Tôi học làm báo từ các “đệ tử” của Đoan Trang

Cẩm nang ngắn gọn cho nhà báo.

Ảnh: Coindesk/ Shutterstock.
Ảnh: Coindesk/ Shutterstock.

Bài viết khai xuân của chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang” sẽ là chia sẻ của cây viết Y Chan về quá trình (học) làm báo.

***

Những bài học vỡ lòng

Những bài viết đầu tiên tôi gửi đến Luật Khoa, cách đây hơn hai năm, đều không có nguồn trích dẫn. Các dữ liệu trong bài đều ghi theo kiểu mặc định “ai cũng biết nó từ đâu ra, khỏi kiểm chứng”. Đọc bài không ai biết thông tin này từ đến từ đâu, độ tin cậy thế nào, có bị diễn giải sai lệch so với nguồn không… Các biên tập viên đã hướng dẫn tôi cách thức để nhúng link nguồn vào trong bài, và kiểm chứng nội dung từng dữ kiện một để đảm bảo nó đúng sự thật.

Với các bài viết tiếp theo, tôi học được cách tách đoạn và đặt tít phụ cho từng ý. Trước đó, tôi viết mọi thứ thành một cục, không cảm thấy có lý do gì để phải phân với tách. “Khám phá” này không chỉ giúp bài dễ đọc hơn nhiều, mà còn giúp việc viết bài trở nên đơn giản hơn – phân tách các ý chính ngay từ đầu giúp hình dung được bài viết sẽ trông như thế nào.

Trong những bài khác, các biên tập viên lại hướng dẫn tôi cách sắp xếp nội dung, cái nào quan trọng và đáng chú ý đặt lên đầu, những thứ không hấp dẫn lắm thì để sau. Mục đích để độc giả không bỏ ngang sau khi phải đọc một đống chữ.

Cứ như vậy, qua mỗi bài viết, tôi lại học được một thứ gì đó mới về việc làm báo. Từ cách thức diễn đạt – viết câu ngắn thay cho các câu dài rối rắm – cho đến chữ nào cần viết hoa, tên nào cần viết thường – mỗi cái đều có dụng ý riêng của nó.

Quyển cẩm nang làm báo

Sau này, tôi được biết những kỹ năng mình được chia sẻ đó đều có trong quyển sách “Căn bản về truyền thông và báo chí” của Đoan Trang, đồng sáng lập của Luật Khoa tạp chí.

Quyển sách nhỏ chỉ hơn 100 trang này giống như một tuyển tập để luyện thi thời còn đi học. Nếu xem viết báo là bài kiểm tra, thì cuốn cẩm nang này là “tuyệt chiêu cuối” cần dùng tới để vượt vũ môn.

Đọc và nắm hết nội dung trong sách không đảm bảo bạn sẽ đạt điểm cao – tức là viết được bài báo hay – nhưng sẽ giúp bạn không thi rớt – viết được bài báo chấp nhận được.

Trang bìa cuốn "Căn bản về truyền thông và báo chí" của Đoan Trang.
Trang bìa cuốn “Căn bản về truyền thông và báo chí” của Đoan Trang.

Tác giả An Duyên, một cựu sinh viên báo chí, đã từng chia sẻ về cuốn sách qua một bài viết trên chuyên mục này. Theo đó, đối với những sinh viên báo chí, nội dung của sách có giá trị như một quyển giáo trình rút gọn, cung cấp các kiến thức thực tế nhất dành cho những ai muốn làm báo cho người Việt Nam.

Đối với cá nhân tôi, một người cho đến hai năm trước đây không hề biết gì về viết báo, nhận định trên lại càng chính xác.

Tôi tiếp nhận và ứng dụng những kiến thức trong quyển sách từ trước khi được đọc nó. Các biên tập viên của Luật Khoa đã truyền lại từng chút một những kỹ năng, hiểu biết và kinh nghiệm đó cho tôi, qua từng bài viết. Những tri thức này chính là các nội dung mà Đoan Trang đã dày công tổng hợp lại để làm nên cuốn cẩm nang viết báo.

Quyển sách có 10 bài viết, đi từ các bức tranh lớn đến từng vết chấm phẩy nhỏ.

Các bức tranh lớn như:

  • Báo chí là gì
  • Chức năng của nó
  • Có bao nhiêu loại hình
  • Chân dung độc giả
  • Thế nào là một bài viết hay/ dở

Những chấm phẩy chi tiết có:

  • Các câu hỏi kinh điển mà một bài báo phải trả lời
  • Quá trình làm một bài báo
  • Cách đặt tít
  • Cách viết lời dẫn
  • Cách dẫn nguồn
  • Cách kiểm chứng thông tin

Giống như hướng dẫn chi tiết của một đầu bếp lành nghề, quyển sách cung cấp tất cả các bước cần thiết để cho ra một món ăn tinh thần – sản phẩm báo chí – bổ dưỡng.

Những câu hỏi vẫn chờ được giải đáp

Không phải mọi thứ trong quyển sách đều khiến tôi gật gù tâm đắc.

Có lẽ nhờ “lợi thế” của một kẻ không biết gì về làm báo, tôi thường xuyên chất vấn các kiến thức báo chí được đưa ra.

Ví dụ như phần nói về tâm lý khán/ thính/ độc giả. Những mô tả của Đoan Trang đưa ra phù hợp với chân dung của phần lớn độc giả. Bản thân tôi – trong vai trò độc giả – cũng từng và vẫn thường xuyên có những đặc tính như trong sách.

Đó là chân dung về những người “ít tập trung, thiếu kiên nhẫn”, “đọc ít, xem lướt nhiều”, những người “có thể đọc tít rồi bỏ, hoặc đọc đoạn đầu rồi bỏ”, hay “có thể đọc cả bài rồi chẳng nhớ gì”.

Với đối tượng khách hàng như vậy, các sản phẩm báo chí tương ứng bắt buộc phải “ngắn gọn”, “dễ đọc”, “đọc đến đâu hiểu đến đấy”.

Logic này hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi, liệu những sản phẩm báo chí kiểu đó có thật sự giúp ích được cho độc giả trong lâu dài?

Những thói quen đọc ít, đọc lướt, đọc tít chẳng phải là rào cản để tiếp cận tri thức sao? Vì sao không tìm cách (cùng độc giả) thay đổi thói quen đó thay vì chiều theo nó?

Tôi vẫn thường đọc những bài báo dài loằng ngoằng khó hiểu nhưng đầy kích thích của The Atlantic, The New Yorker hay Aeon, và tự hỏi vì sao người nước ngoài có thể đọc rồi bứt tóc suy nghĩ cùng các bài viết đó, còn độc giả Việt Nam thì không?

Chúng ta không thể gửi gắm hy vọng gì vào tác dụng khai trí của nền “báo chí cách mạng” – ngày nào hàng trăm tờ báo quốc doanh còn phải chịu sự chỉ huy của một tổng biên tập mang họ đảng. Vậy những người làm báo độc lập, mạo hiểm mọi thứ để viết những thứ chính quyền độc tài tìm mọi cách ngăn cản, có thể làm được gì khác để thay đổi thói quen tư duy của người Việt Nam? Nếu chỉ chiều theo độc giả, những mạo hiểm này liệu có còn xứng đáng?

Đó là những câu hỏi tôi chưa có lời giải đáp. Cũng có thể đó là những câu hỏi sai của một người chưa hiểu biết gì nhiều về báo chí.

Hai năm học làm báo tất nhiên không đủ để tôi biến thành chuyên gia. Với mỗi một điều mới mẻ học được, tôi lại nhận thấy hàng trăm thứ khác cần phải học tiếp.

Tôi cũng chưa có dịp được trao đổi với tác giả Đoan Trang về những thắc mắc này. Và có lẽ còn phải lâu nữa mới có cơ hội, khi Đoan Trang vẫn đang chịu cảnh tù đày.

“Tội” của cô là đã viết báo, viết sách, viết những thứ chính quyền cộng sản độc tài không muốn người dân được biết đến.

“Tội” của cô là đã mạo hiểm đi trước để những người đi sau như tôi được học viết báo, cho dù không phải trực tiếp từ cô, mà từ các “đệ tử” khác của cô.

Và “tội” của những kẻ đi sau như tôi sẽ là làm tiếp những gì Đoan Trang muốn làm, viết những thứ người Việt Nam cần phải đọc, bất kể những kẻ nắm quyền có thích hay không, và bất kể bản thân độc giả có thấy mình được chiều chuộng hay không.


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.