Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Những gì đang xảy ra tại Myanmar là một tình huống kinh điển cho việc can thiệp nhân đạo.
Thiệt hại nhân mạng, việc quân đội xem thường tính mạng của người dân và tính chính danh của một chính quyền đảo chính, tất cả trộn lẫn tại Myanmar khiến cho người viết không thể không nghĩ đến một khái niệm pháp lý khét tiếng trong công pháp quốc tế: can thiệp nhân đạo (humanitarian intervention).
Can thiệp nhân đạo là một chủ đề nghiên cứu lớn. Giới học giả, luật sư quốc tế, các viện nghiên cứu cũng như các quốc gia trên thế giới đã tiêu tốn bốn thập niên để hình thành, xây dựng, thảo luận và đến nay vẫn còn tiếp tục tranh cãi về nó.
Bài viết này sẽ không thể cho bạn đọc một câu trả lời trắng đen rõ ràng về cơ sở pháp lý của can thiệp nhân đạo, hay trình bày đầy đủ lý lẽ để áp dụng hay không áp dụng chúng. Bài viết cũng không nhằm cổ vũ hay khuyến khích việc áp dụng can thiệp nhân đạo tại Myanmar.
Tuy nhiên, trên phương diện khoa học pháp lý của công pháp quốc tế, những gì đang xảy ra tại Myanmar có thể xem là một tình huống sách giáo khoa (textbook case), tức đã đầy đủ các tiêu chuẩn để áp dụng “humanitarian intervention”. Dưới đây là một số thuật ngữ pháp lý tiếng Anh trong ngữ cảnh nghiên cứu liên quan đến khái niệm này để bạn đọc tham khảo.
Can thiệp nhân đạo là bài toán giữa chủ quyền quốc gia (sovereignty) hay quyền quốc gia (state rights) với quyền lợi và sự phát triển của nhân loại (humanity) hay quyền con người nói chung (human rights). Như vậy, dựa trên danh nghĩa “humanity”, một quốc gia (state), một liên minh quốc gia (coalition of state) hoặc tổ chức quốc tế (international organisation) sẽ chủ động can thiệp vào công việc nội bộ (internal affair) của một quốc gia nhất định.
Vậy cơ sở để các quốc gia này tiến hành “humanitarian intervention” được diễn giải cụ thể ra sao? Chúng ta có thể chia các cơ sở ra làm hai nhóm điều kiện.
Đầu tiên là điều kiện khách quan, tức có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, gây ảnh hưởng cơ bản đến đời sống và quyền lợi của chính công dân quốc gia đó. Điều kiện này thường được diễn tả với các thuật ngữ như “gross violation of human rights”, “serious breach of human rights” hay “systematic violations of human rights”.
Không quá khó để chứng minh những vi phạm nói trên đang xảy ra. Các hành vi như giết hại hoặc đàn áp một cách có tổ chức nhắm đến người biểu tình (systematic murdering or persecution), cưỡng bức trục xuất (forced expulsion), thanh lọc sắc tộc (ethnic cleansing) hay nghiêm trọng nhất, diệt chủng (genocide) đều là những hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng, có thể được cộng đồng quốc tế quan sát, thu thập được bằng chứng rõ ràng.
Điều kiện thứ hai quan trọng không kém điều kiện đầu tiên nhưng lại khó chứng minh hơn, đó là mục tiêu và ý thức của chính phủ đương nhiệm đại diện quốc gia đó (incumbent government).
Có hai trường hợp có thể xảy ra.
Hoặc là họ không có khả năng bảo vệ người dân của đất nước mình (incapable to protect its own people). Hoàn cảnh này có thể xảy ra khi chính quyền trung ương không còn quản lý hiệu quả một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia (ineffective government), và vì vậy, trật tự dân sự (civil order) của quốc gia không còn. Trong bối cảnh này, các nhóm quân sự (military group) hoặc các lãnh chúa quân sự (warlord) thường là nhóm thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chúng ta nhắc đến ở trên.
Trường hợp thứ hai là bản thân chính phủ đương nhiệm chủ động đàn áp (deliberately and actively persecuting its people). Chủ động ở đây bao hàm cả các hành vi hoàn toàn gián tiếp như xúi giục (instigating), tạo điều kiện (facilitating) và phớt lờ (ignoring) các hành vi vi phạm nhân quyền của các nhóm dưới quyền của mình.
Cách hiểu về “humanitarian intervention” phổ biến nhất là liên quan đến các hành vi quân sự (military action). Một số học giả đề nghị bao hàm cả trừng phạt kinh tế lên chính phủ (economic sanction) trong nhóm can thiệp nhân đạo, tuy nhiên cách tiếp cận này vẫn chưa quá phổ biến. Trở lại với “military action”, chúng ta lại có thể dùng các thuật ngữ khác nhau để mô tả chúng.
Trước tiên là các hành vi quân sự đơn phương và không được ủy quyền (unilateral and unauthorised) . Các hành vi quân sự đơn phương, hiểu đơn giản, do một hoặc một nhóm các quốc gia thực hiện mà không có sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế. Còn khi dùng thuật ngữ không được ủy quyền (unauthorised), chúng ta lại muốn nhấn mạnh một hành vi quân sự không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Security Council) trực tiếp cho phép, thông qua nghị quyết của mình. Với cách hiểu này, “unilateral” và “unauthorised” sẽ thường đi cùng nhau.
Trái ngược với nhóm hành vi ở trên là các hoạt động quân sự được sự cho phép của Hội đồng Bảo an. Trong bối cảnh này, thuật ngữ “peacekeeping”, hay gìn giữ hòa bình, phổ biến hơn cả.
Quan sát bên ngoài thì có vẻ rất rõ ràng là nhóm hành vi quân sự “unilateral” và “unauthorised” là vi phạm pháp luật quốc tế, không được hoan nghênh, còn “peacekeeping” mới là chuẩn mực của “humanitarian intervention”.
Vấn đề là, khi cần thì Liên Hiệp Quốc lẫn Hội đồng Bảo an lại hay… lảng tránh.
Ví dụ như cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Đó là trường hợp cộng đồng quốc tế nhìn thấy trước, Hội đồng Bảo an đã được cảnh báo trước về khả năng diệt chủng người Tutsi của chính quyền Hutu, tuy nhiên cuối cùng vẫn không có hành động ngăn chặn nào được đưa ra. Nó cho thấy các yếu tố chính trị và tính quan liêu của Liên Hiệp Quốc là một vấn đề lớn, làm giảm hiệu quả hoạt động của tổ chức này.
Việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể đưa ra một nghị quyết đàng hoàng về tình trạng tại Myanmar (với Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Nga ngáng đường) cho thấy rõ sự bất lực này.
Trong khi đó, những “military intervention” không được ủy quyền lại có hiệu quả hơn hẳn. Can thiệp quân sự của NATO vào nạn thanh lọc sắc tộc và diệt chủng tại Yugoslavia (Nam Tư cũ), nội chiến Serbia hay kể cả tại Kosovo đều ngăn chặn các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống, chí ít là khiến chúng không tồi tệ hơn.
Trong bốn thập niên tranh cãi, tính từ đầu những năm 1970, “humanitarian intervention” có một lịch sử khá dày dặn dù luôn vấp phải các phản đối về lý thuyết lẫn thực tiễn. Cũng cần lưu ý rằng không phải chỉ có những có ông lớn trong quan hệ quốc tế mới vận dụng khái niệm này.
Ấn Độ từng sử dụng can thiệp nhân đạo để hỗ trợ người dân Bangladesh trong cuộc chiến giành độc lập trước Pakistan (Bangladesh Liberation War). Tanzania từng can thiệp nhân đạo vào Uganda và từ đó lật đổ lãnh đạo độc tài Idi Amin. Việt Nam cũng đã từng viện dẫn “humanitarian intervention” để can thiệp vào nội bộ Campuchia, đánh đổ lực lượng Khmer Đỏ vào năm 1978, và chiếm đóng quốc gia này tròm trèm mười năm (military occupation).
Như kỳ vọng, tất cả những cuộc can thiệp này đều được xem là vi phạm pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, chúng có cần thiết hay không, như trong trường hợp Việt Nam can thiệp vào chế độ diệt chủng Campuchia, thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Thập niên 1990 thường được gọi là thập niên của can thiệp nhân đạo (decade of humanitarian intervention), một phần vì Liên Xô sụp đổ và trật tự thế giới có phần nghiêng về các lý tưởng cấp tiến của phương Tây. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ cùng các quốc gia đồng minh châu Âu đều có thiện chí và sẵn sàng vận dụng can thiệp quân sự khi tình hình nhân đạo tại một lãnh thổ xấu đi.
Hoa Kỳ từng được Hội đồng Bảo an chấp thuận để can thiệp vào Somalia vào năm 1992 để bảo vệ các nguồn cung ứng viện trợ nhân đạo (humanitarian aid) của Liên Hiệp Quốc tại khu vực. Vương quốc Anh từng thay mặt Liên Hiệp Quốc lập vùng cấm bay (no-fly zone) cũng như gìn giữ hòa bình tại Sierra Leone vào năm 2000 để bảo vệ thường dân khỏi hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng nổi loạn (rebel forces).