Myanmar – hận thù và tội ác – Kỳ 1: Che giấu

Đối mặt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, quân đội và chính phủ Myanmar phủ nhận tất cả.

Myanmar – hận thù và tội ác – Kỳ 1: Che giấu
Một người Rohingya ôm đứa con trai đã qua đời. Giống như những người Roghinya khác, anh đưa con chạy trốn khỏi Myanmar để sang Bangladesh lánh nạn. Ảnh chụp tháng 10/2017. Nguồn: Indranil Mukherjee/ AFP/ Getty Images.

Trong nhiều năm, quân đội Myanmar đã bị cáo buộc thực hiện các hành vi giết hại, hãm hiếp, tra tấn, cướp bóc, cùng các tội ác có tính chất diệt chủng nhắm vào những sắc dân thiểu số, đặc biệt là người Rohingya.

Đáp lại vô số các cáo buộc, chính phủ Myanmar, quân đội nước này, và cả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người từng được quốc tế vinh danh vì các hoạt động đấu tranh nhân quyền, đều một mực phủ nhận và đổ hết tội lỗi lên các lực lượng nổi dậy.

Qua loạt bài hai kỳ này, Luật Khoa mời bạn đọc cùng tìm hiểu về bức tranh đầy máu, nước mắt, chất chứa hận thù và đến bây giờ vẫn chưa có lối ra của Myanmar.

Kỳ một sẽ là câu chuyện về những tội ác bị che giấu.

***

Tội ác không bị trừng trị

Shamila (không phải tên thật) siết chặt tay cô con gái sáu tuổi đến mức bàn tay bé nhỏ trở nên trắng bệch. Cô vừa khóc vừa kể lại việc binh lính Myanmar bất ngờ xông vào nhà của mình, cưỡng hiếp tập thể cô trước mặt các con. “Cả ba tên lính đã hãm hiếp tôi. Khi chúng rời đi, tôi đã chạy khỏi nhà cùng với hai đứa con của mình, theo đám đông đang tứ tán bỏ chạy để giữ mạng.”

Chồng của Shamila đã ra ngoài khi vụ tấn công xảy ra. Cô không gặp lại chồng kể từ đó. Shamila không biết ba đứa con khác của mình đang ở đâu. Chúng đang chơi bên ngoài khi lính Myanmar ập đến. Bọn trẻ đã mất tích vào thời điểm đám lính rời đi.

Một người phụ nữ Rohingya ở lều tị nạn Leda, Bangladesh đang kể lại cách những người lính Myanmar xông vào nhà và hãm hiếp cô. “Một kẻ lột đồ của tôi, kẻ còn lại cưỡng hiếp tôi”. Ảnh: AFP TV.

Shamila đang sống tại một trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh. Câu chuyện của cô được đăng trên Dhaka Tribune, một tờ nhật báo bằng tiếng Anh có trụ sở tại thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Chuyện xảy ra vào tháng 8/2017, khi Lực lượng Vũ trang Myanmar (quân đội chính quy của Myanmar, tên chính thức là Tatmadaw) mở một cuộc tấn công đẫm máu vào cộng đồng người Rohingya ở bang Rakhine. Hơn 700.000 người Rohingya đã phải mạo hiểm bỏ trốn sang nước láng giềng Bangladesh.

Cuộc tấn công, theo báo cáo của Zeid Ra’ad Al Hussein, Giám đốc Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, là “một ví dụ kinh điển về nạn thanh trừng sắc tộc” (a textbook example of ethnic cleansing).

Trong những năm gần đây, các cáo buộc rằng quân đội Myanmar thực hiện các hành vi đốt phá, hãm hiếp, giết và tấn công nhắm vào cộng đồng người Rakhine, Mro, Daignet, Chin và đặc biệt là Rohingya (được Liên Hợp Quốc mô tả là một trong những dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhất trên thế giới) không còn là chuyện mới mẻ.

Vào tháng 09/2017, ông Zeid Ra’ad Al Hussein tố cáo chính phủ Myanmar và quân đội đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào người Rohingya ở Myanmar, khiến hơn 300.000 người chạy sang Bangladesh trong những tuần trước đó.

Ông kêu gọi chính phủ Myanmar “chấm dứt hoạt động quân sự tàn ác hiện thời của họ, với trách nhiệm giải trình về tất cả các vi phạm đã xảy ra, đồng thời đảo ngược lịch sử phân biệt đối xử nghiêm trọng và phổ biến đối với người Rohingya”.

Chính phủ Myanmar nên “ngừng ngay việc cáo buộc người Rohingya đang tự đốt nhà và tự cướp phá ngôi làng của họ”, vị quan chức Liên Hợp Quốc này lên tiếng.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 4/2020 tại Geneva, Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, cáo buộc “chiến thuật của Tatmadaw trong nhiều thập niên qua cố ý khiến dân thường phải chịu đựng nỗi đau ở mức cao nhất” và “gây ra đau khổ tột cùng” cho các dân tộc thiểu số của nước này.

“Trong khi thế giới đang phải hứng chịu đại dịch COVID-19, quân đội Myanmar vẫn tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công ở bang Rakhine và nhắm vào dân thường,” Lee cho biết.

Những người Rohingya cố gắng chạy thoát, tìm đường sang lánh nạn tại Bangladesh, sau các chiến dịch tấn công của quân đội Myanmar. Ảnh: UNHCR/ Roger Arnold.

Cô cáo buộc quân đội Myanmar “vi phạm một cách có hệ thống các nguyên tắc cơ bản nhất của luật nhân đạo quốc tế và nhân quyền”, đồng thời cảnh báo hành vi của họ đối với dân thường “có thể dẫn đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”.

Ngoài ra, cuối tháng 12/2020, một bản báo cáo chi tiết dài 161 trang của tổ chức Justice For Myanmar (Công lý cho Myanmar) được công bố. Điều tra của tổ chức nhân quyền này cáo buộc các cá nhân và tổ chức trong quân đội Myanmar tham nhũng và phạm tội ác chiến tranh nhắm vào các cộng đồng người thiểu số ở nước này.

Bản báo cáo chỉ đích danh những doanh nghiệp quốc tế lớn trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ cho việc thực hiện tội ác của quân đội Myanmar. Đáng chú ý là Viettel (một tập đoàn viễn thông quốc doanh do Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp quản lý và điều hành) cũng nằm trong danh sách này.

Bằng chứng, tố cáo và phủ nhận

Vào tháng 9/2020, hai binh sĩ Tatmadaw bị đưa đến The Hague, nơi Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC) mở vụ án điều tra việc liệu các thủ lĩnh Tatmadaw có phạm tội ác quy mô lớn chống lại người Rohingya hay không. Trước đó, hai quân nhân này đã bị nhóm phiến quân Arakan bắt giữ và hỏi cung. Các đoạn video thẩm vấn được tổ chức phi chính phủ Fortify Rights công bố, sau khi họ phân tích và xác nhận độ tin cậy của các bằng chứng này.

Trong đoạn video, binh nhì Myo Win Tun thừa nhận làm theo lệnh từ cấp trên, “bắn hết tất cả những gì anh nhìn thấy và tất cả những gì anh nghe thấy”. Binh sĩ này xác nhận đã tham gia vào vụ thảm sát 30 người Hồi giáo Rohingya và chôn họ trong một hố chôn tập thể gần một tháp xà lim và một căn cứ quân sự.

Người còn lại, binh nhì Zaw Naing Tun, thì cho biết anh ta và các đồng đội trong một tiểu đoàn khác đã làm theo một chỉ thị gần như giống hệt: “Hãy giết tất cả những gì anh nhìn thấy, bất kể trẻ em hay người lớn”. “Chúng tôi đã xóa sổ khoảng 20 ngôi làng”, Zaw Naing Tun nói và cho biết thêm rằng anh ta cũng đã ném các xác chết vào một hố chôn tập thể.

“Chỉ huy trưởng thứ hai của MOC-15, Đại tá Than Htike, đã lệnh cho chúng tôi ‘giết tất cả kalar và chủng tộc của họ sẽ bị hủy diệt’. Những người đàn ông Hồi giáo bị bắn vào trán và bị ném xuống mồ”, theo lời khai của binh nhì Myo Win Tun. “Kalar” là một từ ngữ xúc phạm được sử dụng ở Myanmar để chỉ người Rohingya.

Bên cạnh đó, hai cựu quân nhân còn thừa nhận mình đã hiếp dâm phụ nữ, trẻ em gái và phá hủy các làng mạc của họ.

Matthew Smith, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ nhân quyền Fortify Rights, nhận xét: “Những lời thú nhận này chứng minh những gì chúng ta đã biết từ lâu, rằng quân đội Myanmar là một lực lượng quân sự quốc gia hoạt động hiệu quả với cơ cấu chỉ huy cụ thể và tập trung. Người chỉ huy kiểm soát, chỉ đạo và ra lệnh cho cấp dưới của họ thực hiện mọi hành động. Trong trường hợp này, các chỉ huy đã ra lệnh cho quân lính thực hiện các hành vi diệt chủng và tiêu diệt người Rohingya, và đó chính xác là những gì họ đã làm.”

Các ngôi nhà tại Maungdaw, bang Rakhine của Myanmar, bị đốt cháy. Quân đội Myanmar cho rằng “100% các vụ đốt phá này là do quân phiến loạn thực hiện”. Ngôi nhà trong ảnh bị đốt khi ngôi làng đã bị bỏ hoang. Ảnh chụp màn hình phóng sự trên BBC có tên “Who is burning down Rohingya villages?” (Ai đang đốt phá các ngôi làng của người Rohingya?).

Có rất nhiều lời tố cáo tương tự về các tội ác của quân đội Myanmar, được Fortify Rights ghi nhận qua lời của các nạn nhân.

Như trường hợp của cô Rahana, 30 tuổi, người cùng với hai đứa con đã trốn khỏi nhà ở Kyet Yoe Pyin, còn được gọi là Kiari Farang, ngôi làng mà binh nhì Zaw Naing Tun xác nhận đã từng “đi càn”. Cô trốn đi vào ngày 26/8, đến Bangladesh vào ngày 30/8/2017.

Rahana kể lại: “Quân đội đến làng, họ chặt đầu, chém và phanh thây người sống. Chồng và cha tôi đã bị giết…Tiếng súng nổ ầm ầm. Chúng tôi thấy quân đội bắn vào làng, và chúng tôi nhìn thấy các xác người chết. Có phụ nữ, đàn ông, trẻ em. Khi chúng tôi trốn đi, chúng tôi thấy một số mảnh thi thể, bị chặt thành nhiều mảnh, và chúng tôi thấy một số xác chết nằm la liệt, nằm rải rác ở nhiều nơi khác nhau. Nó ở trên cánh đồng. Có khoảng 20 xác chết nằm rải khắp nơi.”

Một lời kể khác từ người phụ nữ Rohingya 35 tuổi ở làng Kyet Yoe Pyin, nói về cách các binh sĩ quân đội Myanmar thiêu sống đứa con gái hai tuổi của mình: “Chúng tôi đang đứng gần đó, nhưng chúng tôi không được phép lấy [đứa bé] ra khỏi đám cháy. Chúng tôi la hét, hy vọng quân đội sẽ không làm hại người khác. Chúng tôi có thể cứu [con gái lớn của tôi] nhưng không cứu được [đứa nhỏ].”

Từ năm 2016, Myanmar bị quốc tế lên án vì các hoạt động quân sự thù địch và diệt chủng nhắm vào các cộng đồng người thiểu số. Công dân thuộc mọi sắc tộc sống trong các khu vực xung đột hiện đang là mục tiêu của quân đội Myanmar.

Quân đội nước này không chỉ giết và gây thương tích cho hàng loạt dân thường, bao gồm cả trẻ em, trong các cuộc không kích và pháo binh gần đây. Họ còn ngăn chặn một số người bị thương tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp.

Điển hình là trường hợp một thiếu niên chết tại một trạm kiểm soát quân sự ở Rakhine, sau khi các binh sĩ Tatmadaw buộc chiếc xe đưa cậu đến bệnh viện phải dừng tại đó chờ.

Quân đội cũng đã thủ tiêu, bắt giữ, tra tấn hoặc giết hàng chục người đàn ông, với cáo buộc rằng họ có liên hệ với nhóm phiến quân Arakan. Một ngôi làng có tới 700 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc thiêu rụi. Toàn bộ người trong làng đã phải di tản.

Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu tại tại Tòa án Công lý Quốc tế vào tháng 12/2019, bác bỏ các cáo buộc nhắm vào quân đội nước này. Ảnh: Peter Dejong/ Associated Press.

Trước vô số các cáo buộc về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, chính phủ Myanmar phủ nhận bằng chứng về “ý định diệt chủng” trong các hành vi của quân đội.

Quân đội Myanmar thì khẳng định chỉ đang chiến đấu với các tay súng Rohingya và phủ nhận nhắm vào dân thường.

Nhà lãnh đạo đất nước Aung San Suu Kyi, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình vào năm 1991 và từng được xem là biểu tượng của nhân quyền, cũng nhiều lần bác bỏ cáo buộc diệt chủng.

Trước Tòa án Công lý Quốc tế, bà đổ lỗi cho các lực lượng nổi dậy, gọi các cáo buộc là “bức tranh thực tế không đầy đủ và gây hiểu lầm về tình hình” (incomplete and misleading factual picture of the situation).


Kỳ 2: Nguồn cơn

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.