‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trong một xã hội được xem là bảo thủ như Nhật Bản, những thay đổi thật sự đang diễn ra.
Vào ngày 17/3 vừa qua, cộng đồng LGBT Nhật Bản ăn mừng chiến thắng pháp lý đầu tiên sau nhiều năm đấu tranh đòi quyền được kết hôn hợp pháp.
Một thẩm phán quận tuyên bố việc chính phủ Nhật cấm hôn nhân đồng tính là vi hiến.
Đây là một phán quyết lịch sử, là chiến thắng biểu tượng cho chặng đường còn khá dài ở phía trước.
Đúng vào ngày Valentine năm 2019, 13 cặp đôi đồng tính ở Sapporo, Tokyo, Osaka và Nagoya đệ đơn kiện chính phủ Nhật Bản, đòi bồi thường cho những tổn thất tinh thần mà họ phải chịu do không được kết hôn hợp pháp.
Hôm thứ Tư 17/3, tòa án quận Sapporo là tòa án đầu tiên ra phán quyết trong chuỗi năm vụ kiện đồng thời này. Bên nguyên đơn là ba cặp đôi đồng tính. Họ yêu cầu chính phủ bồi thường mỗi người một triệu yên (khoảng 200 triệu VND).
Ngoài ra, vào tháng 9/2019, ba cặp đôi đồng tính khác cũng đệ đơn kiện tại Fukuoka. Kết quả của vụ kiện ở Sapporo có thể tác động đến tổng cộng bảy vụ kiện đang diễn ra của cộng đồng LGBT tại Nhật.
Truyền thông quốc tế đều nhận định phán quyết của tòa án quận Sapporo là chiến thắng lịch sử của phong trào ủng hộ quyền của người LGBT tại Nhật Bản. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý trong phán quyết:
Bên thưa kiện nói rằng việc không được kết hôn xâm phạm các nguyên tắc tự do và bình đẳng mà Hiến pháp trao cho mọi người Nhật.
Phía chính phủ nói rằng việc họ không công nhận hôn nhân đồng tính là không vi hiến. Họ lập luận rằng Hiến pháp không hề cân nhắc đến hôn nhân đồng giới, do đó việc các cặp đôi đồng tính ít được bảo vệ hơn các cặp đôi dị tính là điều tất nhiên.
Chính phủ cũng lập luận rằng luật pháp không hề cấm người đồng tính kết hôn với người có giới tính khác với mình, tức là họ đối xử với đồng tính cũng như dị tính, không có phân biệt.
Ngoài ra, phía chính phủ Nhật còn cho rằng hệ thống hôn nhân hiện tại là hợp lý, bởi vì nó phù hợp với mục đích cơ bản của hôn nhân, được đề cập trong Bộ luật Dân sự. Mục đích đó là bảo vệ việc sinh con và nuôi dạy con cái giữa vợ và chồng.
Phía nguyên đơn phản bác rằng hôn nhân không chỉ là để sinh đẻ mà còn nhằm xây dựng mối quan hệ thân mật gần gũi giữa những người bạn đời.
Thẩm phán Tomoko Takebe nghiêng về phía nguyên đơn với tuyên bố: “Cả những người đồng tính lẫn dị tính cần được hưởng những lợi ích hợp pháp từ việc kết hôn một cách công bằng”.
Tòa cho rằng xu hướng tính dục, giống như sắc tộc và giới tính, là điều tự nhiên mà ý muốn của con người không quyết định được. Do đó, họ phải được bảo vệ theo Điều 14 của Hiến pháp.
Điều này quy định:
“Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và sẽ không bị phân biệt đối xử trong các quan hệ chính trị, kinh tế hay xã hội vì lý do sắc tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay nguồn gốc gia đình”.
Không. Phán quyết này không làm thay đổi ngay lập tức hiện trạng luật pháp của Nhật Bản và các cặp đôi đồng tính vẫn chưa được đăng ký kết hôn.
Để đạt được điều này, theo bà Kanae Doi, giám đốc chi nhánh Nhật Bản của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), họ sẽ cần một phán quyết của Tòa án Tối cao, một việc có thể phải mất nhiều năm nữa.
Phương án thứ hai là Quốc hội Nhật Bản ra một luật mới công nhận hôn nhân đồng tính. Bà Doi nhận định rằng hiện tại đảng cầm quyền không có hứng thú với việc này.
Phương án thứ ba là sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, việc này rất phức tạp và khó xảy ra. Nỗ lực nhiều năm nhằm thay đổi Hiến pháp chỉ để chính thức công nhận một lực lượng quốc phòng của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã thất bại.
HRW cùng các tổ chức cổ súy quyền lợi cho người đồng tính đã lên tiếng kêu gọi Nhật Bản thông qua Đạo luật Quyền bình đẳng LGBT trước khi Olympics Tokyo 2021 dự kiến được diễn ra vào tháng Bảy năm nay.
Tuy vậy, đây vẫn là một chiến thắng biểu tượng cho các nhà hoạt động. Nó có thể tác động đến các vụ kiện khác và thúc đẩy tạo ra các cuộc thảo luận tại Quốc hội, từ đó thay đổi luật để cuối cùng cho phép hôn nhân đồng tính.
Mặc dù không được hợp pháp hóa, nhưng cả Hiến pháp lẫn Bộ luật Dân sự của Nhật Bản đều không cấm hôn nhân đồng tính.
Điều 24, Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Hôn nhân chỉ được dựa trên sự đồng thuận của cả hai giới và nó phải được duy trì thông qua sự kết hợp chung trên cơ sở là các quyền bình đẳng giữa vợ và chồng”.
Thẩm phán Takebe nói rằng chính phủ đã không vi phạm điều khoản này. Theo bà, điều luật này ám chỉ hôn nhân dị tính và không đề cập đến hôn nhân đồng tính.
Vậy Hiến pháp Nhật Bản không cấm và cũng không hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Lý giải về vấn đề này, chính phủ cho rằng vào lúc Hiến pháp Nhật Bản được soạn thảo (khi Thế chiến II vừa kết thúc), vấn đề hôn nhân đồng giới chưa nằm trong tầm nhìn của những người biên soạn Hiến pháp.
Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng Hiến pháp nhấn mạnh vào phần “đồng thuận” chứ không phải phần “hai giới”. Điều này là nhằm đảm bảo bình đẳng nam nữ, giải phóng phụ nữ khỏi các cuộc hôn nhân áp đặt từ bên thứ ba, ví dụ như theo sắp đặt của bố mẹ.
Kể từ khi được soạn ra sau Thế chiến II, Hiến pháp Nhật chưa từng được thay đổi.
Bộ luật Dân sự Nhật Bản cũng không cấm hôn nhân giữa người đồng giới, tuy nhiên có nhắc đến “vợ và chồng”, tức là ngầm hiểu rằng hôn nhân hợp pháp chỉ được công nhận giữa nam và nữ. Diễn giải luật theo hướng này khiến các cặp đôi đồng tính bị từ chối khi đi đăng ký kết hôn.
Pháp luật của Nhật Bản được coi là tương đối cấp tiến theo theo tiêu chuẩn châu Á. Tình dục đồng giới đã được hợp pháp ở Nhật từ năm 1880.
Tuy nhiên, áp lực của một xã hội bảo thủ vẫn đè nặng lên cộng đồng LGBT. Nhiều người vẫn không dám công khai xu hướng tình dục của mình vì e ngại phản ứng tiêu cực từ gia đình và xã hội. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong Nhóm bảy nước phát triển công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chưa hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.
Hiện tại ở châu Á, Đài Loan là nước duy nhất công nhận hôn nhân đồng tính, sau khi luật về hôn nhân đồng tính được thông qua vào tháng 5/2019.
Không được pháp luật công nhận, các cặp đôi đồng tính ở Nhật không được bảo đảm các quyền lợi như những đôi vợ chồng hợp pháp. Chẳng hạn, nếu không có di chúc, họ không được thừa kế tài sản của người bạn đời và không có quyền phụ huynh đối với con riêng của bạn đời.
Theo đơn kiện, ở một số quận, các cặp đồng tính còn bị loại khi đăng ký nhà ở xã hội. Họ cũng khó thuê nhà hơn do bị chủ nhà kỳ thị. Việc thăm viếng bạn đời nguy kịch trong bệnh viện cũng gặp khó khăn, khi theo pháp luật hiện hành, họ không được xem là gia đình hay thân nhân của người bệnh.
Ở những cặp đôi khác quốc tịch (người Nhật với người nước ngoài), ngay cả khi được thừa nhận kết hôn ở nước ngoài, người bạn đời nước ngoài vẫn không được chấp nhận visa hôn nhân để đến Nhật Bản.
Theo bà Kanae Doi (HRW), đã có trường hợp người đồng tính bị sa thải chỉ vì xu hướng giới tính của mình.
“Nhật Bản cực kỳ lạc hậu về công tác lập pháp cho người LGBT”, bà Doi nói.
Năm 2018, hãng quảng cáo Dentsu khảo sát 60.000 người trong độ tuổi từ 20 đến 59. Kết quả cho thấy 78% ủng hộ hôn nhân đồng tính. Trong cùng năm đó, chính phủ cũng tiến hành một cuộc khảo sát khác với 6.000 phụ nữ đã kết hôn. Kết quả là gần 70% ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Năm 2019, Dentsu lặp lại khảo sát. Kết quả có 78,6% ủng hộ hôn nhân đồng tính. Con số này ở những người trẻ trong độ tuổi 20 lên tới 87,3%.
Năm 2015, hai quận của Tokyo thông qua sắc lệnh cấp “chứng nhận hợp hôn” (partnership certificate) cho các cặp đôi đồng tính. Tuy không được đảm bảo trước pháp luật như giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận này cho phép các cặp đôi hưởng một số quyền lợi như vợ chồng, chẳng hạn được ký thỏa thuận thuê nhà chung và quyền thăm nom bạn đời tại bệnh viện.
Tính đến tháng 1/2021, 74 quận ở Nhật Bản đã chấp nhận cấp giấy chứng nhận hợp hôn cho người đồng tính.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng tỏ ra lo ngại việc thiếu công bằng hôn nhân với người đồng tính khiến họ đánh mất nhân tài. Tập đoàn Panasonic, cùng với 60 tổ chức doanh nghiệp quốc tế khác, đã lên tiếng ủng hộ một bức thư của Phòng Thương Mại Mỹ ở Nhật. Bức thư cảnh báo chính phủ Nhật rằng việc thiếu công bằng trong quyền lợi hợp pháp giữa các cặp đồng tính và dị tính khiến cho Nhật Bản là một lựa chọn kém hấp dẫn hơn đối với các cặp đôi LGBT, so với các nước cũng đang có nhu cầu thu hút tài năng tương tự.
Tóm lại, câu hỏi về hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Nhật Bản căn bản đã trở thành một vấn đề chính trị, theo tờ Nikkei Asia. Phần lớn dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, còn các chính trị gia vẫn đang cẩn trọng chưa muốn thay đổi hiện trạng.
Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato nói rằng chính phủ Nhật không đồng tình với phán quyết của Tòa án quận Sapporo ở Hokkaido. Ông cho biết chính phủ đang hướng tới việc đạt được một xã hội khoan dung hơn đối với những người khác biệt.
Nhưng ông không nói rõ chính phủ sẽ làm gì sau phán quyết này, chỉ cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các phán quyết tiếp theo.
Năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội rằng việc thay đổi Hiến pháp để cho phép hôn nhân đồng tính sẽ cần “cân nhắc cực kỳ thận trọng”, bởi vì Hiến pháp không dự tính vấn đề hôn nhân đồng giới.
Các phán quyết tiếp theo của chuỗi vụ kiện tương tự được trông đợi là sẽ có cùng kết quả với vụ này.
Dù được cho là chiến thắng, luật sư đại diện cho bên nguyên đơn cho hay họ vẫn sẽ kháng cáo, bởi vì Thẩm phán Takebe không bắt chính quyền Nhật chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà thân chủ họ phải chịu.
“Chúng ta cần làm rõ rằng Quốc hội đã bỏ ngỏ tình trạng vi hiến này bằng việc phớt lờ trách nhiệm lập pháp của họ. Chúng ta phải bắt họ hành động ngay lập tức”, trích trong tuyên bố của các luật sư.