hoàn toàn trái ngược với công việc, sự nghiệp và năng suất lao động. Theo Kant, nhàn hạ có hại cho cả thể xác lẫn tinh thần của con người.
Nhà tư tưởng theo chủ nghĩa thực dụng (utilitarianism) như Bentham thì cho rằng chỉ có bận rộn trong công việc mới có thể được xem là tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả, năng suất; trong khi dùng thời gian dành cho nhàn hạ thì không thể đánh giá được gì cả.
***
Nói dông dài, nhìn lại Tết tại Việt Nam (và thật ra cũng là các kỳ lễ hội trên khắp thế giới), nhìn lại áp lực mà những “kỳ nghỉ” này đặt lên vai của người trưởng thành, khó mà cho rằng nhân loại đang có một sự nhàn hạ đúng mực theo tiêu chuẩn của các cổ nhân Hy Lạp.
Chúng ta không thiếu thời gian cho các hoạt động tiêu khiển, thư giãn và giải trí, nhưng dường như không tìm đâu ra thời gian để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn.