‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Các định nghĩa về chính đảng xưa nay dường như xa lạ với mô hình Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức kết thúc, để lại nhiều “dư vị” đối với các đảng viên của riêng họ. Tuy nhiên, trong quần chúng nhân dân, không ít người vẫn thắc mắc, quan hệ giữa đảng với nhà nước cuối cùng là thế nào? Có một vài bạn trẻ còn không phân biệt được chính đảng (“political party”), hội nhóm (“association”), công đoàn (“union”) hay tổ chức dân sự (“civil organisation”).
Khó lòng mà trách cứ các bạn trẻ tôi từng gặp, hoặc kể cả những người lớn tuổi hơn. Đối với họ, đảng chính trị (mà cụ thể là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã trở thành một phần gắn liền với công cụ quản lý quốc gia.
Bài viết này kỳ vọng có thể cung cấp một cái nhìn cơ bản về lịch sử và ý nghĩa của thuật ngữ chính đảng, hay “political party”.
Chính đảng không phải lúc nào cũng có chỗ đứng trong lịch sử chính trị thế giới. Mặc dù sự khác biệt về mục tiêu và quyền lợi chính trị thì trong hình thái kinh tế xã hội nào cũng có, khái niệm “faction”, tức phe phái, thường đã đầy đủ để mô tả sự phân chia bè phái giữa các nhóm trong một thể chế chính trị nhất định.
Ngay cả đối với các phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột – thường là những nhóm người tập trung lại với nhau để lật đổ hay thay đổi thể chế chính trị – việc dùng vũ lực để đạt chính quyền và dùng vũ lực để duy trì chính quyền rõ ràng không đủ để được định nghĩa là chính đảng.
Ví dụ, hai phe Bảo Hoàng (“Royalist Restoration”) và phe Cách mạng (“Revolution”) trong lịch sử Vương quốc Anh thế kỷ 17 rõ ràng là hai thế lực đối địch nhau, là tập hợp của các cá nhân có chính kiến, có quan điểm và mục tiêu riêng. Song họ chưa bao giờ được các sử gia xem là hai chính đảng.
Bàn về chính đảng, chúng ta buộc phải dò lại lịch sử của Anh hay Mỹ, những quốc gia đầu tiên vận dụng hệ thống đảng phái để giải quyết các tranh chấp chính trị trong hòa bình. Các tài liệu học thuật dẫn chúng ta đến định nghĩa của Edmund Burke (1729 – 1797) trước tiên.
Theo chính trị gia – nhà khoa học chính trị người Anh này, chính đảng là “một tập thể thống nhất của nhiều công dân, cùng nhau thúc đẩy và nỗ lực vì lợi ích quốc gia (‘national interests’), dựa trên một số nguyên tắc đã được đồng thuận trước đó” (1770). Burke là một trong những thành viên quan trọng của Đảng Whig tại Anh.
Cách tiếp cận này chưa hẳn là đầy đủ, nhưng nó gợi ý một điều: mục tiêu chung của các chính đảng phải là lợi ích quốc gia.
Đến hơn 17 năm sau, tức năm 1787, James Madison, một trong những nhà lập quốc lừng danh của Hoa Kỳ, mới cung cấp một định nghĩa trọn vẹn hơn. Theo đó:
“Chính đảng đơn giản là các công dân, dù thuộc đa số hay thiểu số dân cư, những người tập hợp lại với nhau và hành động vì sự thôi thúc của niềm đam mê lý tưởng chung (‘impulse of common passion’), có thể đi ngược lại với mong muốn của các nhóm công dân khác (‘adverse to the interest of others’), nhưng cũng vì lợi ích lâu dài và tổng thể của cả cộng đồng”.
Như vậy, dù còn khá dài dòng và hơi khó nắm bắt, Madison cho thấy chính đảng là một nỗ lực tập thể để gây ảnh hưởng lên quá trình quản trị nhà nước, hoàn toàn có khả năng đi ngược lại mục tiêu hay lợi ích của các nhóm đối lập, song không hề có tính đấu tranh hay cách mạng.
Đến năm 1979, nhà khoa học chính trị người Mỹ Leon Epstein mới cung cấp cho người đọc một định nghĩa dễ hiểu dễ nhớ cho khái niệm chính đảng, đó là:
“Bất kỳ nhóm nào, bất kể có được cấu trúc hời hợt ra sao, nhắm đến việc được bầu vào các vị trí chính quyền dân cử (‘seeking to elect governmental officeholders’), hành động dưới một nhãn chính trị chung (‘common political label’).”
Các nhóm lợi ích có thể đều muốn nắm quyền lực nhà nước.
Các doanh nghiệp giàu có có thể cũng muốn chính trị gia nắm quyền lực nhà nước là “người nhà”.
Các tổ chức dân sự, hội đoàn hay công đoàn cũng có thể ưa thích hay không ưa thích một chính trị gia hay một ứng cử viên nhất định.
Tuy nhiên, chỉ có đảng phái chính trị, với vị trí đặc biệt của nó trong việc hình thành chính sách và tư tưởng, mới là tổ chức đại diện cho các nhóm, các phe phái, các lợi ích khác nhau trong xã hội để tham dự vào những cuộc bầu cử phổ thông (“participation in general elections”) và cạnh tranh cho các vị trí, thẩm quyền công cộng (“gain public offices and mandates”).
Một chính đảng không phải tham dự vào bầu cử phổ thông, hoặc đã tự kiểm soát quá trình bầu cử phổ thông, dường như hoàn toàn đi ngược lại ý nghĩa ban đầu của khái niệm này. Họ vẫn có thể gọi là một phe nhóm, một tập đoàn chính trị (“political junta” hoặc “political group”). Nhưng rõ ràng dùng khái niệm chính đảng để áp dụng cho họ không còn chính xác.
Chính đảng đóng góp cho dân chủ, và khái niệm chính đảng đóng góp quan trọng cho các chủ thuyết dân chủ.
Thông qua chính đảng, dân chủ được thực thi với ba yếu tố: khả năng tiếp cận tới lãnh đạo (“accessibility to leadership”), mục tiêu của cử tri (“voter goals”) và việc tham dự vào chính trị (“political participation”). Sự thay đổi của bản chất một chính đảng hoàn toàn có thể phản ánh được bản chất của một nền dân chủ.
Giả sử, nếu một chính đảng được những nhóm chính trị gia đang tìm kiếm phiếu bầu (“office-seekers”) tập hợp và lãnh đạo, khả năng tiếp cận lãnh đạo của cử tri (“electorate”) luôn ở mức cao. Họ được gọi là cử tri chủ động (“active electorate”).
Tuy nhiên, nếu một chính đảng dần biến thành một tổ chức chuyên nghiệp với bộ máy quan liêu (“organisational bureaucracy”), lãnh đạo của chính đảng đó sẽ phải quan tâm đến lợi ích của nội bộ mình nhiều hơn, và ít lắng nghe tiếng nói trực tiếp của các cử tri hơn.
Điều này không phủ nhận tầm ảnh hưởng nhất định của công luận và các cử tri tới một chính đảng quan liêu. Song những nhóm dân cư nhanh chóng bị biến thành các nhóm cử tri thụ động (“passive electorate”), với các ý kiến chỉ được quan tâm hoặc chú ý trong các tình huống đặc biệt quan trọng, gây ảnh hưởng đến tồn vong của tổ chức.
Trong đó, lý do duy nhất một chính đảng của các office-seekers trở thành một tổ chức bureaucracy là bởi vì họ không còn phải cạnh tranh với ai khác nữa.
Thái độ của chính đảng đối với tư cách thành viên (“membership”) của đảng ấy cũng là câu trả lời cho biết mức độ của một nền dân chủ.
Một đảng có thể xem cử tri là nguồn lực để “khoan thai”, để tận dụng, để vận động, nhưng không xem cử tri như là một phần không thể thiếu (“integral part”) của các hoạt động của nó. Mô hình chính đảng này gọi là mô hình hạn chế thành viên (“limited membership”).
Chính đảng dạng này sẽ khác biệt rất nhiều với cái gọi là các “cỗ máy chính trị” (“urban machine” hay “political machine”), tức những chính đảng xem cử tri là nhiên liệu, là nguồn sống và nguồn hoạt động của tổ chức.
Họ lấy trọng tâm trong việc liên tục tuyển nạp, thu hút và gây chú ý đối với các cử tri mới, các cử tri trung lập lẫn những cử tri ủng hộ chính đảng khác… để gây cảm tình và biến họ trở thành thành viên của mình.
Điều này không nhằm khẳng định rằng mô hình cỗ máy chính trị về bản chất luôn tốt đẹp hơn mô hình hạn chế thành viên. Song nếu phân tích về mặt tham gia chính trị thực chất của người dân, mô hình cỗ máy rõ ràng tạo điều kiện cho việc thực hành và học tập dân chủ nhiều hơn. Ví dụ, bầu cử sơ bộ nội bộ các đảng phái Hoa Kỳ (“primary election”) thật ra cũng hoàn toàn dựa vào cử tri chứ không phải dựa vào lá phiếu của những đảng viên.
Từ đó, các “political machine” thật sự giống với một đảng phái chính trị theo nghĩa một nhóm cá nhân mong muốn có thể đại diện cho một bộ phận dân cư hơn. Trong khi đó, cách biệt giữa người là thành viên đảng và người không phải thành viên đảng khiến mô hình “limited membership” giống với một loại doanh nghiệp mua bán các sản phẩm chính trị nhiều hơn. Họ có thể cần khách hàng, nhưng lợi ích của các “shareholders” không phải lúc nào cũng trùng khớp với lợi ích của quần chúng nhân dân.
***
Với những đặc trưng khái niệm và lịch sử phát triển nói trên, dường như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện lên lạc lõng và xa lạ. Điều đó khiến người viết tự hỏi sau nhiều lần đại hội đảng, có còn nên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là một chính đảng hay không.
Holfmeister & Grabow, Political Parties, Functions and Organisations in Democratic Societies. Singapore : Konrad Adenauer Stiftung (2011)
Wilbur C. Abbott, The Origin of English Political Parties. The American Historical Review (1919)
Judith Chubb, The Social Bases of an Urban Political Machine: The Case of Palermo. Political Science Quarterly 96, no. 1 (1981)
Gerald M. Pomper, Concepts of Political Parties. Journal of Theoretical Politics 4, no. 2 (April 1992)