Tôn giáo tháng 1/2021: Cuộc kiểm điểm trong đêm tối

Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ đứng trước nguy cơ bị chính quyền trấn áp nặng nề.

Tôn giáo tháng 1/2021: Cuộc kiểm điểm trong đêm tối
Năm người Thượng đứng bên trái trong ảnh đang bị chính quyền kiểm điểm trước dân vào tối ngày 15/1/2021. Ảnh: MSFJ.

Bản tin Tôn giáo tháng 1/2021 có các nội dung:


[Bàn tay chính quyền]

Chính quyền tỉnh Phú Yên trấn áp Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ: Cuộc kiểm điểm trong đêm tối

Vào những ngày này ba năm trước, một người Thượng từ Tây Nguyên đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Dự kiến, anh sẽ bị trục xuất về Việt Nam theo lệnh truy nã của công an Việt Nam. Người đàn ông đó tên là A Ga, một tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ.

Lúc bị bắt giữ, anh A Ga đã tị nạn ở Bangkok trong sáu năm cùng với vợ và các con. Anh sống trong một khu tị nạn của hàng trăm người Thượng rời bỏ Tây Nguyên. Cũng như A Ga, không ít người trong số họ bị truy nã vì tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Phần lớn những “người khác” đó chính là gia đình của họ, số còn lại là những người quen cùng theo đạo Tin Lành.

Trong nhà giam ở Thái Lan, A Ga cầu nguyện để anh không bị trục xuất về Việt Nam. Ba tháng sau, anh ngồi trên một chuyến bay cùng với vợ và con của mình, nhưng điểm đến không phải là Việt Nam mà là Philippines. Vụ bắt giữ anh đã được Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp. Gia đình A Ga sau một thời gian ở Philippines đã được đưa sang Mỹ định cư.

Vào ngày 15/1/2021, tên A Ga xuất hiện trong một buổi kiểm điểm của chính quyền đối với năm người Thượng ở xã Ia Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

https://youtu.be/YkU7TmttW1Q Nguồn video: MSFJ News.

Trong bóng tối, tên của A Ga vang lên cùng với tên của năm người Thượng đang đứng trước mặt công an, lãnh đạo địa phương, dân làng. Quang cảnh như một buổi xét xử. Dân làng buộc phải ngồi nghe các cáo buộc của chính quyền về hoạt động của những người này khi tham gia Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ.

Năm người bị kiểm điểm lần lượt là ông Nay Y Blang, ông Nay Y Lới, ông Ksor Y Blang, ông Hwing Y Nuk và ông Rô Da. Công an thông báo rằng có hai người Thượng khác cũng bị kiểm điểm nhưng không xuất hiện trong buổi hôm ấy.

“Cầu nguyện trái phép”

Mở đầu buổi kiểm điểm, chính quyền cho rằng năm người kể trên đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu tham gia hoạt động của FULRO, xuyên tạc đường lối của đảng, chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, chính quyền không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy họ vi phạm pháp luật hình sự như lời cáo buộc.

Ông Nay Y Blang, 50 tuổi, bị chính quyền cáo buộc giữ vai trò cốt cán trong hoạt động của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ ở tỉnh Phú Yên.

Chính quyền cho rằng Y Blang đã làm mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn khi dùng nhà của mình làm nơi sinh hoạt tôn giáo công khai. Ông Blang được cho là kết nối với bạn tù trước kia – thành viên của FULRO – cùng với những người ở địa phương để tham giam Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, nghe A Ga và những người khác ở nước ngoài tuyên truyền sai lệch về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ông Blang còn bị cáo buộc đã tổ chức “cầu nguyện trái phép”, trong đó có việc tổ chức một buổi lễ vào ngày 19/8/2020 nhân “Ngày Quốc tế tưởng niệm Nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin” – đây là một ngày lễ quốc tế do Liên Hiệp Quốc lựa chọn. Ngay cả hoạt động chia sẻ hình ảnh sinh hoạt trong hội thánh của ông Blang cũng bị chính quyền chỉ trích là trái pháp luật.

Bị ép từ bỏ hội thánh

Mục sư A Đảo, thành viên Ban Chỉnh sự của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ nói với đài RFA rằng năm thành viên của họ đã bị chính quyền ép phải từ bỏ hội thánh ngay trong buổi kiểm điểm.

“Chính quyền bắt họ phải bỏ đạo Tin Lành Đấng Christ, nói là nhà nước không chấp nhận chống phá nhà nước, rồi bắt anh em chúng tôi phải ký giấy từ bỏ Hội Thánh này. Nhưng một số anh em chúng tôi cương quyết”, ông A Đảo nói với đài RFA.

Đài RFA dẫn lời của ông Y Krek Bya cho biết buổi kiểm điểm kéo dài từ 18 giờ đến hơn 21 giờ nhưng vẫn không ép được năm người tuyên bố từ bỏ hội thánh.

“Lúc giải tán, họ nói là nếu các anh không từ bỏ, thì nếu có biểu tình xảy ra như thế nào thì sẽ bắt mấy anh vào tù, có thể bị nặng, sẽ bị giết”, ông Y Krek Bya nói với RFA.

“Kiểm điểm trước dân”

Những cuộc kiểm điểm trước dân liên quan đến tôn giáo ở Tây Nguyên được biết đến từ những năm 2000. Đó là khi phong trào tôn giáo kết hợp với đấu tranh nhân quyền nảy nở trong khu vực này.

Chính quyền sẽ đưa người dân đến chứng kiến, nghe các hoạt động bị cho là sai trái của người bị kiểm điểm. Mục đích của việc này là ép người bị kiểm điểm phải từ bỏ hoạt động tôn giáo của mình, và răn đe những ai có ý định tham gia những hoạt động không được nhà nước ủng hộ.

Những buổi kiểm điểm này hiếm khi được báo chí nhà nước tường thuật. Đoạn ghi hình về cuộc kiểm điểm năm người kể trên dường như do một người dân lén quay lại.

Trong một trường hợp hiếm hoi, vào ngày 4/7/2020, Công an tỉnh Gia Lai tường thuật lại buổi kiểm điểm một người Thượng 50 tuổi. Người bị kiểm điểm là ông Puih Hơng, thường trú tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Chính quyền cho rằng ông đã nhiều lần vượt biên sang Campuchia, xuyên tạc chính sách tôn giáo và đại đoàn kết dân tộc.

Ông Puih Hơng đứng trước chính quyền và người dân trong một buổi kiểm điểm do chính quyền tổ chức vào ngày 4/7/2020. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định nào liên quan đến việc đưa người ra kiểm điểm trước dân. Những hoạt động này có lẽ được nhà nước xếp vào loại hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Hình thức kiểm điểm này từ lâu đã bị các tổ chức quốc tế lên án là xâm hại nhân phẩm của người khác.

Số phận bấp bênh của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ

Đối với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, chỉ hoạt động tôn giáo thuần túy thôi là chưa đủ để được cấp phép hoạt động. Họ còn phải thể hiện mình thật lòng ủng hộ tất cả các chính sách của nhà nước.

Khi chưa sang Thái Lan tị nạn, anh A Ga từng nhiều lần cầm đơn đến ủy ban nhân dân xã của mình để đăng ký sinh hoạt tôn giáo, nhưng đều không được cấp phép.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có quy định về “đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung”, nhưng cũng có quy định rằng những nhóm nào phạm phải điều 5 của luật này không được cấp phép sinh hoạt tôn giáo.

Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó Khoản 4, Điểm a cấm các hành vi “xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường” và Khoản 4, Điểm d cấm “chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau”.

Không có định nghĩa cụ thể thế nào là “xâm phạm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội” hay “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”. Những quy định này trở thành rào cản hữu dụng để chính quyền cấm cửa các sinh hoạt tôn giáo không theo ý mình.

Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ được thành lập năm 2006. Năm 2016, hội thánh tuyên bố có hơn 1.500 thành viên.

Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ đã bị chính quyền đàn áp hơn một thập niên qua. Tuy nhiên, tổ chức này ít được báo chí nhà nước nhắc tới hơn so với các nhóm tôn giáo bị cho là chống chính quyền khác như FULRO, Tin Lành Đề Ga, Hà Mòn.

Cho đến thời gian gần đây, khi các tổ chức tôn giáo kể trên gần như đã bị triệt hạ, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ dường như đã trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền.

Một thành viên của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ bị công an thẩm vấn. Ảnh: An Ninh TV.

Vào tháng 7/2020, Truyền hình An ninh, một kênh thông tin của Bộ Công an, đã phát phóng sự cáo buộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ đang hoạt động chống chính quyền Việt Nam với sự tài trợ từ nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho rằng hoạt động dùng tôn giáo chống chính quyền ở Tây Nguyên hiện nay đã chuyển từ Tin Lành Đề Ga sang Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ.

Chính quyền cho biết hội thánh đang có khoảng 27 điểm sinh hoạt ở năm tỉnh thành (Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và Trà Vinh). Phú Yên có lẽ là địa bàn mới của tổ chức này.

Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ gồm có các thành viên ở trong nước lẫn ngoài nước, trong đó có có cả cựu tù nhân đang bị chính quyền giám sát và những người đang tị nạn ở Thái Lan. Với gốc gác thành viên như vậy, cộng thêm nỗi ám ảnh sẵn có của chính quyền về những cuộc biểu tình khổng lồ ở Tây Nguyên vào những năm 2000, tổ chức tôn giáo này chắc chắn sẽ bị trấn áp không nương tay.

[Tôn giáo 360 độ]

Bản cam kết “tự nguyện từ bỏ tà đạo” ở Điện Biên

Một nửa biên bản “cam kết tự nguyện từ bỏ tà đạo” ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

Một phóng sự do báo Điện Biên Phủ, một tờ báo của chính quyền tỉnh này, đã hé lộ một phần văn bản yêu cầu người dân cam kết không theo các tôn giáo không được nhà nước công nhận.

Bài báo cho biết các bộ đội thuộc Đồn Biên phòng Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã vận động người dân không sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Ký “bản cam kết tự nguyện từ bỏ tà đạo” là một trong những hoạt động của chương trình vận động này.

Những hình ảnh trên phóng sự cho thấy đây là bản cam kết đã được chính quyền viết sẵn, người ký cam kết chỉ cần điền tên, tuyên bố từ bỏ tà đạo, và đồng ý thực hiện những yêu cầu của chính quyền.

Bài báo này tiếp tục xác nhận chính quyền vẫn đang thực hiện các hoạt động ngăn chặn sự lan truyền của các tôn giáo mới ở tỉnh Điện Biên.

Băng-rôn tưởng niệm ở chùa Phước Bửu bị xịt sơn đen

Băng-rôn của chùa Phước Bửu bị xịt sơn đen. Ảnh: Trang Facebook chùa Phước Bửu.

Ngày 18/1/2021, trang Facebook của chùa Phước Bửu đăng hình ảnh một dải băng-rôn treo ở chùa bị xịt sơn đen. Đây là ngôi chùa tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nội dung băng-rôn in dòng chữ: “Thành kính tưởng niệm – Lễ tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, thành viên tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

Dải băng-rôn đã bị xịt một dấu chữ X lớn ngay ở giữa, đồng thời xịt đè lên toàn bộ chữ “thống nhất”.

Chùa Phước Bửu thường xuyên bị chính quyền địa phương sách nhiễu vì theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 2019, chính quyền đã lắp camera nhắm thẳng vào cổng chùa để kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở đây.

Việt Nam có 8.000 học viên Pháp Luân Công với 600 địa điểm tập luyện

Học viên Pháp Luân Công tại Hà Nội năm 2018. Ảnh: Southeast Asia Globe.

Ngày 19/1/2021, trong buổi tọa đàm trực tuyến về tôn giáo mới ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ, xác nhận rằng hiện tại Việt Nam có khoảng 8.000 học viên Pháp Luân với 600 địa điểm tập luyện ở tất cả các tỉnh, thành.

Cũng trong buổi tọa đàm này, PGS.TS Ngô Đức Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc – Tôn giáo (thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc), cho rằng các tôn giáo mới muốn được cho phép hoạt động thì phải giúp nhà nước thực hiện chủ nghĩa xã hội, giúp đoàn kết dân tộc, và phải truyền đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông Thảo cũng cho rằng Việt Nam sẽ khó chấp nhận Pháp Luân Công vì bộ môn này có quá khứ hoạt động chính trị, đòi dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc.

Trong năm qua, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị công an ngăn cản phổ biến bộ môn này ở nhiều tỉnh thành.

Công an Hà Nội yêu cầu một người trình giấy chứng nhận xuất gia để được công nhận là Phật tử

Bài báo của báo Giác Ngộ về việc công an yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xuất gia khi kê khai tín đồ Phật giáo. Ảnh chụp màn hình.

Ngày 22/1/2021, nhà báo Chu Minh Khôi của báo Giác Ngộ đặt ra nghi vấn về việc thống kê số tín đồ Phật giáo tại Việt Nam.

Sự việc bắt nguồn khi tác giả đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an thành phố Hà Nội để đề nghị cấp lại căn cước công dân. Cán bộ tại đây đã yêu cầu ông Khôi xuất trình giấy chứng nhận xuất gia vì ông kê khai trong đơn xin cấp lại căn cước là theo đạo Phật.

Ông Khôi lý giải rằng ông không phải là người xuất gia (Tăng – Ni, hay tu sĩ), mà chỉ là phật tử (cư sĩ). Ông còn cho biết mình có giấy chứng nhận quy y – tu tại gia do nhà chùa cấp.

Theo lời kể của ông Khôi, người cán bộ đáp rằng: “Nhìn anh đầu không cạo tóc, không mặc áo tu sĩ thì biết không phải người xuất gia rồi! Giấy chứng nhận quy y như anh nói không có giá trị công nhận tôn giáo là Phật giáo. Phải có giấy chứng nhận xuất gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp thì mới có giá trị!”

Một số độc giả của báo Giác Ngộ cũng xác nhận rằng họ được công an yêu cầu trình giấy xuất gia thì mới được khai là tín đồ của Phật giáo.

Luật Khoa đã tiến hành xác nhận thông tin với một số tín đồ Phật giáo khác. Những người này cho biết chính quyền ở địa phương chấp thuận khi họ xưng là tín đồ Phật giáo, dù không có giấy chứng nhận xuất gia.

Công an ở các tỉnh, thành có lẽ đã áp dụng những cách thức kê khai tôn giáo khác nhau. Nhiều người đã đặt ra nghi vấn rằng thống kê của nhà nước về tín đồ Phật giáo không thật sự chính xác vì việc kê khai tôn giáo bị gây khó dễ.

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số lần đầu tiên có thống kê số tín đồ tôn giáo, năm 1999, Việt Nam có số tín đồ Phật giáo là 7,1 triệu người. Năm 2019, Tổng cục Thống kê công bố số tín đồ Phật giáo chỉ còn 4,6 triệu người. Theo đó, Phật giáo không còn là tôn giáo có số tín đồ đông nhất ở Việt Nam.

[Ngày này năm xưa]

Ba năm Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực

Quốc hội Việt Nam khi thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016. Ảnh: Báo Quốc hội.

Ngày 1/1/2018, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới có hiệu lực. Luật này được Quốc hội thông qua năm 2016, thay thế cho Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 và Nghị định 92/2012/NĐ-CP về tôn giáo.

Trái ngược với lời tuyên bố của nhà nước rằng luật này đảm bảo và thực hiện quyền tự do tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thực chất đã biến thành công cụ để chính quyền ngày càng bóp nghẹt các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

Sau ba năm thực thi luật này, các tổ chức tôn giáo không được công nhận trước đây vẫn không thể vượt qua chiếc phễu thanh lọc của chính quyền. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dù có lịch sử hoạt động lâu hơn cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vẫn bị xem là tổ chức bất hợp pháp.

Các tôn giáo mới ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên không thể đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo các quy định của luật này.

Chính quyền ngày càng cho thấy họ phân biệt đối xử giữa các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo dường như được chia thành hai loại: tích cực (ủng hộ tuyệt đối chính sách của nhà nước), và tiêu cực (sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tranh đấu cho nhân quyền, hoạt động độc lập khỏi sự kiểm soát của nhà nước).

Các tổ chức tôn giáo vẫn bị cấm tham gia vào nền giáo dục phổ thông. Hoạt động này đã từng rất sôi nổi ở miền Nam trước năm 1975 và ở miền Bắc trước năm 1954.

Chính quyền vẫn giữ toàn quyền quyết định đối với đất đai của các tổ chức tôn giáo, kể cả đối với việc xây dựng, sửa chữa các cơ sở tôn giáo.

Việc giáo dục nội bộ của các tổ chức tôn giáo cũng bị can thiệp. Hai môn lịch sử và pháp luật Việt Nam phải được dạy theo giáo trình của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Các quy định của luật này cho phép chính quyền dễ dàng can thiệp vào nội bộ các tổ chức tôn giáo. Điển hình như trong năm 2020, đại diện của Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên phải làm những việc liên quan đến công việc nội bộ: “Xây dựng quy chế chức sắc hữu công, hàm phong; quy chế giải quyết đơn thư khiếu kiện; công cử chức sắc đủ tiêu chuẩn bổ sung cho Thượng hội, Ban Thường trực, các Viện của Hội thánh”. Hay như việc can thiệp vào tranh chấp thánh thất Cao Đài Phú Lâm tại tỉnh Phú Yên.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 và quá trình thực thi luật này ngày càng cho thấy rằng chính quyền xem các tổ chức tôn giáo gần như là một cơ quan nhà nước, hơn là một tổ chức dân sự.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.