Các vụ điều tra đang nhắm đến Donald Trump và vai trò của “đại bồi thẩm đoàn”

Các công tố viên đã tiếp cận hồ sơ, nhưng công luận phải chờ lâu nữa mới biết kết quả.

Các vụ điều tra đang nhắm đến Donald Trump và vai trò của “đại bồi thẩm đoàn”
Sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với nhiều cáo buộc điều tra. Ảnh: CNN.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra khác nhau, từ các nghi vấn liên quan đến hoạt động kinh doanh cho đến các cáo buộc về việc can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử vừa qua.

Những cuộc điều tra nào đang diễn ra?

Hiện có hai vụ điều tra hình sự nhắm vào ông Trump.

Thứ nhất là vụ của công tố viên bang New York do Trưởng công tố Cyrus Vance dẫn đầu. Cuộc điều tra này nhằm làm rõ cáo buộc về gian lận thuế, lừa đảo ngân hàng và bảo hiểm của ông Trump và công ty gia đình ông là Trump Organization.

Cuộc điều tra thứ hai là của công tố viên bang Georgia về vụ Trump gọi điện cho Thư ký Bang (Secretary of State) yêu cầu tìm cho ông đủ số phiếu để lật ngược kết quả bầu cử.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát Hạ viện mới cũng vừa ra trát đòi xem các báo cáo tài chính của ông Trump.

Các cuộc điều tra hình sự đều đang tới bước triệu tập “đại bồi thẩm đoàn” (grand jury).

Đại bồi thẩm đoàn có vai trò gì?

Khác với “bồi thẩm đoàn” (jury) mà ta thường thấy trong các phiên tòa xét xử, vốn có vai trò định tội bị cáo, đại bồi thẩm đoàn được các công tố viên lập ra để hỗ trợ điều tra, xác định xem có đủ căn cứ để truy tố hay không.

Đại bồi thẩm đoàn được trao cho thẩm quyền điều tra (investigative powers). Nó có thể ra trát triệu tập nhân chứng và yêu cầu giao nộp tài liệu. Các nhân chứng có thể bị đại bồi thẩm đoàn xét hỏi riêng mà không được phép mời luật sư hỗ trợ.

Vai trò của đại bồi thẩm đoàn được quy định trong Tu chính án thứ Năm, trong đó ghi “không người nào bị truy tố về một tội có mức án tử hình hay một trọng tội nào nếu không có sự đồng ý tố cáo từ một đại bồi thẩm đoàn” (no person shall be held to answer for a capital, or otherwise infamous crime, unless on a presentment or indictment of a Grand Jury).

Các thành viên đại bồi thẩm đoàn thường được triệu tập hỗ trợ điều tra cho các vụ án kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Ảnh minh họa: Johnny Hanson/ HC staff.

Từ “đại” (grand) được dùng để chỉ số lượng thành viên. Đại bồi thẩm đoàn thông thường có từ 16 – 23 người, nhiều hơn bồi thẩm đoàn, vốn chỉ có 6 – 12 người.

Trong khi bồi thẩm đoàn định tội theo nguyên tắc đồng thuận (unanimity), đại bồi thẩm đoàn quyết định có thể truy tố hay không theo nguyên tắc đa số (majority). Tùy quy định từng nơi, đa số này có thể là ⅔ hoặc ¾.

Ngay cả trong trường hợp đại bồi thẩm đoàn quyết định không khởi tố vụ án, công tố viên điều tra vẫn có thể đưa vụ việc ra tòa nếu thuyết phục được một thẩm phán thụ lý.

Khác với bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa, vốn chỉ tập hợp lại trong thời gian ngắn (khi phiên tòa diễn ra), đại bồi thẩm đoàn có thời gian hoạt động kéo dài hàng tháng, có khi nhiều năm trời.

Giống như bồi thẩm đoàn, thành viên của đại bồi thẩm đoàn cũng được lựa chọn ngẫu nhiên. Điểm khác biệt là hoạt động lẫn danh tính của đại bồi thẩm đoàn đều được giữ bí mật, theo nguyên tắc đảm bảo công bằng và hiệu quả trong điều tra.

Vì nguyên tắc bí mật này nên hồ sơ thuế của Donald Trump, dù đã được các cấp tòa phán quyết là phải được giao nộp cho công tố viên, vẫn sẽ không được công chúng tiếp cận, trừ trường hợp vụ việc được đưa ra tòa.

Vì sao hồ sơ thuế của Trump lại rắc rối vậy?

Kể từ khi ra tranh cử năm 2015 đến nay, Trump liên tục hứa hẹn rồi từ chối công bố báo cáo thuế. Trong khi đó, các đời ứng viên tổng thống Mỹ kể từ thời Richard Nixon vào thập niên 1970 đều công khai con số tài chính và nghĩa vụ thuế.

Lý do ông Trump đưa ra là vì Sở Thuế vụ còn đang kiểm toán báo cáo tài chính công ty của ông. Tuy nhiên trên thực tế, không có quy định nào ngăn Trump công khai thông tin nộp thuế kể cả khi đang bị kiểm toán.

Tháng 8/2019, Trưởng công tố Cyrus Vance ra trát đòi Mazars USA, công ty kế toán của ông Trump và công ty Trump Organization, cung cấp tài liệu thuế và kế toán trong vòng tám năm qua, tức là từ năm 2011 trở đi.

Trưởng công tố Cyrus Vance của bang New York đang dẫn đầu một cuộc điều tra toàn diện vào các hoạt động tài chính của Trump và công ty Trump Organization. Ảnh: Jeenah Moon/ Reuters.

Các luật sư của Trump lập tức kiện yêu cầu của ông Vance, lập luận rằng ông Trump không thể bị điều tra hình sự vì ông có đặc quyền tổng thống. Bị thua ở các tòa cấp dưới, luật sư của Trump đẩy vụ này lên Tòa án Tối cao.

Vào tháng 7/2020, Tòa án Tối cao bác bỏ lập luận của phe Trump, khẳng định tổng thống không được miễn trừ khỏi các vụ điều tra hình sự.

Phe Trump tiếp tục kiện, chống lại yêu cầu đòi xem hồ sơ thuế của ông Vance, nhưng trên một cơ sở khác. Các luật sư của Trump cáo buộc đòi hỏi của Vance là thái quá (wildly overbroad) và có mục đích xấu (bad faith) nhằm bôi nhọ ông Trump.

Sau khi các tòa án cấp dưới tiếp tục xử Trump thua, tháng 10/2020, phe Trump một lần nữa yêu cầu Tòa án Tối cao phân xử. Phán quyết cuối cùng của Tòa Tối cao vào ngày 22/2/2021 vừa rồi đã chấm dứt cuộc chiến pháp lý dai dẳng, và hồ sơ thuế của Trump đã nằm trong tay ông Vance.

Liệu có gì đáng điều tra hay chỉ là một động thái chính trị?

Các cuộc điều tra về Trump bắt đầu từ nhiều năm trước, và những người ủng hộ điều tra có lý do để không dừng lại.

Vào năm 2018, luật sư riêng lâu năm của ông Trump, Michael Cohen phải ngồi tù ba năm vì tội trốn thuế, lừa đảo ngân hàng và vi phạm quy định bầu cử.

Cụ thể, Cohen khai rằng theo lệnh của ông Trump, ông đã trả 130.000 USD (gần 3 tỷ VND) cho diễn viên phim người lớn Stephanie Clifford (hay còn gọi là Stormy Daniels) để mua sự im lặng của cô về chuyện ngoại tình với ông Trump.

Ngoài ra, ông Cohen cũng sắp xếp để tạp chí National Enquirer trả 150.000 USD (gần 3,5 tỷ VND) cho cựu người mẫu Playboy Karen McDougal để mua độc quyền câu chuyện ngoại tình của cô này với ông Trump, nhưng không bao giờ xuất bản. Cohen nói công ty của Trump đã bồi hoàn lại các khoản tiền này cho ông.

Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Trump, điều trần trước Quốc hội vào tháng 2/2019. Ảnh: Chip Somodevilla/ Getty Images.

Các công tố viên nói rằng vụ trả tiền để bịt miệng này nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và coi các khoản tiền dàn xếp của ông Cohen là đóng góp cho chiến dịch tranh cử. Theo đó, ông Cohen đã vượt giới hạn 2.700 USD mà mỗi cá nhân được đóng góp cho một ứng viên tổng thống, tức là vi phạm Đạo luật Chiến dịch Tranh cử Liên bang.

Ông Trump bác bỏ chuyện ông ngoại tình, nhưng lại gọi việc Cohen trả tiền cho các nhân tình tin đồn của mình là các giao dịch cá nhân đơn thuần. Trump cũng khẳng định ông không vi phạm điều luật nào.

Khi đó, Văn phòng Công tố New York mở điều tra để xem ông Trump và công ty của ông, có trụ sở tại New York, có vi phạm luật pháp bang trong vụ này hay không.

Kể từ đó, cuộc điều tra được mở rộng, khi các công tố viên tập trung vào các cáo buộc trốn thuế và vi phạm tài chính của ông Trump.

Nhưng tờ New York Times đã đăng về chuyện nộp thuế của Trump rồi mà?

Đúng vậy, nhưng cuộc điều tra của ông Vance hứa hẹn cho kết quả khác. Tháng 9/2020, New York Times công bố các bài viết điều tra dựa trên các báo cáo, tài liệu tài chính về hàng chục năm kinh doanh của Trump mà họ thu gom từ các nguồn tin mật.

New York Times cho hay công việc kinh doanh của ông Trump thua lỗ liên miên và ông không nộp một đồng thuế thu nhập liên bang nào trong 10 năm. Trong hai năm đầu tiên làm tổng thống, mỗi năm ông chỉ nộp đúng 750 USD (17 triệu VND) tiền thuế thu nhập liên bang.

Điều tra từ New York Times tiết lộ ông Trump chỉ nộp 750 USD/ năm tiền thuế thu nhập trong hai năm 2016 và 2017. Trong khoảng thời gian 15 năm trước đó, có 10 năm ông không nộp đồng nào. Điều tra cũng cho biết Trump đang mắc nợ 300 triệu USD với thời hạn trả trước năm 2024. Nguồn: New York Times/ BBC.

Các công bố gây sốc này tạo ra một cuộc tranh luận mới giữa những người ủng hộ Trump và những người còn lại. Về phần mình, ông Trump luôn có những phát ngôn không nhất quán. Một mặt, ông chỉ trích New York Times đưa tin giả, và báo cáo điều tra của họ toàn là bịa đặt. Mặt khác, ông đã từng khoe khoang rằng việc ông không phải nộp thuế chứng tỏ ông thông minh.

Cuộc điều tra của ông Vance được trông đợi sẽ chấm dứt những tranh cãi này và có thể biến ông Trump thành bị cáo trước tòa. Liệu ông Trump có thực sự kinh doanh toàn lỗ, hay liệu các kế toán viên của Trump có lười biếng tới mức xào nấu ra con số nộp thuế đúng bằng 750 USD trong hai năm ông Trump cầm quyền?

Ngoài các báo cáo tài chính cuối cùng, ông Vance còn được quyền chạm tới các bản nháp báo cáo, các tài liệu thô, mọi báo cáo tình trạng tài chính và các báo cáo kiểm toán độc lập mà Mazars USA đang sở hữu có liên quan đến Trump.

Trưởng công tố Vance đã thuê cựu công tố Mark Pomerantz, người có kinh nghiệm sâu rộng trong các hoạt động lừa đảo doanh nghiệp để hỗ trợ điều tra. Tập hồ sơ có thể lên đến hàng triệu trang tài liệu.

Tóm lại, nếu các báo cáo điều tra của New York Times chỉ cho thấy kết quả nộp thuế, thì các tài liệu mà ông Vance có được có thể cho biết các hoạt động đằng sau để các kế toán của Trump đưa ra con số này. Khả năng ông Trump bị khởi tố là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tất nhiên, với khối lượng tài liệu khổng lồ như đã nêu, kết quả điều tra sẽ không thể có ngay một sớm một chiều.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.