Hồ sơ biến đổi khí hậu – Kỳ 7: Vì sao, vì sao, và vì sao

Ba câu hỏi để bắt đầu ngụp lặn tìm hiểu về những vấn đề môi trường.

Hồ sơ biến đổi khí hậu – Kỳ 7: Vì sao, vì sao, và vì sao
Ảnh minh họa: Rocketspace.

Đây là bài cuối cùng trong loạt hồ sơ về biến đổi khí hậu – những bài viết lần lại cuộc vật lộn của các nhà khoa học với những người khăng khăng chối bỏ các bằng chứng về tác động tiêu cực của con người đến môi trường.

Bài cuối cùng này được đăng 13 tháng sau khi tôi gửi bản thảo đầu tiên của những bài trước đó đến Luật Khoa.

Hơn một năm trước, tôi bắt đầu tìm hiểu về các vấn đề môi trường.

Dĩ nhiên trước đó, tôi đã có nghe, đọc và xem nhiều thông tin về tình trạng môi trường (ngày càng tồi tệ) ở khắp nơi. Cách đây đúng hai năm, tôi cũng đã viết bài đầu tiên về chủ đề môi trường được đăng trên Luật Khoa.

Nhưng hiểu biết của tôi về các vấn đề môi trường chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Nó còn như được phủ thêm mây mù mỗi khi nghe ai đó nhắc đến “biến đổi khí hậu”, cùng những tranh cãi ồn ào xung quanh.

Tôi tò mò không biết vì sao những bạn trẻ như Greta Thunberg lại giận dữ đến vậy. Tôi thắc mắc không biết những người dè bỉu các bạn trẻ đó đang dựa trên điều gì.

Tôi quyết định phải tự tìm hiểu.

“Phải có ai đó làm việc này”. Chân dung Greta Thunberg. Nguồn: E. Lian/ The New Yorker.

Trong gần ba tháng sau đó, tôi lặn sâu để nghiền ngẫm ba quyển sách, vài chục bộ phim tài liệu, và vài trăm bài viết trên các tờ báo cùng tạp chí khác nhau.

Ban biên tập của Luật Khoa hẳn đã tưởng rằng tôi gặp chuyện, khi không thấy động tĩnh gì, cũng không trả lời liên lạc (xin lỗi các bạn lần nữa vì đã “chết” trong suốt thời gian đó).

Kết quả của vài tháng ngụp lặn là loạt bài 13 kỳ với gần 60.000 từ.

Nó đã được các biên tập viên của Luật Khoa cần mẫn góp ý, chỉnh sửa, và cắt bớt (có bài cắt đến 3.000 chữ), để đăng tải trong gần ba tháng qua.

Đó là những bài thuộc loạt hồ sơ biến đổi khí hậu này, cùng những bài viết về khủng hoảng nhựa, về cuộc khủng hoảng nước sạch, về thực trạng tắm máu rừng, về những con người bịt tai che mắt trước các thảm họa môi trường mà mình có phần hùn trong đó, và về định nghĩa rốt cuộc thế nào là văn minh.

Vẫn còn ít nhất ba bài nữa trong bản thảo chưa có kế hoạch đăng.

Những chia sẻ này không phải để khoe khoang.

Khoảng thời gian tìm hiểu ngắn ngủi đó cùng loạt bài viết này tất nhiên không biến tôi thành một chuyên gia. Vẫn còn hàng chục cuốn sách, hàng trăm phim tài liệu, và hàng ngàn bài nghiên cứu cần phải gặm nhấm để có thể xóa bớt mây mù trong đầu.

Và phải chờ đến tận cách đây một năm mới chịu đi tìm hiểu chân tơ kẽ tóc về một trong những vấn đề nghiêm trọng, nếu không muốn nói là vấn đề nghiêm trọng nhất của nhân loại ngày nay – đó chắc chắn cũng không phải chuyện gì đáng tự hào.

Những chia sẻ này chỉ để khẳng định lại một chân lý giản dị: không thể hiểu biết về một vấn đề gì nếu không chịu bỏ công sức tìm hiểu.

Và người ta không thể tìm hiểu những vấn đề nghiêm túc này ở mạng xã hội – nơi mà quá nhiều người sống trong ảo ảnh vô hạn về kiến thức vĩ đại của bản thân. Những vấn đề này cũng không thể chỉ được hiểu qua các bài viết giản lược trên báo, kể cả có là những bài dài đọc mãi không hết như trên Luật Khoa.

Nhà khoa học Rachel Carson và cuốn sách Silent Spring (1962) với các bằng chứng gây chấn động về ảnh hưởng của hóa chất lên hệ sinh thái. Ảnh: Population Connection.

Tri thức thật sự chỉ có thể đến từ các quyển sách, các công trình nghiên cứu khoa học, các nỗ lực điều tra nghiêm túc mà nhiều người đã dành tâm huyết cả đời để thực hiện, nhằm bảo vệ sự thật, bất chấp mọi lời ong tiếng ve, kể cả nguy hiểm dành cho bản thân mình.

***

Bài viết này không phải để tổng hợp lại các nội dung của những kỳ trước.

Nếu cần có một câu tổng hợp, thì đó chỉ có thể là: hãy đọc sách, và hãy đọc đúng sách.

Kỳ cuối của loạt bài sẽ chỉ nói về ba câu hỏi vì sao – những câu hỏi tôi muốn tự giải đáp trong quá trình tìm hiểu về chủ đề này.

Vì sao vấn đề này gây tranh cãi?

Nếu đã theo dõi từ kỳ đầu tiên, bạn sẽ nhận ra một mô típ xuất hiện lặp đi lặp lại.

Các nhà khoa học tìm hiểu, phân tích, chứng minh và công bố các kết luận. Những người không ưa các kết luận đó tìm mọi cách để phản bác, thậm chí đổi trắng thay đen.

Những gì các nhà khoa học phát hiện và chia sẻ thì chỉ phổ biến loanh quanh trong giới làm khoa học. Trong nhiều trường hợp, các vấn đề đó thật sự phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu, kiểm tra rồi kiểm chứng và sau đó là đồng kiểm mới ra được kết luận.

Các kết luận này, trái với ấn tượng sai lầm của nhiều người về khoa học, không bao giờ là “chân lý tuyệt đối”. Nó là kết quả từ (1) hiểu biết về cách thế giới thực vận hành, (2) các dữ liệu thực tế thu thập được, và (3) suy luận logic rút ra về các mối quan hệ giữa chúng. Nó không tuyệt đối vì hiểu biết của con người luôn có giới hạn và thế giới thì luôn thay đổi. Nhưng nó luôn luôn dựa trên thực tế.

Ngược lại, những thông tin cắt xén, thêm dầu bớt mỡ, phủ nhận khoa học thì lại cực kỳ phổ biến, chui vào đến tận giường ngủ hay toilet của mỗi người.

Có rất nhiều lý do để tin giả, tin nhảm và tin rác có thể đè bẹp tin thật.

Một phần vì chúng rất dễ tạo ra: nghiên cứu chứng minh được một vấn đề có khi mất cả đời, còn ba hoa chém gió gieo nghi ngờ thì chỉ tốn vài giây.

Tranh minh họa những người kiên quyết bác bỏ các bằng chứng về biến đổi khí hậu. Nguồn: Steve Sack/ Star Tribune. Việt hóa: Luật Khoa.

Phần khác vì người ta có lý do để tạo ra chúng. Những bằng chứng về tác hại của con người gây ra đối với môi trường đều dẫn đến một kết luận hiển nhiên: phải thay đổi.

Đối với nhiều người, thay đổi thường là chuyện đáng sợ. Phải thay đổi vì những việc mình làm gây ra hậu quả xấu, điều này còn đáng sợ hơn.

Nó đồng nghĩa với việc túi tiền của các ông chủ công nghiệp nhẹ bớt đi, trách nhiệm của các quan chức nặng nề thêm, còn mỗi người thì phải thay đổi lối sống tiện nghi, hưởng thụ vô hạn độ và bắt đầu tự vấn về hậu quả từ từng hành động của mình.

Đối với nhiều người, đó là viễn cảnh hết sức đáng sợ.

Một lý do quan trọng nữa, như kỳ đầu tiên về cuộc chiến thuốc lá đã minh họa: phải mất rất lâu, có khi là cả đời, con người mới nhìn thấy được hậu quả từ những chuyện mình làm.

Cũng như chuyện phì phèo khói thuốc không làm ai chết ngay tại chỗ, việc thiêu đốt nhiên liệu hóa thạch, thải khói bụi ra không khí, lạm dụng hóa chất, tàn phá rừng, phung phí nước vô tội vạ… đều không có bất kỳ hậu quả tức thời nào.

Nhờ vậy, những ai không muốn đối diện với thực tế luôn có cái cớ hoàn hảo để tiếp tục chui trong vỏ ốc của mình, đẩy phần trách nhiệm lại cho kẻ khác. Tôi gọi những người này là các “học viên quan tài” – thấy quan tài vẫn không đổ lệ, không phải vì họ dũng cảm gì, mà ngược lại, vì quá sợ hãi nên tự huyễn hoặc rằng chẳng tồn tại cái quan tài nào cả.

Tóm lại, những chuyện này gây tranh cãi không phải vì nó phức tạp.

Chỉ cần chịu bỏ thời gian ra tìm hiểu, một người có khả năng tư duy ở mức trung bình (như tôi) cũng có thể nhìn ra vấn đề.

Nó gây tranh cãi chỉ đơn giản vì có nhiều người không dám đối diện với sự thật.

Vì sao có những người rất thông minh vẫn phủ nhận biến đổi khí hậu đến cùng?

Xuyên suốt loạt bài hồ sơ, bên cạnh những nhà khoa học làm công việc của mình, luôn xuất hiện một nhóm các nhà khoa học khác tìm mọi cách công kích các đồng nghiệp, gieo rắc nghi ngờ trong công luận.

Đi đầu trong số đó là những người như Frederick Seitz, William Nierenberg, Fred Singer, Dixy Lee Ray… Họ không phải là những kẻ vô danh tiểu tốt. Ngược lại, họ đều là những người xuất chúng, nếu không muốn nói là thiên tài, trong các lĩnh vực của mình.

Seitz, Nierenberg, Singer là những nhà vật lý lừng danh, đứng đầu hoặc giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các viện hàn lâm. Dixy Lee Ray là nhà động vật học, từng đứng đầu Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, còn làm qua cả thống đốc bang Washington.

Dixie Lee Ray, nhà khoa học, người phụ nữ đầu tiên giữ chức thống đốc bang Washington, Hoa Kỳ. Bà là một thành viên nhiệt thành của phe chối bỏ biến đổi khí hậu. Ảnh: Washington State Archives.

Điểm chung là họ không quan tâm các tác hại của từng vấn đề môi trường riêng rẽ. Họ phản bác nhằm phủ nhận toàn bộ phong trào bảo vệ môi trường.

Đối với họ, những người kêu gọi bảo vệ môi trường là những kẻ kích cuồng (alarmist). Không những vậy, bất kỳ ai ủng hộ các chính sách kiểm soát môi trường đều là những quả dưa hấu – xanh ở bên ngoài nhưng đỏ ở bên trong – một ẩn dụ để chỉ “cộng sản nằm vùng”.

Những nhà khoa học này, trưởng thành trong và sau Thế chiến II, sống trong hiểm họa cộng sản thời Chiến tranh Lạnh, xem phong trào bảo vệ môi trường là một âm mưu của cộng sản để phá hoại mô hình kinh tế xã hội tự do của phương Tây.

Họ không chấp nhận bất kỳ bằng chứng tiêu cực nào về mô hình vận hành của thị trường tự do, vì điều đó đe dọa lý tưởng hoàn hảo của họ.

Những người này chống lại các bằng chứng khoa học về môi trường không phải bằng lý lẽ, mà bằng đức tin, và cả đam mê.

Cùng với những người khác, họ tự gọi mình là “phe hoài nghi” (skeptics). Đó là cách tự định vị rất thông minh, khi hoài nghi là một yêu cầu phải có của những người làm khoa học.

Nhưng những người phủ nhận biến đổi khí hậu “quên” đi nguyên tắc cơ bản nhất của hoài nghi trong khoa học: phải luôn chất vấn niềm tin của bản thân.

Đó là khác biệt cơ bản giữa những người có đầu óc khoa học và những ai chỉ mượn danh khoa học.

Không dựa trên khoa học, không dựa trên thực tế, chống lại bất kỳ thứ gì trái với niềm tin, với đức tin của mình, họ biến mọi vấn đề trở thành câu chuyện “thiện ác đối đầu”.

Nhờ vậy, họ có thể tự cho phép mình bất chấp tất cả để chống lại “cái ác”.

Càng thông minh, họ càng nguy hiểm.

Vì sao tôi phải quan tâm?

Ngoại trừ nhu cầu như nhiều người khác – cần không khí sạch, nước sạch, và một môi trường sống bền vững cho mọi sinh vật – tôi quan tâm đến các vấn đề môi trường đơn giản vì tò mò và vì ghét những thứ dối trá, bất kể nó có màu gì.

Tìm hiểu về môi trường, đặc biệt là hồ sơ biến đổi khí hậu, giúp tôi hiểu lý do đằng sau rất nhiều những câu chuyện khác.

Cách những ông chủ công nghiệp cùng những nhà khoa học đánh thuê gieo rắc nghi ngờ trong công luận, để rồi sau đó dùng chính những phản ứng của công luận đó để hô lên rằng “thấy chưa, dư luận vẫn còn đang tranh cãi” là một điển hình của “circular reasoning” – lập luận vòng vo, hay một kiểu vừa ăn cắp vừa la làng.

Chúng ta thấy nó lặp lại hàng ngày ở mọi nơi. Như trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, khi Donald Trump liên tục đăng đàn tố cáo gian lận (mà không đưa ra được bằng chứng), để rồi khi những người ủng hộ ông hừng hực chia sẻ các thông tin này, Trump lại dùng nó để chứng minh “ai cũng nói có gian lận kìa”, và từ đó là “phải có lửa mới có khói”.

Nó cũng tương tự như cách các chính quyền độc tài kiểm soát truyền thông, tuyên truyền một chiều và rồi dùng chính những thông tin mình góp phần sản xuất ra đó để chứng minh “dân một lòng theo Đảng”.

Biến đổi khí hậu đang xảy ra, bất chấp người ta có tin hay không. Ảnh: Dunk/ Flickr.

Tìm hiểu về những nhà khoa học lừng danh ở Mỹ, bất chấp tất cả phủ nhận các bằng chứng về biến đổi khí hậu, cũng chỉ ra mối liên hệ với những người rất có trình độ ở Việt Nam. Những người này cũng bất chấp mọi thứ chụp lên các phong trào bảo vệ môi trường chiếc mũ “cánh tả”.

Họ đều là những người chống lại thực tế bằng đức tin và cả đam mê. Mọi bằng chứng khoa học, vì vậy, đối với họ đều là vô nghĩa – trừ phi nó ủng hộ cho lý tưởng và đức tin của họ.

Tất nhiên bạn có thể quan tâm đến vấn đề môi trường vì những lý do hoàn toàn khác, hoặc thậm chí, bạn không cần quan tâm đến nó.

Những người hăng hái nhất trong việc phủ nhận biến đổi khí hậu ở các thập niên trước (như các nhà khoa học ở trên) đa phần đã chết cả. Và họ không phải chịu hậu quả gì cho các hành động của mình.

Những tác động xấu về môi trường hiện tại mới chỉ xảy ra ở một số khu vực địa lý nhất định. Đa phần nhân loại vẫn chưa thấy hậu quả trực tiếp từ biến đổi khí hậu.

Thế hệ tương lai, những người sẽ sống hai, ba mươi năm nữa mới cảm nhận rõ được điều đó – hoặc nơi sinh sống của họ sẽ chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, hoặc họ sẽ phải đối diện với làn sóng di dân ồ ạt từ những vùng bị ảnh hưởng tràn sang.

Nếu may mắn, có thể chết sớm trước khi phải chứng kiến những hậu quả này, bạn không cần phải quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Nhưng có thể sẽ có lúc nào đó bạn nghĩ rằng mình cũng muốn làm giống như những người Hy Lạp từng nói, để lại một xã hội tốt đẹp hơn khi “người lớn trồng lên những cái cây mà họ biết rằng mình sẽ không bao giờ ngồi dưới bóng mát của nó”.

Nếu có lúc đó, bạn cần bắt đầu tìm hiểu, và hành động, ngay từ bây giờ.


Mời bạn đọc toàn bộ loạt bài Hồ sơ biến đổi khí hậu:
Kỳ 1: Chìm trong khói thuốc
Kỳ 2: Khám phá về mưa axit
Kỳ 3: Ai phá hoại bằng chứng về mưa axit?
Kỳ 4: Tầng ozone thủng, phát hiện chấn động về CFC và những bàn tay che mắt vá trời
Kỳ 5: Đào mộ minh oan cho hóa chất gây hại
Kỳ 6: Xóa dấu vân tay của con người
Kỳ 7 và hết: Vì sao, vì sao, và vì sao

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.