Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vì sao chúng ta thích đốt pháo vào dịp Tết?
Nếu bạn hỏi những người xung quanh, câu trả lời nhiều nhất sẽ là “vui mà”, hoặc đó là “truyền thống” hay “văn hóa” xưa nay.
Nếu hỏi tiếp vì sao lại “vui” và “truyền thống/ văn hóa” đó là gì, khả năng cao bạn sẽ bị đốt phong long mời đi chỗ khác chơi.
Phong tục đốt pháo vào dịp Tết được cho là khởi nguồn từ Trung Quốc, sau này du nhập vào Việt Nam. Nhưng nếu hỏi những người Hoa thời bây giờ, khả năng cao họ cũng không biết rõ vì sao lại có phong tục này.
Có rất nhiều điển tích khác nhau lý giải tập quán đốt pháo. Phiên bản phổ biến nhất là về con quái vật tên Niên, cứ đến mùa đông lại xuất hiện quấy phá người dân. Sau này người ta vô tình tìm ra điểm yếu của con vật – sợ tiếng nổ lớn và màu đỏ. Phong tục đốt pháo và dán câu đối đỏ, cũng như mặc áo, trang hoàng mọi thứ dịp Tết bằng màu đỏ, bắt nguồn từ đó.
Lại có phiên bản khác cho rằng con quái vật này tên Tịch, và người có công truyền lại bí kíp đối phó là một thanh niên, hoặc một vị thần, có tên Niên. Từ đó mới có tên gọi “lễ trừ tịch” (vào đêm cuối năm) và việc “qua niên” (mừng năm mới).
Mỗi phiên bản lại có hàng chục đến hàng trăm dị bản khác nhau. Ngày nay, khi nói đến thói quen đốt pháo dịp Tết, người ta đều hài lòng với giải thích rằng đó là phong tục để trừ tà ma và dẹp xui xẻo.
Không chỉ có người dân châu Á mới thích tiếng nổ đùng đoàng vào những dịp lễ.
Cùng với phát minh thuốc nổ, pháo hoa khi được đưa từ Trung Quốc sang châu Âu vào giữa thế kỷ 13 lập tức được đón nhận rộng rãi. Nó nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội ngoài trời của các hoàng gia và giới quý tộc.
Khi công nghệ làm pháo hoa (pyrotechnics) ngày càng phổ biến và phát triển, những màn trình diễn ánh sáng lung linh không còn trở thành độc quyền của một nhóm người. Pháo hoa xuất hiện mọi nơi, trong các dịp lễ quốc gia lẫn những bữa tiệc cá nhân.
Tại Mỹ, người ta thường tổ chức các màn trình diễn pháo hoa lớn vào hai ngày lễ trong năm, ngày độc lập 4/7 và ngày đầu năm mới 1/1.
Giữa năm 2020 vừa qua, các trường hợp người dân tự mua và đốt pháo bông tại Mỹ tăng vọt. Vài tuần trước dịp quốc khánh, làn sóng đốt pháo hoa bùng nổ khắp các thành phố nước này. Các trường hợp khiếu nại về tiếng ồn và ảnh hưởng từ pháo hoa tăng vài chục lần so với cùng thời điểm năm trước đó.
Việc đốt pháo hoa tăng đột biến đến mức nhiều người đã tìm kiếm giải thích từ các thuyết âm mưu.
Tại các khu vực tập trung đông người da màu, người ta nghi ngờ chính quyền đứng đằng sau những làn sóng bắn pháo hoa hàng đêm – khiến người dân mệt mỏi vì mất ngủ, đồng thời làm cho mọi người quen dần với các tiếng nổ, để rồi sau đó sẽ không ai còn phản ứng khi cảnh sát thực sự dùng đến vũ khí sát thương.
Thuyết âm mưu này lan truyền mạnh trong thời điểm căng thẳng dâng cao với các cuộc biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát nhắm vào cộng đồng người da màu tại Mỹ.
Có những lý giải đơn giản và bớt kịch tính hơn cho làn sóng bùng nổ pháo hoa vào năm ngoái tại Mỹ. Các kế hoạch biểu diễn pháo bông nơi công cộng bị hủy bỏ. Trong khi đó, người dân phải ở nhà, buồn chán không có gì làm, quyết định tự mình làm vài show.
Jay L. Zagorsky, một nhà kinh tế học, giải thích theo góc độ kinh tế qua khái niệm “chi phí cơ hội” – chi phí đánh đổi giữa lựa chọn này và các lựa chọn khác.
Theo đó, trong điều kiện phong tỏa, các hàng quán, khu vực vui chơi giải trí công cộng đều đóng cửa. Dịch bệnh cũng khiến nhiều người mất việc làm. Lựa chọn để người dân làm chuyện khác – giải trí, kết nối hay làm việc – đều giảm đi đáng kể. Chi phí đánh đổi của việc đốt pháo hoa, bình thường thì cao, trong hoàn cảnh đó trở thành rất thấp.
Nhưng người ta thích xem pháo hoa từ rất lâu trước khi các con virus corona chủng mới gõ cửa ghé thăm.
Khác với dân châu Á, người châu Âu không có các câu truyện tưởng tượng tam sao thất thập bản để giải thích cho phong tục này.
Daniel Glaser, một nhà thần kinh học, tìm cách lý giải mối liên hệ giữa người và pháo. Ông cho rằng người ta thích pháo bông vì sợ. Chính xác hơn, đó là “nỗi sợ được kiểm soát”.
Theo Glaser, khi nhìn thấy ánh sáng phát ra từ pháo, trong một khoảnh khắc, não người chờ đợi tiếng nổ sẽ xảy ra ngay sau đó. Nó như một tín hiệu đe dọa. Vùng hạnh nhân (amygdala), nơi chuyên phát hiện và xử lý cảm giác sợ hãi, được kích hoạt theo dõi. Khi tiếng nổ phát ra đúng như dự đoán, não tiết ra dopamine, một loại hormone có tác dụng làm cơ thể hưng phấn.
Khác với sấm chớp, khi con người cũng nhìn thấy ánh sáng và sau đó mới nghe tiếng sấm, quan sát pháo bông khiến người ta vui hơn. Lý do vì không ai biết khi nào tiếng sấm sẽ vang lên, và nó sẽ đánh vào đâu. Pháo bông thì ngược lại, người ta biết rõ nó sẽ nổ ở đâu, và không gây nguy hiểm cho mình. Nỗi sợ về pháo bông vì vậy được kiểm soát. Đó cũng là lý do động vật, như chó, sợ pháo bông. Chúng thường bị các tiếng động lớn này làm giật mình, vì không biết được khi nào pháo sẽ nổ và có gây hại cho mình không.
Lý giải của Glaser cũng có thể được dùng để giải thích cho những “cây pháo” nguyên thủy của loài người.
Loại pháo đầu tiên, có tên gọi “bạo trúc”, không phải được con người tạo ra, mà được phát hiện. Nó chỉ đơn giản là các thanh trúc được đốt cháy và phát ra tiếng nổ do không khí bên trong thân trúc.
Vài ngàn năm trước, ai đó có lẽ đã giật mình hoảng sợ khi vô tình đốt cháy cây trúc và nghe thấy tiếng nổ phát ra từ đó. Nhưng khi lặp đi lặp lại thử nghiệm này, và phát hiện ra quy luật đốt-cháy-nổ-không chết ai, người ta bắt đầu thấy thích thú. Nỗi sợ được kiểm soát chuyển thành một dạng kích thích.
Nhìn theo góc độ kinh tế như cách giải thích của Jay L. Zagorsky về chi phí cơ hội, ta thấy rằng chuyện đốt pháo thuần túy là một lựa chọn – và đó là lựa chọn khi ngồi không không có gì khác hay ho hơn để làm.
Ngay cả theo góc độ thần kinh học của Daniel Glaser, chuyện đốt pháo cũng không phải là thứ bắt buộc phải làm. Nó thuần túy là một loại kích thích – trong vô số các thứ kích thích mà con người có thể lựa chọn để tạo ra.
Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn khi nhìn nó dưới góc độ “văn hóa”, “truyền thống”, “dân tộc”, hay thậm chí gắn thêm cái mác “thiêng liêng” – những chiếc mũ khiến người ta dễ dãi chấp nhận và không mấy khi chịu chất vấn lý do chúng tồn tại.
Đốt pháo – pháo dây ngày trước hay pháo bông ngày nay – rõ ràng là một (trong những) thứ khiến người ta thích thú. Nhưng hệ lụy của nó là gì?
Tai nạn chết người và thương tật năm nào cũng có. Các vụ cháy nổ do đốt pháo xuất hiện mọi nơi. Tại Việt Nam, vẫn chưa thấy ai kiểm soát và nghiên cứu kỹ càng về ảnh hưởng từ các loại hóa chất và kim loại (như chì) có trong các loại pháo. Và tất nhiên tiếng ồn từ hoạt động đốt pháo gây hại đến sức khỏe của không ít người, đặc biệt là trẻ con và người lớn tuổi.
Đó là chưa kể chi phí tốn kém từ các lễ hội đốt pháo hoa đang được nhân rộng khắp nơi.
Sẽ có rất nhiều ý kiến bảo vệ lựa chọn đốt pháo này như một thứ “văn hóa” hay “truyền thống dân tộc”. Rốt cuộc thì văn hóa trong định nghĩa của nhiều người là những thứ “được truyền từ xưa tới giờ”. Họ quên mất văn hóa là một sinh vật sống, thay hình đổi dạng qua mỗi thế hệ.
Thứ văn hóa mà mỗi người đang tiếp nhận chỉ thuần túy là phiên bản được sửa đổi gần nhất, tuyệt nhiên không phải và cũng không tồn tại thứ phiên bản “văn hóa gốc”.
Quan trọng hơn cả, mỗi người đều có trách nhiệm tạo ra văn hóa mới.
Đối với những người sinh ra sau năm 1995, thời điểm Việt Nam chính thức cấm đốt pháo, giao thừa vừa qua là dịp đầu tiên họ nghe tiếng pháo.
Nếu việc này lặp lại vào các năm sau, thế hệ này sẽ được tiếp nhận thứ văn hóa mới: nhà nhà đốt pháo bông đêm giao thừa. Nó là mới, vì cha ông họ ngày xưa chỉ biết đốt pháo dây.
Bây giờ hãy thử tưởng tượng một thứ văn hóa hoàn toàn khác được tạo ra: thay vì đốt pháo, sẽ như thế nào nếu ta thay tiếng nổ đùng đoàng đó bằng các tiếng chuông? Mỗi khu phố có cái chuông lớn. Mỗi nhà sắm cái chuông nhỏ. Cùng với chuông nhà thờ, chuông chùa các loại, đến cùng thời khắc chuyển giao, các tiếng chuông đồng loạt vang lên. Bản giao hưởng lúc giao thừa này có lẽ không hề kém “không khí Tết” mà các tiếng pháo tạo ra, lại không có những hệ lụy tiêu cực kèm theo. Đó cũng sẽ là thứ văn hóa đậm đà bản sắc – do người Việt Nam thế hệ này tạo ra, và khác biệt với phần còn lại của thế giới.
Tất nhiên đó là tưởng tượng, và không nhất thiết đó là lựa chọn tốt. Nhưng điều đó không quan trọng.
Điểm mấu chốt ở đây không phải là đốt pháo gì hay lựa chọn chuông hay không. Điều quan trọng là chúng ta cần có những cuộc thảo luận công khai và rõ ràng về những thứ được gọi là phong tục, văn hóa, truyền thống của đất nước. Cần phải gỡ những cái mũ “thiêng liêng” ra khỏi mọi thói quen, từ văn hóa, xã hội và đương nhiên là cả chính trị.
Cần để mọi người nhận thức rõ, thứ mình làm là vì cái gì, để được gì, hậu quả là gì, trách nhiệm bản thân là gì, và lựa chọn khác là gì.
Làm được như vậy, cánh cửa thay đổi mới rộng mở. Những gì không phù hợp được mời ra, những gì thật sự có ích được giữ lại và tiếp tục tạo nên.
Đó có lẽ là thứ “văn hóa mới” quan trọng nhất mà chúng ta có thể để lại cho tương lai.