Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đi tìm câu trả lời cho vòng xoáy hận thù và xung đột trong gần 80 năm qua tại Myanmar.
Từ khi độc lập vào năm 1948, quân đội Myanmar đã tiến hành thanh trừng các sắc dân thiểu số trên đất nước. Ngoài mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, một phần nguyên nhân còn đến từ các tranh chấp tài nguyên và lợi ích mà các thế lực thống trị đang nắm giữ.
Myanmar là một trong những quốc gia đa sắc tộc nhất trên thế giới, với 135 sắc tộc được công nhận. Nước này có 54 triệu dân (số liệu tổng hợp từ World Bank vào năm 2019) với hơn 100 ngôn ngữ, chủ yếu từ các ngữ hệ Tây Tạng – Miến Điện.
Quốc gia này có chung biên giới với năm nước (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Lào và Thái Lan), chưa kể đến vịnh Bengal rộng lớn và biển Andaman ở sườn phía Nam của nó. Vị trí địa lý giúp Miến Điện thu hút dân cư từ nhiều nguồn gốc khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử.
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu TNI (The Transnational Institute), vào thời điểm năm 2013, các sắc tộc thiểu số chiếm khoảng 30-40% dân số và sinh sống trên khoảng 57% tổng diện tích đất tại Myanmar.
Một số sắc tộc, như người Rohingya, không được chính phủ công nhận. Họ bị gạt ra ngoài lề, bị từ chối các quyền công dân, quốc tịch, quyền bầu cử và các quyền cơ bản khác. Các sắc tộc thống trị không muốn chia sẻ các lợi ích kinh tế và tài nguyên đang nắm giữ.
Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng. Tuy nhiên, các sắc tộc thiểu số bị gạt ra khỏi tiến trình bầu cử. Phiếu bầu của khoảng 1,5 triệu người thiểu số không được tính đến. Kết quả bỏ phiếu tại 56 thị trấn thuộc các bang Kachin, Kayin, Mon, Rakhine và Shan bị hủy với lý do lo ngại về an ninh.
Từ những năm 1940, phẫn uất vì bị phân biệt đối xử, các tộc người thiểu số ở Myanmar đã lập ra các nhóm vũ trang để đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Xung đột sắc tộc ở Myanmar được xem là cuộc nội chiến dài nhất thế giới. Nó đã diễn ra trong hơn tám thập niên kể từ những năm 1940 đến nay.
Trong các cuộc giao tranh, quân đội chính phủ liên tục bị cáo buộc bắn giết người tùy tiện, hãm hiếp và lạm dụng tình dục, tấn công bừa bãi, lấy thường dân làm lá chắn sống.
Lợi dụng chiến sự với các lực lượng nổi dậy, quân đội Myanmar thường tìm cách trả thù và mở các chiến dịch quân sự nhắm vào cộng đồng các sắc tộc thiểu số.
Gần 90% người Myanmar theo đạo Phật. Các nhà sư Phật giáo đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại chính phủ quân phiệt của tướng Than Shwe (1992-2011). Trước đó, họ cũng tham gia đấu tranh chống thực dân Anh để giành độc lập.
Các Phật tử có địa vị cao quý trong xã hội Myanmar. Nhưng tình trạng bất ổn hiện nay bộc lộ một vấn đề: Các nhà sư đã đóng vai trò trung tâm trong xung đột chống Hồi giáo trong nhiều năm qua. Mặc dù đã có nhiều Phật tử bị bắt vì liên quan đến bạo lực, các nhà sư vẫn tiếp tục rao giảng cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Phật giáo, phát triển nhanh chóng với tên gọi “phong trào 969”.
Con số 969 lấy cảm hứng từ một cuốn sách được viết vào cuối những năm 1990. Ba chữ số này được dùng để đối chọi với một con số biểu tượng tương tự của người Hồi giáo.
Trong khu vực Nam Á, người Hồi giáo dùng 786 như con số phước lành. Nó tượng trưng cho khẩu hiệu “Nhân danh thánh Allah, Đấng từ bi và nhân từ”. Các doanh nghiệp của người Hồi giáo đều có gắn con số này để nhận diện.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo ở Myanmar coi đây là bằng chứng về một âm mưu thôn tính đất nước của người Hồi giáo. Họ kêu gọi sử dụng con số 969 để đối lập với 786.
Biểu tượng này tượng trưng cho “Tam bảo” của Phật giáo. Với các con số lần lượt đại diện cho “9 ân đức Phật”, “6 ân đức Pháp”, và “9 ân đức Tăng”.
Từ khi phong trào 969 hoạt động, đã có nhiều cuộc xung đột tôn giáo gây chết người diễn ra trên khắp đất nước.
Chẳng hạn, vào năm 2013 ở Meiktila, một gia đình Phật tử và chủ tiệm vàng người Hồi giáo tranh chấp với nhau. Vụ việc dẫn đến xung đột, khiến một nhà sư bị bốn người đàn ông Hồi giáo sát hại. Đám đông Phật tử phẫn nộ được các nhà sư quá khích dẫn dắt đã đem theo dao rựa và mã tấu, rượt đuổi hàng trăm người Hồi giáo ở thành phố này.
Trong vòng vài giờ, đã có 25 người Hồi giáo bị giết chết. Đám đông kéo thi thể đẫm máu của họ lên ngọn đồi có tên là Mingalarzay Yone rồi châm lửa đốt xác. Vào tối hôm đó, các Phật tử đã thiêu rụi một nhà thờ Hồi giáo ở Mingalarzay Yone, một trại trẻ mồ côi và một số ngôi nhà.
Những người Hồi giáo chạy trốn qua một bên ngôi nhà bị đám đông truy đuổi. Một số nạn nhân đã bị phanh thây trong một đầm lầy đầy cỏ lau gần đó.
Trong vòng bốn ngày, có ít nhất 43 người thiệt mạng. Gần 13.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, đã phải rời bỏ nhà cửa và cơ sở kinh doanh của họ.
Các nhà sư cực đoan là gương mặt đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Phật giáo tại Myanmar.
Một trường hợp điển hình là Ashin Wirathu, người được xem là “Bin Laden của Phật giáo”. Ông là lãnh đạo của phong trào 969, từng bị giam giữ vì tội danh kích động thù hận tôn giáo.
Wirathu kêu gọi các Phật tử tẩy chay các cửa hàng và doanh nghiệp của người Hồi giáo, đồng thời tránh các cuộc hôn nhân khác tôn giáo. Ông gọi các nhà thờ Hồi giáo là “căn cứ của kẻ thù”. Trong số những người ngưỡng mộ ông còn có cả Bộ trưởng Văn hóa và Sự vụ Tôn giáo của Myanmar.
Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc Wirathu và phong trào cực đoan mà ông lãnh đạo đã gây ra các cuộc bạo động tôn giáo chết chóc trên đất nước.
Một nhà sư nổi tiếng khác của phong trào 969, Wimala Biwuntha, ví người Hồi giáo như một con hổ đi vào ngôi nhà không được bảo vệ và xơi tái những người cư ngụ bên trong. “Nếu không có kỷ luật, chúng ta sẽ đánh mất tôn giáo và chủng tộc của mình”, ông nói trong một bài thuyết pháp. “Chúng ta thậm chí có thể đánh mất đất nước mình.”
Các nhà sư cực đoan nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc Phật giáo chủ chiến qua những lời tuyên truyền mô tả người Rohingya là dân nhập cảnh trái phép từ Bangladesh và lấn chiếm đất đai bản địa.
Tuy nhiên, người Rohingya khẳng định mình chính là tộc người bản địa đã sinh sống qua nhiều thế kỷ ở mảnh đất phía Nam Myanmar. Họ là hậu duệ của những thương nhân Arab và các nhóm thương nhân khác theo con đường tơ lụa đi qua nơi đây từ cách đây hơn 1.200 năm.
Trong những năm gần đây, người Rohingya là mục tiêu của hàng loạt cuộc tấn công bạo lực. Các cuộc tấn công này được tổ chức dân tộc Phật giáo Buddha Dhamma Parahita Foundation và các phong trào dân tộc Phật giáo khác khuyến khích. Nhiều vụ việc xảy ra với sự đồng lõa trắng trợn của các quan chức và lực lượng an ninh địa phương.
Chẳng hạn, sau vụ giết người ngày 21/03/2013 ở Meiktila, thị trưởng phụ trách khu vực đã không làm gì để ngăn chặn bạo loạn bùng phát thêm trong ba ngày sau đó. Ông cố ý nhường quyền kiểm soát thành phố cho các nhà sư Phật giáo cực đoan, để họ chặn xe cứu hỏa, đe dọa các nhân viên cứu hộ và dẫn đầu những cuộc nổi loạn phá nát cả khu phố. Bạo loạn lan rộng sang những thị trấn lân cận, và đôi khi được cảnh sát cùng lực lượng an ninh địa phương làm ngơ.
Theo Reuters, nguồn gốc của phong trào 969 có liên quan với một quan chức trong chế độ độc tài từng điều hành Myanmar. Phong trào hiện nhận được sự ủng hộ từ các quan chức chính phủ cấp cao, các nhà sư và thậm chí một số thành viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi.
Vào năm 2013, văn phòng của Tổng thống Thein Sein từng công bố phát ngôn cho rằng 969 “chỉ là một biểu tượng của hòa bình” và sư Wirathu là “một người con của Đức Phật”.
Dưới sự hậu thuẫn ngầm, nhiều lúc công khai, của chính phủ và quân đội, các nhà sư cực đoan và phong trào dân tộc Phật giáo của họ nổi lên như một thế lực chính trị.
Tình cảm căm ghét Hồi giáo mà những người này kích động có thể là liều thuốc giảm đau khiến người Myanmar quên đi những bất bình đẳng và tình hình kinh tế tồi tệ trong nước. Nó cũng góp phần tạo “tính chính danh” để quân đội càn quét các tộc người theo đạo Hồi, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế và tài nguyên mà họ đang nắm giữ (đất đai, các mỏ ngọc bích, rừng và các khu khai thác ma túy .v.v).
Xã hội Myanmar đầy rẫy diễn ngôn chống lại những sắc tộc theo đạo Hồi. Đa số mọi người đều nghĩ rằng Hồi giáo là nguồn gốc của các cuộc xung đột lớn.
“Hãy nhìn khắp nơi trên thế giới, tại Afghanistan, Indonesia, ai là thủ phạm chính khi nhắc đến khủng bố?”, Htway Maung Kyaw, một người bán sách lớn tuổi ở thủ đô Yangon, đã đặt câu hỏi như vậy khi nói đến người Hồi giáo.
Ko Moe, một doanh nhân kiêm nhà sáng lập một tổ chức từ thiện Phật giáo, nhắc lại một quan điểm thường xuyên được bàn luận trong các quán trà ở Myanmar: “[..] Có một mối lo ngại lớn là dân số Hồi giáo đang tăng nhanh hơn người Miến Điện, bởi vì họ có thể có nhiều vợ và không sử dụng biện pháp tránh thai”. Moe cũng chỉ ra rằng người Hồi giáo đang chiếm đa số tại Indonesia, Malaysia và miền Nam Thái Lan. Nhiều người Myanmar lo sợ về một viễn cảnh tương tự ở nước mình.
Ở Myanmar, các thế lực tôn giáo, quân đội và chính trị thúc đẩy sự sợ hãi cùng các cảm xúc thù hận cho các mục đích của riêng mình. Cảm xúc thù hận đó, như một bình luận trên Japan Times, đã biến thành thứ chủ nghĩa sô-vanh Phật giáo (Buddhist chauvinism).
Chủ nghĩa sô-vanh là niềm tin thái quá và phi lý rằng đất nước, tôn giáo hoặc chủng tộc của mình là tốt nhất và quan trọng nhất. Nó bắt nguồn từ điển tích về Nicolas Chauvin, một nhân vật được nhiều người cho là tưởng tượng. Theo đó, Chauvin là một người lính chiến đấu trong quân đội Pháp vào thời của Napoleon. Nhân vật này đại diện cho một bộ phận quân lính Pháp thời bấy giờ, những người bất chấp tất cả, hâm mộ cuồng nhiệt Napoleon và tung hô sự ưu việt của quân Pháp.
Trong nhiều thế kỷ, chủ nghĩa sô-vanh dưới các hình dạng khác nhau đã gây thống khổ cho hàng triệu người.
Trong câu chuyện bi thương của đất nước Myanmar, nó là nguồn cơn cho những vòng xoáy hận thù và tội ác mà cho đến nay vẫn không thấy lối ra.