Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tò mò, thắc mắc, đọc chậm, thăm dò, và dần sáng tỏ.
“Cẩm nang nuôi tù” không phải cuốn sách đầu tiên của tác giả Đoan Trang mà tôi từng đọc. Nhưng nó là cuốn sách giấy đầu tiên tôi đặt trực tiếp từ Nhà xuất bản Tự Do. Lựa chọn ban đầu của tôi không phải là vì nội dung của cuốn sách mà xuất phát từ sự tò mò cá nhân. Tôi muốn kiểm chứng những khó khăn trong việc đặt sách từ Nhà xuất bản Tự Do như một số người vẫn bàn tán.
Để tránh rắc rối không đáng có, tôi sử dụng một tài khoản ẩn danh để liên lạc với nhà xuất bản. Hai ngày sau, có người đến giao cho tôi một bọc túi nilon đen và nói đây là cuốn cẩm nang tôi đã đặt. Ngoài bưu phẩm không ghi nội dung hàng hóa, cũng không có địa chỉ người gửi – người nhận.
Cuốn cẩm nang gồm tám chương với các chủ đề: khởi nguồn của sự việc bắt giữ, chính sách của nhà nước với đối tượng bị bắt giữ, các điều luật cơ bản trong đấu tranh pháp lý, làm truyền thông, vận động trong nước và quốc tế, hoạt động bảo mật và kết thúc bằng mục thăm nuôi tù. Nội dung của cuốn sách thật sự vượt ra ngoài mong đợi của tôi.
Tất cả các chương được trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Tôi bắt đầu đọc một cách thật chậm với tâm thế thăm dò. Dần dần vô hình chung, tôi lại tự tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc của chính mình: chúng ta có đang thực sự tự do, vai trò quản lý của nhà nước, sự khác biệt giữa tuyên truyền và truyền thông là gì.
“Nếu bạn có người nhà (bố, mẹ, vợ, chồng, anh chị em, con, cháu…) bị công an bắt giữ và đánh đập, bị tống giam, mặc dù bạn biết chắc là người nhà bạn vô tội;
Nếu bạn có người nhà bị tù oan uổng, nhất là bị tù chỉ vì đã đi biểu tình hay đã viết gì đó trên mạng ta thán về chế độ;
Thì cuốn sách này đúng là dành cho bạn.”
Tác giả Đoan Trang đã giới thiệu cuốn sách của cô như vậy. Nhưng cá nhân tôi lại không nghĩ như thế. Sau khi đọc hết tám chương, tôi cho rằng đây là cuốn cẩm nang dành cho nhiều đối tượng độc giả, trong đó có những người như tôi – một nhân viên làm việc tại một tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nó giúp tôi tự trang bị cho mình chút kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng cần thiết để ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.
Đây cũng là một cuốn sách dành cho những người mới bắt đầu làm truyền thông, hoặc những người muốn tìm hiểu sơ bộ về hệ thống pháp luật của Việt Nam. Nó chỉ ra cho mọi người cái ranh giới giữa phạm pháp và phi pháp, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tự vệ và phản kháng. Đây chắc hẳn là cuốn sách cần có cho mỗi người.
Nếu bạn cũng giống như tôi, chấp thuận làm việc cho một tổ chức nước ngoài, bạn sẽ có những cuộc hẹn gặp ngẫu nhiên và định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước. Thông thường, các cuộc hẹn gặp sẽ chỉ được thông báo với bộ phận nhân sự của tổ chức 1-2 ngày, hoặc vài giờ trước đó.
Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam thuộc quyền quản lý của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (PACCOM- VUFO) từ cấp trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn phải khai báo nhân sự với Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Service Department for Diplomatic Corps). Hàng tháng, đơn vị này sẽ liên hệ với các tổ chức nước ngoài để cập nhật tình hình nhân sự, cũng như hẹn gặp ngẫu nhiên với nhân viên của tổ chức. Mục đích, theo lời họ, là để hiểu thêm về hoạt động cũng như có điều kiện quan tâm và hiểu hơn về công việc của cán bộ làm việc tại các tổ chức.
Những cuộc nói chuyện đó không có nội dung cụ thể. Câu chuyện thường xoay quanh công việc của bạn tại tổ chức bạn đang làm việc, về các mối quan hệ đối tác hoặc cá nhân của bạn, về người thân (bố, mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái…..) và nó được lặp đi lặp lại bằng các kỹ thuật đặt câu hỏi khác nhau.
Đây là một kỹ thuật phổ biến của cơ quan nhà nước để kiểm tra độ nhất quán trong các câu trả lời của bạn. Việc nhắm tới các đối tượng là người thân cũng chính là đánh vào tâm lý của bạn. Họ thường hỏi những câu như: Bố em là đảng viên à, bác còn sinh hoạt đảng sau khi nghỉ hưu không? Anh trai em làm quản giáo trại A à, có phải vừa được điều chuyển từ trại B về trại A không? Tổ chức bên em ngoài mảng C có mảng dự án nào về chính sách không?…
Ngay cả khi dự án của bạn đã được cấp phép tại địa phương, bạn vẫn không thoát khỏi vòng vây kiểm soát của chính quyền, đặc biệt là tại các địa bàn được coi là trọng điểm như khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc hay các tỉnh, thành phố có nhiều hoạt động tôn giáo.
Bất cứ khi nào dự án của bạn triển khai hoạt động tại địa phương, bạn sẽ được các đồng chí an ninh mặc thường phục tiếp đón và tháp tùng. Tôi từng có một vài trải nghiệm tương tự khi làm dự án tại tỉnh. Những cán bộ an ninh này đi theo đoàn mỗi ngày để yêu cầu chúng tôi trình bày về hoạt động của dự án. Có những ngày họ chỉ ngồi quan sát đoàn trong suốt thời gian chúng tôi triển khai hoạt động.
Chính vì vậy, bạn cần có một số kỹ năng trả lời câu hỏi cơ bản: trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ngắn gọn, súc tích, nhất quán, đặc biệt không cung cấp các thông tin thừa thãi. Bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, không nổi nóng, không tỏ ra khó chịu nếu họ chỉ đi theo bạn, có thái độ nhã nhặn lịch sự trong giao tiếp và bình tĩnh để trả lời hàng loạt các câu hỏi lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Các kỹ năng này được mô tả khá kỹ trong chương III của cuốn cẩm nang. Theo đó, cơ quan nhà nước luôn muốn biết tất cả thông tin về bạn. Họ có kỹ thuật thu thập thông tin cá nhân đặc thù. Chính bạn sẽ góp phần hỗ trợ họ hình thành một hồ sơ hoàn chỉnh về mình, bao gồm điểm mạnh điểm yếu, công việc, thói quen sinh hoạt và quan hệ cá nhân. Những thông tin này có thể được họ sử dụng bất cứ khi nào.
Nếu có người thân làm trong lực lượng an ninh, bạn cũng sẽ được chính người thân hỏi thăm về công việc mình đang làm theo công tác thẩm tra lý lịch của lực lượng công an (Thông tư 30-2009/TT BCA). Các câu hỏi sẽ xoay quanh nội dung gần đây bạn làm gì, ở đâu, gặp ai, đi công tác tỉnh nào, có công tác ngoài lãnh thổ Việt Nam không, thời gian bao lâu.v.v.
Bản thân tôi có nhiều kinh nghiệm gặp mặt với các cơ quan quản lý nhà nước nói trên, cũng như bị người thân trong gia đình đề nghị cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra lý lịch. Do đó, tôi khá quan tâm đến những gì được miêu tả trong chương này.
Đối với hoạt động truyền thông, tác giả Đoan Trang giới thiệu tới độc giả các khái niệm cơ bản về truyền thông, kỹ năng đưa tin, hình thức truyền tải nội dung. Trong đó, một nội dung quan trọng là giải đáp các câu hỏi cơ bản: ai cần làm truyền thông, truyền thông về vấn đề gì, thời điểm nào, ở đâu.
Những ai có thân nhân gặp cảnh tù oan hiển nhiên cần phải hiểu biết về cách làm truyền thông để hỗ trợ người thân của mình. Nhưng ngay cả khi chưa lâm vào hoàn cảnh đó, bạn vẫn sẽ học được nhiều điều có ích từ phần này. Ngoài việc học được các kỹ năng về truyền thông, bạn còn có thể nhận biết và phân biệt được truyền thông tự do và truyền thông bị kiểm duyệt.
Thực tế, không phải chỉ giới báo chí mới làm truyền thông. Tất cả chúng ta đều đang tham gia vào quá trình này một cách vô tình hay hữu ý, bắt đầu từ thao tác nhỏ nhất là đăng tải một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Theo quan sát chủ quan, tôi nhận thấy cơ quan nhà nước còn làm truyền thông nhiều và mạnh hơn cả người dân và các nhà hoạt động. Họ có ưu thế nắm quyền kiểm soát và kiểm duyệt các cơ quan truyền thông trong nước.
Trong vài lần trò chuyện với người bạn làm luật sư trong nước, tôi hiểu rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa giới luật sư – báo chí – chính quyền. Chính quyền là bậc thầy về truyền thông. Họ có nhiều kênh thông tin và thường kiểm duyệt nội dung trước khi phổ biến rộng rãi ra công chúng. Họ quyết định thời điểm đưa tin. Họ tự tạo ra một thế kiềng ba chân vững chắc trong lĩnh vực truyền thông pháp lý.
Giới truyền thông pháp lý vốn cần thông tin nên thường phải tiếp cận luật sư để có được thông tin trọng điểm, nhất là với các vụ án được dư luận quan tâm. Luật sư cần cung cấp thông tin cho truyền thông để nâng cao vai trò của mình trong vụ án, để định hướng và đưa ra những thông tin có lợi cho thân chủ mà họ đang bảo vệ. Nhà nước cần dựa trên căn cứ tư vấn pháp lý của luật sư và các kênh truyền thông để tuyên truyền về chính sách và bảo vệ chế độ.
Toàn bộ chương VII của cuốn cẩm nang cung cấp nhiều nội dung rất bổ ích giúp tôi trả lời một số câu hỏi, cũng như hóa giải những quan niệm sai lầm như “mình không làm việc gì sai, tại sao phải sợ?”, “mình không làm gì trái pháp luật, tại sao phải bảo mật?”, “không việc gì phải bảo mật, công an biết hết!” hay “đi đâu, làm công việc gì cũng nên báo với bố mẹ, người thân để mọi người đỡ lo lắng và đỡ ảnh hưởng tới gia đình”. Tác giả giải thích cặn kẽ lý do vì sao bảo mật thông tin cá nhân cũng chính là bảo vệ tự do và an toàn của mình, đặc biệt là khi chúng ta đang sống dưới chế độ công an trị.
Vậy cần bảo mật những gì? Tôi có phải khai báo đầy đủ công việc hiện tại đang làm với người thân của mình không? Tôi có không trung thực nếu không chia sẻ thông tin tới tất cả mọi người?
Theo tác giả, bảo mật cần được từ từ xây dựng bằng ý thức của mỗi cá nhân. Bảo mật có hai lĩnh vực chính là bảo mật vật lý và bảo mật thiết bị. Trong đó:
***
Việt Nam là một trong những quốc gia quản lý, cai trị xã hội theo kiểu độc tài, dù có cam kết với quốc tế qua một số văn kiện đã ký kết. Những cam kết đó chỉ là hình thức. Thực tiễn đã cho chúng ta thấy một khoảng trống lớn giữa cam kết và hành động của chính quyền. “Cẩm nang nuôi tù” là minh họa sinh động cho khoảng trống đó, với những nội dung lấy từ các câu chuyện hiện thực đã và đang xảy ra hàng ngày trên đất nước này.
Đối tượng độc giả của “Cẩm nang nuôi tù” không chỉ là thân nhân của những người tù. Cuốn sách còn có nhiều nội dung bổ ích cho những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước nói chung, các cơ quan an ninh và cảnh sát nói riêng. Họ là những người mắc kẹt hai đầu, giữa một bên là ràng buộc từ những quy định vô lý, và một bên là sự dằn vặt khi phải nhắm mắt làm theo sức ép của cấp trên. Ở khía cạnh nào đó, họ cũng chính là người cần được bảo vệ và cần có tự do tinh thần như những người khác.
Độc giả có thể tải miễn phí cuốn sách “Cẩm nang nuôi tù” của tác giả Phạm Đoan Trang tại đây.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.