Khi 'Kỷ nguyên vươn mình' đụng 'Nước Mỹ trên hết'
Kinh tế Việt Nam sẽ gặp rủi ro gì khi Trump trở lại Nhà Trắng?
“Tứ trụ” khóa này lại toàn nam như cũ.
Chỉ có 9,5% tổng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản là nữ, tương đương 19 trong tổng số 200 người. Trong đó, 18 người là ủy viên chính thức, 1 người là ủy viên dự khuyết.
Những con số này nói lên điều gì?
Ta hãy nhìn vào vài con số khác đã.
Chỉ có 1/18 ủy viên Bộ Chính trị – cơ quan được cho là quyền lực nhất của Đảng Cộng sản – là nữ (bà Trương Thị Mai). Bà Mai hiện là Trưởng ban Dân vận Trung ương, một cơ quan không mấy quan trọng của đảng, và bà cũng không được kỳ vọng sẽ nắm giữ vị trí quan trọng gì trong 5 năm tới.
Chỉ có 1/5 ủy viên mới của Ban Bí thư – cơ quan giúp việc cho Bộ Chính trị – là nữ (bà Bùi Thị Minh Hoài). Bộ Chính trị sẽ cử thêm thành viên của mình vào cơ quan này, và nếu có thêm thì cũng chỉ thêm một người, là bà Trương Thị Mai.
Như vậy, so với khóa XII, số nữ ủy viên trung ương giảm một người, số nữ ủy viên Bộ Chính trị giảm hai người.
Trong số các nữ ủy viên khóa XIII, không có ai sẽ nắm giữ các vị trí trọng yếu trong đảng hay chính phủ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc hội khóa XII). “Tứ trụ” khóa này lại toàn nam như cũ.
Nếu ta nhìn sang cơ quan (có thể coi là) tương đương với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở bên phía chính quyền là Quốc hội, ta sẽ thấy một con số khác.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong hơn 10 năm qua thường loanh quanh con số 25%, hiện nay là gần 27%, nghĩa là khoảng gấp rưỡi tỷ lệ nữ ủy viên trung ương. Con số này được kỳ vọng sẽ không thay đổi trong kỳ bầu cử vào tháng Năm tới.
Ở Đông Nam Á vào năm 2018, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước có tỷ lệ nữ đại biểu cao nhất, cùng với Lào (28%) và Philippines (28%).
Trên thế giới, tỷ lệ nữ đại biểu của Việt Nam hơn cả… Mỹ (23%), Cộng hòa Séc (23%), Hàn Quốc (19%), Hungary (12%), Nhật (10%), và xấp xỉ tỷ lệ bình quân thế giới (25%).
Thật tuyệt vời! Nhưng đáng tiếc, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội không có mấy ý nghĩa ở nước ta. Lý do thì chắc ai cũng biết: Quốc hội không phải là cơ quan có thực quyền. Nó chỉ là nơi thông qua những gì đã được quyết định ở Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong tiếng Việt người ta hay gọi loại cơ quan này là “bù nhìn”, và gọi các đại biểu là “nghị gật”. Còn trong tiếng Anh, người ta có từ “rubber stamp” (cả danh từ lẫn tính từ) để chỉ những cơ quan bù nhìn như vậy.
Quyền lực thực chất nằm ở các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay được gọi là cấp ủy.
Bộ Chính trị là tập hợp của khoảng gần 20 đảng viên quyền lực nhất thì đã đành, Ban Chấp hành Trung ương cũng ngày càng quyền lực hơn và trở thành đấu trường quyền lực chính trong đảng. “Trúng vào trung ương” là (một trong những) mục tiêu quyền lực của bất kỳ chính trị gia nghiêm túc và tham vọng nào. Không vào được “trung ương” (từ hay được dùng để chỉ Ban Chấp hành Trung ương) thì coi như tiếng nói không có trọng lượng.
Việc nữ giới chỉ chiếm chưa đến 10% trong Ban Chấp hành Trung ương, vì vậy, có thể coi như phản ánh địa vị thực tế của họ trên chính trường Việt Nam.
Dĩ nhiên, tỷ lệ nữ chính trị gia ở địa phương có thể cao hơn, nhưng với một nhà nước đơn nhất như Việt Nam, nơi chính quyền trung ương nắm quyền chi phối hầu hết mọi mặt, thì dự phần ở Ban Chấp hành Trung ương vẫn có ý nghĩa hơn cả.
Lý do tại sao tỷ lệ nữ tham chính ở nước ta lại thấp tới mức thảm hại như vậy?
Định kiến giới được cho là một rào cản chính. Nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Oxfam cho biết, cả nữ và nam ở Việt Nam đều ưa thích lãnh đạo là nam giới hơn. Nam giới được cho là phù hợp hơn với vai trò lãnh đạo, những phẩm chất nam tính cũng được cho là những phẩm chất của một người lãnh đạo tốt.
Bất chấp mọi lời lẽ tốt đẹp và lý tưởng công bằng, bình đẳng giới do Đảng Cộng sản Việt Nam cổ xúy, bất chấp bề mặt có vẻ như khá sáng sủa về tỷ lệ tham chính của nữ giới, Việt Nam, trên thực tế, vẫn đang do nam giới thống trị gần như tuyệt đối về mặt chính trị.