Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng

Những tranh cãi về cách thống kê vẫn chưa có hồi kết. Mỗi nơi dùng một số liệu khác nhau.

Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng
Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Biểu tình Phật giáo tại Sài Gòn vào năm 1963 (ảnh trái, nguồn: Posterazzi). Tín đồ Phật giáo trong một buổi lễ ở chùa Hoằng Pháp vào năm 2010 (ảnh phải, nguồn: Chùa Hoằng Pháp).

Theo số liệu thống kê chính thức năm 2019, tôn giáo có số tín đồ đông nhất tại Việt Nam là Công giáo, với 5,9 triệu người. Số người theo Phật giáo chỉ còn 4,6 triệu, đứng thứ hai.

Báo Giác Ngộ cho biết con số thống kê này đã làm một số nhà sư bị “sốc toàn tập”, còn tín đồ thì “hụt hẫng, bật khóc”.

Nhiều năm qua, tín đồ, tu sĩ cũng như các chức sắc cao cấp của giáo hội đã đi từ thất vọng này đến thất vọng khác vì số tín đồ Phật giáo đã sụt giảm trầm trọng trong các thống kê của nhà nước.

Số tín đồ Phật giáo trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là 6,8 triệu người, giảm khoảng 300.000 người so với năm 1999. Dù vậy, Phật giáo lúc đó vẫn là tôn giáo có số tín đồ đông nhất.

Tình hình chỉ thay đổi trong kết quả điều tra dân số năm 2019.

Năm 2019, chính phủ công bố số tín đồ Phật giáo lại giảm thêm 30% so với năm 2009. Từ đây, Phật giáo đã mất vị trí dẫn đầu về số tín đồ.

50 năm thống kê số tín đồ Phật giáo: dân số càng tăng, số tín đồ càng giảm

Phật giáo – tôn giáo có khoảng 2.000 năm phát triển ở Việt Nam – nay chỉ còn lại 4,6 triệu tín đồ, chiếm khoảng 4,78% tổng dân số.

Trong khi đó, số người cho rằng mình theo đạo Phật tính riêng ở Việt Nam Cộng hòa vào năm 1963 đã là 9 đến 11 triệu người, chiếm 70% đến 80% tổng dân số, theo ước tính của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) vào năm 1963.

Con số 4,6 triệu tín đồ Phật giáo hiện nay cũng nhỏ hơn số tín đồ được CIA cho là tín đồ Phật giáo tích cực (active Buddhists) ở miền Nam vào năm 1974 (khoảng 5 – 6 triệu tín đồ).

Sau năm 1975, hoạt động tôn giáo đầy sống động ở miền Nam đã chịu một giai đoạn “giới nghiêm” hơn 15 năm. Trong khoảng thời gian ấy, các tôn giáo lớn đã bị hạn chế hoạt động, các tôn giáo nhỏ hơn thì bị cấm.

Theo Tạp chí Nhà nước, trong hai cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên vào năm 1979 và năm 1989, Việt Nam không thống kê số tín đồ tôn giáo.

Đến đầu thập niên 1990, chính quyền bắt đầu công nhận các tôn giáo mà trước kia rất phổ biến ở miền Nam như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài. Năm 1999, chính quyền mới bắt đầu thống kê số tín đồ tôn giáo trên cả nước.

Nhưng càng thống kê thì số tín đồ Phật giáo càng suy giảm. Qua ba cuộc thống kê (1999, 2009, 2019), số tín đồ Phật giáo giảm 35% trong khi dân số cả nước đã tăng lên khoảng 26%.

Giáo hội không thừa nhận số liệu của nhà nước, nhưng cũng không tự công khai số tín đồ của mình

Năm 2012, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng về số tín đồ Phật giáo sau khi kết quả cuộc điều tra dân số năm 2009 được công bố rộng rãi.

Dù công nhận rằng cuộc điều tra dân số năm 2009 là “quy mô, nghiêm túc, khách quan”, nhưng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng: “…kết quả thống kê… về Phật giáo chưa được chuẩn xác vì nhiều lý do khác nhau”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, ở Việt Nam, ngoài những người xác nhận mình theo tôn giáo khác, còn lại đều là “người theo đạo Phật, yêu mến đạo Phật và có ảnh hưởng bởi đạo Phật”. Nếu tính theo cách này, số người theo đạo Phật là khoảng 78 triệu người vào năm 2009.

Năm 2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục bị sốc với số tín đồ Phật giáo mà nhà nước đã thống kê.

Dù bị thất vọng nhiều lần như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – với gần 40 năm hoạt động – vẫn không tự thống kê và công khai số tín đồ của mình. Khi nhắc đến số lượng tín đồ Phật giáo, họ phải dùng các thống kê của nhà nước.

Trong khi đó, các tôn giáo khác đã tự công bố số tín đồ của mình. Ví dụ như năm 2018, Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết cả nước có khoảng 7 triệu tín đồ Công giáo (thống kê của nhà nước Việt Nam là chỉ khoảng 5,86 triệu). Các chi nhánh của Phật giáo Hòa Hảo ở hải ngoại công bố có khoảng 3 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vào năm 2010 (thống kê của nhà nước vào năm 2009 là 1,3 triệu).

Số liệu của các cơ quan nhà nước cũng không thống nhất

Không tự đưa ra được thống kê về số tín đồ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay ưa dùng số liệu ước tính của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Theo đó, giáo hội dùng con số ước tính do bà Trần Thị Minh Nga nêu ra trong một bài viết vào năm 2014 trên trang tin của Ban Tôn giáo Chính phủ. Bà Nga cho rằng Phật giáo đến tháng 6/2010 có khoảng 10 triệu tín đồ.

Trong khi đó, số tín đồ Phật giáo năm 2009 do Tổng cục Thống kê công bố chỉ có 6,8 triệu người.

Bà Nga cũng không trích dẫn nguồn số liệu mà bà nêu ra trong bài viết vào thời điểm đó. Vào năm 2014, bà Nga là Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ. Hiện tại, bà là lãnh đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, giữ chức Phó trưởng ban.

Trong báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã sử dụng số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ. Theo đó, vào tháng 1/2018, khoảng 14,9% tổng dân số theo đạo Phật. Nếu áp dụng tỷ lệ này cho tổng dân số năm 2019 thì số tín đồ Phật giáo là khoảng 14,3 triệu người.

Theo PGS.TS Hoàng Thu Hương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, giới tu sĩ Phật giáo quan niệm rằng tín đồ theo đạo Phật phải bao gồm cả những người quy y tam bảo và cả những người có cảm tình với đạo Phật. Tuy vậy, bà Hương cho rằng tiêu chí có cảm tình với đạo Phật không thể đưa vào công tác thống kê.

Vào thời Việt Nam Cộng hòa, CIA đã ghi nhận cả hai con số thống kê này, bao gồm cả những tín đồ tích cực (có thể bao gồm cả những người quy y) và những người tự nhận mình theo đạo Phật.


(*) Các nguồn số liệu của biểu đồ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.