Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không bạc nhược, mà là học theo truyền thống cha ông?
Cáo buộc về sự “bạc nhược” của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc luôn chiếm một phần quan trọng trong hầu hết các thảo luận về mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, các học giả nhà nước lại không xem đó là “bạc nhược”. Theo họ, đó là những tính toán chính trị hợp lý, cân nhắc địa chính trị và kinh tế xã hội đương đại, cùng những đúc kết từ hàng ngàn năm Bắc thuộc.
Thông qua nghiên cứu “Vietnam: riding the Chinese tide” (Việt Nam: lướt trên ngọn sóng Trung Hoa), Tiến sĩ Đỗ Thanh Hải thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã trình bày một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ và thú vị về những luận điểm của các học giả nhà nước liên quan đến mối quan hệ Việt – Trung. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Pacific Review năm 2017.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Hải mở đầu nghiên cứu bằng việc khẳng định Trung Quốc luôn là mối đe dọa dễ hình dung nhất trong lịch sử Việt Nam. Tác giả dùng bốn tiêu chuẩn về rủi ro trong quan hệ quốc tế bao gồm: sức mạnh tổng hợp (aggregate power), sức mạnh công kích (offensive power), sự gần gũi về địa lý (geographic proximity) và ý định gây hấn (aggressive intentions).
Đến tận ngày nay, Trung Quốc luôn hội tụ mọi yếu tố cần có để trở thành mối rủi ro chính trị – đối ngoại thường trực mà Việt Nam phải đối mặt trong tương lai dài hạn. Điều này càng đặc biệt đúng khi thế lực kinh tế cùng với tiềm lực quân sự nói chung và hải quân nói riêng của Trung Quốc dần được khẳng định và kiểm chứng.
Vậy điều gì khiến cho giới lãnh đạo Việt Nam không quá lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa “dĩ Hoa vi trung” như nhiều học giả phương Tây?
Tác giả Hải cho rằng, dù Trung Quốc xuất hiện nổi bật trong lịch sử Việt Nam trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, quan hệ hai nước đã trải qua hàng thế kỷ hòa bình. Ông phân tích rõ thêm, trong hơn hai thiên niên kỷ tồn tại, người láng giềng phương Bắc chỉ có ý định xâm lược Việt Nam trên dưới chín lần. Ông có vẻ cho rằng đây là một con số thấp ấn tượng nếu so với sự ổn định bang giao giữa hai đế chế phong kiến Nam – Bắc.
Chính vì lẽ này, chính quyền Việt Nam hiện đại hóa quân đội nhưng không sa lầy vào chạy đua vũ trang; đẩy mạnh đa phương hóa tranh chấp nhưng không rơi vào “vòng tay” của các thế lực khác để kìm hãm sự phát triển của người bạn láng giềng.
Tác giả lập luận rằng, sự trỗi dậy và lớn mạnh của Trung Quốc có lợi cho Việt Nam ở nhiều góc độ.
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục có thể là một hình mẫu phát triển theo tiêu chuẩn cộng sản được kiểm chứng quốc tế cho Việt Nam. Thứ hai, một Trung Quốc giàu mạnh chắc chắn sẽ đi kèm với hàng loạt cơ hội làm ăn cho người láng giềng kề cận phương Nam với môi trường văn hóa – chính trị – xã hội tương đồng.
Từ đó, tác giả khẳng định Hà Nội hoàn toàn chính xác khi không cố gắng thách thức sức mạnh lẫn sự phát triển của Trung Quốc. Phương pháp lâu dài hơn là tận dụng mối quan hệ bất bình đẳng không thể xóa bỏ giữa Trung Quốc và Việt Nam để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam theo cách tốt nhất có thể.
“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” (cooperation cum struggle) nổi lên thành một trong những nguyên tắc chủ đạo của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nguyên tắc này được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trước Quốc hội vào tháng 11/2014.
Tác giả Hải cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy chính quyền Việt Nam sẽ không bao giờ bỏ qua lựa chọn thỏa hiệp và hợp tác ngay cả trong thời điểm ngoại giao căng thẳng nhất giữa hai quốc gia.
Ông ghi nhận, Việt Nam đã rất cương quyết giữ vững lập trường khi giàn khoan Hải Dương 981 tiến vào vùng biển Việt Nam. Nhưng khi Bắc Kinh rút giàn khoan, cũng chính Hà Nội đã không ngần ngại gửi quan chức cấp cao sang để đối thoại và hàn gắn mối quan hệ rạn nứt.
Hành động này có thể khiến các nhà quan sát quốc tế bất ngờ, cũng như khiến người dân Việt Nam tức giận. Song theo tác giả, đây là lối ngoại giao truyền thống giúp Việt Nam tồn tại cạnh Trung Quốc suốt hàng ngàn năm.
Ông khẳng định, dù các hoàng triều Việt Nam chiến thắng quân phương Bắc trong hầu hết các xung đột trong lịch sử, bên chiến thắng mới là bên phải cử sứ thần sang chầu bên thua trận để bày tỏ sự ngưỡng mộ với thiên triều, cũng như đề nghị được công nhận và nối lại mối quan hệ triều cống (tributary system).
Logic của loại chiến lược vốn trở thành phong tục này là người Việt Nam, hoặc chí ít là giới chóp bu của Việt Nam, luôn xem quyền lực của Trung Quốc là thứ quyền lực về bản chất, quyền lực tự nhiên. Tác giả phân tích, miễn là thiên triều đứng ngoài nền chính trị nội bộ của Việt Nam, chính quyền Việt Nam tự cổ chí kim ít ai dám từ chối nhận mình là một tiểu quốc, một chư hầu của Thiên hoàng Trung Hoa (Chinese Celestial Emperor).
Đó là lý do các lãnh đạo phong kiến Việt Nam luôn khiêm nhường nhận mình là “Vương” (King) trong giấy tờ liên lạc với Trung Quốc, nhưng vẫn tự nhận mình là “Hoàng đế” (Emperor) khi có chiếu dụ trong quốc gia hoặc liên lạc với vương quyền khác trong Đông Nam Á.
Một nhận định thú vị khác của tác giả là việc cho rằng chính quyền Việt Nam luôn lo lắng và theo dõi rất sát sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ bị gặm nhấm bởi ám ảnh của “cuộc chiến chống khủng bố” (War on Terror).
Vào đầu những năm 1990, không quốc gia nào ở Đông Nam Á có thiện cảm với Trung Quốc. Trung Quốc luôn được xem là mối đe dọa tiềm tàng.
Tuy nhiên, sau 10 năm kể từ khi kênh đối thoại Trung Quốc – ASEAN được thành lập (China – ASEAN Dialogue), Trung Quốc đã chủ động tổ chức và vận hành hơn 27 cơ chế hợp tác khác nhau với ASEAN. Trong cùng thời điểm, chỉ có bảy cơ chế hợp tác Hoa Kỳ – ASEAN đang hoạt động. Sự quan tâm nồng thắm của Trung Quốc với Đông Nam Á rõ ràng vượt trội những gì mà anh chàng đại cường đến từ Bắc Mỹ thể hiện.
Vì lý do này, trong lúc quân đội Hoa Kỳ gây thất vọng với nhiều đồng minh với xung đột không hồi kết tại Afghanistan và Iraq, hầu hết các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Việt Nam) dần không còn ngờ vực sự trỗi dậy của Trung Quốc, thậm chí cho rằng đó là chuyện hiển nhiên. Từ đó, Trung Quốc trở thành một đối tác tin cậy của khu vực.
Đặc biệt, tác giả cho rằng chính Hà Nội là người đã nhắc nhở chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, thông qua đại sứ quán tại Việt Nam, rằng Trung Quốc đang tăng cường hoạt động hành lang ở Đông Nam Á.
Cũng chính Hà Nội đã nhận ra rằng chiến lược thâm nhập sâu của Trung Quốc vào nội bộ ASEAN không chỉ là chủ động (active), mà là hung hăng (aggressive).
Từ đó, các nhà ngoại giao Việt Nam chỉ ra rằng, nếu Hoa Kỳ không có biện pháp phù hợp và có đường lối ngoại giao mềm mỏng hơn (liên quan đến các vấn đề như dân chủ ở Myanmar), ảnh hưởng của Trung Quốc tại ASEAN sẽ gây hệ quả nghiêm trọng đến tính thống nhất và hiện trạng chính trị của toàn khối.
Qua ngôn ngữ và lập luận của Tiến sĩ Hải, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất nhận thức được sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với tương lai của ASEAN và bình ổn của Biển Đông. Song không ai nghe họ.
***
Bị đẩy vào thế đã rồi, chính quyền Hà Nội không còn cách nào khác là tận dụng những gì họ có để đảm bảo rằng sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam không bị xâm hại, cùng lúc đó không tạo nên bất kỳ căng thẳng nào giúp Trung Quốc có thể viện dẫn đến quyền sử dụng vũ lực quân sự của họ.
Tác giả khẳng định Hà Nội đã chủ động “thoát Trung” về mặt kinh tế với hàng loạt hiệp định, gồm 15 hiệp định đối tác và 10 hiệp định đối tác toàn diện với tất cả những quốc gia Việt Nam cho rằng có tầm ảnh hưởng quan trọng với an ninh kinh tế – chính trị của mình.
Qua lăng kính của những tác giả như Tiến sĩ Hải, chính quyền Việt Nam hiện lên vô cùng khôn khéo và thành công trong mối quan hệ với Trung Quốc.