Tết này đọc sách gì?

Lựa chọn sách Tết từ các thành viên của Luật Khoa tạp chí.

Tết này đọc sách gì?
Minh họa: Jo Zixuan Zhou/ The Atlantic.

Các dịp nghỉ lễ dài ngày là cơ hội không thể tốt hơn để đắm mình trong những trang sách, nhất là trong thời gian cần hạn chế tiếp xúc xã hội.

Chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang” kỳ 17 giới thiệu đến bạn đọc năm cuốn sách – năm lựa chọn sách đọc dịp Tết từ các thành viên của tòa soạn Luật Khoa.

Mỗi người sẽ chia sẻ về lý do vì sao họ muốn dành dịp Tết này để trò chuyện cùng các cuốn sách đó.


“Lịch sử Hà Nội” – Tác giả Philippe Papin

(Chia sẻ của Trịnh Hữu Long)

Sách “Lịch sử Hà Nội”. Ảnh: Nhã Nam.

Tết này tôi dự định đọc cuốn “Lịch sử Hà Nội” của sử gia người Pháp Philippe Papin. Thực ra là đọc lại vì tôi đọc một lần rồi. Nhưng đọc một lần thường không đủ để ghi nhớ và để hiểu được nhiều. Trí nhớ của tôi lại cũng có họ hàng gần xa với cá vàng nên càng phải đọc lại.

Cuốn “Lịch sử Hà Nội” này có một câu chuyện thú vị. Vị sử gia sinh năm 1967 dường như đem lòng yêu Việt Nam. Ông đến Việt Nam làm việc khi còn rất trẻ, cỡ đầu những năm 1990, rồi lấy vợ Việt Nam, sau viết xong cuốn này năm 2001, và rồi chính vợ ông, bà Mạc Thu Hương, dịch quyển sách sang tiếng Việt năm 2010.

Philippe Papin còn một cuốn nữa, “Việt Nam – hành trình một dân tộc”. Ông viết xong quyển ấy bằng tiếng Pháp năm 1999. Sau đó, dịch giả Nguyễn Khánh Long chuyển ngữ sang tiếng Việt và nhà xuất bản Thời Mới ở Toronto (Canada) ấn hành năm 2001. Mười năm sau, Giấy Vụn – một đơn vị xuất bản độc lập trong nước – xuất bản lại và đem tặng cho bạn bè. Tôi may mắn có được cả hai cuốn của Papin.

Đọc sách lịch sử của Papin cho chúng ta một góc nhìn khách quan hơn về Việt Nam, thứ mà sách lịch sử “chính thống” thường không có được do năng lực nghiên cứu hay là do nạn kiểm duyệt/ tự kiểm duyệt.

Yêu thích tìm hiểu lịch sử thì đã đành, nhưng tôi có mục đích cụ thể khi dành thời gian cho lịch sử Hà Nội thời Pháp. May thay, cuốn “Lịch sử Hà Nội” dành tới 1/4 dung lượng cho thời kỳ này.

Lý do của tôi rất đơn giản: tôi hứng thú tìm hiểu một xã hội chuyển đổi, mà cụ thể ở đây là một Hà Nội chuyển đổi từ xã hội quân chủ Nho giáo sang một xã hội thuộc địa hiện đại được quản trị theo lề lối Tây phương. Đó là khi các hệ giá trị xã hội cũ xung đột với một hệ giá trị mới. Con người ứng xử ra sao trong buổi giao thời ấy? Đó là thứ khiến tôi tò mò.

Và thú thực, điều tôi nhớ rõ nhất sau lần đầu đọc là những sinh hoạt dân chủ sơ khai đầu tiên của người Hà Nội đầu thế kỷ XX, với những cuộc bầu cử phố trưởng rầm rộ, nhiều khi kịch tính không kém bầu cử tổng thống Mỹ.

Cuối cùng, tôi muốn sống lại những ký ức của tôi về Hà Nội. Gần mười năm nương mình ở đất ấy, đi học rồi đi làm, tôi ký gửi vào Hà Nội nhiều cảm xúc, nhiều mối tình, nhiều tháng năm no đói. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi mặt hồ của Hà Nội luôn nặng trĩu trong lòng tôi.

“Lịch sử Hà Nội” của Papin chỉ điểm xuyết chút ít về Hà Nội thời tôi sống, nhưng cái chiều sâu lịch sử đằng đẵng hàng trăm, hàng nghìn năm đằng sau mỗi cái tên quen thuộc của thành phố này là món quà vô giá mà vị sử gia người Pháp dành cho những kẻ như tôi.


“The twenty-five year century” (Tạm dịch: Cả thế kỷ trong 25 năm) – Tác giả Lâm Quang Thi

(Chia sẻ của Quỳnh Vi)

Sách “The twenty-five year century”. Ảnh: Amazon.

Mùa nghỉ Tết năm nay, tôi quyết định sẽ đọc trọn vẹn cuốn sách “The twenty-five year century” của cố Trung tướng Việt Nam Cộng Hòa Lâm Quang Thi.

Theo lời của cố Trung tướng Thi, đây là quyển hồi ký về cuộc đời binh nghiệp của ông và những người bạn chiến đấu cùng ông từ năm 1950 cho đến 1975. Trung tướng Thi vừa mất tại Bắc California vì Covid-19 vào ngày 19 tháng 1 năm 2021.

Tôi sinh ra và sống tại Việt Nam một thời gian trước khi sang Mỹ định cư trong thập niên 90. Tôi nghĩ mình có khá đủ kinh nghiệm sống với cả hai nhóm người đến từ hai phía Nam – Bắc của Việt Nam trong thời chiến.

Thế nhưng, trước đây tôi không thích đọc về cuộc chiến Việt Nam và những câu chuyện về nó. Cho đến vài năm gần đây, cùng với những chuyển biến của cuộc sống cá nhân, tôi lại thấy mình tìm về những trang sử xưa cũ của cuộc nội chiến này.

Cách đây 10 năm, cuộc chiến Việt Nam là một đề tài tôi không hề muốn đọc và tìm hiểu, bởi vì tôi có cảm giác là mình chỉ đọc cùng một câu chuyện. Nhiều nhất vẫn là diễn ngôn của kẻ thắng cuộc khi họ viết về lịch sử và câu chuyện thường chỉ có một bên chính nghĩa. Bên còn lại thì chỉ toàn kết cục buồn và đau xót của những kẻ bại trận và lưu vong.

Ngay cả những cuốn sách và thông tin từ người Mỹ thì cũng chỉ nói về cuộc chiến giữa họ và những người cộng sản phía Bắc của Việt Nam. Miền Nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên, cùng con người nơi đó thì rất thiếu vắng trong những câu chuyện này. Và có lẽ đó là lý do tôi tự tìm cách tránh xa chủ đề chiến tranh Việt Nam và không muốn tìm hiểu về nó nữa.

Công việc của tôi thay đổi hoàn toàn từ khi tôi bắt đầu viết báo tại Luật Khoa tạp chí. Từ năm 2017, tôi tham gia vào nhóm viết về Việt Nam Cộng hòa – một đất nước đã từng tồn tại 25 năm trong lịch sử – nhưng lại có quá ít thông tin về nó. Đó là cơ hội để tôi tìm hiểu về những điều mà trước đây tôi đã tự bỏ qua, tự cho rằng chúng chẳng còn giá trị gì nữa cả.

Và càng tự tìm hiểu thì tôi càng muốn đọc để biết thêm nữa. Nhất là những gì mà các nhân chứng khi đó viết về cuộc đời và xã hội mà họ từng có ở miền Nam trước 1975.

Tôi nghĩ có khá nhiều người giống mình – sinh ra sau cuộc chiến, và hay tự hỏi vì lý do gì mà đất nước đã lâm vào cảnh nồi da xáo thịt như vậy. Tại sao ngay cả khi cuộc chiến đã chấm dứt mà cả hai phía vẫn tiếp tục xem đối phương là kẻ thù?

Về phía cá nhân, khi nhìn thấy cảnh đời của những cựu quân nhân và thương phế binh Việt Nam Cộng hòa hiện nay, tôi còn luôn muốn hiểu rõ lý tưởng của họ là gì khi tham gia vào quân đội thời trẻ? Liệu họ có lý tưởng gì hay không, hoặc họ chỉ là “ngụy quân” như lời tuyên truyền của chế độ một thời? Đây có lẽ là lý do mà cuốn sách “The twenty-five year century” của cố Trung tướng Lâm Quang Thi đã hấp dẫn được tôi.

Cuốn sách này viết bằng tiếng Anh, và ở phần giới thiệu, ông Thi không hề viết rằng miền Nam đại diện cho chính nghĩa trong cuộc chiến. Ông chỉ tự hỏi rằng cái lý tưởng mà ông và những người bạn quân nhân của ông có thật đáng để họ đánh đổi tuổi trẻ và cuộc đời để chiến đấu cho nó hay không?

Khi lịch sử đã sang trang và những nhà nước cộng sản như Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, liệu có ai cho rằng người lính Việt Nam Cộng hòa đã đánh đổi tính mạng của họ để góp vào công cuộc chung của thế giới, hay là họ đã hy sinh vô ích khi thời khắc lịch sử cuối cùng cũng phải đến?

Với tư cách một người sống sót sau cuộc chiến, ông Thi nghĩ mình cần phải viết để những câu chuyện về miền Nam và những người lính miền Nam sẽ được biết đến. Đặc biệt là vì những quyển sách như của ông vốn đã rất hiếm, lại đặc biệt hiếm trong tiếng Anh. “The twenty-five year century” được bán tại Amazon.com. Tôi hy vọng các bạn sẽ cùng tôi học hỏi được nhiều điều chưa biết về miền Nam Cộng hòa từ quyển sách này.


“COVID-19: The Great Reset” – Tác giả Klaus Schwab và Thierry Malleret

(Chia sẻ của Sơn Tùng)

Chúng ta đang có một cái Tết phải tránh dịch. Vì vậy, tôi nghĩ tới cuốn sách mà tựa tiếng Việt có thể tạm dịch là “COVID-19: Nút khởi động lại cho tất cả”.

Tác giả của nó là giáo sư Klaus Schwab, sáng lập viên và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, gọi tắt là WEF) và Tiến sỹ Thierry Malleret, đồng sáng lập và phụ trách Monthly Barometer, một ấn bản hàng tháng chuyên phân tích các vấn đề toàn cầu. Cuốn sách ra đời vào tháng 7/2020 và được WEF giới thiệu rộng khắp các kênh truyền thông.

Sách “COVID-19: The Great Reset”. Ảnh: WEF.

WEF kỳ vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về tương lai sắp xảy ra sau đại dịch COVID-19.

Quyển sách có ba chương chính. Chương thứ nhất, các tác giả đánh giá tác động của đại dịch ở mức vĩ mô, theo từng ngành: kinh tế, xã hội, địa chính trị, môi trường, và công nghệ. Chương thứ hai xem xét các tác động trong điều kiện vi mô, đối với các ngành công nghiệp và công ty cụ thể. Ở chương thứ ba, các tác giả trình bày giả thuyết về bản chất của các hậu quả có thể xảy ra ở cấp độ cá nhân.

Đại dịch đang tác động toàn diện lên đời sống của mỗi người. Chúng ta có lẽ sẽ còn phải sống chung với nó thêm một thời gian nữa. Việc tìm kiếm thông tin và hiểu về nó để chuẩn bị ứng phó là điều nên làm.

Tôi tò mò về quyển sách này sau khi xem phần giới thiệu về nó. Tôi nghĩ rằng độc giả Việt Nam cần đọc để biết những nhận định khác trên thế giới về các thay đổi sẽ diễn ra trong đời sống chúng ta sau đại dịch này.

Nó cũng sẽ giúp mọi người làm quen (lại) với khái niệm “trật tự thế giới mới” (new world order), vốn đã được đề cập trong nhiều thảo luận.

Cuốn sách “COVID-19: The Great Reset” có bán trên Amazon. Còn nếu muốn biết thêm về “trật tự thế giới mới”, bạn có thể tìm đọc miễn phí cuốn “The New World Order” của tác giả Pat Robertson trên trang archive.org.


“Bản chất của người” (Human Acts) – Tác giả: Han Kang

(Chia sẻ của Jason Nguyen)

Sách “Bản chất của người”. Ảnh: Nhã Nam.

Vào năm 2016, tôi tình cờ biết đến nhà văn Han Kang sau khi hội đồng trao giải Man Booker (Anh) chính thức xướng tên cuốn sách “The Vegetarian” (Người ăn chay) của cô là tác phẩm đoạt giải.

Là người dành thời gian theo dõi giải Man Booker hàng năm, tôi khá bất ngờ. Lý do là vì giải thưởng này xưa nay chỉ trao cho những tác phẩm được viết bằng tiếng Anh ở các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung. Trong khi đó, Han Kang lại là một tác giả người Hàn Quốc, cuốn sách đoạt giải cũng được viết bằng tiếng Hàn (trước khi được dịch sang tiếng Anh).

Tò mò về nội dung sách lẫn tác giả, tôi quyết định tìm mua nó và các tác phẩm khác của Han Kang về đọc. Tôi gặp “Bản chất của người” (tựa tiếng Anh: Human Acts) từ đó.

Nếu “Người ăn chay” là tác phẩm đã mang lại giải thưởng Man Booker danh giá cho nữ nhà văn người Hàn Quốc, thì “Bản chất của người” được xem như là một phép thử trong sự nghiệp cầm bút của cô.

Lấy bối cảnh về cuộc thảm sát Gwangju tại Hàn Quốc vào năm 1980, quá trình để viết nên “Bản chất của người” chưa bao giờ là một điều dễ dàng đối với Han Kang. Nhưng cô cho rằng mình phải viết, vì đây là một “tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu”, Han Kang từng chia sẻ.

“Bản chất của người” không phải là một cuốn sách phân tích về sự kiện lịch sử chấn động trên. Thay vào đó, nó chất vấn một quan niệm gây nhiều tranh cãi: liệu con người có phải “nhân chi sơ, tính bản thiện”?

Nếu đúng bản tính con người là thiện, thì lời lẽ nào có thể biện minh cho những tội ác mà loài người từng gây ra trong quá khứ? Còn nếu loài người là một sinh vật tàn nhẫn, vậy thì chúng ta phải chăng “chỉ đang sống trong ảo tưởng về phẩm giá con người”?

Đầu năm mới, tôi quyết định chọn cuốn sách không mấy tươi sáng hay dễ chịu này để trả lời cho câu hỏi trên của riêng mình. Dù câu trả lời sau đó có làm tôi thất vọng đi chăng nữa, ít nhất bản thân tôi cũng sẽ học được nhiều điều bằng cách chọn việc nhìn thẳng vào lịch sử, thay vì né tránh nó.

Tôi tin rằng dũng cảm thừa nhận những lỗi lầm trong quá khứ cũng chính là viên gạch đầu tiên xây đắp nên giá trị của “những con người đích thực”.

Độc giả của Luật Khoa có thể tìm thấy quyển sách này tại các trang bán sách phổ biến tại Việt Nam như TikiFahasa.


“Gia đình” – Tác giả Phan Thúy Hà

(Chia sẻ của một biên tập viên giấu tên)

Sách “Gia đình”. Ảnh: Luật Khoa.

Trống ba hồi chín tiếng.

“Lôi cổ tên địa chủ Trần Khiên ra đây”.

“Ngẩng mặt lên trời”

Đêm đấu tố bắt đầu.

“Gia đình” – cuốn sách có cái tên giản dị là tập hợp 19 câu chuyện về những gia đình bị xé toạc ra trong một tai họa thời bình: Cải cách Ruộng đất (1953-1956).

Con gật đầu nhận bừa rằng đã nhìn thấy cha phạm tội để được ăn nắm cơm nhử trước mặt. Không được chôn xác cha trong vườn nhà vì cha là địa chủ, còn đất bây giờ đã là đất nông dân. Những đêm dài lặng câm vùi người thân xuống đất. Những nỗi khiếp sợ từ năm 15 tuổi, không buông tha cho đến khi người kể tự xưng là một ông già 82.

Những người kể chuyện cho Phan Thúy Hà đã lớn tuổi lắm. Người cao tuổi nhất đã 97. Họ là những nhân chứng cuối cùng còn lại của một thời đại. Có những người không còn nhớ nổi chuyện vừa xảy ra vài phút, nhưng kể mồn một buổi chiều họ nhìn thấy cha mình bị bắn ngoài đồng cách đây vài chục năm.

Lịch sử một thời đen tối được trải ra trước mắt, thứ lịch sử bị che giấu, được tô hồng, bị cắt xén. Câu chuyện đất nước hiện lên không phải từ những trang sử hào hùng mà ngày xưa tôi bị ép học thuộc lòng, mà là từ những khuôn mặt con người, những thân phận không tiếng nói, những chuyện đời riêng mà nếu như không có Phan Thúy Hà, có lẽ không bao giờ được lộ ra trước người đọc như tôi.

Tác giả Phan Thúy Hà đã gặp gỡ và lắng nghe hàng chục con người như vậy. Cô không chọn cách biến những tư liệu ấy thành tiểu thuyết như nhiều tác giả từng làm với chủ đề cải cách ruộng đất. Cô chỉ trung thành ghi chép lại, lược đi những lời kể rườm rà, không thêm gì.

Đó là phương pháp kể chuyện phi hư cấu (narrative nonfiction). Cách kể chuyện này được tôn vinh gần đây khi Svetlana Alexievich – một nhà báo – nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 2015. Đời thực bắt đầu được các nhà phê bình đánh giá cao, vì, nói như nhà văn Trần Huy Quang khi bình sách của Phan Thúy Hà, có những câu chuyện thực khốc liệt đến độ không ai có thể hư cấu nổi.

Những khốc liệt nén chặt trong những câu chữ đứt gãy lại có thể gây chấn động tâm can nhiều hơn một cuốn tiểu thuyết được sắp đặt công phu. Cái chính là nó nhắc tôi nhớ rằng đó là đời sống trên chính dải đất này, mới chỉ cách đây vài thập niên. Những gia đình nghe chẳng khác gia đình tôi. Tai họa bỗng ập tới với họ trong một bữa cơm chiều.

Nếu có một lúc nào đó sau này, nghe về văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư, v.v… và nghĩ là chúng xa xôi, tôi sẽ nhớ đến những gia đình từng bị đày xuống địa ngục – theo đúng nghĩa đen – vì một cơn say lý tưởng tập thể và những quyết sách ấu trĩ của những con người được trao quyền lãnh đạo. Đọc lại lịch sử không phải để chì chiết hay bới móc sai lầm của họ, mà là để thấy trách nhiệm của chính mình trong việc không để cho những thảm kịch tương tự diễn ra.

Tết này tôi về nhà đọc “Gia đình” của Phan Thúy Hà. Sách được bạn dúi cho mấy tháng trước, bảo nhất định phải đọc. Cuối tuần rồi cầm lên đọc một mạch, xúc động quá, không thể không giới thiệu cho độc giả của “Đọc sách cùng Đoan Trang”. Tác giả Phan Thúy Hà còn có hai cuốn sách khác, cùng thể loại, đã được Nhà xuất bản Phụ Nữ cho ra mắt. Đó là “Đừng kể tên tôi” và “Tôi là con gái của cha tôi”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.